Mục từ này cần được bình duyệt
Di tích lịch sử - văn hóa ở Thành phố Hà Nội

Di tích lịch sử - văn hóa ở Thành phố Hà Nội những công trình xây dựng, địa điểm (bao gồm các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó) trên địa bàn thành phố Hà Nội, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Hà Nội là địa phương có số lượng di tích lớn và nhiều nhất so với các tỉnh, thành trong toàn quốc. Ngày 14.10.2016, Ủy ban nhân dân Thành phố có Quyết định số 5745/QĐ-UBND phê duyệt và công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tính đến 31.12.2015 là 5.922 di tích. Các năm 2017, 2018, 2019, 2020, UBND Thành phố có văn bản đưa sáu công trình xây dựng, địa điểm vào danh mục di tích.

Như vậy, tính đến tháng 12.2020, toàn Thành phố có tổng cộng 5.928 di tích. Số lượng phân bố tại ba mươi quận, huyện, thị xã như sau: khối quận: Ba Đình (47); Bắc Từ Liêm (92); Cầu Giấy (50); Đống Đa (76); Hà Đông (142); Hai Bà Trưng (51); Hoàn Kiếm (69); Hoàng Mai (87); Long Biên (87); Nam Từ Liêm (71); Tây Hồ (71); Thanh Xuân (29); khối huyện: Ba Vì (394); Chương Mỹ (374); Đan Phượng (155); Đông Anh (319); Gia Lâm (253); Hoài Đức (268); Mê Linh (161); Mỹ Đức (282); Phú Xuyên (345); Phúc Thọ (199); Quốc Oai (220); Sóc Sơn (341); Thạch Thất (208); Thanh Oai (266); Thanh Trì (154); Thường Tín (440); Ứng Hòa (433); Thị xã Sơn Tây (244).

Niên đại di tích trải dài qua các thời kỳ, được nhận biết qua ghi chép ở sử sách, trên văn bia, thông qua di vật hoặc kiến trúc hiện còn, tiêu biểu: từ thế kỷ III trước CN đến thế kỷ X, hiện còn Thành Cổ Loa, các di tích, di vật được phát hiện tại khu vực thành Cổ Loa, Hoàng thành Thăng Long; thế kỷ XI-XIV có Văn Miếu Quốc Tử Giám (Đống Đa), chùa Trấn Quốc (Tây Hồ), đền - chùa Bà Tấm (Gia Lâm), chùa Trăm Gian (Thạch Thất), chùa Láng (Đống Đa), chùa Bối Khê (Thanh Oai); từ thế kỷ XV- XIX đến đầu thế kỷ XX xây dựng nhiều ngôi chùa thờ Phật, đình, đền, miếu, phủ…thờ các anh hùng dân tộc, hay nhân thần, thiên thần có công với dân, với nước. Thế kỷ XX - thời đại Hồ Chí Minh có nhiều di tích là các căn cứ, cơ sở cách mạng, nơi lưu niệm sự kiện, nhân vật lịch sử của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và những công trình kiến trúc đẹp nổi tiếng của Thủ đô và cả nước như Nhà hát lớn Thành phố, Tòa nhà Bộ Ngoại giao.

Do đặc điểm tự nhiên và xã hội, các di tích kiến trúc được xây dựng từ thời Lý - Trần hiện không còn; các công trình lưu giữ được phong cách kiến trúc, nghệ thuật thời Lê - Nguyễn còn tương đối nhiều, tuy đến nay cũng đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa, mở mang, thậm chí là phục dựng lại. Theo cách phân loại di tích hiện nay, Hà Nội có đủ bốn loại hình: di tích lịch sử (Phủ Chủ Tịch, đền Hai Bà Trưng…), di tích kiến trúc nghệ thuật (đình Tây Đằng, đình Đại Phùng…); di tích khảo cổ (đàn Xã Tắc, đàn Nam Giao…); danh lam thắng cảnh (chùa Hương và thắng cảnh Hương Sơn, Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn…). Căn cứ giá trị nổi trội của di tích thì có những công trình kết hợp cả hai hay nhiều loại hình như: di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ Cổ Loa...

Đền thờ An Dương Vương thuộc khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh (Ảnh: Ban Quản lý di tích Cổ Loa)

Thông qua khối kiến trúc vật chất và lễ hội, tín ngưỡng dân gian truyền thống hiện còn, mỗi di tích đều mang ý nghĩa, giá trị riêng về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ ở các cấp độ khác nhau. Nhìn tổng thể, giá trị nổi bật của hệ thống di tích ở Hà Nội là giá trị lịch sử và giá trị kiến trúc – nghệ thuật.

