Di sản văn hoá vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Theo Điều 4, Luật Di sản văn hóa (2001), di tích lịch sử - văn hóa là công trình xây dựng, địa điểm và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc công trình, địa điểm đó có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học. Danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học. Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học; Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ một trăm năm tuổi trở lên; Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học; Bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia là sản phẩm được làm giống như bản gốc về hình dáng, kích thước, chất liệu, mầu sắc, trang trí và những đặc điểm khác; sưu tập là một tập hợp các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc di sản văn hóa phi vật thể, được thu thập, gìn giữ, sắp xếp có hệ thống theo những dấu hiệu chung về hình thức, nội dung và chất liệu để đáp ứng nhu cầu tìm hiểu lịch sử tự nhiên và xã hội.
Công ước bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới năm 1972 của UNESCO, Điều 1 nêu rõ di sản văn hoá vật thể là: Các di tích: các công trình kiến trúc, điêu khắc hoặc hội hoạ hoành tráng, các yếu tố hay kết cấu có tính chất khảo cổ, các văn bản, các hang động và các nhóm yếu tố có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học. Các quần thể: các nhóm công trình xây dựng đứng một mình hoặc quần tụ có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, nghệ thuật hay khoa học, do kiến trúc, sự thống nhất của chúng hoặc sự nhất thể hoá của chúng vào cảnh quan. Các thắng cảnh: các công trình của con người hoặc những công trình của con người kết hợp với các công trình của tự nhiên, cũng như các khu vực, kể cả các di chỉ khảo cổ học, có giá trị quốc tế đặc biệt về phương diện lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hoặc nhân học.
Những giá trị của di sản văn hoá vật thể cũng đã được quy định rõ trong các văn bản pháp quy về việc quy định các vòng đai bảo vệ. Theo Điều 32, Luật Di sản văn hóa (2009), các khu vực bảo vệ di tích bao gồm: a) Khu vực bảo vệ I là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích; b) Khu vực bảo vệ II là vùng bao quanh hoặc tiếp giáp khu vực bảo vệ I, trong đó Khu vực bảo vệ I phải được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian.
Di sản văn hoá vật thể được chia thành hai loại: di chuyển được và không di chuyển được. di sản văn hoá vật thể di chuyển được bao gồm các hiện vật khảo cổ, lịch sử, dân tộc học, tôn giáo và nghệ thuật, ví dụ, các tác phẩm nghệ thuật, bản thảo và tài liệu, bản ghi âm, hình ảnh, tài liệu nghe nhìn, v.v. DSVH không di chuyển được bao gồm các di tích, nhóm công trình và địa điểm. Chúng là những công trình của con người không thể di chuyển từ nơi này sang nơi khác, hay những hố khảo cổ. Một trong những hoạt động cơ bản để bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử- văn hóa, danh lam thắng cảnh là việc nhận diện giá trị, kiểm kê, lập hồ sơ xếp hạng, ghi danh ở trong nước và quốc tế và đặt chúng dưới sự bảo hộ của pháp luật. Ở Việt Nam, năm 1962 là thời điểm bắt đầu quá trình xếp hạng di tích. Kết quả kiểm kê trên cả nước hiện có trên 4 vạn di tích. Tính đến thời điểm giữa năm 2021, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xếp hạng gần 10.000 di tích cấp tỉnh; 3.581 di tích quốc gia; 119 di tích quốc gia đặc biệt; 08 di tích tiêu biểu đã được UNESCO ghi vào Danh sánh Di sản Thế giới theo Công ước UNESCO 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới.
Di sản văn hoá vật thể là chủ đề nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, lịch sử, mỹ thuật, khảo cổ, và triết học, khám phá những mối quan hệ giữa đời sống con người với các tòa nhà, hiện vật, địa điểm, cũng như sự sáng tạo của con người cùng với lịch sử phát triển xã hội. di sản văn hoá vật thể được nhìn nhận đánh giá trong tổng thể của một nền văn hóa cùng với di sản văn hoá phi vật thể, gắn với những thực hành các biểu đạt văn hóa trong những không gian liên quan. Một số công trình nghiên cứu đã chỉ ra tầm quan trọng của thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống chủ thể quản lý di sản văn hoá vật thể để đảm bảo các vấn đề về trùng tu, tôn tạo di tích giữ nguyên trạng, đảm bảo tính xác thực như công tác trùng tu các đình, chùa, các tòa nhà mang tính lịch sử văn hóa đã được xếp hạng. Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn nguyên trạng đối với các di tích, đặc biệt đối với các ngôi nhà cổ liên quan đến không gian sinh hoạt hàng ngày của người dân như Làng cổ Đường Lâm lại nảy sinh nhiều vấn đề mâu thuẫn giữa nhu cầu về mở rộng không gian sinh hoạt và bảo tồn nguyên trạng. Những quy định mang tính pháp lý đối với việc bảo tồn di tích mang tính “chuẩn mực” và áp dụng đối với mọi loại hình trong không gian sinh sống của cộng đồng đôi khi lại nảy sinh những bất cập và mâu thuẫn.
