Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Giỗ tổ Hùng Vương
Lăng vua Hùng ở Phú Thọ

Giỗ tổ Hùng Vương là hình thức tín ngưỡng thờ cúng các vua Hùng - các vị vua của nhà nước Văn Lang đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, diễn ra vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ giỗ tổ Hùng Vương (còn gọi là lễ hội Đền Hùng) được tiến hành tại không gian chính là Đền Hùng (Việt Trì, Phú Thọ) và tại nhiều đền miếu thờ Hùng Vương khác trên khắp cả nước. Đây là nghi lễ nhằm tri ân, tưởng nhớ công lao các vị tổ tiên đã tạo dựng nước Việt, khẳng định về nguồn gốc lâu đời của người Việt và xác tín niềm tin thiêng liêng về thủy tổ của dân tộc (các vua Hùng và nòi giống Tiên Rồng). Với lễ hội Đền Hùng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trở thành biểu tượng văn hóa cho tính liên tục trong dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Lịch sử[sửa]

Lễ giỗ tổ Hùng Vương gắn liền với truyện Họ Hồng Bàng kể về nguồn gốc Hùng Vương, được ghi chép lại trong Lĩnh Nam trích quái, Đại Việt sử kí toàn thư (phần Ngoại kỷ, có tên "Kỷ Hồng Bàng thị") và nhiều cuốn sử khác trong thời kì trung đại. Theo đó, Hùng Vương (vua Hùng) là tên gọi chung để chỉ 18 đời các vị thủ lĩnh tối cao của nhà nước Văn Lang. Hùng Vương có dòng dõi Viêm Đế họ Thần Nông ở phương Bắc, từ đời Kinh Dương Vương Lộc Tục lập riêng nước Xích Quỷ tại phương Nam, ngôi vua truyền tới Lạc Long Quân và đến các vua Hùng về sau. Hệ thống các truyền thuyết về thời kỳ Hùng Vương (hoặc liên quan tới thời kỳ này) khắc họa về một thời đại phồn vinh và thịnh trị của nhà nước Văn Lang với 18 đời vua Hùng tiếp nối trị vì. Các vua Hùng, Lạc hầu, Lạc tướng, Quan Lang và Mỵ Nương ra sức chăm lo cho đời sống của con dân Lạc Việt, giúp mở mang, bồi đắp nước Văn Lang. Trong những trang truyền thuyết, việc tổ chức đời sống sinh kế, đời sống xã hội, lệ tục và phong hóa của người Việt cổ thời kì này được định hình nhờ công lao của các vị vua, tướng lĩnh và tôn thất trong các đời Hùng Vương. Thời đại Hùng Vương đồng nghĩa với thời kỳ khai sơn phá thạch, thời kỳ chinh phục, chế ngự và thịnh trị của người Việt trong buổi bình minh của lịch sử dân tộc. giỗ tổ Hùng Vương là nghi lễ được tổ chức để tưởng nhớ công lao các vua Hùng đã có công dựng nước, khai mở nền nông nghiệp lúa nước, đặt nền móng vững chắc đầu tiên cho sự phát triển của nước Việt về sau.

Dựa trên các tư liệu, khó có thể khẳng định chính xác về thời điểm ra đời của lễ giỗ tổ Hùng Vương. Sự hình thành, quy mô và tầm vóc của nghi lễ này liên quan chặt chẽ với sự xuất hiện, diện mạo của thời kỳ Hùng Vương, của Đền Hùng và quá trình phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong các thời kì lịch sử. Truyền thuyết về cột đá thề nơi đền Thượng kể rằng, tục thờ Hùng Vương xuất hiện từ thời An Dương Vương, với lời thề của Thục Phán khi được vua Hùng nhường ngôi: "Đời đời giữ gìn non sông bền vững và trông nom đền miếu các vua Hùng". Dữ liệu từ các bản ngọc phả Nam Việt Hùng Vương ngọc phả vĩnh truyền (được cho là bản ngọc phả cổ nhất, soạn năm Thiên Phúc nguyên niên thuộc đời vua Lê Đại Hành, tức năm 986, bản sao vào triều Khải Định năm thứ 4 1919) , Hùng đồ thập bát diệp thánh vương ngọc phả cổ truyền (còn gọi là Ngọc phả Hùng Vương, văn bản hoàn chỉnh đầu tiên ghi chép đầy đủ về thời Hùng Vương, do Hàn lâm viện Trực học sĩ Nguyễn Cố phụng soạn năm Hồng Đức nguyên niên 1470), thần tích thờ tự tại nhiều đền miếu quanh khu vực Đền Hùng cho biết, tục thờ cúng các vua Hùng đã xuất hiện tại địa phương từ lâu, và nhiều triều đại phong kiến Việt Nam (đặc biệt là các vương triều Lê, Nguyễn) đã có những động thái mạnh mẽ nhằm quốc gia hóa tín ngưỡng này. Thôn Cổ Tích (nay là xã Hy Cương, Việt Trì) được giao làm "trưởng tạo lệ" lo việc hương hỏa, được miễn sưu thuế hàng năm; và việc phụng thờ này vẫn được thực hiện qua các đời nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần cho tới thời Hậu Lê. Nhiệm vụ thờ phụng Thánh tổ Hùng Vương tại làng xã địa phương còn được nhiều triều đại giao phó và nhắc nhớ, thể hiện trong các lệnh dụ của nhà Lê - Trịnh (năm 1674, 1767, 1785), lệnh chỉ của nhà Tây Sơn (năm 1789) và các sắc chỉ của nhà Nguyễn (năm 1810, 1850,…) .

