Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
F-111 Aardvark

F-111 Aardvark máy bay tiêm kích - bom, vận tốc lớn hơn vận tốc âm thanh, có góc cánh thay đổi đầu tiên trên thế giới do hãng General Dynamics (Mỹ) chế tạo.

Việc nghiên cứu, chế tạo máy bay F-111 lần đầu tiên được đưa vào chương trình TFX (Tactical Fighter Experimental: thử nghiệm máy bay tiêm kích chiến thuật) đầu những năm 60 của thế kỷ XX do nhu cầu của không quân và hải quân Mỹ. Tham gia chương trình có nhiều công ty như: Boeing, General Dynamics, Lockheed, McDonnell... Mẫu máy bay của công ty General Dynamics đã được lựa chọn để đưa vào sản xuất thử, vì đáp ứng được các yêu cầu của cả không quân và hải quân Mỹ. Tháng 12.1962, công ty General Dynamics kí hợp đồng với không quân Mỹ sản xuất máy bay F-111. Tổng số có 554 chiếc F-111 các loại được chế tạo và được không quân Mỹ sử dụng đến 1998.

F-111A, biến thể sản xuất đầu tiên, bay thử lần đầu 21.12.1964; đưa vào trang bị cho không quân Mỹ 10.1967. F-111B, dự kiến phát triển cho không quân - hải quân, nhưng không được chế tạo; F-111C, sản xuất để xuất khẩu sang Ôxtrâylia; F-111D, biến thể được cải tiến hệ thống điện tử, trang bị hệ thống vũ khí không đối không và động cơ tuabin phản lực hai luồng; F-111E, động cơ được cải tiến để tăng tốc độ, lần đầu tiên được sử dụng trong chiến tranh vùng Vịnh (1990-91); F-111F, cải tiến động cơ tăng lực đẩy 35% so với F-111A, trang bị rađa hồng ngoại, quang học... trang bị cho không quân Mỹ tháng 11.1976; FB-111, trang bị cho không quân chiến lược; EF 111A, biến thể được chế tạo từ 1975 làm nhiệm vụ tác chiến điện tử, RF -111C làm nhiệm vụ trinh sát chiến đấu...

F-111 áp dụng một số kỹ thuật tiên tiến: thiết kế góc cánh có thể thay đổi (cánh cụp, cánh xòe), hai động cơ phản lực Pratt & Whitney TP-30 và rađa theo dõi địa hình để bay nhanh ở độ cao thấp. F-111 được gọi là “cánh cụp, cánh xòe” vì cánh trước có cơ cấu điều khiển động lực học: khi mang tải nặng hai cánh trước xòe ra để tăng tiết diện nhằm tăng lực nâng của không khí; khi đã trút bom xong, trọng lượng máy bay giảm, đôi cánh trước gấp xuôi về phía sau để giảm tiết diện nhằm giảm lực cản. Trạng thái mức độ “cụp”, “xòe” tùy theo tải trọng, do máy tính thực hiện.

F-111 được trang bị phương tiện tác chiến điện tử, thiết bị dẫn đường và thiết bị ném bom hiện đại, hai chỗ ngồi bố trí hàng ngang...

