Mục từ này cần được bình duyệt
Di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh Thái Bình

Di tích lịch sử - văn hóa ở tỉnh Thái Bình di tích lịch sử, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích khảo cổ, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Theo danh mục kiểm kê của Bảo tàng Thái Bình, đến năm 2021 tỉnh Thái Bình có 2969 di tích lịch sử, văn hóa gồm đình, chùa, đền, miếu, văn chỉ, lăng mộ, nhà thờ họ, nhà lưu niệm, phủ điện, quán, địa điểm lịch sử và 40.288 hiện vật, tài liệu, phim ảnh được bảo quản, trưng bầy tại Bảo tàng Thái Bình. Trong đó có 02 di tích quốc gia đặc biệt (chùa Keo, huyện Vũ Thư và khu lăng mộ, đền thờ các vị vua triều Trần, huyện Hưng Hà); 119 di tích quốc gia; 564 di tích cấp tỉnh và 2 bảo vật quốc gia (Cỗ ngai thời Lê Trung hưng thế kỷ XVII và Nhang án chùa Keo).

1. Di tích lịch sử Di tích cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40-43) Đền Tiên La xã Đoan Hùng (Hưng Hà), tương truyền có từ đầu Công nguyên, thờ Bát Nạn tướng quân, di tích cấp Quốc gia. Đình Hú xã Hòa Tiến (Hưng Hà), xây dựng thời Lê. Các thần là tướng lĩnh của Hai Bà Trưng, di tích cấp Quốc gia. Đền Buộm, đền Rẫy xã Tân Tiến (Hưng Hà), có từ thượng cổ, thờ Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, di tích cấp Quốc gia. Đình Hiệp Lực xã An Khê (Quỳnh Phụ), có từ thời Hai Bà Trung, thờ Lê Đô là tướng của Trưng Vương, di tích cấp Quốc gia. Đền Bổng Điền xã Tân Lập (Vũ Thư), thờ Quế Hoa công chúa, theo Hai Bà Trưng dấy binh, khi bà hy sinh các làng đều lập đền thờ, di tích cấp Quốc gia. Đình Mỹ Bổng xã Việt Hùng (Vũ Thư), khởi xây thời Lê, thờ các vị thần thời Trưng Nữ Vương, di tích cấp Quốc gia. Đền Vô Hối xã Thụy Thanh (Thái Thụy), có từ rất sớm, thờ Cấp Cước, quê vùng Vô Hối, nữ tướng của Hai Bà Trung, di tích cấp Tỉnh. Ở các làng xã Thái Bình còn rất nhiều di tích thờ tự và lưu niệm cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.

Di tích về Lý Bí và cuộc khởi nghĩa Lý Bí (thế kỷ thứ VI) Gồm các di tích thờ tự và lưu niệm: Đình Tử Các xã Hoà An (Thái Thụy), thờ Lý Nam Đế và Hoàng hậu Đỗ Thị Khương, nơi đây vốn là hành điện của vua Tiền Lý, trải các triều Lý, Trần, Lê đều coi là Quốc miếu, di tích cấp Quốc gia. Miếu Hai Thôn xã Hiệp Hoà (Vũ Thư), thờ Lý Nam Đế và Hoàng hậu, di tích cấp Quốc gia. Đình Cổ Trai xã Hồng Minh (Hưng Hà) thờ vua Tiền Lý Nam Đế cùng Lý Tấn, di tích cấp Quốc gia. Đền Cổ Trai xã Hồng Minh (Hưng Hà) thờ tả tướng quân Triệu Quang Phục, di tích cấp Quốc gia. Đình Gia Lạc xã Hồng Lý (Vũ Thư) thờ Lý Bí, di tích cấp Tỉnh. Đình Các Đông xã Thái Thượng (Thái Thụy) thờ vua Tiền Lý Nam Đế, cũng là địa điểm lưu niệm về ông, di tích cấp Quốc gia. Đình Luật Nội, Luật Ngoại xã Quang Lịch (Kiến Xương) thờ Phương Dung, Thạch Công là những danh tướng thời Lý Bí, di tích cấp Quốc gia.Đình, chùa Cần Tu xã Đông Dương (Đông Hưng) nơi thờ tự và cũng là địa điểm lưu niệm Lý Nam Đế và các tướng Lê Ngọ, Lê Điện, Lê Á, Lê Mộc Hoàn, Lê Vương Vị chỉ huy các đồn tại Trang Bài Cát trong cuộc khởi nghĩa của Lý Bí, v.v...

