Di truyền là quá trình các mã di truyền của cha mẹ được truyền lại cho con cái của họ. Đây là những đặc điểm nhất định mà cha mẹ truyền lại cho con cái mình bao gồm màu mắt, màu tóc, chiều cao và các đặc điểm thể chất khác. Mã hóa cho những đặc điểm này được chứa bên trong các phân tử DNA có trong tất cả các tế bào của con người. Kể từ khi phát hiện ra DNA bởi James Watson (1928) vào những năm 1950, khoa học di truyền học đã tập trung vào nghiên cứu DNA và cách thức mà các đặc điểm thể chất được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
F. Galton (1822 - 1911) là người đầu tiên nghiên cứu vai trò của DT đối với tâm lý khi ông khảo sát gia đình của những người nổi tiếng và phát hiện thấy có yếu tố di truyền về tài năng trong những gia đình này. Chính ông cũng là người khởi xướng thuyết Ưu sinh (Eugenics) gây nhiều tranh cãi vào đầu thế kỷ XX: phong trào sinh học - xã hội ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện chất lượng nòi giống người, ví dụ, cần phải ưu tiên cho những người thông minh kết hôn với nhau và cấm những người chậm phát triển trí tuệ có con.
Vào những năm 1920, khi mà xu hướng cho rằng tâm lý có nguồn gốc từ môi trường bên ngoài đang thịnh hành thì đã bắt đầu có các nghiên cứu về DT của trí tuệ và ở bệnh tâm thần. Tuy nhiên những nghiên cứu theo chủ đề này cũng nhanh chóng bị xa lánh khi mà thuyết Ưu sinh đã bị Đức Quốc xã lợi dụng quá mức. Cho đến những năm 1970, vấn đề “Tự nhiên hay dinh dưỡng” (Nature vs Nurture) mà Galton là người khởi xướng, lại được đề cập đến trong lĩnh vực Tâm thần. Trong Tâm lý học, đặc biệt là trong các lĩnh vực ứng dụng như: Tâm lý học Phát triển, Đánh giá/Chẩn đoán tâm lý học, Tâm lý học sai biệt, đến những năm 1980, vấn đề DT được quan tâm trở lại.
Là một bộ phận của di truyền học, di truyền tâm lý (Psychogenetics/Behavioral Genetics) nghiên cứu sự ảnh hưởng của gen đến tâm lý và sự tác động của các yếu tố môi trường đến gen, thông qua đó ảnh hưởng đến tâm lý. Ba chủ đề chính trong di truyền tâm lý thường tập trung vào: trí tuệ; nhân cách; sự DT của các rối loạn tâm thần/ tâm bệnh.
Các phương pháp[sửa]
Phương pháp định lượng di truyền (Quantitative Genetic Methods) nhằm xác định mức độ tham gia của các yếu tố di truyền và môi trường vào sự khác biệt cá nhân trong một phẩm chất, nét tâm lý, hành vi nào đó.
Phương pháp bán thực nghiệm (Quasi-experiment). Do không thể kiểm soát được hoàn toàn các yếu tố môi trường và gen ở con người, một phương pháp khác, phương pháp bán thực nghiệm có thể được sử dụng để nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của di truyền đến các nét nhân cách, hành vi. Nội dung chính của phương pháp này là nghiên cứu trên những cặp sinh đôi: sinh đôi cùng trứng và khác trứng, sống chung và sống riêng.
Một thiết kế bán thực nghiệm khác: khảo sát trên những người được nhận làm con nuôi. Tuy nhiên ít có nghiên cứu nào chỉ thực hiện một phương pháp này. Nghiên cứu trên những người con nuôi thường được thực hiện kết hợp với các phương pháp/kỹ thuật khác, ví dụ như nghiên cứu sinh đôi, nghiên cứu cây gia đình/phả hệ. Phương pháp di truyền học phân tử (Molecular Genetic Methods) giúp nhận diện những gen cụ thể đóng góp vào thành tố di truyền đối với từng phẩm chất tâm lý cụ thể. Những phương pháp này được thực hiện trên cả người và động vật. Ưu thế của mô hình động vật là cả yếu tố gen và môi trường có thể kiểm soát được. Tuy nhiên không phải mọi kết quả trên mô hình động vật đều có thể áp dụng được cho người.
