Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 là cuộc tiến công dài ngày, rộng khắp và mạnh mẽ của quân và dân miền Nam kể từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược này đã làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh, góp phần cùng thắng lợi của quân và dân miền Bắc đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng B52 vào Hà Nội, Hải Phòng, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari (tháng 1-1973), rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, tạo bước ngoặt về thế và lực cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.
Những thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng của ta trong năm 1971, cùng với việc Mỹ rút bớt quân về nước và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 1972, đã tạo ra một tình thế thuận lợi mới cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Miền Bắc không ngừng củng cố và vững mạnh, đảm bảo chi viện cho chiến trường miền Nam. Đến cuối năm 1971, lực lượng vũ trang cách mạng miền Nam đã lên tới 71 sư đoàn và 19 trung đoàn chủ lực cơ động, 95 tiểu đoàn, 350 đại đội, 185 trung đội bộ đội địa phương và hàng chục vạn du kích. Miền Bắc đã đưa tới chiến trường miền Nam 46.591 tấn vật chất, trang bị kỹ thuật, tăng cường 50.000 thanh niên cho chiến trường.
Trước tình hình đó, tháng 5-1971, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp đề đề ra nhiệm vụ cần kíp cho quân và dân ta là: “Kịp thời nắm bắt thời cơ lớn, trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh tấn công quân sự, chính trị và ngoại giao, phát triển thế chiến lược tấn công mới trên toàn chiến trường miền Nam và trên cả chiến trường Đông Dương, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, đánh bại một bước quan trọng kế hoạch xâm lược của chúng ở Campuchia và Lào, giành thắng lợi quyết định trong năm 1972, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh bằng thương lượng trên thế thua, đồng thời chuẩn bị, kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến trong trường hợp chiến tranh còn kéo dài”.
Ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị đã họp và thông qua lần cuối kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972.
Trên hướng tiến công chiến lược chủ yếu – chiến trường Trị - Thiên, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Tư lệnh và Đảnh ủy chiến dịch. Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, Phó Tổng tham mưu trưởng được cử làm Tư lệnh, Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận. Đại tá Cao Văn Khánh, Giáp Văn Cương, Doãn Tuế, Hồng Sơn, Anh Đệ, Lương Nhân, Lê Tự Đồng, Hoàng Minh Thi được cử làm Phó Tư lệnh và Phó Chính ủy chiến dịch. Thượng tướng Văn Tiến Dũng trực tiếp chỉ đạo hướng chiến dịch quan trọng này.
Ở mặt trận Tây Nguyên, Bộ Chính trị cử Trương Chí Cương (bí danh Tư Thuận), Ủy viên dự khuyết BCHTW Đảng làm Chính ủy chiến dịch, Hoàng Minh Thảo làm Tư lệnh, Hoàng Thế Bôn làm Phó Chính ủy.
Mặt trận Đông Nam Bộ, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền quyết định mở chiến dịch Nguyễn Huệ và cử Trung tướng Trần Văn Trà làm Tư lệnh, Thiếu tướng Trần Độ làm Chính ủy.
Ngày 30-3-1972, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công vào tuyến phòng thủ Đường 9 – Quảng Trị, Kon Tum, rồi miền Đông Nam Bộ, Khu V, Đồng bằng sông Cửu Long. Địch hoàn toàn bất ngờ cả về thời gian, hướng chủ yếu và quy mô, cường độ cuộc tấn công.
Mở đầu cho cuộc tiến công, trên hướng chủ yếu Trị - Thiên, 150 khẩu đại bác và hơn 90 khẩu súng cối, hỏa tiễn của Quân Giải phóng đồng loạt bắn hơn 15.000 quả đạn xuống toàn bộ các căn cứ, sở chỉ huy và cứ điểm địch ở Nam – Bắc Đường số 9 – Quảng Trị. Các căn cứ Quán Ngang, miếu Bái Sơn, Mai Lộc, Đông Hà, Cồn Tiên, Dốc Miếu trúng đạn rung chuyển. Quân Giải phóng áp đảo hoàn toàn pháo binh địch, riêng điểm cao 241, ta dùng 34 khẩu đại bác 105, 130 mm dội bão lửa cùng một lúc, buộc Trung đoàn 56 quân đội Sài Gòn phải yêu cầu ta ngừng bắn và đầu hàng tập thể.
Tiếp theo đó, xe tăng và bộ binh ta từ các hướng đồng loạt tấn công. Trung đoàn 27 tiêu diệt Tiểu đoàn 2 (Trung đoàn 56) và Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 2) quân đội Sài Gòn, chiếm điểm cao 288 và 544. Tiếp đó, Trung đoàn 27 đánh chiếm đồi Tròn. Trung đoàn 48 tấn công tiêu diệt địch ở Quất Xá, bao vây Cam Lộ, khống chế Đường số 9. Đoàn bộ binh 31 cùng lực lượng địa phương Quảng Trị chặn đánh quân địch cơ động, bao vây Cồn Tiên. Ngày 31-3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, tiến công tiêu diệt gọn quân địch ở Ba Tum, Ba Hồ, chiếm căn cứ Đầu Mầu. Ngày 1-4, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, tiêu diệt căn cứ Động Toàn. Phối hợp với bộ đội đặc công, Trung đoàn 126 hải quân tiến vào Cửa Việt tập kích Duyên đoàn 11 của địch, bắn chìm 8 tàu chiến. Đồng thời với các cuộc tấn công của bộ đội chủ lực, tiểu đoàn đặc công 31, 35, Tiểu đoàn bộ binh 47 Vĩnh Linh, cùng lực lượng địa phương giải phóng Gio Linh, Bến Ngự, Mai Xá Thị, Xuân Khánh, Hà Thượng. 10 vạn dân ở đây đã được trờ về làng cũ. Nhân dân các xã Gio Mỹ, Gio Lễ, Gio Hà nổi dậy giành quyền làm chủ. Cùng thời gian này, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 304) đánh chiếm điểm cao 365, Động Ngô, bao vây căn cứ Phượng Hoàng. Bộ đội đặc công luồn sâu tập kích địch ở Đông Hà, Ai Tử. Ngày 1-4, sở chỉ huy Sư đoàn 3 quân đội Sài Gòn bỏ chạy về thành cổ. Sư đoàn trưởng và sư đoàn phó chạy về La Vang và Đà Nẵng.
