Mục từ này cần được bình duyệt
Di truyền giống vật nuôi

Di truyền giống vật nuôi là một khái niệm tập hợp của bốn khái niệm liên quan là: di truyền học động vật (animal genetics), giống động vật (animal breed), chọn giống động vật (animal selection) và nhân giống động vật (animal breeding) được ứng dụng với vật nuôi.

Di truyền học là ngành khoa học nghiên cứu về phương thức sinh vật thừa hưởng các đặc tính từ tổ tiên của chúng. Di truyền học học nói chung có thể được chia thành các lĩnh vực chính gồm: di truyền gen (transmission genetics), di truyền phân tử (molecular genetics) và di truyền quần thể (population genetics). Trong di truyền gen (hay di truyền kế thừa gen) có di truyền chất lượng (qualitative genetics/Mendelian genetics) và di truyền học số lượng (quantitative genetics).

Gen được định nghĩa là đơn vị nhỏ nhất của di tuyền. Mỗi gen là một đoạn xác định của phân tử DNA của nhiễm sắc thể, một cao phân tử sinh học được cấu thành từ bốn loại đơn phân nucleotide; chuỗi nucleotide này mang thông tin di truyền ở sinh vật. DNA trong điều kiện tự nhiên có dạng chuỗi xoắn kép, trong đó nucleotide ở mỗi chuỗi liên kết bổ sung với nhau. Mỗi chuỗi lại có thể hoạt động như một khuôn để tổng hợp một chuỗi bổ sung mới - đó là cách thức tự nhiên tạo nên những bản sao của gen mà có thể được di truyền lại cho đời sau. Chuỗi nucleotide trong gen có thể được phiên mã và dịch mã trong tế bào để tạo nên chuỗi các axít amin, gọi là pôlypeptit, từ đó hình thành protein là cơ sở vật chất trực tiếp hình thành nên tính trạng (đặc điểm) của sinh vật. Trình tự của các axít amin trong pôlypeptit của một protein tương ứng với trình tự của các nucleotide trong gen. Trình tự này được biết với tên mã di truyền. Trình tự của các nucleotide xác định không chỉ xác định trình tự các axit amin trong protein bậc I, mà từ đó còn xác định cấu trúc bậc cao hơn là protein bậc II và protein bậc III và bậc IV (nếu là đa protein) gọi là cấu trúc ba chiều của phân tử protein 3D. Bậc cấu trúc 3D này mới giúp protein có chức năng sinh học trong tế bào sống. Một thay đổi nhỏ của gen thường dẫn đến thay đổi trình tự axít amin, do đó dẫn đến thay đổi cấu trúc và chức năng của protein, thường gây ra đột biến có thể tác động không nhỏ lên tế bào cũng như toàn bộ cơ thể sống. Tuy gen đóng một vai trò to lớn trong sự hình thành tính trạng và mọi hoạt động của sinh vật, nhưng tác động của môi trường bên ngoài và cả những gì sinh vật đã trải qua cũng có vai trò rất quan trọng, thậm chí tạo ra kết quả sau cùng của biểu hiện tính trạng.

Giống vật nuôi là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố, phát triển do tác động của con người; phải có số lượng bảo đảm để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau. Dòng là một nhóm vật nuôi trong giống, mang những đặc điểm chung của giống nhưng có đặc điểm riêng đã ổn định. Dòng, giống vật nuôi mới là dòng, giống vật nuôi lần đầu được tạo ra trong nước hoặc lần đầu được nhập khẩu vào Việt Nam. Giống vật nuôi quý, hiếm là giống vật nuôi có giá trị đặc biệt về khoa học, y tế, kinh tế mà số lượng còn ít hoặc bị đe dọa tuyệt chủng. Giống vật nuôi bản địa là giống vật nuôi được hình thành và tồn tại ở địa bàn nhất định trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Giống gốc là đàn giống cấp cụ kỵ, ông bà đối với lợn, gia cầm; đàn giống hạt nhân đối với giống gia súc khác; đàn thuần chủng đối với ong; giống nguyên chủng đối với tằm. Đàn giống cấp cụ kỵ đối với lợn, gia cầm là đàn giống vật nuôi thuần chủng hoặc đàn giống đã được chọn để sản xuất ra đàn giống cấp ông bà. Đàn giống cấp ông bà đối với lợn, gia cầm là đàn giống vật nuôi được sinh ra từ đàn giống cấp cụ kỵ để sản xuất ra đàn giống cấp bố mẹ. Đàn giống cấp bố mẹ đối với lợn, gia cầm là đàn giống vật nuôi được sinh ra từ đàn giống cấp ông bà để sản xuất ra đàn thương phẩm. Đàn giống hạt nhân là đàn giống tốt nhất, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, được nuôi dưỡng và chọn lọc theo một quy trình nhất định nhằm đạt được tiến bộ di truyền cao để sản xuất ra đàn nhân giống. Đàn nhân giống là đàn giống do đàn giống hạt nhân sinh ra để sản xuất đàn thương phẩm hoặc được chọn lọc để bổ sung vào đàn giống hạt nhân. Đàn thương phẩm là đàn vật nuôi được sinh ra từ đàn giống cấp bố mẹ hoặc từ đàn nhân giống. Nguồn gen giống vật nuôi là các động vật sống và sản phẩm giống của chúng mang thông tin di truyền có khả năng tạo ra hoặc tham gia tạo ra giống vật nuôi mới. Hệ phả vật nuôi là bản ghi chép thể hiện mối quan hệ huyết thống của cá thể vật nuôi với tổ tiên của chúng. Tạo dòng, giống vật nuôi là việc chọn lọc và phối giống hoặc sử dụng các phương pháp khoa học, biện pháp kỹ thuật để tạo ra một dòng, giống vật nuôi mới.

Chọn giống vật nuôi là việc xác định và chọn lọc những con vật nuôi (đực và cái) có tiềm năng di truyền vượt trội về một hay nhiều tính trạng mong muốn để làm giống (sinh sản). Chọn giống vật nuôi nông nghiệp mang tính chất của chọn lọc nhân tạo vì mục đích kinh tế của con người.

Nhân giống vật nuôi là cho những cá thể đực và cái phối giống với nhau để sinh sản nhằm nhân số lượng vật nuôi lên. Nhân giống vật nuôi hiện đại là khoa học ứng dụng các nguyên lý của di truyền học và toán sinh học nhằm cải thiện hiệu quả chăn nuôi động vật nông nghiệp. Để đạt được điều đó, việc nhân giống vật nuôi phải được tiến hành một cách có kiểm soát đi liền với việc chọn lọc những con giống tốt (nhân giống có chọn lọc) nhằm cải thiện chất lượng các tính trạng mong muốn phù hợp với nhu cầu của con người. Các phương thức nhân giống khác nhau có thể được chia thành nhân giống thuần và lai giống. Nhân giống thuần (purebreeding) là cho giao phối giữa các con đực và con cái trong cùng một giống nhằm thiết lập và duy trì các tính trạng ổn định mà con vật sẽ truyền cho thế hệ tiếp theo. Lai giống (crossbreeding) là cho giao phối giữa các con vật từ các giống khác nhau nhằm bổ sung các tính trạng tốt có ở các giống khác nhau và/hay khai thác ưu thế lai ở con lai.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  • A.M. Winchester. Encyclopedia Britannica 2019.
  • Albert E. Freeman. Encyclopedia Britannica 2019.
  • Quốc Hội, Luật Chăn nuôi, Luật số 32/2018/QH14 Ban hành ngày 19/11/2018