Di tích về sứ quân Trần Lãm và Đinh Bộ Lĩnh (Thế kỷ thứ X) Từ đường thờ Bùi Quang Dũng xã Tân Bình (thành phố Thái Bình) theo Đinh Bộ Lĩnh, từng giữ chức Điện tiền chỉ huy sứ, được cử về trấn giữ vùng Bố Hải Khẩu, con cháu ông nhiều người lập nghiệp ở đây. Miếu Ba Thôn, chùa Hưng Quốc xã Thụy Hải (Thái Thụy) và miếu Bắc xã Đông Sơn (Đông Hưng) thờ các tướng lĩnh giúp Đinh Bộ Lĩnh trong sự nghiệp dẹp loạn 12 sứ quân. Đình Khả xã Duyên Hải (Hưng Hà) lưu niệm tướng quân của nhà Đinh là Nguyễn Phúc Thời....

Di tích thời Lý - Trần (Thế kỷ XI-XIII) Đền Lưu Xá xã Canh Tân (Hưng Hà) thờ Lưu Khánh Đàm, di tích cấp Quốc gia. Nơi đây vốn là phủ đệ của ông. Miếu và chùa làng Riệc xã Hoà Tiến (Hưng Hà) nơi thờ và lưu niệm Lưu Lượng vị quan Hà đê sứ triều Lý, là người có công lao trong công cuộc khẩn hoang trị thủy vùng sông Luộc, sông Hoá thời Lý. Đền Tiến Trật xã Đô Lương (Đông Hưng) thờ Đặng Tiến Thành, đỗ Thái học sinh năm 1138 và thờ 20 nghĩa sĩ của làng đã có công trong cuộc kháng chiến chống xâm lược thời Lý. Chùa Hú xã Hoà Tiến (Hưng Hà) và Chùa Keo (Vũ Thư): nơi thờ và lưu niệm thiền sư Dương Không Lộ. Đền Thượng và chùa Phúc Thắng xã Song Lãng (Vũ Thư) thờ và lưu niệm đại thiền sư Đỗ Đô, là người đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm của nhà Trần sau này.

Thái Bình là đất phát tích và khởi nghiệp của nhà Trần. Các di tích phản ánh về thời đại nhà Trần trải rộng trên địa bàn toàn tỉnh, gồm đền thờ các danh nhân, di tích khảo cổ, danh lam thắng cảnh... Tập trung nhiều nhất tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tiêu biểu là khu lăng mộ, đền thờ các vua Trần và hành cung Long Hưng, được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước dưới triều Trần.

Khu di tích đình Vạn Đồn, Lưu Đồn và Tu Trình xã Hồng Dũng (Thái Thụy) là nơi lưu niệm những sự kiện xây dựng phòng tuyến Lưu Đồn - Bát Đụn trang (tám kho thóc nuôi quân), là bản doanh chỉ huy của các tướng lĩnh nhà Trần trên tuyến phòng thủ bờ biển trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, với chiến thắng ở cửa Đại Bàng xã Thụy Xuân (Thái Thụy) nổi tiếng trong sử sách.

Trên phòng tuyến Đào Động, Lộng Khê, Tô Đê, A Sào vùng ven sông Luộc, sông Hoá có di tích về cuộc hành quân của Trần Hưng Đạo trên đường đi đánh Nguyên Mông. Ngoài ra, còn nhiều di tích thờ tự và lưu niệm những sự kiện, những danh nhân thời Trần trên địa bàn Thái Bình như: voi đá A Sào xã An Thái (Quỳnh Phụ), đền Ngọc Quế xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ), nơi tưởng niệm Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương về tuyển duyệt binh sỹ, chuẩn bị lực lượng cho cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên lần thứ 2 (1285); lăng Thái Bảo xã Hồng Việt (Đông Hưng), nơi tưởng niệm Đại tướng Trần triều Đỗ Tử Bình; đền Hét xã Thái Thịnh (Thái Thụy), nơi tưởng niệm những sự kiện lịch sử liên quan đến tướng quân Phạm Ngũ Lão cùng với những đội quân thủy binh của ông...

Di tích thời Lê - Nguyễn (Thế kỷ XV-XIX) Đình Đông Linh xã An Bài (Quỳnh Phụ) lưu niệm Phạm Bôi, vị khai quốc công thần triều Lê. Miếu Đông xã Dương Hồng Thủy (Thái Thụy) tưởng niệm Lê Hựu và Lê Thị Phượng, là tướng quân phối hợp với nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược. Từ đường Nguyễn Kim Nho xã Bách Thuận (Vũ Thư) thờ một danh tướng có nhiều công lao trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của Nguyễn Huệ.

