Dép cao su Bình Trị Thiên là dép cao su có bốn quai rút làm từ săm, lốp ô tô cũ, được sử dụng rộng rãi cho lực lượng vũ trang và nhân dân Việt Nam trong Kháng chiến chống Pháp và Kháng chiến chống Mỹ.
Ý tưởng làm Dép cao su Bình Trị Thiên là của đại tá Hà Văn Lâu, Tư lệnh Mặt trận Bình Trị Thiên, trên cơ sở phỏng theo kinh nghiệm của những người phu xe dùng mo cau hoặc vỏ ruột xe kéo làm dép. Tháng 3.1947, Hà Văn Lâu hướng dẫn một chiến sỹ làm thử dép bằng săm, lốp ô tô cũ. Sau một thời gian sử dụng, dép cao su đã cho thấy sự tiện lợi có thể thích ứng với mọi địa hình. Về sau, việc làm dép trở thành phong trào. Trong một lần ra căn cứ địa Việt Bắc công tác, lãnh đạo mặt trận Bình Trị Thiên tặng Bác Hồ đôi dép cao su làm quà. Từ đây đôi dép cao su được mang tên “Dép Bình Trị Thiên”; về sau có nơi gọi là dép lốp, dép râu.
Dép có cấu tạo đơn giản, gồm đế dép được làm từ lốp xe, đục thủng các lỗ dẹt ở hai bên đều nhau (mỗi bên 4 lỗ để xỏ quai dép), quai dép làm từ săm xe, xâu bắt chéo qua tám lỗ theo kiểu xăng - đan, có quai trước quai sau ôm chặt vào bàn chân, cổ chân.
Dép cao su Bình Trị Thiên được làm từ vật liệu tận dụng, rẻ tiền, dễ kiếm, có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết, mọi địa hình; dép đi nhẹ và êm, có thể lội nước và bùn, vượt qua thép gai, mảnh thủy tinh, lửa đỏ... So với các loại giày vải, giày da, thì Dép cao su Bình Trị Thiên có nhiều thuận lợi hơn, đáp ứng được mọi điều kiện hoạt động của bộ đội, nhất là với điều kiện thời tiết, khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều của Việt Nam. Do dép dễ làm, tiện lợi, nên được bộ đội và nhân dân sử dụng rộng rãi trong suốt cuộc Kháng chiến chống Pháp và Kháng chiến chống Mỹ.
Cách chế tạo dép: cắt phần lốp xe (thường dùng phần giữa của lốp) để làm đế dép sao cho phù hợp kích thước, hình dáng của bàn chân; phần ngoài của lốp (phần tiếp xúc với mặt đường) đặt phía dưới. Sau đó đục hoặc rạch 8 lỗ ở mép dép để xỏ quai. Để làm quai dép, dùng săm ô tô cũ, cắt theo kích thước: rộng 1-1,5 cm, độ dài có thể điều chỉnh phù hợp với cỡ chân của từng người. Xỏ quai dép vào lỗ bằng cách dùng rút dép (một mảnh kim loại mảnh, dài, gập đôi lại hoặc nẹp bằng vỏ tre), kẹp đầu dây (quai dép), luồn qua lỗ trên đế để rút sao cho cân đối, đẹp.
Ngày nay, Dép cao su Bình Trị Thiên không còn được sử dụng phổ biến ở Việt Nam, nhưng đã trở thành biểu tượng của hàng triệu bước chân “vượt Trường Sơn” đi cứu nước và là hình ảnh ghi dấu ấn của một thời chiến tranh và chiến thắng của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Hậu Cần Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1995
- Tổng cục Hậu cần, Lịch sử Quân nhu Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1998
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2005
- Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ điển Thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007
- Tổng cục Hậu cần, Từ điển Hậu cần quân sự, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2009
- Tổng cục Hậu cần, Tạp chí hậu cần quân đội, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2010