Mục từ này cần được bình duyệt
Di cư lao động qua biên giới

Di cư lao động là việc người lao động di chuyển ra ngoài phạm vi lãnh thổ để theo đuổi công việc của họ. Di cư lao động qua biên giới là việc người lao động di chuyển ra ngoài biên giới để theo đuổi mục đích công việc. Nếu việc di cư đó vì những mục đích khác như kết hôn, tỵ nạn nhưng sau đó làm việc thì sẽ không được coi là di cư lao động qua biên giới. Biên giới ở đây thường là biên giới quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Di cư lao động qua biên giới quốc gia hoặc vùng lãnh thổ cũng được coi là di cư lao động quốc tế.

Di cư lao động quốc tế thường được biểu hiện dưới 2 hình thức là di cư tự do (di cư lao động không chính thức) và di cư có tổ chức (di cư lao động chính thức). Hình thức di cư lao động không chính thức là di cư lao động không theo hợp đồng, người lao động tự tìm cách ra khỏi biên giới để làm việc, có thể là bất hợp pháp. Hình thức di cư lao động chính thức là hình thức di cư lao động có tổ chức, có sự quản lý của chính quyền các bên.

Trong xu hướng toàn cầu hóa diễn ra mạnh mẽ, vấn đề quốc tế hóa sản xuất đã được thúc đẩy mạnh mẽ và bùng nổ đầu tư quốc tư quốc tế, dẫn đến hiện tượng quốc tế hóa thị trường lao động. Di cư lao động quốc tế trở thành một bộ phận không thế tách rời của hệ thống kinh tế thế giới hiện đại. Theo thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), trong những năm 80 của thế kỷ XX, số lao động di cư quốc tế mới chỉ có khoảng 25 triệu người thì đến nay đã lên đến 192 triệu người đang làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, chiếm xấp xỉ 3% dân số thế giới.

Đối với nước/vùng lãnh thổ mà người lao động di cư đến gọi là nước nhập cư. Lao động di cư đến nước này gọi là lao động nhập cư. Thời gian lưu trú của những lao động này thường bị hạn chế dựa trên loại việc làm mà họ có thể nắm giữ.

Các loại di cư lao động qua biên giới:

Có nhiều cách phân loại di cư lao động qua biên giới. Dựa theo tính tổ chức của hoạt động di cư có loại di cư có tổ chức và di cư không có tổ chức. Dựa trên thời hạn di cư, có thể phân loại thành di cư dài hạn, di cư ngắn hạn. Dựa theo mùa vụ có các loại di cư theo mùa. Dựa theo trình độ của người lao động có thể phân chia thành di cư lao động chuyên gia, di cư lao động phổ thông v.v…

Các nhân tố ảnh hưởng tới di cư lao động qua biên giới:

Có nhiều lý do khiến người lao động di cư qua biên giới. Dưới đây là một số lý do phổ biến:

Thứ nhất, đó là sự chênh lệch tiền lương cho công việc tương đương giữa nước này và nước kia. Người di cư thường tìm đến những công việc cho thu nhập cao hơn. Đối với những nước có mức sống cao hơn, tiền lương trả cho công việc tương đương cũng cao hơn. Vì thế thường có xu hướng di cư lao động từ nước kém phát triển hơn sang các nước phát triển hơn.

Thứ hai, do sự tiếp cận hệ thống phúc lợi, giáo dục, nhà ở, chăm sóc sức khỏe ở nước này tốt hơn ở nước kia. Người di cư không chỉ mong muốn một công việc tốt mà còn muốn hưởng hệ thống phúc lợi tốt.

Thứ ba, do sự khác nhau cơ hội việc làm giữa các quốc gia, đặc biệt là đối với lao động trẻ.

Thứ tư, do mong muốn đi du lịch, học một ngôn ngữ mới, xây dựng các kỹ năng và trình độ và phát triển mạng lưới.

Thứ năm, do mong muốn thoát khỏi sự đàn áp và tham nhũng ở quốc gia quê hương của người di cư lao động, đặc biệt là ở các quốc gia nghèo đói, chiến tranh.

