Giai đoạn tâm lý tính dục là lý thuyết của nhà phân tâm học Sigmund Freud (1856 - 1939) để giải thích cách thức phát triển nhân cách qua các giai đoạn.
Theo S. Freud, nhân cách mỗi người phải trải qua 5 giai đoạn phát triển tâm lý tính dục. Đó là các giai đoạn miệng, hậu môn, phallic, tiềm ẩn và sinh dục. Mỗi giai đoạn này được gắn với một vùng kích thích tình dục (erogenous) cụ thể trên cơ thể người. Nếu các giai đoạn phát triển đó diễn ra thuận lợi, thì nhân cách phát triển bình thường, khỏe mạnh về tâm hồn, ổn định về tinh thần. Ngược lại, nếu đứa trẻ vì lý do nào đó không vượt qua được các giai đoạn phát triển một cách bình thường, thì sẽ xảy ra hiện tượng “cố định” (fixation) trên vùng erogenous tương ứng, ảnh hưởng đến kiểu nhân cách sau này của trẻ.
Giai đoạn miệng, từ sơ sinh đến 1,5 tuổi: Ở giai đoạn này, trẻ tập trung vào khoái cảm bằng miệng, đặc biệt là mút tay, vì điều này khiến trẻ cảm thấy thoải mái và tin tưởng. Nếu trong giai đoạn này, nhu cầu của bé được đáp ứng quá mức hoặc ngược lại, không đủ, ở trẻ sơ sinh sẽ hình thành một “fixation” về các hình thức hành vi bằng miệng. Theo S. Freud, những người thuộc loại này có tính cách cả tin, phụ thuộc hoặc hay gây hấn, thích nhậu nhẹt, ăn uống, hút thuốc, hay cắn móng tay.
Giai đoạn hậu môn, từ 1,5 - 3 tuổi: Ở giai đoạn này, đứa trẻ hoàn toàn tập trung vào việc quản lý bàng quang, ruột và nhận được sự hài lòng từ sự kiểm soát đối với hoạt động của chúng. Theo S. Freud, thành công ở giai đoạn này phụ thuộc vào cách cha mẹ hình thành hành vi vệ sinh cá nhân cho con mình thế nào. Cách dạy đúng đắn của cha mẹ trong giai đoạn này là cơ sở tin cậy để trẻ trở thành người có năng lực, hiệu quả và sáng tạo, chững chạc. Theo S. Freud, nếu cha mẹ dạy điều này với sự khoan dung quá mức sẽ dẫn đến sự hình thành nhân cách có khuynh hướng phá hoại và thái độ lãng phí trong cuộc sống. Còn nếu cha mẹ quá nghiêm khắc hoặc buộc trẻ phải trải qua giai đoạn huấn luyện đi vệ sinh quá nhanh, thì khi trưởng thành, rất có thể trẻ là người cầu toàn, ngăn nắp, nghiêm khắc.
Giai đoạn phallic, từ 3 - 6 tuổi: Ở giai đoạn này năng lượng tình dục (libido) tập trung chính ở bộ phận sinh dục. Khi đó, đứa trẻ bắt đầu khám phá sự khác biệt giữa nam và nữ. Bé trai bắt đầu xem cha mình như đối thủ giành lấy sự yêu thương từ mẹ. Tuy nhiên, đứa trẻ cũng lo sợ rằng nó sẽ bị cha trừng phạt vì những cảm xúc đó. S. Freud gọi nỗi sợ này là sợ hãi thiến hoạn (castration anxiety). Thuật ngữ phức cảm electra được sử dụng để mô tả các cảm xúc tương tự nhưng ở trẻ gái. Tuy nhiên, thay vào đó, S. Freud lại tin rằng trẻ gái sẽ trải qua sự đố kỵ dương vật (penis envy). Cuối cùng, đứa trẻ bắt đầu đồng nhất hóa (identify) với người phụ huynh cùng giới như một cách gián tiếp sở hữu người kia. Đối với bé gái, S. Freud lại tin rằng sự đố kỵ dương vật sẽ không bao giờ hoàn toàn mất đi và phụ nữ phần nhiều bị “fixation” tại giai đoạn này.
Giai đoạn tiềm ẩn, từ 6 tuổi đến tuổi dậy thì: Ở giai đoạn này, ham muốn tình dục của trẻ em bị ức chế, do vậy, năng lượng tình dục hướng đến các mục tiêu khác, chẳng hạn như tương tác xã hội hoặc hoạt động trí tuệ. Trong thời kỳ này, trẻ em chủ yếu chơi với nhau thuộc cùng giới tính; không có sự phát triển hoặc “fixation” tâm lý tình dục xảy ra tại thời điểm này.
Giai đoạn bộ phận sinh dục, từ tuổi dậy thì đến tuổi trưởng thành: Ở giai đoạn này, ham muốn tình dục và sự quan tâm đến người khác giới bùng lên mạnh mẽ. Nếu tất cả các giai đoạn trước diễn ra thành công, khoái cảm tình dục được tập trung vào bộ phận sinh dục. Trong trường hợp có “fixation” ở giai đoạn này, người đó có thể phát triển bình thường về tình dục.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
- Money J., The science of sex, gender difference and pair-honding, Baltimor - London, 1980.
- Freud, Sigmund, On Sexuality: Three Essays on the Theory of Sexuality and Other Works, Penguin Books, Limited, 1991.
- Reiss I. L., Sexual pluralism: Ending America's sexual crisis//SIECUS Report, 1991, pp. 5 - 9.
- Lippa R. A., The preferred traits of mates in a cross-national study of heterosexual and homosexual men and women: an examination of biological and cultural influences//Archives of Sexual Behavior, 2007.