Việc tôn vinh các vua Hùng và quốc gia hóa nghi lễ giỗ tổ Hùng Vương được nhà Nguyễn thực hiện mạnh mẽ, với việc giao các địa phương kê khai thần tích, rước linh vị từ Đền Hùng (Phú Thọ) vào thờ tại miếu Lịch đại đế vương ở kinh thành Huế; đồng thời, triều đình cấp tiền tu sửa, tôn tạo các ngôi đền Thượng - Trung - Hạ - Giếng,..., nhà nước đứng ra tổ chức lễ Giỗ Tổ 5 năm một lần (vào các năm kết thúc bằng số 0 và số 5, các năm lẻ do địa phương tổ chức). Việc chính thống hóa, quy chuẩn hóa nghi lễ giỗ tổ Hùng Vương vào triều Nguyễn được thực hiện bắt đầu từ năm Khải Định thứ 2 (1917), với việc quan Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc trình Bộ Lễ ấn định ngày mồng 10 tháng ba âm lịch hàng năm làm ngày Quốc tế (Quốc lễ, Quốc giỗ) để cả nước làm lễ tế vua Hùng, còn ngày Giỗ Tổ 11 tháng ba âm lịch do dân sở tại làm lễ. Các quy định cụ thể, chặt chẽ về phẩm phục, lễ phẩm, lễ nghi trong những ngày giỗ tổ Hùng Vương đã được Bộ Lễ thẩm xét và ban hành. Ngày giỗ tổ Hùng Vương hàng năm vào 10-3 đã được chính thức hóa bằng luật pháp và được thực hiện với phần lễ diễn ra tại các ngôi đền trên núi Hùng cùng nhiều trò diễn dân gian diễn ra quanh chân núi.

Sau năm 1945, nhà nước Việt Nam luôn rất coi trọng lễ giỗ tổ Hùng Vương cũng như việc thờ cúng Hùng Vương tại Đền Hùng. Năm 1995, giỗ tổ Hùng Vương được nâng lên thành Quốc lễ, tổ chức vào ngày mùng 10 tháng ba âm lịch. Từ năm 2007, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày giỗ tổ Hùng Vương (theo Luật số 84/2007/QH11). Tháng 5 năm 2012, Việt Nam đệ trình UNESCO bộ hồ sơ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt, và đến ngày 06/12/2012, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã chính thức được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, mở rộng thêm về phạm vi, tầm vóc và vị thế của lễ giỗ tổ Hùng Vương.

Lễ giỗ tổ Hùng Vương[sửa]

Bàn thờ Quốc tổ Hùng Vương của một trường học

Lễ giỗ tổ Hùng Vương hàng năm được tổ chức từ ngày mùng 1 đến mùng 10 tháng ba, với các nghi thức tế lễ trọng thể diễn ra vào ngày mùng 10 chính hội. Chính quyền cấp tỉnh xây dựng chương trình, kịch bản sân khấu trong lễ Giỗ Tổ, với các hoạt động chính như: nghi thức đánh trống đồng, lễ dâng hương tại đền Thượng (nơi xưa kia các vua Hùng tế trời đất) của đại diện Nhà nước và chính quyền cấp tỉnh; các lễ rước (rước thần, rước voi, rước kiệu,...) của các làng Tiên Cương, Hy Cương, Cổ Tích,...; sân khấu hóa các trò diễn (Hát Xoan ở đền Thượng, hát ca trù ở đền Hạ, lễ Tùng dí, Bách nghệ khôi hài, gói bánh chưng, bánh dày,...); tổ chức các trò chơi dân gian quanh khu vực chân núi. Những năm gần đây, Lễ hội Đền Hùng thêm phong phú, hấp dẫn với sự tham gia trình diễn của các đoàn nghệ thuật quốc tế. Trong lễ Giỗ Tổ, người dân ở mọi miền đất nước hành hương về Đền Hùng làm lễ, dâng cúng các sản vật lên Vua. Vào thời điểm diễn ra lễ hội tại Đền Hùng, các nghi thức giỗ tổ Hùng Vương, các hình thức tưởng nhớ các vua Hùng cũng đồng thời được tiến hành tại khắp các đền miếu thờ Hùng Vương hoặc tại nhiều không gian công cộng trên cả nước. Lễ Giỗ Tổ diễn ra vào ngày chính hội được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, kết nối cả người Việt trong nước và kiều bào nước ngoài hướng về vùng Đất Tổ.

