Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Giai đoạn phát triển hành vi ở trẻ

Giai đoạn phát triển hành vi ở trẻ là sự phát triển hành vi của trẻ như một quá trình tăng trưởng và phát triển về mặt sinh lý, tâm lý diễn ra theo giai đoạn từ khi thụ thai đến lúc trưởng thành. Trong mỗi giai đoạn lứa tuổi lại được chia thành các giai đoạn nhỏ hơn và đi cùng với đó là những đặc điểm tương ứng của trẻ theo các lĩnh vực như kỹ năng vận động, nhận thức (suy nghĩ) và nhân cách, bao gồm cả đặc điểm sinh lý và đặc điểm tâm lý.

Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra những quy luật cơ bản của tất cả các quá trình phát triển tâm lý cá thể. Những quy luật này chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền (heredity), khủng hoảng phát triển (critical), phát triển thuận (sensitive) và sự trưởng thành (maturation). Có thể kể đến các nhà tâm lý học nổi tiếng thế giới đã tạo nên hướng tiếp cận nghiên cứu phát triển tâm lý theo giai đoạn, gồm: Arnold Gesell, Jean Piaget, Eric Erickson, Sigmund Freud, Lawrence Kolberg và nhiều người khác. Mỗi nhà khoa học dựa trên quan điểm của mình đã đưa ra một cách chia các giai đoạn phát triển tâm lý trẻ khác nhau, cụ thể:

Quan điểm của Arnold Gesell[sửa]

Arnold Gesell (1880 - 1961) - Nhà tâm lý học người Mỹ, chuyên gia tâm lý học phát triển, tâm lý trẻ em và gia đình đưa ra quan niệm phát triển là quá trình trưởng thành. Quá trình sinh trưởng và phát triển của một đứa trẻ được quyết định bởi cả các yếu tố bên trong và bên ngoài. Các yếu tố bên trong bao gồm di truyền, tính khí, tính cách, phong cách học tập, cũng như sự phát triển về thể chất và tinh thần. Đồng thời, sự phát triển cũng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như môi trường, nền tảng gia đình, phong cách nuôi dạy con cái, ảnh hưởng văn hóa, điều kiện sức khỏe và trải nghiệm ban đầu với bạn bè đồng trang lứa và người lớn. Di truyền là yếu tố phát triển quan trọng nhất. Trong giai đoạn phát triển trước khi sinh, các cơ chế bên trong của quá trình trưởng thành cung cấp sự hình thành nhất định của các cấu trúc và hành động bên trong, các yếu tố bên ngoài (môi trường) không có tác động đáng kể đến sự phát triển. Trong giai đoạn sau khi sinh, đứa trẻ được sống trong một môi trường xã hội hoàn toàn khác, không chỉ đáp ứng nhu cầu thể chất mà còn khuyến khích chúng cư xử theo một cách nhất định. Các ảnh hưởng từ môi trường hoạt động là tích cực khi chúng trùng với các quá trình phấn chín bên trong.

Quan điểm của Jean Piaget[sửa]

Jean Piaget (1896 - 1980) nhà tâm lý học và triết học người Thụy Sĩ cho rằng trí tuệ của trẻ có đặc trưng riêng, khác biệt về chất, độc đáo và đặc biệt về tính chất của nó so với tư duy người lớn. Sự phát triển của trí tuệ diễn ra do quá trình thích nghi của chủ thể với môi trường. Thiết lập cân bằng với môi trường là mục tiêu chính của cá nhân. Nguồn gốc của nhận thức là hoạt động của chủ thể nhằm khôi phục cân bằng cơ thể với môi trường thông qua hai quá trình có hướng đối lập nhau - đồng hóa và điều ứng (Assimilation - Accomdation). Sự trưởng thành về mặt sinh học của chủ thể không có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của cá nhân, nó chỉ tạo tiền đề cho sự phát triển. Sự phát triển các cấu trúc của trí tuệ chủ yếu diễn ra trong quá trình xã hội hóa nhân cách. Kinh nghiệm hoạt động của cá nhân được lưu trữ dưới dạng một sơ đồ hành động, tại một thời điểm nhất định trong quá trình phát triển của trẻ được chuyển thành hoạt động. Các hoạt động là những hành động tâm lý được kết hợp với nhau với các hành động khác tạo thành hệ thống. Khi đó thao tác có được tính đảo ngược để duy trì các thuộc tính cơ bản của một đối tượng. Quá trình phát triển trí tuệ của trẻ trải qua 4 giai đoạn kế tiếp nhau:

