Diễn xướng dân gian là loại hình thức nghệ thuật biểu diễn dân gian được người diễn dùng giọng nói cách điệu như hát, dựa trên thanh điệu và ngữ điệu câu từ, theo một âm điệu tùy hứng hoặc có sẵn, để truyền tải thông tin, một thể văn dân gian truyền miệng. Sự xướng lời không theo một khuôn mẫu chung nào, hoàn toàn tùy thuộc người diễn xướng, được lặp đi lặp lại cho đến hết thông tin cần truyền tải (ca dao, thành ngữ, truyền thuyết, truyện cổ tích, sử thi, bài cúng…).
Cũng là phát âm lời nói nhưng “xướng” khác với “nói”, có thể không theo tốc độ, âm lượng và ngữ điệu của câu nói bình thường mà theo một sự diễn giọng giống như hát sao cho lời nói vang to, xa hơn, gây ấn tượng với người nghe hơn. Tùy vào nội dung và mục đích của sự kiện nói mà người ta lựa chọn cách diễn xướng cụ thể như thế nào. Có người diễn xướng bằng cách lựa chọn một khuôn mẫu làn điệu dân ca mà họ biết, có người tùy hứng diễn lời không theo khuôn mẫu nhất định nào.
Thuật ngữ “diễn xướng” được các nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Năm những năm 70 của thế kỉ trước tạo ra, trên cơ sở vận dụng lý luận từ trường phái folklore học Xô viết. Văn học dân gian Việt Nam là văn học hình thành và tồn tại, trao truyền bằng kể miệng, do đó nó có một hình thức trình diễn có tên là “diễn xướng”. Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trên các tư liệu viết và nói về văn hóa dân gian, nghệ thuật dân gian kể từ năm 1978 - thời điểm diễn ra Hội thảo khoa học mang tên: “Diễn xướng dân gian với nghệ thuật sân khấu” do Viện Nghệ thuật – Bộ Văn hóa tổ chức.
Diễn xướng là phương thức chủ yếu được sử dụng để thực hành và trao truyền tri thức dân gian. Nhờ diễn xướng, những hình thức bao chứa tri thức dân gian (kinh nghiệm sống, tín ngưỡng dân gian) như thành ngữ, ca dao, truyền thuyết, bài cúng tế..., vốn tồn tại trong tâm trí con người, được hiển hiện ra bên ngoài, phục vụ đời sống của một cộng đồng, một dân tộc. Những hiện tượng diễn xướng tiêu biểu hiện còn trong đời sống dân gian bao gồm hát kể (sử thi, truyện thơ, truyền thuyết), xướng bài văn cúng trong tế lễ (tang ma, cúng thần linh...). Mỗi dân tộc Việt Nam có cách gọi riêng cho việc thực hành diễn xướng.
Hát kể là dạng diễn xướng một hình thức văn học dân gian, khá phổ biến ở các dân tộc vùng núi Việt Nam. Người Ba Na gọi là h’mon; người Thái gọi là khắp (khắp chương, khắp xư); người Ê Đê gọi là khan; người Gia Rai gọi là h’ri …
Xướng bài văn cúng là dạng diễn xướng một hình thức giao tiếp với thần linh hoặc để thực hiện nghi lễ tang ma. Loại diễn xướng này rất phong phú về hình thức và phổ biến ở tất cả các dân tộc Việt Nam. Ví dụ: người Mường có mo, mỡi; người Mông có xử ca; người Kinh có hát văn, hát chèo đò, hát đưa linh; người Thái có khắp một; người Tày có các loại then …
Hiện nay, do được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật truyền thống, với nhiều góc độ tiếp cận khác nhau, dẫn đến có nhiều cách hiểu và vận dụng thuật ngữ “diễn xướng”. Tựu chung lại, có hai cách hiểu chủ yếu:
Thứ nhất, hiểu “diễn xướng” là sự diễn đạt toàn bộ các thực hành văn hóa mang tính biểu hiện trong dân gian như lễ hội, phong tục, nghệ thuật biểu diễn dân gian (âm nhạc, múa, trò diễn). Cách hiểu diễn xướng này trùng với khái niệm “trình diễn”, từ đó các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian như múa dân gian, sân khấu dân gian, nhạc dân gian đều được coi là diễn xướng; thậm chí, có những công trình về âm nhạc cung đình( )cũng sử dụng thuật ngữ diễn xướng. Cách hiểu này dễ gây nhầm lẫn văn hóa dân gian với diễn xướng dân gian là một. Thực tế, diễn xướng dân gian chỉ là một loại công cụ biểu đạt văn hóa dân gian, không đồng nhất với văn hóa dân gian. Thứ hai, hiểu diễn xướng là một trong số các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian, như định nghĩa ở trên. Theo đó, diễn xướng dân gian không đồng nghĩa với múa dân gian, âm nhạc dân gian, trò diễn dân gian. Gần đây đã có một số công trình nghiên cứu chuyên sâu về hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian đã được công bố.
