Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Dữ liệu lập bản đồ Địa chất

Dữ liệu lập bản đồ Địa chất là những tập hợp thông tin địa chất về không gian (được tham chiếu về mặt địa lý) và mô tả về địa chất của một khu vực địa lý cụ thể được thu thập từ các nguồn khác nhau dùng để lập bản đồ địa chất.

Thông tin trong dữ liệu bản đồ địa chất bao gồm:

  1. vị trí địa lý và định hướng kích thước của từng đối tượng địa lý hoặc đối tượng địa chất (ví dụ, một vết lộ hoặc một đứt gãy)
  2. các loại thông tin mô tả địa chất khác nhau về từng đặc điểm hoặc đối tượng (như thành phần vật chất, tuổi, vị trí không gian, quy mô, kích thước,...).

Dữ liệu lập bản đồ địa chất cần được thu thập, xử lý và tổng hợp trong giai đoạn đầu của lập bản đồ địa chất tức là trước giai đoạn tiến hành công tác khảo sát thực địa, thậm chí ngay trong lúc và trước khi lập phương án lập bản đồ địa chất.

Dữ liệu bản đồ địa chất cũng có thể bao hàm một lượng lớn định tính và định lượng thông tin địa chất. Chẳng hạn: dữ liệu bản đồ địa chất có thể bao gồm các đặc điểm về thành phần vật chất; phân tích địa hóa; tuổi tương đối hoặc tuổi đồng vị phóng xạ; thông tin về các tầng đất phong hóa trên mặt; các đường đẳng trị về địa vật lý, cũng như thông tin khác các dạng đặc điểm địa mạo.

Các dữ liệu cơ bản của dữ liệu bản đồ địa chất là các đường (chẳng hạn: ranh giới tiếp xúc và đứt gãy); các điểm (chẳng hạn: yếu tố thế nằm của lớp và các vị trí của hóa thạch) và các khu vực hoặc đa giác bất kỳ (chẳng hạn: các khu vực đơn vị bản đồ và các khu vực thay đổi). Ngoài ra, mỗi thuộc tính trong dữ liệu bản đồ địa chất tương ứng có nhiều đặc điểm đi kèm. Các thuộc tính cơ bản nhất có thể đơn giản xác định đặc điểm (chẳng hạn: “đứt gãy nghịch” hoặc “nếp uốn chờm nghịch”). Các thuộc tính khác có thể bao gồm các mô tả chi tiết về từng đặc điểm (chẳng hạn: các đặc điểm về thạch học của một đơn vị bản đồ, hướng cắm của đứt gãy, hoặc xác định và nhận dạng tuổi của một mẫu hóa thạch).

Khi bản đồ địa chất được tạo dưới dạng sản phẩm bản đồ từ cơ sở dữ liệu bản đồ địa chất, mỗi đối tượng địa chất được thể hiện bằng một ký hiệu bản đồ địa chất cụ thể (xem mục từ “Bản đồ địa chất”). Các thuộc tính trong cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin cần thiết để ký hiệu từng đặc tính. Ngoài ra, chú thích được thêm vào bản đồ địa chất ở bất cứ nơi nào cần thiết để xác định các đối tượng khác nhau (chẳng hạn: tên đơn vị bản đồ và tên đứt gãy) và cung cấp thông tin định lượng cần thiết (chẳng hạn: giá trị hướng cắm và số vị trí hóa thạch).

Theo truyền thống dữ liệu lập bản đồ địa chất bao gồm các thông tin bằng văn bản và bản vẽ có sẵn liên quan đến vùng lập bản đồ địa chất, bao gồm các bản đồ địa chất cũng như các tài liệu, sách báo khoa học và báo cáo về địa chất, địa vật lý, địa hóa, địa mạo, địa môi trường, khoáng sản, địa chất thủy văn và địa chất công trình đã xuất bản hoặc trong các kho lưu trữ.

Từ cuối thế kỷ thứ XX đến nay phần quan trọng của dữ liệu lập bản đồ địa chất còn bao gồm các tài liệu viễn thám với các ảnh hàng không và vũ trụ có độ phân giải cao, bao gồm các ảnh đa phổ (Landsat, SPOT, Cosmos, Vinasat,...) với sự hỗ trợ xử lý bằng các phần mềm chuyên dụng và sự kết hợp nhuần nhuyễn với công nghệ hệ thống thông tin địa lý (GIS). Với việc sử dụng công nghệ viễn thám đã có thể lập được bản đồ địa chất thể hiện sự phân bố thạch học và đặc điểm cấu tạo khá chính xác, nhất là ở các vùng ít phát triển vỏ phong hóa.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Pavel Hanžl and Kryštof Verner (eds.), Basic principles of geological and thematic mapping, Czech Geological Survery, 2018. Website: http://mapapps.bgs.ac.uk/geologyofbritain/home.html (tham khảo tháng 09/2021).
  2. Будрэ А.И., Маймин Ю.С., Старченко В.В., Фараджев В.А. и др, Инструкция по составлению и под готовке к изданию листов Государственной геологической карты Российской Федерации масштаба 1:200 000, Роскомнедра, Москва, 244с, 1995.