Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
F-5
Tập tin:Máy bay tiêm kích F-5C.png
Máy bay tiêm kích F-5C

F-5,là máy bay tiêm kích hạng nhẹ, do hãng Northrop (Mỹ) thiết kế và chế tạo.

Dự án F-5 bắt đầu trong một chương trình thiết kế, chế tạo máy bay tiêm kích hạng nhẹ do hãng Northrop tiến hành vào thập kỷ 1950. Thiết kế đầu tiên của Northrop (có tên gọi N-156) là một máy bay tiêm kích giá thành và chi phí bảo dưỡng thấp, do đó chỉ có một thị trường hạn chế cho loại máy bay này. Khi Chương trình Hỗ trợ quân đội dưới thời Tổng thống John F. Kennedy cần một máy bay tiêm kích giá thành thấp để cung cấp cho các quốc gia kém phát triển, N-156F đã được chọn và sau đó trở thành F-5A. Phiên bản đầu tiên là F-5A (Freedom Fighter) và bắt đầu được sử dụng vào thập kỷ 1960. Hợp đồng sản xuất F-5A đầu tiên được thực hiện theo đơn đặt hàng của Không quân Hoàng gia Na Uy vào tháng 2-1964. Cho đến năm 1972 hơn 800 chiếc các phiên bản của F-5 đã được chế tạo tại các quốc gia đồng minh của Mỹ trong thời gian diễn ra cuộc Chiến tranh lạnh. F-5 là một máy bay chiến đấu thiết kế thành công cho đồng minh của Mỹ, nhưng chưa bao giờ được biên chế vào các đơn chiến đấu của Mỹ. Dù Mỹ không sử dụng F-5 cho vai trò máy bay chiến đấu, nhưng nó đã được sử dụng để đóng giả máy bay đối phương trong huấn luyện chiến đấu vì kích thước nhỏ, hiệu suất khá tương đồng với MiG-21 của Liên Xô. Có khoảng 1.200 chiếc T-38 Talon được chế tạo dựa trên kết cấu của F-5 để làm máy bay huấn luyện và thiết kế này là điểm xuất phát cho việc thiết kế máy bay YF-17, mẫu thiết kế này sau đó đã phát triển thành F/A-18 Hornet.

Tham số chiến-kĩ thuật của F-5: Kíp lái: 1 phi công, chiều dài máy bay: 14,6876 m; sải cánh: 8,13 m; cao: 4,077 m; diện tích cánh 17,3 m2; khối lượng rỗng: 4.347 kg; khối lượng cất cánh: 11.192 kg; Tốc độ bay lớn nhất ở độ cao 11.000m: 1,63M (1740 km/h); tốc độ bay bằng lớn nhất ở độ cao 11,000 m: 0.98M (1,050 km/h). Vũ khí: 2 súng/pháo 20 mm; Rốc két: 2× LAU-61/LAU-68; Tên lửa không đối không 2xAIM-9 Sidewinder (trên máy bay F-5E Tiger II) hoặc 4× AIM-9 Sidewinder (trên máy bay F-5S/ F-5E nâng cấp).

Thế hệ thứ hai F-5E (Tiger II) được cải tiến để sử dụng trong các nước đồng minh của Mỹ với số lượng hạn chế. F-5E hoạt động trong không quân Mỹ với nhiệm vụ bay huấn luyện và đóng giả làm máy bay đối phương. F-5E đã được chế tạo hơn 1.400 chiếc các phiên bản, việc sản xuất kết thúc vào năm 1987. Rất nhiều chiếc F-5 khác tiếp tục hoạt động trong thập kỷ 1990 và 2000, sau khi trải qua nhiều chương trình nâng cấp nhằm đáp ứng yêu cầu thay đổi của môi trường chiến đấu. F-5 cũng được phát triển thành một phiên bản trinh sát chuyên dụng có tên RF-5 Tigereye. F-5E có kích thước lớn hơn, dài hơn, diện tích cánh tăng lên so với F-5A và hệ thống điện tử hàng không tiên tiến hơn. Lúc đầu F-5E được lắp rađa Emerson AN/APQ-153 (F-5 A/B không có rađa). F-5F là phiên bản huấn luyện hai chỗ có khả năng chiến đấu. Không giống như F-5B không được trang bị pháo, F-5F có một khẩu pháo M39 ở phần mũi, số lượng đạn ít hơn. F-5F trang bị rađa Emerson AN/APQ-157, được phát triển từ AN/APQ-153, với hệ thống điều khiển kép và màn hình hiển thị cho hai phi công trên máy bay, rađa này có tầm hoạt động tương đương với rađa AN/APQ-153, khoảng 18,5 km. Một phiên bản máy bay trinh sát mang tên RF-5E Tigereye, với khối cảm biến ở mũi thay thế cho rađa và được lắp 1 khẩu pháo. Những chiếc F-5 sau đó đã được nâng cấp rađa thành loại Emerson AN/APG-69, cải tiến của rađa AN/APQ-159, có thiết bị để có thể vẽ bản đồ. F-5E trải qua nhiều chương trình nâng cấp, cải tiến, trong đó cải tiến có giá trị nhất là trang bị rađa mảng hai chiều Emerson AN/APQ-159 thay thế cho rađa AN/APQ-153.