  1. Giai đoạn cảm giác - vận động (từ 0 đến 2 tuổi): là giai đoạn trẻ nhận biết thế giới thông qua sự phối hợp cảm giác và vận động, gồm các giai đoạn nhỏ: Lập lại các hành vi tình cờ (lúc sinh - 8 tháng): các hoạt động ban đầu có hình thức phản xạ, tuy nhiên trẻ cũng bắt đầu biết lập lại hành vi có chủ ý với các kích thích sờ mó/âm thanh/hình ảnh; Hành vi chủ ý (8 - 18 tháng): bắt đầu biết giải quyết vấn đề, ví dụ, phát hiện một đồ chơi bị dấu đi; bắt chước các hành động của người lớn; thử các cách khác nhau để đạt được kết quả; tạo các bức tranh ở não về đồ vật, người, nơi chốn và các khái niệm bằng cách nhóm các vật/sự kiện giống nhau lại với nhau; thử các hành động “ở trong đầu” thay vì chỉ cố gắng làm và sửa sai. Trong 2 năm đầu đời, trẻ học hỏi thông qua các hoạt động: quan sát, va chạm, ngậm mút. Cơ bản thì ở thời kỳ này trẻ chưa hiểu được nguyên nhân, ảnh hưởng của những mối quan hệ;
  2. Giai đoạn tiền thao tác cụ thể (từ 2 đến 7 tuổi): Lúc này trẻ đã có thể nhận biết thế giới qua các biểu tượng; trẻ biết sử dụng vật này thay thế vật kia; trẻ đã phát triển ngôn ngữ và “chơi giả đò”. Giai đoạn này trẻ biết sử dụng ngôn ngữ, biểu tượng, bao gồm chữ cái và con số. Sự duy kỷ (Egocentric) là quá trình phát triển rõ ràng trong giai đoạn này;
  3. Giai đoạn thao tác cụ thể (từ 7 tuổi đến 11 tuổi): Trẻ có thể hiểu được thế giới theo cách lý luận hơn là tri giác đơn giản thông qua các ý niệm về đối tượng bên ngoài. Suy luận trở nên hợp lý hơn. Hiểu các câu chuyện. Có thể phân loại đồ vật. Chúng hiểu hơn về nguyên nhân, sự ảnh hưởng của những mối quan hệ. Tư duy ở giai đoạn này cũng cụ thể hơn;
  4. Giai đoạn thao tác chính thức (11 đến 15 tuổi): Trong thời kỳ này, trẻ có khả năng khái quát hóa các ý tưởng và cấu trúc các điều trừu tượng. Khả năng logic, suy diễn, so sánh, phân loại phát triển hơn. Chúng có khả năng đưa ra kết luận từ những giả thuyết hơn là dựa hoàn toàn vào quan sát thực tế. Trí tuệ đứa trẻ đã đạt mức phát triển tương đối hoàn chỉnh.

Quan điểm của Erik Erikson[sửa]

Erik Erikson (1902 - 1994) nhà tâm lý học người Đức viết cuốn sách nổi tiếng “Tuổi thơ và xã hội”, trong đó, E. Erickson trình bày lý thuyết nổi tiếng về sự phát triển nhân cách của mình. Nội dung chính của lý thuyết đó cho rằng phát triển nhân cách diễn ra trong suốt cuộc đời một con người với 8 giai đoạn kế tiếp nhau. Mỗi giai đoạn được đặc trưng bởi một dạng khủng hoảng tâm lý xã hội xuất phát từ sự xung đột giữa nhu cầu của cá nhân và yêu cầu của xã hội. Nếu khủng hoảng này được giải quyết sẽ là tiền đề cho sự phát triển trong giai đoạn tiếp theo. Ngược lại, nếu con người thất bại trong việc giải quyết xung đột đó thì sẽ gây nên những rối loạn phát triển trong các giai đoạn sau. Với phát triển tâm lý ở trẻ, ông chia thành 8 giai đoạn, mỗi giai đoạn có xung đột xã hội hoặc khủng hoảng cụ thể như sau:

  1. Giai đoạn 1 (từ 0 - 1 tuổi): Niềm tin và nghi ngờ;
  2. Giai đoạn 2 (1 - 3 tuổi): Tự chủ và nghi ngờ;
  3. Giai đoạn 3 (từ 3 - 6 tuổi): Khả năng khởi sự công việc và mặc cảm - Giai đoạn phallic;
  4. Giai đoạn 4 (từ 6 - tuổi dậy thì): Giai đoạn tiềm ẩn;
  5. Giai đoạn 5 (Tuổi dậy thì đến 20): Giai đoạn sinh dục;
  6. Giai đoạn 6 (20 - 35 tuổi): Gắn bó và Cô lập;
  7. Giai đoạn 7 (35 - 60 tuổi): Sáng tạo và Ngừng trệ;
  8. Giai đoạn 8 (60 tuổi trở đi): Hoàn thành và Thất vọng.