Ngày 3-4-1972, Trung đoàn 66 thuộc Sư đoàn 304 tấn công sở chỉ huy Lũ đoàn 147, thủy quân lục chiến ở căn cứ Mai Lộc. Địch không chống cự nổi, phá vòng vây tháo chạy. Ta đã tiêu diệt phần lớn quân địch và giải phóng toàn bộ khu vực này.
Trước sức mạnh tấn công của ta, Tư lệnh Quân đoàn 1 Hoàng Xuân Lãm đã ra lệnh cho lực lượng ở Cửa Việt rút chạy. Chớp thời cơ đó, Trung đoàn 126 hải quân ta nhanh chóng bao vây tiêu diệt địch và chiếm luôn cảng Cửa Việt vào ngày 4-4-1972.
Trên các hướng khác, quân ta tiến công đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn, 1 chi đoàn thiết giáp địch đến giải tỏa Tà Lương, Động Tranh, kiềm chế, thu hút một phần lực lượng địch tại đây, không cho chúng tập trung ứng cứu Quảng Trị.
Sau 5 ngày chiến đấu liên tục, đến ngày 4-4-1972, bộ đội ta đã diệt Trung đoàn 56, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 2 và Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến, đánh bại Chiến đoàn 20, phá vỡ tuyến phòng thủ Đường số 9, giải phóng hoàn toàn 2 huyện Gio Linh và Cam Lộ. Tuyến phòng thủ vòng ngoài vững chắc của địch bị phá vỡ với 4 căn cứ trung đoàn, 7 căn cứ tiểu đoàn. Thắng lợi này đã tạo thế thuận lợi cho ta chiếm lĩnh được bàn đạp phía Bắc và phía Tây Quảng Trị, áp sát và uy hiếp trực tiếp khu vực Đông Hà, Ai Tử, La Vang.
Ngày 4-4-1972, ta huy động các lực lượng để chuẩn bị tấn công Đông Hà, Ai Tử, Nham Biểu và Quảng Trị. Trước nguy cơ mất Quảng Trị, Mỹ và quân đội Sài Gòn điều gấp 5 trung đoàn bộ binh và 2 trung đoàn thiết giáp ra Trị - Thiên tổ chức thành một tuyến phòng thủ mạnh bao gồm 6 trung đoàn bộ binh, 4 thiết đoàn xe tăng, 5 tiểu đoàn pháo. Tuyến phòng ngự này được phòng thủ kiên cố với xe tăng bọc ngoài và ngày đêm có pháo binh, máy bay chiến thuật, kể cả máy bay B.52 liên tục bắn phá, bảo vệ.
Do chưa nắm vững tình hình địch, công tác chuẩn bị còn chưa kỹ càng, cách đánh còn chưa phù hợp, cuộc tấn công của ta vào Đông Hà trong ngày 8-4 không thành công, lực lượng của ta bị tiêu hao nặng. Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định tạm dừng để củng cố và chuẩn bị thêm.
Đồng thời với hướng tiến công chính Quảng Trị, tại Tây Nguyên đêm 30 rạng ngày 31-3-1972, lực lượng vũ trang ta bắt đầu tấn công vào tuyến ngăn chặn vòng ngoài của địch ở Tây sông Pô Cô. Tiểu đoàn dù 2 của địch bị Trung đoàn 52 và 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) đánh thiệt hại nặng. Địch vội điều Tiểu đoàn dù 11 lên tăng cường cho căn cứ Sác Ly và điều động thêm quân lên mặt trận Đác Tô – Tân Cảnh. Sau trận đánh đầu tiên không thành công, ngày 14-4, Trung đoàn 64 tiếp tục tấn công, diệt gọn Tiểu đoàn dù số 11, bắt sống 166 tên địch. Tuyến ngăn chặn phía Tây sông Pô Cô của địch bị chọc thủng, quân ta áp sát căn cứ của Trung đoàn 42 và 47 của địch ở Đắc Tô – Tân Cảnh, uy hiếp thị xã Kon Tum.
Tại miền Đông Nam Bộ, ngày 1-4-1972, ta tiến công Chiến đoàn 49 của địch tại Sa Mát – Bàu Đưng, diệt một bộ phận chiến đoàn này và làm chủ hoàn toàn Sa Mát. Kết hợp với cuộc tấn công của bộ đội chủ lực, quân và dân Tây Ninh nổi dậy diệt và bức rút 20 đồn bốt, giải phóng huyện Tân Biên.
Ngày 5-4-1972, Sư đoàn 5 được tăng cường một số đơn vị bộ binh, pháo binh và xe tăng nổ súng tấn công chi khu Lộc Ninh. Bị bất ngờ và hoảng loạn, Quân đoàn 3 quân đội Sài Gòn vội điều 2 tiểu đoàn và 1 thiết đoàn về cứu nguy, nhưng đã bị ta phục kích tiêu diệt tại Bắc Lộc Ninh. Sáng 7-4, ta tiếp tục tấn công và làm chủ hoàn toàn chi khu Lộc Ninh.