Giỗ tổ Hùng Vương là nghi lễ tiêu biểu của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, phổ biến tại tỉnh Phú Thọ và rộng khắp trong và ngoài nước, được định hình từ trong quá khứ và hiện vẫn đang tiếp tục phát triển. Trên cả nước hiện có 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương, trải dài khắp từ Bắc, Trung, Nam, và con số này hiện vẫn có xu hướng gia tăng. Riêng tỉnh Phú Thọ có 345 di tích (trong đó có 249 đền miếu đang thờ tự và 93 phế tích), 63 truyền thuyết về các nhân vật của thời đại này. Một số không gian thờ cúng Hùng Vương ở nước ngoài được kiều bào xây dựng và duy trì việc thờ tự quanh năm như đền Quốc Tổ Vọng Từ (California, Mỹ), tượng và điểm thờ cúng Hùng Vương tại Viêng Chăn (Lào), Nga, Séc,... Sự gia tăng các không gian thờ tự Hùng Vương và các thực hành tín ngưỡng liên quan cho thấy quá trình lan tỏa, phát triển của tín ngưỡng này trong diễn trình lịch sử. Từ một tín ngưỡng trong không gian hẹp của "vùng", mở rộng phạm vi thành không gian "miền", "quốc gia", "quốc tế", lan tỏa từ Đền Hùng (Phú Thọ) đến các vùng miền, các khu vực có nhóm cộng đồng người Việt sinh sống. Không gian tâm linh thờ cúng Hùng Vương trở thành một trong những yếu tố quan trọng chỉ dấu về sự hiện diện của người Việt.

Lễ hội Đền Hùng diễn ra tại Phú Thọ, một vùng đất có vị thế địa - văn hóa đặc biệt, nơi chứng kiến quá trình người Việt chinh phục dòng sông Hồng, bắt đầu khai phá vùng châu thổ Bắc Bộ. Các bằng chứng khảo cổ học của giới nghiên cứu tại Việt Nam vào những năm 60, 70 của thế kỉ XX cho thấy, Phú Thọ là không gian gắn với sự sinh thành nhà nước sơ khai của người Việt, liên quan tới các cuộc cách mạng luyện kim đồng - sắt trong diễn trình phát triển liên tục của các giai đoạn văn hóa Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - Đông Sơn. Trong tâm thức dân gian, nhà nước này gắn liền với Hùng Vương và nhà nước Văn Lang cổ đại. Dựa trên tiền đề này, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ giỗ tổ Hùng Vương là sự tưởng niệm của thế hệ sau với công lao của tổ tiên sáng lập đất nước. Phú Thọ cũng là không gian dày đặc các loại hình nghi lễ bản địa, mang đậm màu sắc phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng trọt (tùng dí, nõ nường,…). giỗ tổ Hùng Vương như thế là sự kiện tiêu biểu đại diện cho tín ngưỡng thờ cúng thủy tổ của dân tộc - quốc gia Việt Nam tại không gian văn hóa cổ, nơi được xem là phát tích của nhà nước đầu tiên này trong lịch sử.

Ý nghĩa trong đời sống[sửa]

Lễ giỗ tổ Hùng Vương gắn với truyền thống thờ cúng Hùng Vương tại hơn một trăm làng của Phú Thọ, tại nhiều khu vực khác trong và ngoài nước và ở nhiều nhóm cộng đồng dân tộc khác tại Việt Nam biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, ý thức cố kết dân tộc, sự thống nhất trong đa dạng về dân tộc và văn hóa. Lễ giỗ tổ Hùng Vương và khu di tích Đền Hùng vì lẽ đó, luôn đóng vai trò đặc biệt trong quá trình hình thành và củng cố sức mạnh đoàn kết của nước Việt trong các thời kỳ lịch sử. Sự suy tôn và phụng thờ các vị Vua Tổ trong các triều đại còn nhằm biểu đạt thông điệp về vị thế cai trị theo dòng mạch chính thống, ngầm tuyên ngôn về phương châm quản trị nhà nước theo tấm gương của tiền nhân (cũng là những hiền nhân), lấy việc chăm lo cho người dân làm mục đích tối thượng.

