Cuộc khởi nghĩa của Diponegoro (1825 - 1830) là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu nhất chống thực dân Hà Lan xâm lược của nhân dân Indonesia dưới sự lãnh đạo của Diponegoro diễn ra trong những năm 1825 – 1830.
Hành động can thiệp trắng trợn của thực dân Hà Lan vào nội bộ triều đình (phế Diponegoro, lập con trai của Giarot mới hai tuổi làm vua Amangku Buoana V ở Yogyacacta mà không theo Di huấn của vua cha trước khi ông mất) và can thiệp vào quyền thế tập kinh tế của lãnh chúa, hoàng tử Diponegoro đã phản đối việc làm này và bỏ về dinh thự riêng của mình ở Teganregia. Ngọn lửa của cuộc nổi dậy đã chính thức bùng lên khi chính quyền Hà Lan tiến hành làm con đường xuyên qua lãnh địa của Diponegoro mà không hỏi ý kiến của ông. Hơn nữa, họ còn bắt ông phải dời phần mộ của gia đình cho con đường chạy qua. Như giọt nước tràn li, vào một đêm tháng 7.1825, những chiếc cọc đường bị nhổ đi và thay vào đó là những mũi giáo. Đó là câu trả lời của Diponegoro đối với chính quyền thuộc địa. Đến lúc này, Thống xứ Hà Lan Chevaliê muốn gặp nói chuyện nhưng ông từ chối. Và Diponegoro đã chính thức phát động khởi nghĩa và lãnh đạo nhân dân Java chống thực dân Hà Lan.
Lời kêu gọi khởi nghĩa ban ra, lập tức có tới 70 lãnh chúa, nhiều hoàng tử, tu sĩ Islam giáo và hàng chục vạn người từ khắp nơi trên đảo Java và các đảo khác của Indonesia hưởng ứng, đi theo Diponegoro đấu tranh. Ông được nghĩa quân tôn làm Sultan và cử Xentot – một thanh niên 18 tuổi, có thiên tài quân sự - làm Tư lệnh. Cuộc nổi dậy bắt đầu từ tháng 7.1825. Với chiến thuật du kích, yếu tố bất ngờ và lối đánh thọc sâu vào hậu phương của địch, trong suốt mùa thu năm 1825 và mùa xuân năm 1826, nghĩa quân đã nhiều lần đánh bại quân Hà Lan, bắt và giết nhiều quan chức của chính quyền thuộc địa, đốt kho tàng, phá hủy các đồn điền của thực dân. Trung tâm cuộc khởi nghĩa là Kedu và Semaran. Tháng 7.1825, nghĩa quân nhiều lần tấn công vào khu trung tâm của Kedu và Semaran, đánh chiếm nhiều nơi khác, như Balak, Parakan,… Tháng 9.1825, một trận đánh lớn diễn ra giữa hai bên, nghĩa quân đã kiểm soát được Kedu.
Cùng với cuộc khởi nghĩa của Diponegoro, một cuộc nổi dậy chống thực dân Hà Lan do lãnh chúa Serang lãnh đạo cũng nô ra ở Semaran và lan rộng cả một vùng thuộc vương quốc Surakarta, kiểm soát con đường Semaransolo và Semaran – Yogyakarta. Diponegoro phối hợp với lãnh chúa Serang chiến đấu chống thực dân Hà Lan, do đó, địa bàn chiến đấu nhanh chóng được mở rộng. Đến tháng 10.1825, vùng kiểm soát của nghĩa quân Diponegoro chạy dài theo duyên hải Ấn Độ Dương ở phía nam và dọc bờ biển Java ở phía bắc. Nhân dân ở Tegan, Rembang, Pecalongan, Semaran, Kedu, Ledok,Baghelen,…tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa.
Tháng 8.1826, Diponegoro bắt đầu tấn công vào Surakarta. Tháng 10.1826, người Hà Lan đã điều một lực lượng lớn từ các nơi về, trong đó có cả pháo binh do tướng De Kock làm chỉ huy. Và trận chiến lớn đã nổ ra ở làng Gavoc giữa hai bên. Quân Hà Lan có ưu thế về lực lượng và vũ khí nên đã đánh bại quân khởi nghĩa.