Không quân Mỹ đã đánh giá khả năng không chiến của F-5A trong chương trình Skoshi Tiger vào năm 1965 (12 chiếc được đưa vào thử nghiệm với tên gọi là F-5C). Những máy bay này đã tham gia chiến đấu trong Chiến tranh Việt Nam, với khoảng 3.500 lần xuất kích từ sân bay quân sự tại Biên Hòa, miền Nam Việt Nam. Sau chương trình đánh giá Skoshi Tiger, Không quân Philippines đã mua 23 chiếc mẫu F-5A và F-5B vào năm 1965. Những máy bay này cùng với những chiếc F-8 Crusader đã thay thế những chiếc F-86 Sabre trong vai trò phòng không và tấn công mặt đất của quốc gia này.

Những chiếc F-5C còn lại sau chương trình Skoshi Tiger được chuyển cho Không quân Việt Nam Cộng hòa trong vai trò máy bay tấn công mặt đất, vì trước đó chỉ có máy bay A-37 Dragonfly và A-1 Skyraider thực hiện vai trò này. Trong suốt chiến tranh, Không quân Việt Nam Cộng hòa chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ ném bom mặt đất chống lại Quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam chứ không tham gia không chiến.

Tổng cộng đã có 265 chiếc F-5 được Mỹ cung cấp cho Không quân Việt Nam Cộng hòa, trong số này, quá nửa đã bị tiêu diệt trước khi chiến tranh kết thúc. Ngày 8 tháng 4 năm 1975, phi công Nguyễn Thành Trung từ sân bay Biên Hoà đã lái máy bay F-5E ném bom vào dinh Độc Lập. Sau khi ném bom, Nguyễn Thành Trung đưa máy bay ra vùng giải phóng, hạ cánh an toàn xuống sân bay Phước Long.

Sau chiến thắng năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thu được 87 chiếc F-5A và 27 chiếc F-5E. Những chiếc F-5 này sau chiến tranh Việt Nam được sử dụng trong Chiến tranh Biên giới Tây-Nam trong các phi vụ ném bom chống lại quân Khmer Đỏ. Khi thực hiện nhiệm vụ ném bom, mỗi chiếc F-5 có thể mang được 3,2 tấn vũ khí, gồm 2 dàn LAU-10 với 4 đạn rocket 127 mm hoặc 2 dàn Matra với 18 rocket 68 mm; hoặc có thể mang bom không điều khiển Mk-80, bom chùm CBU, bom napan... Từ năm 1987, Mỹ ngừng sản suất F-5.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  2. https://fas.org/man/dod-101/sys/ac/f-5.htm
  3. https://en.wikipedia.org/wiki/Northrop_F-5
  4. Baugher, Joseph ‘Joe’. "Northrop F-5E/F Tiger II in Service with Vietnam". Archived from the original on 22 December 2015. Retrieved 17 December 2015.
  5. https://web.archive.org/web/20151222123857/http://www.joebaugher.com/usaf_fighters/f5_40.html
  6. Era of the F-5 Ends After Three Decades", Los Angelos Times, 16 Jan. 1987, available at https://www.latimes.com/archives/la-xpm-1987-01-16-fi-3612-story.html.
  7. Northrop F-5 - Wikipedia