Chuyên gia trị liệu nghề nghiệp là người thúc đẩy sức khỏe, tăng cường phát triển và làm tăng hoạt động độc lập cho mọi người thông qua các hoạt động liên quan đến công việc, vui chơi và tự chăm sóc.
Các chuyên gia trị liệu nghề nghiệp và trợ lý trị liệu nghề nghiệp sử dụng các cơ sở khoa học và quan điểm tổng thể để thúc đẩy khả năng của một người trong hoàn thành các công việc và hoàn thành vai trò hàng ngày của họ.
Chuyên gia trị liệu nghề nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm nhi khoa, chỉnh hình, thần kinh, trị liệu thị lực kém, phục hồi thể chất, sức khỏe tâm thần, công nghệ hỗ trợ, phục hồi chức năng ung thư và lão khoa… Chuyên gia trị liệu nghề nghiệp được các cơ sở y tế như bệnh viện, nhà dưỡng lão, cơ sở chăm sóc dân cư, cơ quan y tế địa phương, trung tâm phục hồi chức năng bệnh nhân ngoại trú, hệ thống trường học và doanh nghiệp tuyển dụng.
Ở các nước phát triển, các chuyên gia trị liệu nghề nghiệp trải qua một chương trình đào tạo nghiêm ngặt. Họ phải trải qua chương trình đại học bốn năm, bao gồm các khóa học về giải phẫu, tâm lý học, lý thuyết và thực hành của liệu pháp vận động. Ngoài ra, chuyên gia trị liệu nghề nghiệp phải hoàn thành khóa đào tạo lâm sàng từ 6 đến 9 tháng. Sau khi tốt nghiệp, hầu hết đều tham gia kỳ kiểm tra quốc gia để đủ điều kiện trở thành Nhà trị liệu nghề nghiệp được đăng ký (ROT).
Các chuyên gia trị liệu nghề nghiệp làm việc với những người có các vấn đề về cảm xúc. Mục tiêu của họ là giúp khách hàng (thân chủ) đối phó với cuộc sống hàng ngày. Họ dạy cho khách hàng các kỹ năng tự chăm sóc bản thân, nấu ăn, mua sắm và lập ngân sách. Các chuyên gia trị liệu nghề nghiệp có thể giúp những người bị trầm cảm, lo âu hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế lập kế hoạch trong ngày của họ để hoạt động hiệu quả hơn.
Các chuyên gia trị liệu nghề nghiệp có thể thúc đẩy sự tham gia và khả năng độc lập của thân chủ trong cuộc sống bằng cách tăng cường các yếu tố của thân chủ và các kỹ năng thực hiện như khả năng thể chất, nhận thức và tri giác. Họ cũng có thể giúp khách hàng đạt được kết quả mong muốn bằng cách tạo điều kiện cho họ sử dụng các chiến lược thích ứng, cung cấp cho khách hàng các thiết bị thích ứng với môi trường sống.
Các chuyên gia trị liệu nghề nghiệp tập trung vào việc cung cấp phương pháp tiếp cận toàn diện, lấy khách hàng làm trung tâm cho từng bệnh nhân, sử dụng các can thiệp trị liệu hướng tới con người, nghề nghiệp và môi trường. Các chuyên gia trị liệu nghề nghiệp chú ý đến khả năng, sở thích và môi trường của một người để đưa ra các chiến lược và kỹ thuật cho phép thân chủ sống trọn vẹn nhất.
Các chuyên gia trị liệu nghề nghiệp thường tham gia vào các nhóm đa ngành bao gồm những người hành nghề chăm sóc sức khỏe như bác sĩ, y tá, nhà vật lý trị liệu, nhà trị liệu ngôn ngữ, nhà tâm lý học phục hồi chức năng và nhân viên xã hội. Xây dựng quan hệ đối tác hiệu quả với các chuyên gia khác vì lợi ích cung cấp dịch vụ chất lượng cho khách hàng là điều cần thiết để các chuyên gia trị liệu nghề nghiệp thực hành có giá trị. Sự hợp tác với các nhà trị liệu khác từ nhiều lĩnh vực khác nhau sẽ làm phong phú thêm và hữu ích cho cả ngành nghề cho các nhà trị liệu và khách hàng.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Punwar A.J., Defining Occupational Therapy, In Punwar A.J., Peloquin S.M. (eds.), Occupational therapy: Principles and practice (3rd ed.), Philadelphia: Lippincott Williams & Wilkins, 2000, pp. 3 - 6.
- Crossman A.R., Neary D., Neuroanatomy: an illustrated colour text (2nd ed.), Edinburgh, New York: Churchill Livingstone, 2000.
- Crepeau E.B., Cohn E.S., Schell B.A., Occupational Therapy practice today, In Crepeau E.B., Cohn E.S., Schell B.A. (eds.), Willard & Spackman's occupational therapy (10th ed.), Philadelphia:
Lippincott Williams & Wilkins, 2003, pp. 27 - 30.
- Schwartz K.B., The history of occupational therapy, In Crepeau E.B., Cohn E.S., Schell B.A. (eds.), Willard & Spackman's occupational herapy (10th ed.), Philadelphia: Lippincott Williams & Wilkins, 2003, pp. 5 - 13.
- Chapparo C., Ranka J., Using the OPM (A) to guide practice and research, Retrieved April 10, 2006.