Tuy tổn thất trong trận ở Giavoc, nhưng lực lượng của nghĩa quân Diponegoro còn khá mạnh và vẫn hoạt động chống quân Hà Lan ở nhiều nơi, khiến cho tướng De Kock phải xin tiếp viện từ Hà Lan tới. Trong khi chờ viện binh, tướng De Kock đề nghị thương thuyết với Diponegoro. Cuộc thương thuyết diễn ra vào mùa thu năm 1827, nhưng không đưa lại kết quả nào, vì phía Hà Lan không chấp nhận điều kiện của nghĩa quân đòi thành lập ở Java một nhà nước độc lập do Diponegoro đứng đầu. Trong bối cảnh ấy, nghĩa quân tiếp tục đẩy mạnh hoạt động chống chính quyền thuộc địa. Từ cuối năm 1827 đến đầu 1828, nghĩa quân mở rộng hoạt động lên miền Bắc Java – xứ Rembang.
Tháng 3.1828, sau khi có thêm quân tiếp viện, quân đội Hà Lan mở cuộc tấn công vào Rembang, dồn và vây lực lượng nghĩa quân ngay tại căn cứ nằm giữa sông Prôgô và sông Bonôvontô. Mặc dù thua kém về lực lượng, về trang bị vũ khí, nhưng quân khởi nghĩa vẫn chiến đấu kiên cường. Tiêu biểu là trận đánh của tướng Xetot tại làng Crain trong xứ Bangenlen.
Không thể dẹp bỏ hoàn toàn được cuộc khới nghĩa bằng vũ lực, Hà Lan đã thay đổi kế hoạch: một mặt, tăng cường lực lượng quân sự để bao vây chặt vùng căn cứ của nghĩa quân, cắt đứt mọi mối liên hệ giữa nhân dân với nghĩa quân; mặt khác, dùng thủ đoạn mua chuộc các lãnh chúa phong kiến trong hàng ngũ kháng chiến; đồng thời, lập mưu kế thương lượng với nghĩa quân. Với những hứa hẹn trả lại các quyền lợi đã mất cho các lãnh chúa, nhiều người trong số họ đã rời bỏ hàng ngũ nghĩa quân, phản bội lại phong trào đấu tranh, đứng về phía kẻ thù. Trong khi ấy, vòng vây đối với nghĩa quân ngày càng bị xiết chặt, bị tách dần khỏi dân, bị dồn vào chân núi, mọi sự tiếp tế không còn, sự thiếu thốn, bệnh tật đã làm giảm sự chiến đấu của nghĩa quân. Trước tình thế đó, Diponegoro buộc phải chấp nhận thương thuyết với quân Hà Lan. Ngày 28.3.1830, tướng De Kock mời Diponegoro tới đàm phán tại dinh thự ở Magenlan. Tại cuộc đàm phán, tướng De Kock phản bội, bắt ông cùng đội tùy tùng 800 người của ông. Ngày 3.5.1830, ông bị chính quyền Hà Lan đưa đi đầy ở Makassar cho đến khi qua đời. Ông mất vào năm 1855, thọ 70 tuổi. Sau khi ông bị bắt, các lãnh chúa tham gia nghĩa quân, một số bị bắt, một số đầu hàng, cuộc khởi nghĩa nhanh chóng tan rã.
Cuộc nổi dậy nhân dân Indonesia dưới sự lãnh đạo của Diponegoro là cuộc khởi nghĩa lớn chống thực dân Hà Lan xâm lược, kéo dài tới 5 năm, gây cho chính quyền thực dân nhiều tổn thất to lớn. Theo thống kê từ phía Hà Lan, có tới 8.000 quân Hà Lan và 7.000 lính bản xứ bị chết.
Cuộc khởi khởi nghĩa tuy không giành được thắng lợi cuối cùng, nhưng hành động chiến đấu của họ đã để lại cho nhân dân Indonesia những bài học quý báu. Tên tuổi và tinh thần chiến đấu của Diponegoro và các đồng chí của ông đã tô đậm trang sử chống ngoại xâm của nhân dân Indonesia.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Ngô Văn Doanh, Inđônêxia – những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995.
- Đặng Đức An (chủ biên), Những mẩu chuyện lịch sử thế giới, Nxb. Giáo dục, 2000.
- GS. Lương Ninh, GS. NGND. Vũ Dương Ninh (chủ biên), Tri thức Đông Nam Á, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2008.
- GS. Lương Ninh (chủ biên), GS. Đỗ Thanh Bình, GS. Trần Thị Vinh, Đông Nam Á – Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2015.