Bảng tính năng chiến - kỹ thuật
Tínhn năng chiến kỹ thuật F-111A F-111D F-111F
Dài(m) 22,4 22,4 22,4
Cao(m) 5,22 5,22 5,22
Sải cánh khi xoè(m) 19,2 19,2 19,2
Sải cánh khi cụp(m) 9,47 9,75 9,75
Diện tích cánh khi xoè(m2) 61,07 61,07
Diện tích cánh khi cụp(m2) 48,77 48,77
Tải trọng riêng của cánh khi xoè(kg/m2) 615,2 615,2
Tải trọng riêng của cánh khi cụp(kg/m2) 771 771
Tỉ lệ lực đẩy/khối lượng(daN/kg) 0,61 0,61
Khối lượng rỗng(kg) 20.943 21.537 21.400
Khối lượng cất cánh bình thường(kg) 36.800 37.577 37.600
Khối lượng cất cánh tối đa(kg) 41.500 44.896 45.300
Tốc độ bay lớn nhất M2,2 (ở độ cao thấp M1,2) M2,5 M2,5
Tốc độ lấy độ cao(m/s) 131,5 131,5
Tầm bay(km) 5.190 6.760
Trần bay thực tế(m) 15.500 17.270 20.100
Bán kính hoạt động(km) 2.100 2.140 2.140
Vũ khí Một pháo Vulcan M61 20 mm; 8.250 kg bom và tên lửa các loại (tên lửa không đối đất, bom thường hoặc bom hạt nhân, bom có điều khiển...) Một pháo Vulcan M61 20 mm; 14.300 kg bom, tên lửa các loại Một pháo Vulcan M61 20 mm; 14.300 kg bom, tên lửa các loại
Động cơ 2 động cơ phản lực Pratt & Whitney TP-30 2 động cơ phản lực Pratt & Whitney TF30-P-100, lực đẩy 19,4 kN/ động cơ, lực đẩy khi đốt tăng lực 112 kN/ động cơ 2 động cơ phản lực Pratt & Whitney TF30-P-100, lực đẩy 19,6 kN/động cơ, lực đẩy khi đốt tăng 112 kN/động cơ
Kíp bay( người) 2 2 2

Những chiếc F-111 đầu tiên được chuyển giao cho không quân Mỹ ngày 18.7.1967. Tháng 3.1968, lần đầu tiên 6 chiếc F-111A từ bang Nevada bay sang Tăcli (Thái Lan) được không quân Mỹ sử dụng đưa vào thử nghiệm thực tế chiến đấu tại Việt Nam (trong Chiến tranh phá hoại của Mỹ ở Miền Bắc Việt Nam giai đoạn I, 7.2.1965-1.11.1968). Do hiệu quả chiến đấu không cao, 3 trong số 6 chiếc F-111 đưa vào thử nghiệm thực tế chiến đấu đã bị bắn hạ. Sau khi cải tiến hoàn chỉnh lại, đến đầu 1972, Mỹ đã chế tạo được 307 chiếc F-111 (gồm F 111A, F-111E, F-111F, F-111B, FB-111A có thể mang bom hạt nhân, EF-111A trinh sát điện tử đa chức năng, F-111C xuất khẩu sang Ôxtrâylia). Đến tháng 9.1972, Mỹ tiếp tục điều động 48 chiếc F-111 từ Nevada sang sân bay Tăcli để bắt đầu cuộc thử nghiệm mới. Rút kinh nghiệm cuộc thử nghiệm trước, Mỹ điều chỉnh lại nhiệm vụ cho F-111 để tăng độ an toàn: trên chiến trường miền Nam, F-111 chỉ ném bom tọa độ; ở miền Bắc Việt Nam, chỉ dùng đánh đêm với cách đánh là bay rất thấp, luồn lách địa hình như khe núi, triền sông... Tuy nhiên, trong lần thử nghiệm này, nhiều chiếc F-111 tham gia chiến đấu vẫn không đạt hiệu quả như mong muốn. Tổng cộng có 58 máy bay F-111 các loại của Mỹ tham gia đánh phá các mục tiêu của miền Bắc Việt Nam từ 1968 đến 1973 với 3.055 phi vụ tiến công và 16 chiếc đã bị bắn rơi. Sau chiến tranh Việt Nam, F-111 còn tham gia nhiều cuộc chiến khác, như: chiến tranh Libi (1986) trong Chiến tranh Vùng Vịnh (1990-91)…

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Quân chủng Phòng không-Không quân, Trung đoàn 280- Những chặng đường chiến đấu, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1998
  2. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
  3. Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
  4. Quân chủng Phòng không-Không quân, Lịch sử Quân chủng Không quân tập 2, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2008