Quan điểm của Freud[sửa]

S. Freud (1856 - 1939) cho rằng cơ sở của tất cả các sự kiện thuộc đời sống tinh thần là vô thức. Vô thức chỉ trở nên có thể hiểu được thông qua xung đột của các lực lượng tinh thần đối lập nhau, gồm: “Cái tôi” - vận động theo nguyên tắc của thực tại. “Siêu tôi” - lương tâm, lý tưởng bản ngã, “Cái Nó” (id) - bản năng vô thức, vận động theo nguyên tắc thỏa mãn. Từ năm 1913 đến năm 1923, Freud đã phát triển lý thuyết về sự phát triển của trẻ em. Theo đó, 5 giai đoạn phát triển thời thơ ấu của đứa trẻ được Freud giải thích thông qua một chuỗi các hình thức tổ chức ham muốn tình dục dưới sự ưu tiên của các khu vực sinh dục tương ứng (miệng, hậu môn, bộ phận sinh dục…). Đó là các giai đoạn:

  1. Giai đoạn môi miệng (0 - 1 tuổi): Phương thức tương tác chính của trẻ là bằng miệng. Trẻ có được khoái cảm, sự dễ chịu từ kích thích đường miệng qua ăn và bú, từ đó, cũng hình thành nên cảm giác tin tưởng và thoải mái. Xung đột đầu tiên trong giai đoạn này là thời kỳ cai sữa, trẻ phải dần bớt phụ thuộc vào người chăm sóc. Nếu hiện tượng cắm chốt (fixation) xảy ra trong giai đoạn này, Freud tin rằng cá nhân đó sẽ gặp vấn đề về sự lệ thuộc hoặc tính hung hăng sau này;
  2. Giai đoạn hậu môn (1 - 3 tuổi): Trong giai đoạn này, trẻ tập trung vào kiểm soát sự chuyển động của bàng quang và ruột. Xung đột chính của giai đoạn này là tập cho trẻ đi vệ sinh - trẻ sẽ phải học cách kiểm soát nhu cầu của cơ thể. Hình thành sự kiểm soát này sẽ đưa đến cảm giác thành tựu và độc lập về sau giúp trẻ trở thành người có năng lực, hữu ích và sáng tạo. Ngược lại, nếu không kìm nén hoạt động này, người này sau khi trưởng thành sẽ có tính cách lôi thôi, lãng phí hoặc phá phách;
  3. Giai đoạn dương vật (4 - 5 tuổi): Ở giai đoạn này dục tính tập trung ở cơ quan sinh dục. Ở độ tuổi này, trẻ cũng bắt đầu khám phá ra sự khác biệt giữa nam và nữ. Phức cảm Oedipus mô tả những cảm giác thèm muốn sở hữu của bé trai dành cho mẹ và khao khát thay thế cha mình. Phức cảm Electra được sử dụng để mô tả những cảm xúc tương tự ở các bé gái. Tuy nhiên, trẻ cũng sợ bị cha phạt vì có những cảm xúc này nên ở chúng xuất hiện một nỗi sợ mà Freud gọi là nỗi lo bị thiến. Về sau, trẻ bắt đầu đồng nhất và hòa hợp với người cha mẹ cùng giới, coi đây là một phương thức thay thế để sở hữu người khác giới kia;
  4. Giai đoạn tiềm tàng (6 - 12 tuổi): Trong suốt giai đoạn này, siêu ngã tiếp tục phát triển, các thôi thúc của bản năng lại bị đàn áp. Trẻ hình thành các giá trị, kỹ năng và mối quan hệ xã hội với bạn bè đồng trang lứa và những người lớn khác ngoài gia đình. Sự phát triển của bản ngã và siêu ngã góp phần tạo nên sự yên bình cho giai đoạn này. Giai đoạn này rất quan trọng cho sự phát triển kỹ năng giao tiếp và xã hội cũng như lòng tự tin ở trẻ. Nếu bị cắm chốt ở giai đoạn này có thể đưa đến sự non nớt và năng lực yếu kém khi hình thành các mối quan hệ hoàn chỉnh sau này khi trưởng thành của trẻ;
  5. Giai đoạn sinh dục (13 tuổi đến trưởng thành): Tuổi dậy thì làm dục tính trỗi dậy trở lại. Trong suốt giai đoạn cuối cùng này, trẻ hình thành một mối quan tâm mạnh mẽ về tình dục với người khác giới. Giai đoạn này bắt đầu từ thời dậy thì nhưng kéo dài đến suốt cuộc đời. Nếu một người hoàn thành các giai đoạn trước thành công, thì ở hiện tại, người này sẽ khá cân bằng, là người ấm áp và biết quan tâm đến người khác và ngược lại.

