Dịch tả lợn là bệnh do một vi rút ARN có tên Pestivirus thuộc họ Flaviridae gây ra trên loài lợn (Sus escrofa thuộc họ Suidae). Bệnh được phát hiện cuối thế kỷ XIX tại Mỹ, sau đó tại châu Âu. Bệnh có nhiều tên gọi khác nhau và cho đến nay tên chính thức là Dịch tả lợn cổ điển (Classical Swine Fever - CSF) nhằm phân biệt với bệnh Dịch tả lợn châu Phi (African Swine Fever - ASF).
Dù dịch tả lợn cổ điển xuất hiện từ rất lâu nhưng mãi đến gần giữa thế kỷ XX mới có vắc xin phòng bệnh. Hiện nay, vắc xin vi rút nhược độc chế từ chủng C (Chinese), chủng GPE và chủng Thiverval là những vắc xin có tác dụng tốt để phòng bệnh. Tại Việt Nam vắc xin được sản xuất trong nước từ những năm 60 của thế kỷ XX dùng vi rút nhược độc chủng C.
Dịch tả lợn cổ điển[sửa]
Dịch tả lợn cổ điển được phát hiện từ rất sớm ở Việt Nam và được coi là một trong bốn bệnh đỏ gồm: Dịch tả lợn cổ điển, Đóng dấu lợn (Erysipelas suis), Tụ huyết trùng (Pasteurellosis) và Phó thương hàn (Salmonellosis) của lợn. Đó là những bệnh chính hạn chế sự phát triển ngành chăn nuôi lợn. Sở dĩ có tên bệnh đỏ là do những bệnh này gây ra tụ huyết hoặc xuất huyết. Biểu hiện của bệnh tả lợn cổ điển tùy thuộc vào thể lâm sàng, như cấp tính, á cấp tính hoặc mạn tính. Các thể lâm sàng lại phụ thuộc vào độc lực của từng chủng vi rút lưu hành và sức đề kháng của vật chủ. Các dấu hiệu lâm sàng chính gồm sốt cao, triệu chứng thần kinh và rối loạn tiêu hóa. Tỷ lệ tử vong cao đạt gần 100%.
Các bệnh tích đặc trưng của bệnh tả lợn cổ điển là xuất huyết điểm trên da, thận, bàng quang…, nhồi huyết ở lách, nốt loét hình cúc áo ở van hồi manh tràng và viêm loét amidal.
Về dịch tễ, nhiều nước như Mỹ, Canada, Nhật và các nước châu Âu… đã thanh toán được bệnh này qua các chương trình tiêm phòng. Họ đã chấm dứt, thậm chí cấm tiêm phòng và biện pháp phòng chống hiện được áp dụng là giám sát để phát hiện và tiêu hủy lợn bệnh. Mặc dù vậy, dịch tả lợn cổ điển vẫn thỉnh thoảng nổ ra do vi rút lưu cữu trong đàn lợn hoang (rừng) hoặc do nhập khẩu thực phẩm nhiễm vi rút. Ví dụ như dịch tả lợn cổ điển nổ ra tại Nhật vào 2019 sau 26 năm vắng mặt. Tại các nước đang đang phát triển, Dịch tả lợn cổ điển trở thành dạng dịch bệnh địa phương (enzootic). Theo đó, hàng năm luôn có một tỷ lệ nhất định lợn mắc bệnh mặc dù đàn lợn đã được tiêm phòng và áp dụng các biện pháp phòng bệnh nghiêm ngặt.
Bệnh dịch tả lợn cổ điển là bệnh nguy hiểm cho lợn thuộc danh mục các bệnh bắt buộc phải thông báo cho Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) khi xảy ra. Đó là một trong các bệnh (như ASF, Lở mồm Long móng, Cúm gia cầm…) gây ra ách tắc trong giao thương. Không chỉ giao thương buôn bán quốc tế mà cả sự giao thương buôn bán nội địa do các quy định pháp lý phòng chống sự lây lan của bệnh dịch. Các nước có dịch bệnh CSF hầu như không thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang nước khác.
Dịch tả lợn châu Phi[sửa]
Dịch tả lợn châu Phi là bệnh lại do một loại vi rút DNA gây ra, thuộc họ Asfarviridae, giống Asfivirus, nhưng hầu như về lâm sàng và bệnh tích không thể phân biệt được với dịch tả lợn cổ điển.
Dịch tả lợn châu Phi có các đặc điểm giống như Dịch tả lợn cổ điển về lâm sàng, bệnh lý, dịch tễ, ý nghĩa kinh tế... Bệnh xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 2/2019 tại Hưng Yên và Thái Bình. Chỉ trong thời gian ngắn, bệnh đã lây lan ra cả nước (63/63 tỉnh/thành). Cho đến tháng 10/2019 Việt Nam đã phải tiêu hủy trên 5,7 triệu lợn. Phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiện tại (10/2019) đang rất khó khăn, vì cho đến nay ngành chăn nuôi lợn đa phần còn nhỏ lẻ, khó thực hiện triệt để an toàn sinh học và vẫn chưa có vắc xin hữu hiệu để tiêm phòng. Do vậy, dịch tả lợn châu Phi không chỉ gây thiệt hại cho người chăn nuôi mà còn triệt tiêu sinh kế của họ và tạo ra sự thiếu hụt nguồn thực phẩm cho xã hội.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Moennig, V; Floegel-Niesmann, G; Greiser-Wilke, Clinical Signs and Epidemiology of Classical Swine Fever: A Review of New Knowledge. The Veterinary Journal. 165 (1): 11–20. doi:10.1016/S1090-0233(02)00112-0, 2003.
- Costard S, Mur L, Lubroth J, Sanchez-Vizcaino JM, Pfeiffer DU. Epidemiology of African swine fever virus. Virus Res.;173(1):191-7 , 2013.
- Kahn C.M., Ed., Merck Veterinary Manual, 9th Edition. Merck & Co. Inc. and Merial Ltd. Whitehouse. Station, NJ: Merck, 1999.
- Charles. A Mebus, African swine fever. Advanced in Virus Research, Vol 35., p.251-269, 1988.
- S. Costard et al., Epidemy of African swine fever virus. Virus Research, vol. 173, isues 1, Apr.2013, p.191-197, 2013.
- Steven Edwart et al., Clasical Swine Fever: The Global Situation. Veterinary Microbiology. vol.73. Issues 2-3, p.103-109. Apr.2000, 2000.