Di truyền học phân tử đang ngày càng có được những kết quả khích lệ khi mà bản đồ gen của con người đã được xác lập vào năm 2003. Đặc biệt trong lĩnh vực tâm thần, di truyền học phân tử giúp nhận diện không chỉ các gen mà cả những BT về gen trong các bệnh tâm thần khác nhau.
Trí tuệ[sửa]
Cũng như đối với các phẩm chất tâm lý khác, các nghiên cứu đều khẳng định rằng sự tham gia vào yếu tố di truyền của trí tuệ là có nhiều gen/đa gen. Theo một số tài liệu, con số này không phải là một vài mà là trên 500 gen. Tuy nhiên một câu hỏi được đặt ra là “tỉ trọng” của yếu tố di truyền trong trí tuệ là bao nhiêu. Cũng là nghiên cứu sinh đôi ở người trưởng thành, Bouchard và cộng sự đưa ra con số là từ 57% đến 73%, con số gần đây của Plomin và cộng sự còn cao hơn, từ 80% đến 86%. Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều nghiên cứu về vấn đề này.
Nhân cách[sửa]
Mô hình nhân cách được sử dụng cho các nghiên cứu về di truyền thường là mô hình về nét (Traits) nhân cách. Nét nhân cách được xem như là cái “khung”, chỉ cách thức con người suy nghĩ, cảm xúc và hành động trong những tình huống nhất định.
Sử dụng phương pháp nghiên cứu sinh đôi, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy trong các cặp sinh đôi cùng trứng, mức độ tương đồng của các nét nhân cách cao hơn so với những cặp sinh đôi khác trứng.
Nghiên cứu của một nhóm tác giả cho thấy yếu tố gen đóng góp khoảng 50% vào các nét nhân cách. Ví dụ, yếu tố gen chiếm: 61% trong quyền lực xã hội; 60% trong tuân thủ truyền thống (traditionalism); 55% trong phản ứng stress và 55% trong xa lánh xã hội.
Từ những năm 1980 trở lại đây, kỹ thuật đa hình đơn nucleotide (Single Nucleotide Polymorphism - SNP) và đặc biệt là sau 2003 (khi mà bản đồ gen người đã được sáng tỏ), nghiên cứu tương quan toàn bộ hệ gen (Genome Wide Association Study - GWAS) đã giúp các nhà nghiên cứu nhận diện được nhiều gen trong phức hợp “đa gen” tham gia vào yếu tố di truyền của nhân cách. Rất nhiều gen trong số này là liên quan đến các chất dẫn truyền thần kinh.
Rối loạn tâm thần[sửa]
Có rất nhiều rối loạn/bệnh tâm thần liên quan đến gen. Hầu hết trong số đó là đa gen. Những ảnh hưởng của gen còn chịu sự tác động của các yếu tố môi trường gia đình và xã hội. Ví dụ, gen nhạy cảm với nghiện rượu không thể phát huy được ảnh hưởng của mình nếu như trong gia đình có sự giáo dục chặt chẽ, một môi trường xã hội lành mạnh.
Sự ảnh hưởng của gen đến các rối loạn tâm thần diễn ra theo ba cách:
- Gen gây tổn thương về mặt thực thể não, từ đó dẫn đến rối loạn tâm thần, ví dụ như ở bệnh Alzheimer hoặc tâm thần phân liệt.
- Gen chịu trách nhiệm về những bất thường trong sự phát triển của cá nhân trước và sau khi sinh.
- Gen chịu trách nhiệm về sự mẫn cảm của cá nhân với lo âu, trầm cảm, rối loạn nhân cách, nghiện…
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 301 - 302.
- Bouchard T. J., McGue M., Genetic and environmental influences on human psychological differences, Journal of Neurobiology, 54 (1), 2003, pp. 4 - 45.
- Kahn A.D., Fawcett J., The Encyclopedia of Mental Health, 3rd Ed., Fact On File, Inc., 2008, pp. 219 - 220.
- Mayo O., Early Research on Human Genetics Using the Twin Method: Who Really Invented Method, Twin Research and Human Genetics, Vol. 12, No. 3, 2009.
- VandenBos G.R., (Editor in chief), APA Dictionary of Clinical Psychology, American Psychological Association, Washington DC, 2013, pp. 253.
- Plomin R., Deary I.J., Genetics and intelligence differences: five special finding, Molecular Psychiatry, 20 (1), 2015, pp. 98 - 108.
- Sanchez-Roige S. et al., The Genetics of Human Personality, Genes Brain Behav, Mart 13 (3), 2018.