Công tác quản lý các di tích cũng là một chủ đề vừa mang tính hành chính, thể chế, nhưng cũng lại dẫn đến những bất cập nếu không có một hệ thống quản lý hài hòa với sự tham gia của các đơn vị quản lý nhà nước, các bên tham gia và cộng đồng.
Công tác bảo tồn nguyên vẹn di tích và phát triển cũng tạo ra những mâu thuẫn xung đột giữa một bên muốn gìn giữ các di sản, một bên muốn xây dựng và phát triển theo xu hướng hiện đại hóa. Di sản đang tồn tại trong một xã hội có rất nhiều xung đột lợi ích diễn ra. Có một nghịch lý là càng ngày càng có nhiều những khu đô thị thương mại lớn của các tập đoàn xây dựng, nhưng ngày càng ít những khu vực được khảo sát khai quật khảo cổ học thực thi Luật Di sản văn hóa. Những món lợi nhuận khổng lồ từ các dự án xây dựng, các khu chung cư hiện đại, khiến nhiều địa phương bất chấp các giá trị văn hóa và cảnh quan thiên nhiên cần được bảo tồn, giữ gìn tính nguyên vẹn. Vấn dề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể trong các khu đô thị không chỉ quan tâm đến một công trình riêng lẻ mà bao gồm cả những yếu tố gắn kết như cảnh quan kiến trúc, môi trường, bảo vệ và tôn vinh giá trị toàn vẹn của di sản. Từ đó, các di sản văn hoá vật thể cùng với những di sản văn hoá phi vật thể không chỉ tồn tại mà còn “sống” trong bối cảnh đô thị hiện đại, góp phần xây dựng một đô thị có bản sắc và giàu văn hóa.
Các di sản văn hoá vật thể trong các không gian sống làng xã, các khu đô thị cổ có thể phát huy giá trị tốt hơn bởi nó thực sự là di sản “sống”, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân. Các nghiên cứu chỉ ra rằng xây dựng các cơ chế quản lý mềm dẻo đối với di sản văn hoá vật thể trong các không gian sống hướng tới việc đáp ứng được nhu cầu sử dụng đương đại, mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư, hạn chế sự mai một và biến dạng của di sản.
Như vậy, di sản văn hoá vật thể là những tài sản văn hóa mà chúng ta có thể nhìn thấy, chạm vào được và chúng có những giá trị to lớn về thẩm mỹ, về lịch sử, khoa học và gắn với đời sống của cộng đồng, với văn hóa, lịch sử của địa phương, vùng miền và quốc gia dân tộc. Chúng được bảo vệ theo quy định của pháp luật, được đầu tư về nguồn lực và có cả một hệ thống, cơ chế quản lý và bảo vệ. Di sản văn hóa nói chung và di sản văn hoá vật thể trở thành một bộ phận của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và là một lĩnh vực của công tác văn hóa, cũng như là một chủ đề quan trọng trong nghiên cứu liên ngành khoa học xã hội nhân văn, lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, phát triển đô thị và phát triển bền vững.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- UNESCO, Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên của thế giới, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, 1972.
- Lưu Trần Tiêu, “Bảo vệ và phát huy các giá trị di sản Thế giới tại Việt Nam”. Trong Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Việt Nam. Hà Nội: Nxb. Hà Nội, 2002.
- Marilena Vecco, “A definition of cultural heritage: From the tangible to the intangible.” Journal of Cultural Heritage 11 (2010) 321–324.
- Luật Di sản văn hóa 2002, 2009, 2013.
- Lưu Trần Tiêu, “Mấy vấn đề về hoạt động tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa”, Tạp chí Di sản văn hóa, số 3, 2011, tr.3-7.
- Labadi, Sophia, UNESCO, Cultural Heritage, and Outstanding Universal Value: Value-based Analyses of the World Heritage and Intangible Cultural Heritage Conventions. Rowman & Littlefield, 2013.
- Đặng Văn Bài, Ρhát triển bền vững hay phát triển cân đối/ hài hoà từ góc nhìn di sản văn hoá, in trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học ″Di sản văn hoá với Chiến lược phát triển bền vững″ do Bộ VHTTDL và Hội đồng Di sản Văn hoá Quốc gia tổ chức tháng 3.2017 tại Hà Nội, 2017.