Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Emil Kraepelin
EMIL KRAEPELIN (1856 - 1926)

Emil Kraepelin (1856 - 1926) là một Bác sĩ tâm thần thực nghiệm người Đức, người đã phân loại các loại bệnh tâm thần và nghiên cứu cơ sở thần kinh của chúng. Emil Kraepelin là người tiên phong trong việc phát triển tâm thần học như một ngành khoa học. Ông tin chắc rằng tất cả các bệnh tâm thần đều có nguyên nhân hữu cơ và ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên nhấn mạnh đến bệnh lý não trong bệnh tâm thần.

Là một bác sĩ tâm thần thực nghiệm và lâm sàng nổi tiếng, Kraepelin đã phát triển hệ thống phân loại bệnh tâm thần hiện đại. Sau khi phân tích hàng nghìn trường hợp nghiên cứu, ông đã giới thiệu và định nghĩa thuật ngữ “chứng mất trí nhớ praecox” (tâm thần phân liệt), “rối loạn tâm thần hưng trầm cảm” và “hoang tưởng”. Là người sáng lập ngành Tâm lý học pháp y, công trình thử nghiệm của Kraepelin tập trung vào tác động của chất say lên hệ thần kinh trung ương, bản chất của giấc ngủ và tác động của sự mệt mỏi đối với cơ thể.

Tiểu sử[sửa]

Emil Kraeplin sinh ngày 15 tháng 2 năm 1856, tại thị trấn nhỏ Neustrelitz ở miền Bắc nước Đức. Năm 1873, ông vào học Khoa Y, Đại học Würzburg. Năm 1878, E. Kraepelin tốt nghiệp, sau đó làm trợ lý tại các phòng khám tâm thần ở Munich và Leipzig, nơi ông nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của nhà tâm lý học W. Wundt và nhà điện sinh lý học W. Erb. Công trình đầu tiên về tâm thần học được ông thực hiện vào năm 1882 có chủ đề “Ảnh hưởng của các bệnh cấp tính đến sự phát sinh bệnh tâm thần”.

Năm 1883, E. Kraepelin viết cuốn “Bản tổng hợp về Tâm thần học” - phiên bản đầu tiên của sách giáo khoa Tâm thần học nổi tiếng thế giới sau này của ông. Từ đây, E. Kraepelin nhận ra rằng nghề thực sự của mình là tâm thần học lâm sàng. Đến ấn bản lần thứ năm của sách giáo khoa Tâm thần học (1896), khái niệm nosology của E. Kraepelin được trình bày đầy đủ. Năm 1886, E. Kraepelin nhận chức danh giáo sư và được giữ chức vụ Trưởng khoa Tâm thần học tại Đại học Dorpat, còn được gọi là Tartu. Trên cơ sở của trường đại học này E. Kraepelin đã thực hiện nhiều nghiên cứu tâm lý học thực nghiệm. Thời gian sau đó, E. Kraepelin đã thực hiện một cuộc cải cách triệt để toàn bộ ngành Tâm thần học lâm sàng. Năm 1891, ông thành lập trường học của riêng mình tại Đại học Heidelberg. Cuối cùng, vào năm 1903, ông thành lập trường của riêng mình tại Đại học Munich.

Trong những năm khó khăn của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất E. Kraepelin đã thành lập Viện Nghiên cứu Tâm thần ở Munich. Năm 1922, ông tổ chức một phòng khám tâm thần trong đó và cống hiến hết mình cho công việc. Phòng khám ở Munich do E. Kraepelin điều hành từ năm 1903. Năm 1908, E. Kraepelin được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển. Năm sau, ông trở thành thành viên danh dự của Hiệp hội Tâm lý và Y tế Anh. Từ năm 1922, E. Kraepelin trở thành giám đốc Viện Nghiên cứu Tâm thần học Đức. Năm 1925, E. Kraepelin nhận được tài trợ từ Quỹ Rockefeller để xây dựng một tòa nhà mới cho Viện. E. Kraepelin không sống để nhìn thấy cơ ngơi mới của Viện, ông đã qua đời vào ngày 7 tháng 10 năm 1926 tại Munich vì bệnh viêm phổi do cúm.

