Colophan là một loại nhựa thiên nhiên, thu được ở dạng cặn khi chưng cất nhựa từ gỗ của loài cây lá kim hoặc chiết xuất rễ cây các loài thông. Colophan có thành phần bao gồm chủ yếu là acid abietinic và các acid nhựa tương tự khác, như acid dihydroabietic, acid palustric, acid neoabietic, acid dehydroabietic, acid levopimaric, acid pimaricolophan. Tỷ lệ các acid nhựa này trong colophan phụ thuộc vào loài cây, khí hậu, phương pháp chiết xuất và cách bảo quản.
Colophan được sử dụng rộng rãi là do có tính chất bám dính, tính chất sơn phủ, tính tráng men của nó. Colophan có tính chất cứng và giòn, được dùng trong các công việc tâm linh khác nhau. Colophan hòa tan trong nhiều loại dung môi và trong kiềm. Người ta sử dụng colophan để sản xuất sơn, chất màu trong công nghiệp in, sơn phủ, xà phòng, keo dán, chất trợ hàn, chất gắn lên các nhạc cụ như nhị, hồ, v.v… Sau khi nấu colophan với sô đa (natricarbonat) và phèn chua sẽ thu được một chất giúp giấy và carbon gắn chặt với mực hơn. Muối của colophan với kim loại nặng được dùng làm chất làm mau khô. Trong công nghiệp in người ta cho colophan vào mực để tăng bám dính và chống bị nhòe.
Colophan được ứng dụng rộng rãi trong đời sống. Một số sản phẩm thường dùng có chứa colophan như: nhựa đường, mỡ tra máy, sáp đánh bóng, xi măng và matit, mực viết trên gốm sứ, mực đánh dấu, kẹo cao su, chất ức chế ăn mòn, mỹ phẩm (son môi, thuốc bôi mí mắt, phấn hồng …), chất bọc răng, keo dán, kem bôi trĩ, sản xuất giấy các loại, chất tẩy rửa trong các tiệm giặt, dây coroa máy, kem đánh giầy, kem dán lát đá, lát sàn, các loại thuốc dán, thuốc đắp.
Trong y học phương Tây, colophan thường có trong chỉ khâu, dây chằng, sản phẩm về răng như chất bọc, bịt răng. Sản phẩm este hóa giữa colophan với glycerin có thể được cho vào kẹo cao su với vai trò chất làm mềm. Người ta cũng khuyến cáo việc thăm dò khả năng gây dị ứng da khi tiếp xúc với colophan. Để thử nghiệm người ta sử dụng miếng dán có chứa colophan với hàm lượng 1200µg/cm² tương đương 972 µg colophan trên miếng dán.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Brockhaus ABC Chemie, VEB F. A. Brockhaus Verlag Leipzig 1966, 709.
- P.Nuhn, Chemie der Naturstoffe, Akademie - Verlag Berlin, 1981, 462.
- Ashley A.Hamstra, Sharon E. Jacob, A review of Colophonium, The Dermatologist, Allergen Focus August 2015, 38-41.