Các cuộc khởi nghĩa nông dân dưới thời Lê - Nguyễn được phản ánh qua các di tích lịch sử như: Từ đường Hoàng Công Chất xã Nguyên Xá (Vũ Thư); đền Hạ Đồng xã Thụy Sơn (Thái Thụy), nơi tưởng niệm Đặng Công Kỳ; đình Phương Xá xã Đông Phương (Đông Hưng), lưu niệm Tiến sĩ Phạm Công Thế chống lại triều đình Lê- Trịnh; đình Dũng Thuý xã Dũng Nghĩa (Vũ Thư) lưu niệm địa điểm khởi nghĩa của Tú Cao; đình Tổ xã Tây Giang (Tiền Hải), đình Bình Trật xã An Bình, đình Lai Vi xã Quang Minh (Kiến Xương) thờ và tưởng niệm Phan Bá Vành.

Trong kháng chiến chống Pháp xâm lược, nhiều sĩ phu phong kiến quê ở Thái Bình đã đứng trong phái chủ chiến của triều đình Huế, trực tiếp cầm quân ra trận chống Pháp, tiêu biểu như: Tiến sĩ Phạm Thế Hiển, đã sát cánh cùng Nguyễn Tri Phương trong những ngày đầu chống Pháp ở Nam Kỳ; từ đường thờ ông tại xã Thụy Phong, Thái Thụy. Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích, người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất; từ đường và lăng của ông tại xã An Ninh, Tiền Hải. Nguyễn Mậu Kiến, một văn thân yêu nước, cùng các con là Nguyễn Hữu Bản, Nguyễn Hữu Cương lãnh đạo phong trào kháng chiến chống Pháp nổi tiếng vùng Nam Định - Thái Bình khi Pháp xâm lược Bắc Kỳ. Từ đường và lăng của ông được lập tại xã Vũ Trung (Kiến Xương). Tạ Hiện, một thủ lĩnh nghĩa quân tiêu biểu ở Thái Bình, quê ở Thái Thụy, có nhiều di tích lịch sử thờ và lưu niệm những sự kiện về phong trào do ông lãnh đạo. Nhiều thủ lĩnh phong trào Cần Vương ở Thái Bình được thờ và lưu danh trong các di tích lịch sử như: đình, chùa Hoàng Nông (Điệp Nông, Hưng Hà) lưu niệm thủ lĩnh phong trào Cần Vương là Bang Tốn. Từ đường Phạm Huy Quang xã Đông Sơn (Đông Hưng) và đền Hồng Phong xã An Tràng (Quỳnh Phụ), chùa và miếu Bình Cách xã Đông Xá (Đông Hưng) là những nơi thờ và lưu niệm phong trào Cần Vương do Phạm Huy Quang lãnh đạo. Chùa Lãng Đông xã Trà Giang (Kiến Xương), nơi lưu niệm phong trào kháng pháp của sư Thụ. Đền, chùa Bách Tính xã Bách Thuận (Vũ Thư), nơi lưu niệm phong trào kháng Pháp kéo dài từ thời kỳ Cần Vương đến phong trào Đông Du và Đông kinh Nghĩa thục.

Di tích các nhà khoa bảng và danh nhân Các di tích còn lại đến nay thờ 66 vị Tiến sĩ đại khoa tại 35 từ đường, 22 đền thờ, 01 đình, 01lăng, 01miếu. Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ có đền quan Trạng ở Tân Lễ (Hưng Hà). Trạng nguyên Đỗ Lý Khiêm có đền thờ ở Song Lãng (Vũ Thư), Tam nguyên Bảng nhãn Lê Quý Đôn có từ đường ở xã Độc Lập (Hưng Hà)....

Các di tích lịch sử ở Thái Bình còn thờ nhiều danh nhân lịch sử có công lập làng, truyền nghề cho dân như: Lăng Nguyễn Công Trứ ở xã Tây Sơn (Tiền Hải), Đền thờ tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu ở xã Hồng Thái (Kiến Xương), Phủ chúa Muối ở xã Thụy Hải (Thái Thụy). Từ Giành thờ một nhân vật lịch sử dưới triều Trần đã truyền dạy nghề thủ công đan giành xã Thụy Văn (Thái Thụy). Đền thờ bà Nguyễn Thị Tần, tổ nghề làm bánh cáy làng Nguyễn (Nguyên Xá, Đông Hưng). Di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến Trường Vị Sỹ xã Chí Hoà (Hưng Hà) là cơ sở hoạt động của tổ chức thanh niên do đồng chí Bùi Hữu Diên lãnh đạo (1925). Nhà thờ Phạm Quang Lịch (Đình Phùng, Kiến Xương) là cơ sở in ấn tài liệu của Xứ uỷ Bắc Kỳ (1930 - 1932). Đình Nho Lâm - Thanh Giám (Đông Lâm, Tiền Hải) là địa điểm xuất phát cuộc biểu tình nông dân Tiền Hải 14/10/1930. Chùa Chung - Mả Bụt (Vũ Lăng, Tiền Hải) là cơ sở hoạt động của Tỉnh uỷ Thái Bình, nơi diễn ra cuộc mít tinh Mả Bụt 12/9/1940. Khu lưu niệm Nguyễn Đức Cảnh (Diêm Điền, Thái Thụy). Làng kháng chiến Nguyên Xá và nghĩa trang liệt sĩ Đông Hưng (thị trấn Đông Hưng, Đông Hưng).là một quần thể di tích lịch sử về "làng kháng chiến kiểu mẫu". Khu lưu niệm Bác Hồ (Tân Hoà, Vũ Thư) lưu lại sự kiện Bác Hồ về thăm và làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thái Bình vào những ngày cuối năm 1966 và 1/1/1967.

