Chuỗi truyền thuyết là một loạt các truyền thuyết xoay quanh một truyền thuyết trung tâm. Truyền thuyết trung tâm có thể về một nhân vật, một địa danh, hoặc một sự kiện nào đó mà người kể tin là có thật đã từng xảy ra trong một khoảng thời gian, tại một địa điểm cụ thể mà người kể được chứng kiến. Xét về cấu trúc tự sự, truyền thuyết hầu hết đều là các mẩu tự sự mà chưa được cấu trúc thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Các mẩu tự sự truyền thuyết được lắp ghép với nhau thành một câu chuyện hoàn chỉnh; và đến lượt nó, câu chuyện hoàn chỉnh đó có thể bị vỡ ra để vừa loại bỏ bớt, vừa thu nhận thêm những mẩu tự sự mới theo mục đích của người kể chuyện. Chính vì thế, xét về cấu trúc tự sự, trong các thể loại tự sự dân gian, truyền thuyết là thể loại có tính động và tính lỏng cao nhất.
Về mặt lý thuyết, vấn đề này đã được C. G. Jung nhắc đến khi bàn đến tâm thức cộng đồng liên quan đến việc kể câu chuyện về đĩa bay (UFO: Unidentified Flying Objects) từ năm 1958. Jung cho rằng, cái lõi của truyền thuyết có thể là sự kiện lịch sử, vật thể hoặc một ảo ảnh nào đó, và từ đó, mọi người lan truyền câu chuyện xoay quanh cái lõi đó. Phát triển quan điểm của Jung, năm 1976, Linda Dégh đã đưa ra quan điểm về việc hình thành các câu chuyện truyền thuyết như sau: xuất phát từ một nhân lõi mà bà gọi là truyền thuyết truyền dẫn (legend-conduit), các câu chuyện được truyền miệng trong quá trình truyền thuyết (legend-process) và kết quả là tạo nên các câu chuyện kể; các câu chuyện này xoay quanh truyền thuyết truyền dẫn ban đầu.
Ở Việt Nam, tình trạng có nhiều mẩu chuyện nhỏ xoay xung quanh một truyền thuyết trung tâm tạo nên một chuỗi truyền thuyết là rất phổ biến đối với truyền thuyết về các nhân vật, vật thiêng hoặc địa danh. Về nhân vật lịch sử, có chuỗi truyền thuyết xoay quanh các nhân vật liên quan đến lịch sử như Hùng Vương, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Lý Công Uẩn, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… Về vật thiêng, có các chuỗi truyền thuyết về ngựa sắt và roi sắt của Thánh Gióng, nỏ thần của An Dương Vương, thanh gươm của Lê Lợi…Về địa danh có các chuỗi truyền thuyết về Cổ Loa và đền Cuông, về hồ Gươm, núi Hồng sông Lam, núi Nùng sông Nhị…Ngoài ra, các truyền thuyết đương đại có truyền thuyết thời hậu chiến như truyền thuyết về sự xuất hiện của các liệt sĩ ở nghĩa trang, các ngôi nhà ma bên cạnh các truyền thuyết về phép lạ hàng ngày như truyền thuyết về sự hiển linh của Mẫu, của Quán Âm Bồ tát hoặc các truyền thuyết liên quan đến các vị thần được thờ như Tả Ao, Tứ vị Thánh Nương hay cá Voi (Nam Hải đại vương)…
Nhìn từ góc độ văn bản, chuỗi truyền thuyết có điểm tương tự với các dị bản trong văn học dân gian với nghĩa là một đơn vị ngôn từ folklore (truyện dân gian, ca dao, tục ngữ…) khi được lưu truyền trong thời gian và trong không gian sẽ có các bản tương tự với một số yếu tố khác biệt (chẳng hạn các dị bản của truyện cổ tích Tấm Cám ở các địa phương hoặc các tộc người khác nhau; dị bản của các câu ca dao có cùng câu mở đầu). Tuy nhiên các đơn vị truyện kể trong chuỗi truyền thuyết không phải là các dị bản của cùng một bản kể mà là các bản kể khác nhau xoay quanh một truyền thuyết trung tâm. Chẳng hạn, xung quanh truyền thuyết về gươm thần của Lê Lợi, có truyền thuyết về