Thứ sáu, do tác động của truyền hình và internet trong việc thay đổi kỳ vọng của mọi người.

Thứ bảy, do sự không sẵn lòng của mọi người tại nước sở tại khi thực hiện một số công việc lao động phổ thông như khuân vác, người dọn dẹp và nhân viên xăng dầu… do đó nó tạo cơ hội việc làm cho người lao động nhập cư.

Lợi ích kinh tế từ di cư lao động qua biên giới

Thứ nhất, kỹ năng mới: Người lao động di cư có thể cung cấp các kỹ năng bổ sung cho lao động ở nước sở tại, có thể nâng cao năng suất của cả lao động trong nước và lao động nhập cư.

Thứ hai, tạo một động lực của sự đổi mới và tinh thần kinh doanh: Việc di cư lao động qua biên giới cũng có thể là một động lực của thay đổi công nghệ và là một nguồn tạo ra các doanh nhân mới. Nhiều sự đổi mới đến từ công việc của các nhóm người có quan điểm và kinh nghiệm khác nhau. Việc di cư lao động qua biên giới tạo ra mạng lưới và đồng thời đẩy nhanh sự lan rộng của công nghệ.

Thứ ba, áp lực đối với cải cách của chính phủ: Di cư lao động cũng có thể gây áp lực chính trị đối với các chính phủ và chế độ yếu kém.

Thứ tư, giảm tình trạng thiếu lao động lành nghề và mở rộng nguồn cung lao động: Di cư có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu lao động và giúp kiểm soát lạm phát tiền lương.

Thứ năm, làm cho một quốc gia hấp dẫn đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Tính khả dụng và chất lượng lao động là một yếu tố quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp. Trong cuộc chiến toàn cầu về thu hút nhân tài, nếu một quốc gia không thành công trong việc thu hút và giữ chân những người lao động có tay nghề thì vốn FDI vào các ngành công nghiệp tri thức cao cuối cùng sẽ chảy sang các khu vực khác trên thế giới.

Thứ sáu, tạo ra dòng kiều hối: Tiền gửi về nhà của người lao động di cư đóng góp thêm vào tổng thu nhập quốc dân của các quốc gia. Và nếu các khoản chuyển tiền này thúc đẩy chi tiêu ở các quốc gia này, nó tạo ra một nhu cầu mới cho xuất khẩu của các quốc gia khác. Theo giáo sư kinh tế Ian Goldin từ Đại học Oxford, ở Mỹ Latinh và Caribê, hơn 50 triệu người được hỗ trợ bởi kiều hối, và con số thậm chí còn cao hơn ở Châu Phi và Châu Á.

Thứ bảy, doanh thu thuế: Người lao động nhập cư hợp pháp khi làm việc phải đóng thuế trực tiếp hoặc gián tiếp và có khả năng là người đóng góp ròng cho tài chính của chính phủ.

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Bình Giang. (2011). Di Chuyển Lao Động Quốc Tế. NXB Khoa Học Xã Hội, 2011

2. Hugo, G. (2008). Migration, Development and Environment. Retirved from the International Organization for Migration Geneva website: http://publications.

3. Hugo, Graeme, Asian labour migration trends,” background paper for Asian Development Outlook 2008, Asian Development Bank, Manila.

4. Hugo, Graeme, Labour migration for development: Best practises in Asia and the Pacific, ILO Working Paper No. 17, March.

5. Skeldon, R. Migration and development: A global perspective. London and elsewhere: Routledge.

6. Ian Goldin et.al. Migration and the Economy. Citi GPS: Global Perspectives & Solutions, September 2018.

7. ILO. Labour migration policy and management: Training modules. ILO International Migration Programme and Subregional Office for East Asia, Labour migration policy and management: Training materials, Bangkok, International Labour Office, 2005.

8. UNSD. Handbook on Measuring International Migration through Population Censuses. The United Nations Statistics Division (UNSD), March 2017.