2. Di tích kiến trúc nghệ thuật Tiêu biểu nhất là chùa Keo (Thần Quang Tự) - Di tích Quốc gia đặc biệt, là một trong 10 kiến trúc cổ tiêu biểu và là một trong ba ngôi chùa tiêu biểu của Việt Nam. Chùa Cổ Tuyết xã (An Vinh, Quỳnh Phụ) được xây dựng vào triều Lê, trên diện tích gần 3000m2, có gác chuông hai tầng, có hai toà biệt điện, gần 60 gian, xây dựng trên quần thể kiến trúc có 9 mái rất độc đáo. Chùa Cần (xã Đông Dương, Đông Hưng) được xây dựng vào thời Lê, gồm 3 toà, 10 gian, 26 cột đá và mặt tiền bằng đá. Đình An Cố xã Thụy An (Thái Thụy), xây dựng vào thời Lê, là một kiến trúc nghệ thuật đình tiêu biểu nhất ở Thái Bình. Đình Đá (xã An Hiệp, Quỳnh Phụ), là một ngôi đình độc đáo hoàn toàn bằng đá (ước tính hàng trăm tấn). Đền Đồng Bằng xã An Lễ (Quỳnh Phụ) có quy mô kiến trúc lớn nhất Thái Bình, được xây dựng trên diện tích 6000m2 với 13 toà, 66 gian, có hàng trăm mảng chạm khắc nghệ thuật. Đền Tiên La (xã Đoan Hùng, Hưng Hà) có quy mô to lớn, đẹp một cách lộng lẫy cả về thế và vóc dáng. Đền Đồng Xâm (xã Hồng Thái, Kiến Xương) là một quần thể kiến trúc gồm 12 công trình lớn nhỏ với 40 gian được xây dựng trên một diện tích khoảng 1000m2.. Miếu Hai Thôn (Hiệp Hoà, Xuân Hoà - Vũ Thư) là một công trình kiến trúc nghề thuật miếu tiêu biểu nhất ở Thái Bình.

3. Di tích khảo cổ Có di chỉ thành Kỳ Bố Hải Khẩu (thành phố Thái Bình) thế kỷ X. Những phòng tuyến Lưu Đồn, Vạn Đồn, cửa Đại Bàng, " Bát đụn trang" thuộc các xã Hồng Quỳnh, Thụy Xuân, Thụy Trình, huyện Thái Thụy trong cuộc kháng chiến chống Mông - Nguyên, thế kỷ XIII... Lăng Trần Thủ Độ (xã Liên Hiệp, Hưng Hà), lăng mộ An Hạ Vương và phu nhân (xã Đông Quang, Đông Hưng), lăng Phạm Huy Đĩnh (xã Chương Dương, Đông Hưng)... Khu phế tích của nhà Trần, ngoài lăng của Trần Thái Tổ và các vị hoàng đế nhà Trần, còn 4 lăng của 4 hoàng hậu. Hành cung Lỗ Giang thời Trần mới được phát hiện năm 2014 tại khu vực đền Thái Lăng, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trần Lâm Biền, Chùa Việt, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1996.
  2. Bảo tàng Thái Bình, Di tích khảo cổ học ở Thái Bình, Bảo tàng Thái Bình xuất bản, Thái Bình, 1999.
  3. Bảo tàng Thái Bình, Di tích lịch sử văn hóa Thái Bình tập I, Bảo tàng Thái Bình tái bản lần thứ nhất, Thái Bình, 2008.
  4. Chu Quang Trứ, Kiến trúc dân gian truyền thống Việt Nam, Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, 1999.
  5. Nguyễn Quang Ân và Phạm Minh Đức (chủ biên), Địa chí Thái Bình, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2010.
  6. Hà Văn Tấn, Nguyễn Văn Kự, Phạm Ngọc Long, Chùa Việt Nam, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013.