Với đặc điểm xướng ngôn theo âm điệu, nhạc điệu lời thơ, diễn xướng dân gian là một loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian. Tất cả các yếu tố khác gắn với diễn xướng như động tác, nhạc cụ, biểu cảm hành vi của người diễn... chỉ mang tính phụ họa, nhằm mục đích hấp dẫn hơn, trang trọng hơn hay linh thiêng hơn cho diễn xướng dân gian mà thôi. Vượt qua phạm vi này, phát triển hơn nữa về mặt nghệ thuật, mỗi yếu tố trong đó có thể sẽ trở thành những loại nghệ thuật có tên gọi khác nhau như âm nhạc, múa hay sân khấu.
Diễn xướng dân gian có vai trò quan trọng đối với sự sáng tạo, tái tạo và duy trì văn hóa dân gian. Nó không chỉ là một nghệ thuật, một phương thức biểu hiện mà còn là cách giúp cho con người ghi nhớ, tái tạo những bối cảnh, nội dung, thực hành văn hóa và đồng thời là công cụ trao truyền văn hóa. Diễn xướng chính là phương cách truyền khẩu tối ưu mà người Việt Nam rút ra được qua quá trình dài lâu sáng tạo, lưu giữ và tái tạo, phát triển văn hóa dân gian.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Khắc Xương, “Về vấn đề khái niệm trong nghiên cứu nghệ thuật biểu diễn dân gian: diễn xướng và trò diễn”, Tạp chí Văn hóa dân gian, Số 2. tr. 35-40, Hà Nội, 1986.
- Vũ Ngọc Khánh, Dẫn luận nghiên cứu folklore Việt Nam, Sở Giáo dục Thanh Hóa xuất bản, 1991.
- V.E. Guxep (Hoàng Ngọc Hiến dịch), Mỹ học Folklor, Nxb Đà Nẵng, 1998.
- Denis Huisman (Huyền Giang dịch), Mỹ học, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 1999.
- Richard Schechner, Performance Studies, First published 2002 by Routledge 11 new fetter Lane, London EC4P 4EE.
- Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan, Folklore – Một số thuật ngữ đương đại, NxbKhoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
- Nguyễn Thụy Loan, Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, Nxb. Đại học sư phạm, Hà Nội, 2006.
- Trần Đình Ngôn chủ biên, Sơ thảo lịch sử sân khấu Việt Nam, Nxb. Sân khấu, Hà Nội, 2006.
- Kiều Trung Sơn, “Nhìn lại khái niệm diễn xướng”, Tạp chí Văn hóa dân gian, Số 5 (143). tr.3-12, Hà Nội, 2012.
- Phan Thuận Thảo, Nhã nhạc Huế: môi trường, đặc điểm và giá trị văn hóa, Luận án tiến sĩ văn hóa học, Học viện Khoa học xã hội Việt Nam, Hà Nội, 2016.