Sau một tuần tiến công dồn dập vào tuyến phòng thủ biên giới của địch trên Đường 13 và Đường 22, Quân giải phóng đã diệt và đánh thiệt hại nặng 3 chiến đoàn bộ binh và 2 trung đoàn thiết giáp, giải phóng ba huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Thiện Ngôn, bắt sống đại tá Nguyễn Công Vĩnh, Chỉ huy trưởng Chiến đoàn 9 thuộc Sư đoàn 5 quân đội Sài Gòn, chiếm được bàn đạp ở biên giới miền Đông Nam Bộ, uy hiếp thị xã An Lộc thuộc tỉnh Bình Long. Lúc này quân địch ở An Lộc hết sức hoảng loạn, song do ta chưa chuẩn bị kịp nên không thực hiện được ý đồ giải phóng An Lộc trong ngày 7-4-1972.
Tiếp sau chiến thắng Lộc Ninh, tại Khu V, ta mở chiến dịch tiến công tổng hợp vào Bắc Bình Định bao gồm các huyện Tam Quan, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phú Mỹ. Sau 24 ngày đếm chiến đấu liên tục và quyết liệt (từ 8-4 đến 1-5-1972), bộ đội chủ lực Khu V kết hợp với lực lượng vũ trang địa phương đã diệt cứ điểm Gò Lôi, Liên đoàn bảo an 48, Chiến đoàn 40 đặc nhiệm, giải phóng quận lỵ Hoài Ân. Hơn 3 vạn dân Bắc Bình Định giành được quyền làm chủ.
Tại Đồng bằng sông Cửu Long, đêm 6 rạng ngày 7-4-1972, lực lượng vũ trang Quân khu IX nổ súng tấn công chi khu quận lỵ Ngang Dừa, đánh thiệt hại nặng Trung đoàn 9 quân đội Sài Gòn, diệt căn cứ Ba Thầy và Nỗng Cạn (xã Khánh Lâm) cùng sở chỉ huy Trung đoàn 33 (U Minh), diệt gọn yếu khu Thầy Phó (Vĩnh Long)…
Trước đòn tấn công mãnh liệt và bất ngờ của quân giải phóng, Mỹ và quân đội Sài Gòn lúng túng, vội vàng bỏ tuyến phòng ngự bên ngoài co về phòng thủ tuyến trong. Cuộc tiến công chiến lược của ta nổ ra ngày càng mạnh và đồng khắp khiến đế quốc Mỹ nhận thấy rằng quân đội Sài Gòn - xương sống của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” có nguy cơ đổ vỡ. Níchxơn liền cấp tốc đưa 49% máy bay chiến thuật (1.077/1.400 chiếc), 48% máy bay B.52 (193/400 chiếc), 7 tàu sân bay, 65 tàu chiến chi viện cho quân đội Sài Gòn để phản kích lại các cuộc tiến công của ta. Đồng thời, ngày 16-4-1972, Níchxơn ra lệnh ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam, và tháng 5-1972 ra lệnh thả bom mìn bao vây, phong tỏa các sông ngòi, hải cảng ở miền Bắc Việt Nam.
Lúc này, tại mặt trận Quảng Trị, địch tăng cường lực lượng quyết giữ Đông Hà, Ai Tử, Quảng Trị. Từ ngày 14 đến 26-4-1972, ta tập trung vũ khí và tăng cường lực lượng áp sát Đông Hà, đánh vỡ tuyến ngăn chặn bằng vành đai xe tăng của địch. Ngày 27-4-1972, với gần 30.000 quả đạn pháo chi viện của pháo binh, Sư đoàn 308 và xe tăng cùng bộ đội đặc công nhanh chóng chiếm giữ các điểm cao, thọc sâu vào sân bay, chiếm chi khu quân sự Đông Hà. Ngày 28-4-1972, ta tiếp tục đánh chiếm và làm chủ Trung Chỉ, Đại Ang và Lai Phước.
Tại cụm Ai Tử và cầu Quảng Trị, sau những trận đánh kiên cường và quyết liệt, chiều 28-4, Sư đoàn 304 đã chiếm được cầu Quàng Trị, sân bay căn cứ Ai Tử, và đến chiều 1-5, ta đã hoàn toàn làm chủ căn cứ rộng lớn này.
Sau khi Đông Hà, Ai Tử bị mất, quận lỵ Hải Lăng bị uy hiếp, quân địch ở La Vang bỏ chạy. Quảng Trị ngày càng rối loạn. Trưa ngày 1-5, quân địch ở đây bắt đầu “lui quân có tổ chức” để bảo toàn lực lượng. Các đơn vị thuộc Sư đoàn 324 đã đón đánh địch tại các cây cầu trên đường địch rút chạy và cho pháp binh bắn dữ dội, khống chế Đường số 1. Không thực hiện được ý định, địch phải bỏ lại toàn bộ xe pháo, tháo chạy toán loạn. Lữ đoàn 369 quân đội Sài Gòn rút về Nam sông Mỹ Chánh, các cố vấn Mỹ chạy về Sài Gòn, chuẩn tướng Vũ Văn Giai - Tư lệnh Sư đoàn 3, dùng trực thăng chạy về Đà Nẵng. Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 của ta tiến vào giải phóng thị xã Quảng Trị, 18 giờ ngày 2-5-1972, tỉnh Quảng Trị - tỉnh đầu tiền ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng.
Sau 34 ngày chiến đấu, ta đã đập tan hệ thống phòng ngự mà địch cho là kiên cố nhất ở miền Nam, tiêu diệt 3 trung đoàn, đánh thiệt hại nặng 1 lữ đoàn thủy quân lục chiến, 2 liên đoàn biệt động quân, 4 thiết đoàn và nhiều đơn vị khác của quân đội Sài Gòn, bắt hàng nghìn tù binh, thu nhiều vũ khí và phương tiến chiến tranh của địch.
