Cuộc đấu tranh giành độc lập ở Philippines là cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Philippines chống lại sự xâm lược của thực dân Tây Ban Nha, quân phiệt Nhật và đế quốc Mỹ, diễn ra từ nửa đầu thế kỷ thứ XVI đến năm 1946.
Cuộc đấu tranh của nhân dân Philippines chống sự xâm lược của thực dân Tây Ban Nha bắt đầu vào ngày 27.4.1521 với trận chiến Mactan chống lại đoàn thám hiểm của F. Magellan. Năm 1565, Tây Ban Nha bổ nhiệm López de Legazpi làm Toàn quyền sang chính thức chinh phục Philippines. Cuộc xâm lược của thực dân Tây Ban Nha gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ của nhân dân Philippines với hàng chục cuộc khởi nghĩa lớn nhỏ, tiêu biểu là cuộc Khởi nghĩa Dagohoy diễn ra từ năm 1744 đến năm 1829 ở tỉnh Bohol, miền trung Philippines. Sau khi thủ lĩnh của phong trào là Francisco Dagohoy qua đời, phong trào mới bị dập tắt. Tháng 7.1787, quá trình xâm lược của thực dân Tây Ban Nha đối với Philippines mới cơ bản hoàn tất khi tiểu vương Moro ký hiệp ước, chấp nhận đặt quần đảo này dưới sự cai trị của thực dân Tây Ban Nha.
Lợi dụng việc Anh tấn công, chiếm đóng Manila và cảng Cavite (1762-1764), Khởi nghĩa Silang chống lại ách cai trị của thực dân Tây Ban Nha đã nổ ra ở khu vực Ilocos ở quần đảo Luzon. Ngày 14.12.1762, Diego Silang thành lập Chính phủ tự trị Ilocos và đặt thủ đô ở Vigan. Tháng 9.1763, Khởi nghĩa Silang bị thực dân Tây Ban Nha đàn áp. Bước sang đầu thế kỷ XIX, do chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng tư sản lần thứ nhất ở Tây Ban Nha (1801-1814) và phong trào đấu tranh giành độc lập ở khu vực Mỹ Latinh, phong trào dân tộc chủ nghĩa do giai cấp tư sản, tiểu tư sản lãnh đạo chống lại thực dân Tây Ban Nha phát triển mạnh mẽ ở Philippines. Ở Philippines xuất hiện hai khuynh hướng đấu tranh giải phóng dân tộc: đấu tranh hòa bình và đấu tranh bằng bạo lực. Phong trào đấu tranh hòa bình do José Rizal đứng đầu. Với chủ trương đòi quyền bình đẳng cho người Philippines thông qua giải pháp chính trị, José Rizal đã lập ra Liên minh Philippines với sự tham gia chủ yếu của giới địa chủ, tư sản và tiểu tư sản. Tuy nhiên, khi Liên minh vừa ra đời thì José Rizal bị thực dân Tây Ban Nha bắt giam và đày tới Dapitan, bắc Mindanao. Sự thất bại của phong trào đấu tranh ôn hòa đưa đến việc giai cấp tư sản Philippines chuyển sang con đường đấu tranh bạo lực, do Andrés Bonifacio lãnh đạo với phong trào Katipunan.
Cuộc khởi nghĩa do Andrés Bonifacio lãnh đạo đạt đến đỉnh cao khi lực lượng cách mạng đã chiếm ưu thế ở 19 tỉnh của Philippines, bao gồm Manila. Phong trào đã lôi kéo được sự tham gia của nhiều tầng lớp trong xã hội Philippines cũng như nhiều người Philippines ở châu Âu. Tuy nhiên, khi ảnh hưởng của phong trào ngày càng tăng thì mâu thuẫn trong lãnh đạo Katipunan lại ngày càng lớn, đặc biệt là giữa Andrés Bonifacio và Emilio Aguinaldo. Andrés Bonifacio bị đày biệt xứ và bị một trong những người phụ trách áp giải ông bắn chết vào ngày 10.5.1897.