giỗ tổ Hùng Vương vừa là minh chứng sống động, vừa là giá trị kết tinh của truyền thống thờ cúng tổ tiên trong nền văn hóa Việt, được thực hành liên tục từ quá khứ tới hiện tại với các cấp độ/ phạm vi từ gia đình, dòng họ, làng xã đến quốc gia dân tộc. Thờ cúng Hùng Vương là thờ cúng Quốc Tổ, Quốc Mẫu, thờ cúng các vị thiên thần và nhân thần, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên cho các thế hệ người Việt. Thông qua lễ Giỗ Tổ, người Việt biểu đạt niềm tự hào dân tộc, tự hào về truyền thống và lòng tự tôn của một dân tộc hùng cường trải qua những thăng trầm lịch sử của hàng ngàn năm dựng và giữ nước. Lễ giỗ tổ Hùng Vương trở thành một sự kiện trọng đại của quốc gia, là dịp người Việt hội tụ để cùng nhắc nhớ về nguồn gốc Tiên Rồng, hướng về Đền Hùng, cũng là hướng về quê cha đất tổ. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương phát triển sâu rộng góp phần xây dựng và gia cố niềm tin về một nguồn gốc chung của người Việt, thiêng hóa hai tiếng "đồng bào" trong tâm thức mỗi người Việt Nam. Thực hiện nghi lễ giỗ tổ Hùng Vương trong nhiều bối cảnh (chẳng hạn, hành hương về Đền Hùng, thắp hương tại bàn thờ gia tiên ngày giỗ Tổ, lấy đất đền Thượng, lấy nước giếng Ngọc, rút chân nhang đưa ra nước ngoài thờ cúng,…) được xem là cách người Việt Nam khẳng định và tìm về cội nguồn của mình. Đền Hùng trở thành không gian nguồn cội, vùng đất Tổ, đất gốc với người Việt ở mọi không gian cư trú.

Trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, giỗ tổ Hùng Vương, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương gắn với cuộc thảo luận sôi nổi của các nhà nghiên cứu về tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và việc nhìn nhận tín ngưỡng này như một "Quốc đạo" (Đạo thờ Tổ tiên). Theo đó, khái niệm tổ tiên được mở rộng về mặt nội hàm ý nghĩa, giỗ tổ Hùng Vương là lễ cúng tổ tiên ở cấp độ quốc gia, thờ cúng các vị tổ tiên (vua Hùng) của dân tộc. Tín ngưỡng này được xem là có tính biểu trưng cho hệ thống tín ngưỡng bản địa của riêng người Việt, ôm chứa những giá trị về lịch sử và văn hóa, trở thành lựa chọn lý tưởng cho việc tìm kiếm một biểu tượng mới của bản sắc văn hóa Việt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. giỗ tổ Hùng Vương đã quốc gia hóa loại hình tín ngưỡng bản địa, là minh chứng quan trọng và thuyết phục về bản sắc văn hóa riêng có của Việt Nam, đề cao triết lý "về nguồn", hướng về truyền thống và dân tộc, gia cố niềm tin bất khả xâm phạm về một nguồn gốc chung duy nhất, củng cố sự thống nhất của các nhóm cộng đồng trên đất Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Toan Ánh, Nếp cũ: Hội hè đình đám (Quyển Thượng), Nxb Nam chi tùng thư, 1969.
  2. Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng, Thời đại Hùng Vương, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1973.
  3. Lê Văn Hảo, Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước, Nxb Thanh Niên, Hà Nội, 1982.
  4. Nguyễn Văn Chính, "Tôn thờ tổ tiên, bản sắc văn hóa và chủ nghĩa dân tộc trong nhân học Việt Nam đương đại", Tạp chí Nghiên cứu con người, 2010.
  5. Nguyễn Chí Bền, "Đặc điểm của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ", Tạp chí Di sản văn hóa, Số 2 (35), 2011, tr.35-41.
  6. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại (Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2013.
  7. Lê Thái Dũng, Tìm hiểu văn hóa thời đại Hùng Vương, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2017.
  8. Lê Hồng Lý, Nguyễn Thị Phương Châm, Nguyễn Thị Hiền, Hoàng Cầm, Đào Thế Đức, Điều tra thực trạng các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO vinh danh, Đề tài cấp Bộ, Hà Nội, 2017.
  9. Nguyễn Đức Tố Lưu, Thích Tâm Hiệp, Nguyễn Đức Tố Huân, Hùng Vương thánh tổ ngọc phả, Nxb Dân Trí, Hà Nội, 2020.