Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Fourier Charles (1772 - 1837)
Chân dung Charles Fourier những năm tháng cuối đời, họa phẩm của Jean Gigoux, 1835

Fourier Charles (1772 - 1837) là nhà xã hội học không tưởng người Pháp cuối thế kỷ XIX.

Sinh ngày 7.4.1772, tại Besançon, tên đầy đủ François Marie Charles Fourier. Ông là con trai út trong gia đình có bốn người con của Charles và Marie Muguet. Cha ông là một thương nhân, mẹ của ông thuộc dòng dõi gia đình quý tộc, có nhiều ảnh hưởng ở Besançon.

Gia đình của F.C tương đối giàu có, nhưng một loạt các biến cố đã sớm xảy ra khiến tài chính của gia đình ông bị suy kiệt. Ông đã phải sống một cuộc đời nghèo khó trong suốt thời gian sau này. Ngày 21.7.1781, người cha đã mất khi ông mới 9 tuổi đã làm cho công việc kinh doanh của gia đình do người mẹ và sau này là cha dượng quản lý gặp nhiều khó khăn. Ông đã nối nghiệp cha làm thương nhân, nhưng công việc buôn bán không thuận lợi. Những tài sản mà ông có đã bị mất một phần trong cuộc khởi nghĩa ở Lyon và trong cơn bão biển làm hàng hóa ông buôn bán bị hư hỏng.

Khi còn nhỏ, F.C tỏ ra thông minh và kiên trì. Mặc dù cha mất sớm nhưng dưới sự dạy dỗ, chỉ bảo của mẹ, ông vẫn tiếp tục học tập. F.C đã học ở trường Cao đẳng Besançon. Tuy nhiên ông lại đặt tâm huyết trở thành kỹ sư và mong muốn được học ở trường Kỹ thuật quân đội nhưng không được mẹ đồng ý. Vì vậy, ông đã rời bỏ trường học và trở thành một thương nhân. F.C có niềm yêu thích du lịch mãnh liệt và khát khao tìm hiểu kiến thức mới nên ông thường xuyên thay đổi chỗ ở. Ông đã làm nhiều việc như buôn bán, thu ngân ở nhiều nơi như Lyon, Rouen, Marseilles, Bordeaux và trong mười năm cuối đời ở Paris. Ông cũng đi du lịch ở Đức, Hà Lan và sau đó là Thụy Sĩ cũng như ở Pháp. Nhờ sự thông minh, ham học hỏi, óc quan sát đã giúp F.C sớm tích lũy được nhiều vốn kiến thức và kinh nghiệm.

Sống trong thời kỳ có nhiều biến động chính trị, với sự bùng nổ của cách mạng Pháp (1789) cùng với việc chứng kiến những cảnh bất công trong xã hội, ông đã suy nghĩ về lý do dẫn đến tình trạng bóc lột, sự chênh lệch giàu nghèo. Học thuyết của F.C đã hình thành từ những cơ sở đó.

Cuốn sách đầu tiên xuất bản khi ông mới 36 tuổi có tên là “Lý luận về bốn thứ vận động và những vận mệnh phổ biến” (1808) (Théorie des quatre mouvements et des destinées générales) đã chứa đựng những ý tưởng của ông. Năm 1822, ông xuất bản tiếp cuốn sách “Luận văn về hiệp hội gia đình và nông nghiệp” (Traité de Association Domestique-Agricole), sau này được tái bản có tên là “Lý luận về sự thống nhất toàn thế giới” (La Théorie de Unité Universelle). Năm 1829, cuốn sách “Thế giới công nghiệp và hiệp hội mới” (Le Nouveau Monde Industriel et Sociétaire) được xuất bản. Ông đã viết nhiều chủ đề về vũ trụ học, tâm lý học, kinh tế xã hội và chính trị, triết học, thương mại, chính trị và đạo đức, cũng như về giáo dục. Ông coi tất cả chúng như một phần của một hệ thống chung của tự nhiên; thống nhất bởi một quy luật phổ quát - quy luật vận động.

Trong học thuyết của mình, ông đã chỉ ra sự phát triển của lịch sử xã hội loài người qua bốn giai đoạn: Mông muội, dã man, gia trưởng và văn minh. Văn minh là giai đoạn tư bản chủ nghĩa. Ông đã phê phán sự bất công của xã hội tư bản và nêu lên rằng sự nghèo khổ sinh ra từ chính bản thân sự thừa thãi.

Ông chủ trương xây dựng một tổ chức xã hội mới, các Phalanges (một kiểu công xã). Dân cư ở các phalanges sẽ sống trong các nhà công cộng, lao động chung, ăn chung. Bất kỳ người dân nào trong các Phalanges, dù giàu hay nghèo đều là một phần của Hiệp hội. Giàu có, anh ta sẽ mang tài sản và vốn của mình cho cộng đồng để đổi lấy cổ phần chịu lãi suất, sau đó anh ta sẽ làm việc để khai thác quỹ chung; nghèo, anh ta sẽ làm việc bằng trí thông minh của mình. Phụ nữ và trẻ em sẽ được tham gia hiệp hội trên cơ sở bình đẳng như nam giới. Các công nhân sẽ được chia thành các nhóm. Sản phẩm của lao động phổ thông sẽ được phân phối cho tất cả các thành viên, theo tỉ lệ cho vốn, sức lao động và tài năng: 4/12 cho người góp vốn, 5/12 cho lao động, 3/12 cho tài năng. Để duy trì sự thống nhất giữa tất cả các thành viên cá nhân trong hiệp hội, cần có ba điều kiện: phúc lợi vật chất, đoàn kết lợi ích, công việc hấp dẫn. Bằng cách tổ chức các Phalanges này ông hy vọng rằng nghèo đói và bất công xã hội sẽ biến mất, loài người sẽ được sống trong hạnh phúc. Ông đã kêu gọi nhà giàu bỏ tiền ra thực hiện việc xây dựng các phalanges nhưng không một chính khách nào ủng hộ ông cả.

Học thuyết của F.C còn mang nhiều tính chất không tưởng khi ông chống lại phương pháp đấu tranh cách mạng và còn mơ hồ về bản chất của giai cấp tư bản. Tuy nhiên, những tư tưởng của ông về việc xây dựng một chế độ xã hội mới trong tương lai đã được các nhà chủ nghĩa xã hội khoa học tiếp thu có phê phán. Học thuyết này đã ảnh hưởng lớn đến quần chúng nhân dân Pháp và phong trào đấu tranh của công nhân nửa đầu thế kỷ XIX.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Hoàng Minh Thảo, Đinh Ngọc Lân, Nguyễn Vinh Phúc … , Almanach những nền văn minh thế giới, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội, 1995.
  2. Jonathan Beecher, Charles Fourier: The Visionary and His World (Charles Fourier: tầm nhìn và thế giới của ông), Nxb. Đại học California, 1986.
  3. David Zeldin, The Educational Ideas of Charles Fourier 1772-1837 (Tư tưởng giáo dục của Charles Fourier 1772-1837), Nxb. Routledge, tái bản, 2019.