lưỡi gươm, truyền thuyết về chuôi gươm có chữ Thuận Thiên nhằm thể hiện việc Lê Lợi lãnh đạo nghĩa quân chống giặc Minh là hợp với lòng trời, truyền thuyết về việc trả gươm thần cho thần Rùa ở hồ Tả Vọng, và vì tích này mà hồ Tả Vọng đổi tên thành hồ Hoàn Kiếm. Việc lan tỏa truyền thuyết từ một truyền thuyết trung tâm để thành chuỗi truyền thuyết chịu ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân lịch sử. Có những chuỗi truyền thuyết được hình thành từ nguyên nhân địa-văn hoá như chuỗi truyền thuyết Lam Sơn (Thanh Hoá), chuỗi truyền thuyết Thánh Gióng (vùng Bắc Ninh, Sóc Sơn và một số điểm phụ cận Hà Nội); tuy nhiên, cũng có chuỗi truyền thuyết được hình thành trong một phạm vi không gian rộng lớn hơn do truyền thống tôn vinh người phụ nữ trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc như chuỗi truyền thuyết về các nữ tướng của Hai Bà Trưng với truyền thuyết trung tâm ở đền Hạ Lôi, Hát Môn và từ đó theo sông Hồng mà toả đi nhiều địa phương khác ở miền Bắc Việt Nam (Bắc Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nội…). Đặc biệt, có chuỗi truyền thuyết Hùng Vương ban đầu được hình thành trong không gian địa-văn hoá vùng đất cổ Phú Thọ, sau được lan toả trong toàn quốc theo diễn ngôn chính trị về vị quốc tổ của dân tộc.
Thông qua việc thực hành tín ngưỡng từ các truyền thuyết đơn lẻ trong chuỗi, chuỗi truyền thuyết đã tạo nên tính kết nối của việc tổ chức các lễ hội về nhân vật được thờ ở nhiều phạm vi không gian khác nhau. Lễ hội Hùng Vương được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch) trên phạm vi toàn quốc với nhiều hoạt động hội theo các truyền thuyết được kể; lễ hội Thánh Gióng được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Tư (âm lịch) ở Phù Đổng, Sóc Sơn và Thường Tín với các nghi thức khác nhau theo các truyền thuyết trong chuỗi truyền thuyết về Thánh Gióng; lễ hội thờ Mẫu được tổ chức vào mùng 10 tháng Ba (âm lịch) với nhiều hoạt động, nghi thức tế lễ theo các truyền thuyết của chuỗi truyền thuyết về Thánh Mẫu…
Từ hệ thống các truyền thuyết và việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng các nhân vật trong chuỗi truyền thuyết, có thể nói, việc hình thành nên một chuỗi truyền thuyết xoay quanh truyền thuyết trung tâm thể hiện hai chiều cạnh của sáng tạo và lưu truyền thuyết thuyết: một mặt, tập trung tô đậm tính thiêng của đối tượng trung tâm của truyền thuyết được kể; mặt khác lan tỏa các câu chuyện ở phạm vi không-thời gian rộng lớn nhằm khẳng định sức sống và tính đương đại của truyền thuyết được kể.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Kiều Thu Hoạch, “Truyền thuyết anh hùng trong thời kì phong kiến”, in trong sách Truyền thống anh hùng dân tộc trong loại hình tự sự dân gian Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971.
- Truyền thuyết và cổ tích Lam Sơn, Ty văn hoá thông tin Thanh Hóa, 1973.
- Truyền thuyết Hùng Vương, Chi hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ, 1974.
- Truyền thuyết Trưng Vương, Chi hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phú, 1975.
- Linda Dégh & Andrew Váronyi, “Legends and Bilief”, in trong cuốn Folklore Genres, Dan Ben – Amos (chủ biên), The American Folklore Society, 1976.
- Trần Thị An, Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam, Nxb. KHXH., Hà Nội, 2014.