Danh thắng địa chất là danh lam thắng cảnh nguồn gốc địa chất - địa mạo có giá trị thẩm mỹ, ý nghĩa khoa học và giáo dục. Danh thắng địa chất là một bộ phận đặc biệt của “Di sản Địa chất” (xem mục từ “Di sản Địa chất”). Danh thắng địa chất có thể được dịch một cách nhầm lẫn từ thuật ngữ “Geotope” - một từ tiếng Anh nhưng lại được vay mượn từ nguyên bản tiếng Đức “Geotop” và được sử dụng chủ yếu trong sinh thái học như là hợp phần địa chất (thí dụ một diện lộ đá, một tảng đá lăn, một cái hang, một hẻm vực, thậm chí là một bức tường đá, hàng rào đá,...) trong mảng vô cơ của một đơn vị sinh thái tương đối đồng nhất. Trong lĩnh vực di sản địa chất và công viên địa chất ở các nước sử dụng tiếng Đức, “Geotop” tương đương với “Geosite” hay “Geoheritage” trong tiếng Anh.
Với tư cách là một danh lam thắng cảnh, danh thắng địa chất đã được quy định và được đặt chung dưới tên gọi “Di tích” trong Luật di sản văn hóa (xem các mục từ: “Danh lam thắng cảnh”, “Di tích” hoặc “Luật di sản văn hóa”) như là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học, đáp ứng được một trong các tiêu chí sau:
- Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu;
- Khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái đất.
Danh thắng địa chất, hay danh lam thắng cảnh có nguồn gốc địa chất - địa mạo, do đó, có thể được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc gia đặc biệt.
Ở Việt Nam nhiều danh thắng địa chất tiêu biểu đã được đánh giá, xếp hạng trên bình diện quốc gia và quốc tế, như Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Quần thể danh thắng Tràng An,... Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) được công nhận là di tích thắng cảnh cấp quốc gia năm 1962 và di tích quốc gia đặc biệt năm 2009. Xen giữa hai thời điểm đó, Vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 1994 về giá trị thẩm mỹ và năm 2000 về giá trị địa chất - địa mạo, như là một cảnh quan karst trưởng thành trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm và bị biển xâm lấn và biến cải nhiều lần. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), được thành lập năm 2001, được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới năm 2003 theo tiêu chí địa chất - địa mạo và năm 2015 theo tiêu chí đa dạng sinh học - hệ sinh thái, như là một cảnh quan karst cổ nhất, rộng lớn nhất và phức tạp nhất, với hệ thống hang động và sông ngầm đồ sộ nhất thế giới. Xen giữa các thời điểm này, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2009. Quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình), được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012, UNESCO công nhận là Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 2014 theo các tiêu chí (v) - văn hóa, (vii) - thẩm mỹ và (viii) - địa chất - địa mạo, như là một tập hợp các cảnh quan karst từ trẻ đến trưởng thành và già trong điều kiện nhiệt đới nóng ẩm, bị biển xâm lấn và biến cải nhiều lần nhưng nay đã nổi lên trên cạn. Đặc biệt, liên tục trong khoảng từ hơn 30.000 năm trước đến nay, quá trình địa chất - địa mạo đó đã được chứng kiến bởi con người, để lại nhiều bài học sâu sắc cho nhân loại về thích ứng với biến đổi khí hậu đương đại.
Nhiều địa phương khác cũng có nhiều danh thắng địa chất được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia hoặc cấp quốc gia đặc biệt. Tỉnh Cao Bằng có thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao (cùng được công nhận năm 1998), quần thể hồ-sông-hang ngầm Thang Hen (được công nhận năm 2001), Hang Dơi (được công nhận năm 2014). Tỉnh Hà Giang có Đèo Mã Pì Lèng (được công nhận năm 2009), Núi đôi Quản Bạ (được công nhận năm 2010), Hang Khố Mỷ và Khu vực hóa thạch Tay cuộn (cùng được công nhận năm 2013), Khu vực hóa thạch Huệ biển, Hang Rồng và Hang Nà Luông (cùng được công nhận năm 2014). Tỉnh Quảng Ngãi có các miệng núi lửa Giếng Tiền và Thới Lới cùng được công nhận năm 2020. Tỉnh Phú Yên có Đầm Ô Loan, Ghềnh Đá Đĩa và Mũi Đại Lãnh (cùng được công nhận năm 1996, riêng Ghềnh Đá Đĩa còn được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2020), Núi Đá Bia (được công nhận năm 2008), Vịnh Xuân Đài (được công nhận năm 2011) và Quần thể Hòn Yến (được công nhận năm 2018),...
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Luật di sản văn hóa 2001 và Luật bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa 2009.
- Website về các di sản thế giới UNESCO. https://whc.unesco.org/en/list/.
- Wiedenbein, F.W., Geotope protection for Europe, In Geological Heritage, University Erlangen-Nuremberg, Erlangen, Germany, 1993.
- Wiedenbein, F.W., Origin and use of the term “geotope” in German-speaking countries, In Geological and Landscape Conservation, Editors: D. O’Halloran, C. Green, M. Harley and J. Knill. Geological Society, London, 117-120, 1994