Trên mặt trận Tây Nguyên, từ ngày 10-4, ta vây ép, tiêu diệt, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn địch ở Ngọc Tú, mở đường tiến công vào trung tâm phòng ngự của địch ở Đắc Tô – Tân Cảnh. Ngày 24-4, Sư đoàn 2, Trung đoàn 66 và Tiểu đoàn 37 đặc công dưới sự chi viện đắc lực của pháo binh đã tấn công vào căn cứ 42, tiêu diệt hoàn toàn căn cứ của Sư đoàn 22 quân đội Sài Gòn, diệt đại tá Tư lệnh Lê Đức Đạt và đại tá cố vấn Mỹ, bắt sống đại tá Sư đoàn phó Vi Văn Bình cùng toàn bộ Ban tham mưu sư đoàn. Cùng ngày, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2) và tiểu đoàn 10 nhanh chóng đánh thẳng vào Đắc Tô, tiêu diệt Trung đoàn 47, làm chủ hoàn toàn căn cứ Đắc Tô 2. Thừa thắng ta phát triển tấn công giải phóng Diêm Bình, quận lỵ Đắc Tô.
Sau một ngày chiến đấu, lực lượng vũ trang gải phóng đã tiêu diệt hoàn toàn căn cứ phòng ngự then chốt của địch trong hệ thống phòng thủ Bắc Tây Nguyên, giải phóng toàn bộ vùng Bắc tỉnh Kon Tum. Sư đoàn 22 (thiếu), Trung đoàn 4 thiết giáp, 2 tiểu đoàn pháo binh của địch bị tiêu diệt. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường miền Nam, ta đã tiêu diệt sư đoàn địch trong căn cứ. Trận đánh căn cứ Đắc Tô – Tân Cảnh là một trận điển hình về cách đánh nhanh, diệt gọn của các lực lượng vũ trang ta trong thời gian này.
Tại thị xã Kon Tum, mặc dù địch ở đây hoang mang dao động, song ta chưa thể đánh ngay được vì còn phải điều động lực lượng và chuẩn bị vật chất. Trong khi đó, Mỹ và quân đội Sài Gòn đưa ngay Sư đoàn 23 lên phòng thủ thị xã. Từ 14-5 đến 22-5-1972, ta tổ chức đánh địch ven thị xã, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng một số đơn vị của địch, song không phá được tuyến phòng thủ mới vùng ven của chúng. Do yêu cầu phối hợp của chiến trường và hỗ trợ cho đấu tranh chính trị và ngoại giao, Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương động viên lực lượng vũ trang Tây Nguyên kiên quyết tiêu diệt cho được Kon Tum.
Đêm 25 rạng ngày 26-5-1972, Sư đoàn 2 và xe tăng Trung đoàn 273 cùng Đại đội 209 thị xã Kon Tum tấn công những mũi rất mạnh vào thị xã, đánh chiếm được phía Nam khu hành chính tỉnh, sân bay, sở chỉ huy Trung đoàn 44, kho 40, 41. Quân địch chống trả quyết liệt, chúng thả bom cháy và chất độc hóa học vào đội hình của ta. Bộ Tư lệnh chiến dịch phải bổ sung thêm 2 trung đoàn và đẩy mạnh nhịp độ tấn công phối hợp. Trận chiến đấu trong thị xã kéo dài hơn 10 ngày, địch bị thiệt hại nặng, các đơn vị ra ứng cứu của chúng đều bị ta đẩy lùi và đánh thiệt hại.
Trong trận đánh này, bộ đội của ta bị thương vong nhiều, quân số thiếu hụt, xe tăng bị tổn thất, đạn dược không bổ sung kịp, sức chiến đấu giảm sút. Kinh nghiệm đánh thành phố, thị xã của ta còn bộc lộ nhiều nhược điểm về tổ chức và chỉ huy. Ngày 6-6-1972, Bộ Tư lệnh chiến dịch ra lệnh cho các lực lượng đang tiến công thị xã Kon Tum rút ra để củng cố. Chiến dịch tiến công Xuân – Hè ở Tây Nguyên kết thúc.
Trên mặt trận Đông Nam Bộ,ngày 13-4, ta tập trung lực lượng đánh vào thị xã An Lộc, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, chiếm phần lớn thị xã. Địch vội tăng thêm quân và tiến hành phản kích quyết liệt. Ngày 11-5, ta mở tiếp đợt tấn công thứ hai vào thị xã, nhưng do lực lượng địch mạnh, ta không dứt điểm được, lực lượng của ta bị tổn thất nặng.
Tại Khu V, ta tập trung lực lượng chủ lực quy mô sư đoàn tấn công mãnh liệt vào các chi khu, quận lỵ của địch ở tỉnh Bình Định, hỗ trợ mạnh mẽ cho quần chúng nổi dậy trên phạm vi rộng. Ngày 18-4, ta giải phóng quận lỵ Hoài An, lực lượng vũ trang địa phương cùng quần chúng nổi dậy bao vậy, bức hàng, bức rút hàng loạt cứ điểm nhỏ, giải phóng phần lớn vùng nông thôn. Sau 20 ngày đầu của chiến dịch, quân và dân tỉnh Bình Định đã tiêu diệt hơn 1 vạn tên địch, trong đó có 2 trung đoàn chủ lực quân đội Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn hai huyện Hoài Ân, Hoài Nhơn và phần lớn huyện Phú Mỹ.
Thắng lợi của quân và dân Bình Định đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân các tỉnh đồng bằng Khu V đẩy mạnh tấn công và nổi dậy. Tại Quảng Nam, ta đã tấn công và giải phóng quận lỵ Hiệp Đức, giành quyền làm chủ ở 20 xã phía Đông các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh và vùng phía Nam sông Vệ thuộc tỉnh Quảng Ngãi.