Quan điểm của Lawrence Kohlberg[sửa]

Lawrence Kohlberg (1927 - 1987) là nhà tâm lý học phát triển người Mỹ các giai đoạn phát triển nhận thức dựa trên sự phân tích cấu trúc lý luận của cá nhân, gồm các đặc điểm sau: Giai đoạn là một cấu trúc tổng thể hoặc là một hình thức tổ chức của tư tưởng. Tính đặc thù của nó được biến đổi tùy thuộc vào trình độ lý luận đạo đức; Các giai đoạn diễn ra theo một trình tự bất biến. Sự phát triển nhân cách phải trải qua tất cả các giai đoạn và không thể quay trở lại giai đoạn trước đó. Đặc điểm này là đặc trưng cho tất cả các nền văn hóa; Các giai đoạn từ cao nhất đến thấp nhất đều có thể được kết nối với nhau có thứ bậc. Cơ sở để L. Kohlberg chia sự phát triển đạo đức thành các giai đoạn dựa theo 3 kiểu định hướng giá trị: Đối với quyền lực; Đối với tập quán; Đối với các nguyên tắc đạo đức xã hội. Dựa vào mức độ phát triển nhận thức của trẻ, L. Kohlberg đã phân ra thành 3 cấp độ đạo đức: tiền quy ước, quy ước và hậu quy ước, ở mỗi cấp độ lần lượt bao gồm hai giai đoạn phụ.

  1. Cấp độ tiền quy ước (4 - 10 tuổi): Ở cấp độ này, các hành vi đạo đức bị quy định bởi hoàn cảnh bên ngoài và không phụ thuộc vào quan điểm của người khác. Giai đoạn1: Trẻ chưa hình thành được ý thức tự giác, hầu hết hành động của trẻ đều nghe theo người lớn, tránh trường hợp bị phạt và được nhận phần thưởng. Giai đoạn 2: Trẻ đưa ra điều kiện để được đáp ứng nhu cầu. Hành vi này được thực hiện nhằm mục đích có lợi cho bản thân và chiếm được thiện cảm của người khác.
  2. Cấp độ quy ước (10 - 13 tuổi): Ở cấp độ này phát triển đạo đức tuân thủ vai trò có điều kiện, đồng thời tập trung vào các nguyên tắc của người khác. Giai đoạn 3: Trẻ thường xuyên mong muốn nhận được sự tán dương, khen ngợi. Vì vậy, trẻ thường cố tỏ ra nghe lời và biết phục tùng. Giai đoạn 4: Bước vào giai đoạn này, trẻ chỉ tập trung làm theo luật lệ được ghi trong các bản quy tắc, quy định mà không để ý đến ý nghĩa của chúng.
  3. Cấp độ hậu quy ước (từ 13 tuổi đến trưởng thành): Ở cấp độ này, các hành vi đạo đức được định hướng theo khế ước xã hội và các chuẩn mực đạo đức được chấp nhận chung. Theo L. Kohlberg, đạo đức thực sự chỉ đạt được ở mức độ phát triển này, khi cá nhân đánh giá hành vi dựa trên các tiêu chí của riêng anh ta, điều này cũng nói lên mức độ phát triển cao của hoạt động trí tuệ. Giai đoạn 5: Hành vi đúng dựa trên quan điểm đạo đức của xã hội. Giai đoạn 6: Cá nhân chủ động điều chỉnh hành vi của mình dựa trên quy tắc chung. Chủ thể cân nhắc hành động dựa vào nguyên tắc đạo đức và pháp luật xã hội.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Erikson and Erikson, E and J. M., The Life-Cycle Completed (Extended version ed.), Norton and Company, 1998.
  3. Sharman, C. Cross, W. and Vennis, D., Observing children: a practical guide, London: Continuum, 2004.
  4. Bertsch, C., Unger, H., Winkelmann, W., & Rosenbaum, D., Evaluation of early walking patterns from plantar pressure distribution measurements, First year results of 42 children, Gait & Posture, 19 (3), 235, 2004.
  5. Harding, J., Child development: an illustrated handbook, Oxon: Hodder Education, 2013.