Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Dân tộc chí

Dân tộc chí được sử dụng trong ngành Dân tộc học/ nhân học với hai nghĩa riêng biệt nhưng có quan hệ với nhau. Ở nghĩa thứ nhất, dân tộc chí được hiểu là quá trình nghiên cứu thực địa (điền dã dân tộc học hay quan sát tham gia) tại một cộng đồng cụ thể, ở một địa bàn cụ thể để thu thập tư liệu. Thuật ngữ này cũng được sử dụng để chỉ các công trình nghiên cứu (bài viết, chuyên khảo, vv…) có nội dung khảo tả và phân tích một cách có hệ thống về đời sống văn hoá của một cộng đồng hay nhóm tộc người cụ thể, ở một thời điểm cụ thể và tại một địa bàn cụ thể, trên cơ sở nguồn tư liệu sơ cấp (first - hand data) do các nhà dân tộc học trực tiếp thu thập tại địa bàn thông qua quá trình điền dã dân tộc học của họ.

Dân tộc chí (ở cả hai nghĩa) gắn liền với tên tuổi của nhà nhân học là cha đẻ của trường phái Chức năng tâm lý Bronislaw Malinowski (1884 – 1942). Khác với cách nghiên cứu theo kiểu “ghế bành” của các nhà nhân học trước đó, Malinowski nhấn mạnh tầm quan trọng của điền dã dân tộc học, đặc biệt là quan sát tham gia, trong nghiên cứu văn hoá. Ông cho rằng để có thể hiểu được đầy đủ về chức năng và giá trị của văn hoá và lối sống của một cộng đồng, việc học ngôn ngữ và tham gia trực tiếp vào đời sống của người dân trong một khoảng thời gian đủ dài để lắng nghe, quan sát và tương tác là hết sức cần thiết ở khía cạnh phương pháp luận. dân tộc chí với đặc trưng là sự khảo tả có tính hệ thống về văn hoá của một cộng đồng cụ thể trên cơ sở nguồn tư liệu thu thập được từ quan sát tham gia trở thành cách tiếp cận nghiên cứu đặc trưng của ngành Nhân học hiện đại. Cách tiếp cận nghiên cứu vốn có nguồn gốc từ ngành nhân học văn hoá - xã hội này, trong nhiều năm qua, cũng được nhiều ngành nghiên cứu sử dụng, đặc biệt là ngành Xã hội học và Nghiên cứu văn hoá (cultural studies).

Trong nghiên cứu dân tộc chí, việc lựa chọn một cộng đồng cụ thể ở một địa bàn cụ thể để nghiên cứu, giống như nhiều thể loại nghiên cứu khoa học xã hội khác, có liên quan đến giả định hay vấn đề lý thuyết nào đó. Tuy nhiên, điền dã dân tộc học (kết hợp giữa quan sát tham gia và phỏng vấn bán cấu trúc) trong một khoảng thời gian đủ dài ở một cộng đồng tạo cơ hội cho nhà nghiên cứu có điều kiện quan sát trực tiếp các hoạt động diễn ra trong thực tế cuộc sống của người dân cũng như lắng nghe quan điểm, ý kiến đánh giá của họ về các thực hành văn hoá với tư cách là người trong cuộc. Nghiên cứu dân tộc chí, vì vậy, giúp nhà nghiên cứu đến gần hơn với những gì đang thực sự diễn ra trong thực tế cuộc sống của người dân, từ đó mở ra khả năng khám phá những nguồn tri thức mới và phát triển các khái niệm lý thuyết mới.

Khác với những mô tả và ghi chép mang tính tuỳ hứng (nhà thám hiểm, người đi du lịch, những nhà truyền giáo, hay thậm chí là ghi chép tại thực địa của các nhà dân tộc học), nội dung của một công trình dân tộc chí không chỉ là sự khảo tả đơn thuần các sự vật hiện tượng mà nhà nghiên cứu quan sát và ghi chép ở thực địa. Trong quá trình viết ra một sản phẩm dân tộc chí, các nhà nghiên cứu thường kết hợp giữa việc mô tả, phân tích, so sánh trên cơ sở của các điểm nhìn lý thuyết cụ thể. Do vậy, việc tái trình hiện văn hoá của cộng đồng trong một công trình dân tộc chí cũng bị chi phối khá lớn bởi các quan điểm lý thuyết nào đó mà nhà nghiên cứu sử dụng để thực hiện công trình. Cũng do bị ảnh hưởng bởi các quan điểm lý thuyết, nội dung mô tả trong một công trình dân tộc chí, ở một mức độ nào đó, cũng mang tính chọn lọc. Đây cũng chính là một trong những hạn chế của dân tộc chí mà các nhà nghiên cứu theo trường phái Hậu hiện đại chỉ ra.

dân tộc chí là thể loại nghiên cứu phổ biến trong lĩnh vực nghiên cứu văn hoá các tộc người ở Việt Nam. Từ những năm giữa thế kỉ XX, nhiều công trình dân tộc chí về văn hoá của các tộc người cụ thể đã được các học giả người Pháp tiến hành nghiên cứu và xuất bản. Các tác phẩm dân tộc chí kinh điển như Chúng tôi ăn rừng của Georges Condominas (1957), Người Ê Đê – một xã hội mẫu quyền (1961) của Anne Howe hay Rừng, đàn bà, điên loạn của Jacques Dournes là các khảo tả dân tộc học về một cộng đồng cụ thể trên cơ sở của nguồn từ liệu điền dã dài ngày do chính nhà nghiên cứu này trực tiếp thực hiện. Tiếp nối truyền thống của các nhà dân tộc học người Pháp, dân tộc chí cũng trở thành một thể loại nghiên cứu được các nhà dân tộc học và nghiên cứu văn hoá trong nước sử dụng trong nghiên cứu. Các chuyên khảo dân tộc chí về văn hoá Mường của Nguyễn Đức Từ Chi, văn hoá Thái của Cầm Trọng, vv…đều được hình thành từ những nguồn tư liệu thực địa phong phú.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Malinowski, B., Argonauts of the Western Pacific, New York: Dutton, 1922.
  2. Marcus, G.E. and D. Cushman, ‘Ethnographies as Texts’, Annual Review of Anthropology 11, tr: 25–69, 1982.
  3. James Clifford và G. Marcus (chủ biên), Writing culture: the poetics and politics of ethnography, University of Clifornia Press, California, 1986.
  4. Sanjek, R. (chủ biên), Fieldnotes: The Makings of Anthropology, Ithaca, NY: Cornell University Press, 1990.
  5. Robert M. Emerson (và các cộng sự), Writing ethnographic fieldnotes, University of Chicago Press, Chicago, 1995.
  6. Mintz, S. W., “‘Sows’ Ears and Silver Lin-ings: A Backward Look at Ethnography”, Current Anthropology 41(2), tr:169–89, 2000.