Giá trị lịch sử thể hiện qua nhiều di tích gắn với nhân vật có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của địa phương hoặc ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc; nhiều di tích, di vật ghi dấu sự kiện, mốc lịch sử quan trọng của Thành phố, của dân tộc hoặc gắn với sự kiện đánh dấu bước chuyển biến đặc biệt quan trọng của lịch sử đất nước. Tại khu di tích Cổ Loa còn lưu chứng tích về Kinh đô đầu tiên của dân tộc; Văn Miếu-Quốc Tử Giám - trường Đại học đầu tiên của đất nước; Gò Đống Đa là biểu tượng chiến thắng của quân Tây Sơn vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789); nhiều di tích thờ anh hùng dân tộc Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… hoặc những nhân vật có công với nước, với dân được ghi trong sử sách; nhà lưu niệm 5D Hàm Long, nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên; Quảng trường Ba Đình lịch sử - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; nhà và hầm D67 đã từng là Sở chỉ huy của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh 1954 – 1975 và rất nhiều di tích quan trọng khác. Nhiều di vật mang giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học đã được công nhận bảo vật quốc gia : quả chuông duy nhất ở Việt Nam có niên đại thế kỷ X có tại đình Nhật Tảo (Bắc Từ Liêm); tượng sớm nhất hiện biết ở Việt Nam là tượng Phật Bà Quan Âm có niên đại thời Mạc thế kỷ XVI tại chùa Đào Xuyên (Gia Lâm); bộ tượng Di Đà Tam Tôn có niên đại đầu thế kỷ XVII tại di tích chùa Thầy (Quốc Oai); 82 bia ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được dựng thời Lê - Mạc là những tấm bia đầu tiên của Việt Nam vinh danh các vị đại khoa...

Giá trị kiến trúc, nghệ thuật được thể hiện thông qua 5.511 di tích (đình (1.806), đền (811), chùa (2.007), miếu (292), quán (185), nghè (18), nhà thờ họ (392) được xây dựng và bảo tồn theo lối kiến trúc truyền thống. Có công trình kiến trúc mang giá trị trong phạm vi địa phương; có công trình kiến trúc hoặc quần thể kiến trúc mang giá trị tầm cỡ quốc gia, giá trị đặc biệt, đánh dấu các giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam. Có kiến trúc độc đáo như chùa Một Cột ; nhiều kiến trúc có kiểu dáng, phong cách tiêu biểu cho các loại di tích kiến trúc gỗ truyền thống của người Việt trong từng giai đoạn lịch sử, như: đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (Ba Vì), đình So (Hoài Đức); chùa Tây Phương (Thạch Thất), chùa Kim Liên (Tây Hồ); đình Yên Thường (Gia Lâm), chùa Cầu Đông (Hoàn Kiếm)… Giá trị thể hiện rõ nét ở sự kết hợp tài tình giữa kiến trúc và điêu khắc. Ở nhiều di tích, các kết cấu gỗ (các thanh xà, rường, đấu kê, vì nóc, vì nách, đầu dư, đầu bẩy, ván dong...) được chạm khắc trang trí đề tài phong phú, đa dạng như hình linh vật, biểu tượng tự nhiên, cây cỏ, hình tượng con người, sinh hoạt đời sống…. Nhiều pho tượng là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam như 34 pho tượng thời Tây Sơn có tại chùa Tây Phương; tượng Trấn Vũ tại đền Trấn Vũ (Long Biên) và tượng Trấn Vũ ở đền Quán Thánh (Ba Đình) tiêu biểu cho nghệ thuật đúc đồng thể khối lớn của người Việt giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX còn lại đến ngày nay... Các tác phẩm này không chỉ mang lại giá trị nghệ thuật cao mà còn phản ánh hiện thực cuộc sống, có giá trị nghiên cứu lịch sử, đời sống văn hóa – xã hội.

Nhiều di tích nổi tiếng trong nước và nước ngoài đã thu hút rất đông khách tới tham quan, nghiên cứu, như Khu di tích Phủ Chủ Tịch, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, đền Quan Thánh, đền Ngọc Sơn - Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Hương, khu phố cổ Hà Nội, làng cổ Đường Lâm... Đây chính là nguồn tài nguyên lớn cho du lịch, đã thực sự đã trở thành giá trị của di tích đóng góp cho việc phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Phần lớn di tích được bảo quản tốt. Tuy nhiên vẫn còn di tích bị lấn chiếm đất đai hay cảnh quan, không gian; vẫn còn tình trạng tu bổ sai lệch yếu tố gốc; tình trạng xuống cấp do các hạng mục kiến trúc có niên đại lâu đời, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, trải qua thời tiết mưa nắng, mối mọt xâm hại. Theo số liệu tại thời điểm tổng kiểm kê di tích cuối năm 2015 và số liệu di tích được tu bổ trong những năm gần đây, thì số lượng di tích có hạng mục chính xuống cấp chiếm khoảng 1/3 tổng số di tích trên địa bàn.