Những đóng góp khoa học chính[sửa]

E. Kraepelin là người sáng lập học thuyết Nosology trong tâm thần học Đức và toàn thế giới cuối thế kỷ XIX. Trong học thuyết nocology của mình, E. Kraepelin nêu quan điểm coi hầu hết các rối loạn tâm thần là các bệnh tâm thần riêng biệt, có tên gọi riêng như tâm thần phân liệt, hưng cảm, nghiện rượu và các rối loạn tâm thần khác. Mỗi bệnh là một đơn vị nosology, tức là phải đáp ứng các yêu cầu như có một nguyên nhân duy nhất, các biểu hiện giống nhau, diễn biến, kết quả và những thay đổi giải phẫu. E. Kraepelin cho rằng mỗi bệnh tâm thần có bệnh sinh cụ thể của riêng nó (cho phép có nhiều yếu tố kích thích và khuynh hướng), bệnh cảnh và diễn biến lâm sàng đặc trưng (mặc dù các loại khác nhau và biến thể của chúng được phân biệt), cũng như tiên lượng khả năng bệnh có thể xảy ra nhất. Nguyên tắc nosology là khi đặt tên cho một bệnh tâm thần phải dựa trên sự khái quát chung về căn nguyên, bệnh sinh và bệnh cảnh lâm sàng của một rối loạn tâm thần. Ông cũng là người đã đưa ra được bảng phân loại bệnh tâm thần, như sau: 1) Bệnh tâm thần do chấn thương sọ não; 2) Bệnh tâm thần do các bệnh về não; 3) Đầu độc; 4) Rối loạn tâm thần trong các bệnh truyền nhiễm; 5) Rối loạn tâm thần giao cảm; 6) Chứng mất trí nhớ; 7) Bệnh tâm thần dựa trên nền tảng của chứng xơ vữa động mạch, tiền già và tuổi già; 8) Bệnh tâm thần do yếu tố nội tiết; 9) Sa sút trí tuệ nội sinh; 10) Mất trí do động kinh; 11) Rối loạn tâm thần trầm cảm hưng cảm; 12) Rối loạn tâm thần; 13) Hysteria; 14) Điên loạn; 15) Tình trạng đau đớn bẩm sinh; 16) Nhân cách thái nhân cách và 17) Chậm phát triển trí tuệ chung.

E. Kraepelin là người đã đưa ra lý thuyết về “bộ ghi” (register) bệnh tâm thần dựa trên đặc điểm về cấu trúc phân lớp của tâm lý. Để xác định một rối loạn tâm thần phải hiểu rõ mức độ bị ảnh hưởng của tất cả các lớp tâm lý ở thời điểm hiện tại. Rất nhiều bệnh tâm thần không bao giờ phát triển thành các triệu chứng đau đớn nghiêm trọng. Đối với mỗi bệnh, có một mức giới hạn nhất định, gọi là bộ ghi trong suốt cuộc đời bệnh nhân. Với chứng loạn tâm thần, bệnh không bao giờ vượt ra ngoài các rối loạn thần kinh. Trong học thuyết của mình, E. Kraepelin đã chỉ ra được ba bộ ghi rối loạn tâm thần, gồm: 1) Bộ ghi loạn thần kinh - xúc cảm; 2) Bộ ghi tâm thần phân liệt và 3) Bộ ghi rối loạn thực thể.

E. Kraepelin còn là người đi tiên phong trong phát triển môn tâm thần học xuyên văn hóa. Năm 1904, khi nghiên cứu dữ liệu lâm sàng bệnh tâm thần tại trại tị nạn ở Buitenzorg (Bogor) trên đảo Java lớn của Indonesia, E. Kraepelin phát hiện ra rằng praecox gây mất trí nhớ và các rối loạn tâm thần khác đã xảy ra với tần suất xấp xỉ tương tự như ở các nước châu Âu, nhưng các triệu chứng của những bệnh này có nét đặc thù do bị ảnh hưởng bởi các đặc điểm chủng tộc, khí hậu, văn hóa.