Đến cuối tháng 5-1972, cuộc tấn công chiến lược của ta đã trải qua 2 tháng và đã giành được thắng lợi to lớn. Ta đã tiêu diệt và làm tan rã hơn 11 vạn tên địch, trong đó diệt 2 sư đoàn, 11 trung đoàn bộ binh, 6 trung đoàn thiết giáp, đánh thiệt hại nặng 3 sư đoàn, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và phần lớn các tỉnh Kon Tum, Bình Định, Bình Long và Phước Long; mở ra nhiều vùng quan trọng ở Khu V, Đồng bằng sông Cửu Long, giải phóng gần 1 triệu dân. Với những thắng lợi to lớn trên, ta đã giáng một đòn rất nặng vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, làm cho chiến lược đó đang có nguy cơ phá sản hoàn toàn.
Để cứu vãn tình thế, Níchxơn đã sử dụng lực lượng lớn không quân và hải quân ồ ạt tham chiến ở miền Nam và gây lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đây là chủ trương có ý nghĩa chiến lược vượt ra khỏi khuôn khổ của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ. Đồng thời đây cũng còn là sự thú nhận của Mỹ về thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của chúng.
Đi đôi với các hoạt động quân sự trên chiến trường, Níchxơn tuyên bố hoãn không thời hạn các phiên họp của hội nghị Pari, đồng thời sử dụng các thủ đoạn chính trị và ngoại giao xảo quyệt, đẩy mạnh việc lợi dụng Trung Quốc và tranh thủ sự hòa hoãn với Liên Xô nhằm hạn chế việc viện trợ của các nước này cho ta, ép ta phải đàm phán theo điều kiện của chúng.
Trong lúc này trên chiến trường miền Nam, quân đội Sài Gòn được yểm trợ tăng cường của không quân và hải quân Mỹ đã tiến hành phản công quyết liệt trên các mặt trận, đặc biệt là trên hướng Quảng Trị, nơi được chúng coi là mục tiêu chính trị, quân sự số một. Tại đây, địch đã sử dụng hỏa lực của không quân và hải quân ở một mức độ cao và cường độ lớn chưa từng có trong một chiến dịch. Tính riêng về đạn pháo hạm và pháo mặt đất, chúng bắn trên 10 vạn viên trong một ngày. Số lần xuất kích của máy bay B.52 từ 11 lần chiếc/ngày trong tháng 5 lên 51 lần chiếc/ngày trong tháng 6, có ngày lên tới 100 lần chiếc.
Ngày 28-6-1972, ngay sau khi ngăn chặn có hiệu quả cuộc tấn công của ta vào tuyến sông Mỹ Chánh, gây cho ta nhiều tổn thất, địch bắt đầu mở cuộc tấn công tái chiếm Quảng Trị. Tại đây, chúng huy động 2 sư đoàn cơ động chiến lược (sư đoàn dù và sư đoàn thủy quân lục chiến) mở cuộc phản công quy mô lớn hòng nhanh chóng chiếm lại Quảng Trị. Sau 1 tuần địch đã chiếm được hầu hết các huyện Hải Lăng, La Vang, áp sát vào thị xã Quảng Trị. Lực lượng của ta chặn đánh quyết liệt. Song trong điều kiện cơ động khó khăn, phi pháo địch ác liệt, ta không chốt giữ được các trọng điểm. Lực lượng ta trong thị xã bị tiêu hao nhiều, vũ khí mất mát, hư hỏng, sức chiến đấu giảm nhanh. Quân ủy Trung ương điện cho Bộ Tư lệnh chiến dịch thực hiện kế hoạch “tác chiến phòng thủ khu vực”. Đầu tháng 9-1972, ta đã hình thành các trận địa phòng ngự liên hoàn. Địch tăng thêm lực lượng, hình thành thế bao vây từ Đông Bắc tới Tây Nam thị xã, và mở đợt tấn công mới mang tên “Kế hoạch phóng lôi”. Suốt 2 ngày liền, chúng bắn phá dữ dội vào các trận địa pháo của ta, đặc biệt là xung quanh thành cổ Quảng Trị. Máy bay B.52 của địch liên tục rải thảm bờ Bắc sông Thạch Hãn.
Từ ngày 9 đến 16-9-1972, địch tấn công các trại Gia Long, La Vang, Tích Tường, Như Lễ, Bích Khê, Nại Cửu và thị xã Quảng Trị. Quán triệt chỉ thị của Bộ Chính trị về ý nghĩa cuộc chiến đấu ở Quảng Trị là “trận quyết chiến có tầm quan trọng lớn về chính trị và về chiến lược”, quân và dân ta đã nêu cao tinh thần chiến đấu, vượt qua mọi hy sinh, quyết tâm giữ vững những thành quả đã giành được. Nhiều trận phản kích đẫm máu của bộ đội ta diễn ra dưới chân thành cổ, giành giật với địch từng mô đất, bờ tường. Hơn 40% xe pháo của ta bị địch đánh hỏng; sau từng ngày chiến đấu, mỗi đại đội bộ binh của ta chỉ còn trên dưới 20 người và hàng ngày ta phải bổ sung 1 đại đội cho các đơn vị giữ thành thành cổ và thị xã Quảng Trị. Sau gần 3 tháng chiến đấu, do không đánh giá đúng sức mạnh mới của địch, không kịp thời chuyển hình thức tác chiến thích hợp mà vẫn chủ trương tiếp tục tấn công địch trong tình thế bất lợi, lực lượng ta bị tổn thất lớn và lâm vào thế bị động. Đúng 18 giờ ngày 16-9-1972, bộ đội ta được lệnh rút khỏi thị xã, chuyển sang phòng ngự đánh địch ở phía Nam sông Mỹ Chánh.
Cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã và thành cổ Quảng Trị diễn ra trong 81 ngày đêm vô cùng gay go và ác liệt, là bản anh hùng ca về lòng trung thành, trí quả cảm và sự hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc của cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc chiến đấu anh dũng và quyết liệt đó đã góp phấn phục vụ đắc lực cho yêu cầu nhiệm vụ quân sự, chính trị và đấu tranh ngoại giao, đã kìm giữ dài ngày lực lượng cơ động chiến lược của địch, tạo điều kiện cho các chiến trường khác hoạt động, đồng thời tạo được thế trận phòng ngự của ta trong thời gian tiếp sau để đánh bại các đợt tấn công của địch, giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị.
Tại miền Đông Nam Bộ, sau khi chiếm Lộc Ninh, nhân lúc địch rối loạn, Bộ Tư lệnh Miền quyết định tập trung lực lượng lớn binh chủng hợp thành gồm Sư đoàn 9, 2 trung đoàn bộ binh, 1 tiểu đoàn xe tăng, nhanh chóng bao vây, đánh chiếm thị xã An Lộc. Trong gần 3 tháng chiến đấu kiên cường, quân và dân ta đã chặn đứng các đợt tấn công của các Sư đoàn 21 và 25 quân đội Sài gòn, không cho chúng thực hiện ý đồ giải tỏa thị xã An Lộc.
Cuối tháng 8-1972, ta bất ngờ thọc sâu đánh vào khu vực Bến Cát, Lai Khê, diệt nhiều địch, buộc Mỹ và quân đội Sài Gòn phải co lực lượng về phòng thủ phía Bắc Sài Gòn đang bị ta uy hiếp tại mặt trận Bình Long, sau 3 lần đột kích vào thị xã không thành, ta chuyển sang bao vây lỏng, thu hút, kìm chân địch trên Đường 13. Với quyết tâm khai thông Đường 13, địch mở các cuộc tấn công từ cấp tiểu đoàn đến cấp trung đoàn đánh vào khu vực chốt chặn của ta ở Tàu Ô. Bộ đội ta đã giành giật với địch từng tấc đất, giữ vững trận địa, đánh thiệt hại Trung đoàn 45, Trung đoàn 48 thuộc Sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn, diệt 300 tên, 6 xe tăng, buộc địch phải chấm dứt cuộc hành quân.
Tháng 8-1972, ta tập kích căn cứ Lai Khê, truy kích Sư đoàn 25 của địch đến ứng cứu, loại khỏi vòng chiến đấu 600 tên, bắt 84 tên, thu 170 súng. Ngày 1-9-1972, ta kết thúc giai đoạn chốt chặn trên Đường 13. Bộ Tư lệnh Miền điều chủ lực xuống Đồng bằng sông Cửu Long mở chiến dịch tấn công tổng hợp ở Quân khu VIII.
Tại đồng Đằng sông Cửu Long, ta chủ trương sử dụng một bộ phận chủ lực chọc thủng tuyến ngăn chặn biên giới và phá vỡ tuyến ngăn chặn trung tâm Đồng Tháp Mười, đảm bảo hành lang vận chuyển, nhanh chóng thọc sau xuống Đường 4, dứt điểm các quận lỵ, chi khu, hỗ trợ cho các lực lượng quần chúng nổi dậy.
Ngày 10-6-1972, trên tuyến biên giới, lực lượng của ta bao gồm các đơn vị của Sư đoàn 5, lực lượng đặc công, các đơn vị pháo binh Miền, lực lượng Quâng khu VIII và bộ đội địa phương mở đợt tấn công vào tuyến phòng thủ của địch tại các chi khu Long Khốt, căn cứ Gò Măng Đa, căn cứ Thạch Trị, thị xã Mộc Hóa và vùng trọng điểm Nam Bắc Đường số 4. Đến ngày 20-6-1972, đợt 1 chiến dịch kết thúc, ta loại khỏi vòng chiến đấu 5.000 tên địch, diệt 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 5 tiểu đoàn khác, bức rút, bức hàng 50 đồn, giải phóng 2 xã, 30 ấp, giành lại hơn 30.000 dân.
Từ ngày 3 đến 31-7-1972, lực lương ta tấn công đợt 2, thu hút địch lên biên giới để mở rộng vùng Nam Bắc Đường số 4. Chủ lực Miền cùng với các đơn vị địa phương đã đánh quỵ Liên đoàn 41 biệt động quân và Chiến đoàn A bảo an Bến Tre, tiêu hao gần hết các tiểu đoàn của Sư đoàn 7, gỡ 63 đồn, giải phóng 5 xã và nhiều ấp, mở ra thế đứng cho lực lượng vũ trang và các cơ quan chỉ đạo của ta.
Chiến dịch tổng hợp của trên địa bàn Quân khu VIII kéo dài từ 10-6 đến 10-8-1972, đã giành được những thắng lợi quan trọng. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 34.000 tên, tiêu diệt và đánh thiệt hại nặng 20 tiểu đoàn và liên đội, 49 đại đội, 22 trung đội, đánh quỵ nhiều đơn vị địch, bắn rơi 60 máy bay, phá hủy gần 300 xe quân sự, 73 tàu, 37 khẩu pháo, 21 kho, thu hơn 3.200 khẩu súng, diệt và bức rút 500 đồn bốt, giải phóng 72 xã với 48 vạn dân trên địa bàn các tỉnh Mỹ Tho, Bến Tre, Gò Công, Kiến Phong và Kiến Tường, làm chủ Đường số 4.
Thắng lợi của chiến dịch tổng hợp Quân khu VIII đã làm thay đổi quan trọng cục diện chiến trường và tạo thế mới trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Quân khu IX, ta đã tập trung lực lượng, lần lượt tiêu diệt địch trên từng khu vực theo lối cuốn chiếu, diệt và đánh thiệt hại nặng hàng chục tiểu đoàn bảo an, tiêu diệt, tiêu hao và làm tan rả hàng chục vạn tên địch, bức rút hàng trăm đồn bốt, giải phóng 400 ấp.