Công tác quản lý di tích có một số khó khăn, tồn tại : số lượng di tích lớn, phân bố rộng khắp; nhiều di tích xuống cấp; nhân lực quản lý ở các cấp còn mỏng; việc kiểm tra, giám sát hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích ở một số địa phương còn chưa thường xuyên, kịp thời nên vẫn còn xảy ra các sai phạm trong tu bổ, nhất là đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn xã hội hoá. Thực hiện phân cấp quản lý di tích trong phạm vi thành phố quản lý, các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố trực tiếp quản lý 10 di tích tiêu biểu (Sở Văn hóa và Thể thao quản lý các di tích: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà lưu niệm Bác Hồ tại Vạn Phúc - Hà Đông, phần còn lại của nhà tù Hỏa Lò, nhà lưu niệm 48 Hàng Ngang, nhà lưu niệm 5D Hàm Long, nhà lưu niệm 90 Thợ Nhuộm, đền Ngọc Sơn (gồm cả khu tượng đài Vua Lê), đền Bà Kiệu); Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội quản lý Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội và khu di tích Cổ Loa) ; các di tích còn lại phân cấp cho các quận, huyện, thị xã quản lý.

Từ năm 2016 - 2020, công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích đạt hiệu quả tốt trên các mặt. Năm 2016 Thành phố ban hành và triển khai áp dụng thực hiện hai văn bản quan trọng là Quy chế quản lý bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh và Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội; Hoàn thành tổng kiểm kê di tích toàn Thành phố và giao danh mục di tích cho địa phương quản lý; xếp hạng gần 300 di tích, nâng tổng số di tích xếp hạng đến tháng 12.2020 là 2.642, trong đó có 1.209 di tích cấp quốc gia (có 01 di sản thế giới là khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long - Hà Nội, 19 di tích quốc gia đặc biệt), 1.433 di tích cấp thành phố; 128 hiện vật có trong di tích được công nhận là bảo vật quốc gia.

Ngân sách Thành phố đầu tư cho di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến và hỗ trợ một phần cho di tích quốc gia do cấp huyện quản lý; ngân sách cấp huyện đầu tư cho các di tích còn lại trên địa bàn và đối ứng cùng ngân sách Thành phố đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp mình quản lý. Trên 300 lượt di tích được tu bổ, sửa chữa từ ngân sách nhà nước các cấp; quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trọng điểm như khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, khu Thành Cổ Loa, làng cổ Đường Lâm và nhiều di tích quốc gia đặc biệt được lập và triển khai từng bước.

Một số quận nội thành tập trung giải quyết vi phạm di tích từ những năm trước và đã di chuyển được nhiều hộ dân ra khỏi khu vực bảo vệ di tích; các trường hợp xây dựng xây liền kề làm ảnh hưởng xấu tới không gian, cảnh quan di tích giảm nhiều so với thời gian trước năm 2016; các vi phạm di tích được phát hiện và phối hợp giải quyết kịp thời nên cơ bản ngăn chặn được những lấn chiếm, vi phạm mới đối với di tích.

Công tác tuyên truyền phát huy giá trị di tích, phổ biến pháp luật về di sản cũng được các cơ quan quản lý di tích chú trọng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tổ chức hội thảo, tập huấn, viết sách hay làm tờ gấp giới thiệu di tích, làm biển nội dung, gắn biển lưu niệm các di tích lịch sử cách mạng kháng chiến... ; một số lễ hội lớn như hội chùa Hương, hội đền Và, hội Dóng… đã có trật tự, nề nếp hơn.

Các cơ quan, đơn vị quản lý di tích luôn quan tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý di tích và lễ hội trên địa bàn Thành phố, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao, kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thông tin Hà Nội, Hà Nội, di tích và văn vật, Hà Nội, 1994.
  2. Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, Di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.
  3. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Quyết định số 5745/QĐ-UBND ngày 14.10.2016 phê duyệt, công bố danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội đến 31.12.2015, Hà Nội, 2016.
  4. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19.9.2016 ban hành Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hà Nội, 2016.
  5. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Quyết định số 48/2016/QĐ-UBND ngày 17.11.2016 ban hành Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội, Hà Nội, 2016.
  6. Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Bảo vật Quốc gia Thăng Long - Hà Nội, Nxb. Hà Nội, Hà Nội, 2017.
  7. Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và du lịch, Văn bản quản lý nhà nước về di sản văn hóa, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2019.