Về phương pháp: E. Kraepelin đã phát triển nhiều phương pháp nghiên cứu tâm thần mới như: 1) Phương pháp mô tả bệnh cảnh lâm sàng và diễn biến của các rối loạn tâm thần dựa trên nguyên tắc mô tả dấu hiệu phổ biến của bệnh; 2) Phương pháp nghiên cứu tâm lý thực nghiệm, bao gồm các thực nghiệm tâm lý và dược lý và 3) Phương pháp lập “bộ ghi” của rối loạn tâm thần…

Những công trình khoa học chính của E. Kraepelin[sửa]

Sách giáo khoa Tâm thần học (1883), xuất bản lần thứ 8, phiên bản 4 quyển, Leipzig: Nxb Trái đất; Về tâm lý của truyện tranh (1885). Nghiên cứu Triết học 2: 128 - 160; Về việc làm sai lệch ký ức (1886). Lưu trữ về bệnh tâm thần và bệnh thần kinh 17: 830 - 843; Về ảnh hưởng của các quá trình tâm lý bậc thấp bởi một số loại thuốc (1892), Jena (Đức): Fischer; Sự phân loại bệnh hoang tưởng (1892). Tạp chí Trung ương thần kinh 795; Các nghiên cứu mới nhất về tác động tâm lý của rượu (1899). Tuần báo Y tế Munich 46: 1.365 - 1.369; Bài giảng về Tâm thần học lâm sàng (1913), Luân Đôn: Bailliere; Một trăm năm Khoa Tâm Thần học (1917), New York: NXB Citadel.

Emil Kraepelin là một nhà khoa học lớn trong nền y học, một trong những bác sĩ tâm thần Đức nổi tiếng thế giới, người sáng lập trường phái khoa học Nocology, học thuyết Tâm thần học trứ danh cuối thế kỷ XIX. Lý thuyết của ông đã làm nên một cuộc cách mạng trong tư duy tâm thần học. Vào cuối thế kỷ XIX và một phần tư thế kỷ XX tất cả các ngành Tâm thần học đều được xây dựng dựa trên học thuyết của ông, vì nó cho phép giải quyết được các vấn đề cơ bản của cả Tâm thần học đại cương và Tâm thần học chuyên ngành.

Tuy nhiên, do hạn chế lịch sử, học thuyết Nocology của Emil Kraepelin không tránh khỏi những khiếm khuyết sau: 1) E. Kraepelin quá coi trọng vai trò của di truyền và thể trạng trong lý giải nguyên nhân bệnh tâm thần; trong học thuyết của mình, ông hiểu nguyên nhân và kết quả là một cái gì đó bất biến, không tính đến các đặc thù phản ứng của sinh vật và các tác động của môi trường; 2) Luận điểm cho rằng mỗi bệnh tâm thần sẽ có phương pháp điều trị đặc biệt riêng của học thuyết Nocology là chưa chính xác. Đa số các loại thuốc hướng thần hiện đại đều có hiệu quả đối với một số hội chứng và thậm chí cả các triệu chứng bệnh xảy ra và 3) Lý thuyết Nocology của Emil Kraepelin chưa chỉ ra được đúng vị trí của các rối loạn tâm thần trung gian nằm giữa tâm thần phân liệt và rối loạn tâm thần hưng cảm trầm cảm.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2008.
  2. Chabrol, Henri; Van Leeuwen, Nikki; Rodgers, Rachel; Séjourné, Natalène, Contributions of psychopathic, narcissistic, Machiavellian, and sadistic personality traits to juvenile delinquency, Personality and Individual Differences, 47 (7), 2009, pp. 734 - 739.
  3. O'Meara, A; Davies, J; Hammond, S., The psychometric properties and utility of the Short Sadistic Impulse Scale (SSIS), Psychological Assessment, 23 (2), 2011, pp. 523 - 531.
  4. Reidy D.E.; Zeichner A.; Seibert L.A.,Unprovoked aggression: Effects of psychopathic traits and sadism. Journal of Personality, 79 (1), 2011, pp. 75 - 100.
  5. American Psychiatric Association, Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders (5th ed.), Arlington, VA: American Psychiatric Publishing, 2013.