Ở vùng đồng bằng Khu V, đầu tháng 7-1972, địch huy động lực lượng Quân đoàn 2 ồ ạt phản kích vùng ta mới giải phóng ở Bắc tỉnh Bình Định. Do ta không dự kiến đầy đủ âm mưu của địch, việc phòng ngự vùng mới giải phóng còn nhiều thiếu sót, nên quân địch đã chiếm lại được một số vùng quan trọng. Từ tháng 8 -1972, ta chuyển sang tiến công vào các hướng sở hở của địch ở Tây Bắc Quảng Nam, Quảng Ngãi và Nam Bình Định diệt nhiều địch, đẩy lùi các đợt phản kích của chúng, giải phóng các quận lỵ Tiên Phước, Quế Sơn (Quảng Nam), Ba Tơ, căn cứ biệt kích Đá Bàn và một số cứ điểm ở hai huyện Mộ Đức và Đức Phổ (Quảng Ngãi), hỗ trợ cho nhân dân trên các địa bàn này nổi dậy giành quyền làm chủ.
Trong khi cuộc tiến công chiến lược của quan và dân Việt Nam đang giành được những thắng lợi vang dội thì tại Lào, lợi dụng mùa mưa, việc tiếp tế của ta và bạn gặp khó khăn, từ ngày 21-5-1972, Mỹ huy động 40 tiểu đoàn quân đội Viêng Chăn và quân Thái Lan có không quân Mỹ yểm trợ mở cuộc tiến công lấn chiếm trở lại vùng chiến lược Cánh Đồng Chum.
Qua nửa năm chiến đấu gian khổ, liên quân Lào - Việt đã diệt và bắt sống 5.800 tên địch, đánh thiệt hại 8 GM (trung đoàn cơ động quân đội Viêng Chăn) và 3 tiểu đoàn quân Thái Lan, đánh bại hoàn toàn cuộc tấn công hòng chiếm lại Cánh Đồng Chum của địch, phối hợp có hiệu quả với cuộc tấn công chiến lược của ta ở miền Nam Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trên chiến trường Lào, ta và bạn đã hoàn toàn đánh thắng địch trong mùa mưa, giữ vững vùng chiến lược Cánh Đồng Chum.
Đến cuối năm 1972, tương quan lực lượng trên chiến trường Đông Dương đã có những thay đổi. Địch càng ngày càng bị sa lầy và thất bại, lực lượng cách mạng của nhân dân ba nước ngày càng lớn mạnh.
Tại Lào, trước những thất bại liên tiếp nhất là trong năm 1972, tháng 10-1972, đế quốc Mỹ và chính quyền Viên Chăn buộc phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận đàm phán với lực lượng cách mạng Lào. Ngày 21-2-1973, “Hiệp định về việc lập lại hòa bình, thực hiện hòa hợp dân tộc” ở Lào được ký kết. Cách mạng Lào chuyển sang một giai đoạn mới - giai đoạn đấu tranh giành thắng lợi hoàn toàn.
Tại Campuchia, phối hợp với cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Nam, quân và dân Campuchia cùng với một bộ phận quân đội Việt Nam liên tiếp tấn công địch ở nhiều nơi thuộc các tỉnh Côngpôngthom, Côngpôngchàm, Côngphôngchơnăng, Prayveng, Soàiriêng, Cămpốt, Tàkeo, Xiêmriệp, kể cả vùng nội, ngoại thành phố Phnômpênh, gây cho địch nhiều thiệt hại, đẩy quân đội Lonnon lún sau vào thế bị động phòng ngự. Vùng giải phóng Campuchia ngày càng mở rộng và củng cố, lực lượng cách mạng ngày càng lớn mạnh.
Ở miền Nam, cuối năm 1972, Mỹ và quân đội Sài Gòn quyết định mở các cuộc hành quân nhằm chiếm lại các vùng ta đã giải phóng ở Quảng Trị, Tây Nguyên, đồng bằng Khu V và Đồng bằng sông Cửu Long. Kiên quyết giữ vững vùng giải phóng, tháng 1-1973, ở Tây Nguyên, ta đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 23 quân đội Sài Gòn tại Võ Định, diệt và đánh thiệt hại nặng 4 tiểu đoàn, buộc chúng phải co về thị xã Công Tum. Ở miền Đông Nam Bộ, ta tiếp tục vây hãm địch tại thị xã An Lộc, tấn công nhiều vị trí của địch ở ngoại vi Sài Gòn, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Nổi bật là trận pháo kích sân bay Tân Sơn Nhất ngày 6-12, phá hủy 85 máy bay, diệt 200 nhân viên kỹ thuật; trận tập kích khu kho Thành Tuy Hạ ngày 13-12, phá hủy 70.000 tấn bom đạn. Đến đầu tháng 1-1973, ta đánh bại cuộc phản kích của Sư đoàn 5 quân đội Sài Gòn, diệt chiến đoàn 6 tại Long Xuyên, bắt sống 478 tên.
Tại các tỉnh đồng bằng Nam Bộ và Khu V, một mặt ta kiên quyết đánh bại các cuộc lấn chiếm của địch, mặt khác tiếp tục tấn công, hỗ trợ cho quân chúng nhân dân nổi dậy. Trong những tháng cuối năm 1972, ta diệt, bức hàng, bức rút hàng trăm đồn bốt địch, giải phóng thêm gần 100 thôn gồm 13.000 dân ở Khu V và 1.000 ấp với hơn 100.000 dân ở đồng bằng Nam Bộ.