Dưới sự lãnh đạo của Emilio Aguinaldo, ngày 1.11.1897, Chính phủ cách mạng lâm thời được thành lập, Hiến pháp lâm thời nước Cộng hòa Philippines được ban hành. Trước sự phản công mạnh mẽ của thực dân Tây Ban Nha, ngày 15.12.1897, Chính phủ cách mạng lâm thời đã ký Hiệp ước đình chiến với thực dân Tây Ban Nha. Sau khi chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha bùng nổ vào tháng 4.1898, Emilio Aguinaldo đã liên minh với Mỹ chống Tây Ban Nha. Quân đội của Emilio Aguinaldo đã tấn công quân Tây Ban Nha và giành được thắng lợi trên hầu hết lãnh thổ Philippines. Ngày 12.6.1898, Philippines tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, sau khi đánh bại Tây Ban Nha trong các trận chiến ở vịnh Manila (30.4.1898) và ở Manila (13.8.1898), ngày 10.12.1898, Mỹ đã chính thức thay thế Tây Ban Nha cai trị Philippines khi Hiệp định Paris được ký kết.
Ngày 23.1.1899, nền Cộng hòa Philippines thứ nhất tuyên bố ra đời, do Aguinaldo làm Tổng thống. Chính phủ cách mạng do Aguinaldo lãnh đạo phản đối Hiệp định Paris, quyết định đứng lên chống đế quốc Mỹ. Ngày 4.2.1899, chiến tranh Philippines - Mỹ bùng nổ. Ngày 23.3.1901, Tổng thống Aguinaldo bị bắt. Ngày 2.7.1902, phía Mỹ tuyên bố giành thắng lợi. Cuộc đấu tranh của nhân dân Philippines tiếp tục diễn ra thông qua các tổ chức như Katipunan, phong trào tôn giáo Pulahan hay các tổ chức Islam giáo Moro nhưng đều bị lực lượng Mỹ đánh bại.
Đầu thế kỷ XX, phong trào đấu tranh của nhân dân Philippines giảm đi đáng kể do sự vượt trội về quân sự cùng những chính sách cai trị bớt hà khắc, thậm chí được cho là tiến bộ của Mỹ (cho phép thành lập cơ quan lập pháp Philippines; trao ghế cho đại diện Philippines trong quốc hội Mỹ; ban hành Luật đất đai; cho phép nông dân không có đất đai trở thành những người sở hữu trang trại). Những chính sách này của Mỹ khiến con đường đấu tranh giành độc lập của Philippines chủ yếu tập trung vào nghị trường với sự chủ động của giai cấp tư sản và tầng lớp trên.
Tiêu biểu cho phong trào đấu tranh nghị trường là sự ra đời của Đảng Dân tộc vào ngày 25.4.1907, do Sergio Osmeña và sau đó là Manuel Quezon lãnh đạo. Năm 1934, Quốc hội Mỹ và Quốc hội Philippines thông qua Đạo luật Tydings-McDuffie, vạch lộ trình cho nền độc lập Philippines. Theo đó, vào ngày 4.7.1936, Nhà nước Philippines độc lập và thịnh vượng chung sẽ được thành lập. Ngày 4.7.1946, Nhà nước Philippines độc lập chính thức ra đời, thay thế cho Nhà nước Philippines độc lập và thịnh vượng chung sau 10 năm quá độ. Lúc đó, Mỹ sẽ chính thức rút khỏi Philippines.
Trong giai đoạn quân phiệt Nhật xâm lược Philippines (1941-1945), Tổng thống Quezon và Phó Tổng thống Osmena đã phải sang tị nạn ở Mỹ, lãnh đạo quân đội Mỹ ở Philippines phải rời sang Australia để tổ chức lại lực lượng. Trong bối cảnh đó, nhiều phong trào kháng Nhật đã nổi lên, tiêu biểu là Quân đội dân tộc chống Nhật (Hukbalahap). Tháng 10.1944, quân đội Mỹ quay trở lại Philippines phản công quân Nhật. Ngày 15.8.1945, quân Nhật chính thức đầu hàng. Ngày 4.7.1946, Mỹ chính thức công nhận nền độc lập của Cộng hòa Philippines.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á: Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật, Hà Nội, 2018.
- Daniel B. Schirmer, Stephen Rosskamm Shalom (eds.), The Philippines Reader: A History of Colonialism, Neocolonialism, Dictatorship and Resistance, South End Press, Cambridge, 1987.
- Diana Villiers Negroponte, The Legacy of the Philippine Struggle for Independence in 1945, Wilson Center, August 2020.
- Encyclopedia Britanica, Philippine Revolution, https://www.britannica.com/event/Philippine-Revolution