Hòa nhịp với các cuộc tiến công quân sự và phong trào nổi dậy giành quyền làm chủ của đồng bào vùng nông thôn; ở các thành thị miền Nam, phong trào đấu tranh chống Mỹ - Thiệu cũng diễn ra mạnh mẽ. Trong 3 tháng đầu năm 1972, riêng ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã nổ ra hơn 150 cuộc đấu tranh của công nhân đòi cải thiện cuộc sống, phản đối chiến tranh xâm lược. Nổi dậy nhất là cuộc bãi công của 5.000 công nhân bến tàu Sài Gòn nổ ra ngày 17-3-1972 phản đối giới chủ không chịu giải quyết yêu sách tăng 39% lương cho công nhân. Cuộc đấu tranh đã làm tê liệt mọi hoạt động của địch ở cảng Sài Gòn và cuối cùng buộc giới chủ phải chấp nhận đề nghị chính đáng của người lao động. Điều đáng chú ý là đến năm 1972, ta đã xây dựng được cơ sở trong 34 nghiệp đoàn và 5 phân bộ, trong đó có 5 xí nghiệp chiến lược.
Cùng với cuộc đấu tranh của công nhân, các cuộc đấu tranh của sinh viên, học sinh, phật tử và các tầng lớp nhân dân khác ở thành thị cũng liên tiếp nổ ra. Ngày 18-3-1972, toàn thể 15.000 sinh viên Trường đại học Văn khoa Sài Gòn nhất loạt bãi khóa phản đối chính quyền Sài Gòn bắt giam trái phép nhiều sinh viên và đòi trả tự do ngay cho những người bị bắt. Ngày 13-4-1972, 17 tổ chức hòa bình và tiến bộ ở miền Nam, trong đó có Mặt trận nhân dân tranh thủ hòa bình, Tổng hội Sinh viên Sài Gòn và Phong trào Phụ nữ đòi quyền sống, ra tuyên bố đòi Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 6-1972, 800 nhà sư ở tỉnh Trà Vinh và hơn 13.000 lượt đồng bào biểu tình qua hàng chục đồn bốt địch, phản đối chính quyền Sài Gòn dồn quân, bắt lính. Ngày 1-7-1972, hai đại đội bảo an số 468 và 126 đóng ở thị trấn Mỏ Cày và khu phố Thom (Bến Tre) nổi dậy phản chiến tập thể chống lệnh hành quân cứu viện của bọn chỉ huy ác ôn. Tính chung trong năm 1972 đã có 54.000 binh sĩ ngụy bỏ ngũ, 3.750 vụ phản chiến.
Cuộc tiến công chiến lược của quân và dân miền Nam đã kết thúc với những thắng lợi to lớn. Ta đã tiêu diệt và đánh thiệt hại 2 sư đoàn, 9 trung đoàn, 38 tiểu đoàn bộ binh, 12 trung đoàn thiết giáp, 17 tiểu đoàn pháo binh của quân đội Sài Gòn, diệt và bức hàng, bức rút khoảng 2.200 đồn bốt trong tổng số hơn 9.000 đồn bốt địch. Từ đầu cuộc kháng chiến đến nay, chưa bao giờ trong cùng một thời gian mà lực lượng vũ trang của ta tiêu diệt được một bộ phận lực lượng lớn quân địch, phá vỡ từng mảng lớn hệ thống đồn bốt địch như lần này. Trong cuộc tiến công chiến lược này, ta đã đập vỡ nhiều tuyến phòng ngự cơ bản của địch, chiếm giữ nhiều địa bàn xung yếu. Thế bố trị lực lượng của địch trên toàn chiến trường bị phá vỡ không thể nào khôi phục được.
Cuộc tiến công chiến lược 1972 đã giải phóng gần hết tỉnh Quảng Trị, Kon Tum, phía Bắc tỉnh Bình Định, hoàn chỉnh vùng giải phóng Đông Nam Bộ thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, mở ra vùng giải phóng mới ở đồng bằng Khu V, Đồng bằng sông Cửu Long. Thêm 1 triệu dân từ Quảng Trị đến Cà Mau được giải phóng, đưa tổng số dân được giải phóng và làm chủ lên tới 4 triệu người cùng với 2 triệu dân vùng tranh chấp trong tổng số 11 triệu dân ở nông thôn miền Nam.
Cuộc tiến công chiến lược 1972 đã thể hiện và khẳng định sự hoạt động có hiệu quả của bộ đội chủ lực ta. Sau cuộc tổng tiến công, hơn 10 sư đoàn chủ lực ta vẫn đứng vững trên địa bàn miền núi và triển khai sâu vào các vùng đồng bằng đông dân ở Khu V và Nam Bộ. Bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển cả về số lượng và chất lượng. Lực lượng vũ trang ba thứ quân của ta đã được bố trí thành thế trận vững mạnh, tạo thế tấn công vững chắc cho cách mạng miền Nam. Cũng qua cuộc tổng tiến công này, lực lượng chính trị của ta đã phát triển cả về số lượng và nâng cao về chất lượng, cùng với lực lượng vũ trang phối hợp tấn công địch, giành quyền làm chủ quê hương.
Tuy còn có mặt hạn chế so với yêu cầu chiến lược đề ra, song thắng lợi mà chúng ta đã giành được trong cuộc tiến công chiến lược 1972 là vô cùng to lớn. Thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược này đã làm chuyển biến căn bản cục diện chiến tranh, đẩy chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ đến bờ vực phá sản.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước-Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
2. Ban Chỉ đạo Tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị, Chiến tranh cách mạng Việt Nam 1945-1975-Thắng lợi và bài học, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, 53, 54, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.
4. Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam-Bộ Quốc phòng, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tập 1 đến tập 9. Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013.
5. Viện Sử học, Lịch sử Việt Nam, tập 10, 11, 12, 13, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2017.