Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Christianan Drumond Mogan (1897 - 1976)
Tập tin:Christianan Drumond Mogan (1897 - 1976).jpg
Christianan Drumond Mogan (1897 - 1976)

Christianan Drumond Mogan (1897 - 1976) là bác sĩ lâm sàng người Mỹ, nhà phân tâm học người đồng sáng tạo Trắc nghiệm đánh giá TAT. Morgan là một nghệ sĩ, nhà văn nhưng bị mê hoặc bởi tâm lý học. Một người đã đóng góp quan trọng cho trị liệu hành vi.

Tuổi thơ và gia đình[sửa]

Christiana Morgan sinh ra ở Boston, Massachusetts vào ngày 6 tháng 10 năm 1897. Morgan là con thứ hai trong gia đình có ba cô con gái của William và Isabella. Bố William của Morgam là Ủy viên hội đồng, một bác sĩ, giáo sư tại Trường Harvard Medical. Christiana và các chị gái của cô cũng như nhiều cô gái con gia đình khá giả khác đã được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt và học trường tư. Cô theo học tại trường Miss Winsor dành cho nữ sinh ở Boston từ năm 1908 đến 1914 và sau đó là trường nội trú ở Farmington, Connecticut.

Cô đã đến New York, nơi cô đăng ký học trong một chương trình điều dưỡng. Morgan được đào tạo thành trợ lý y tá tại YWCA ở thành phố New York và làm y tá trong đại dịch cúm năm 1918.

Năm 1917 cô gặp William Morgan, một sinh viên Đại học Harvard. Họ đã đính hôn ngay trước khi anh ta đi chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ nhất. Khi chiến tranh kết thúc, William Morgan trở lại và hai người đã kết hôn vào năm 1919. Một năm sau Christiana Morgan đã sinh con trai Thomas.

Từ 1921 đến 1924 Morgan học nghệ thuật tại Liên đoàn nghệ thuật sinh viên New York cùng với Frank DuMond, Guy Pène du Bois và Leo Lentelli.

Bắt đầu sự nghiệp[sửa]

Vào những năm 1920, Morgan đã tới Zurich để hỏi ý kiến Carl Jung - Bác sĩ tâm thần và là cựu học trò của S. Freud. Khi Jung gặp Morgan, ông coi cô là biểu hiện của một người truyền cảm hứng nữ tính hoàn hảo, có vai trò là một nàng thơ cho những người đàn ông tuyệt vời. Jung đã tiến hành một cuộc hội thảo được gọi là “Hội thảo về tầm nhìn” phân tích nhiều bản vẽ và giấc mơ của Morgan. Morgan đã tạo ra những viễn cảnh huyền thoại và được ghi lại trong “cuộc đấu tranh của Morgan với các thế lực nữ tính và nam tính trong thế giới của cô”.

Năm 1923, Morgan gặp và yêu Henry Murray, sau này là nhà hóa sinh tại Đại học Rockefeller New York, giáo sư tâm lý học tại Đại học Harvard. Anh đã kết hôn được 7 năm và không muốn bỏ vợ. Khi Murray trải qua một cuộc xung đột nội tâm nghiêm trọng, Morgan khuyên anh nên đến thăm Jung. Năm 1927, họ đến thăm Jung ở Zürich và theo lời khuyên của Jung, anh và Morgan đã trở thành một yếu tố “để mở khóa vô thức”.

Trong những năm 1930, Murray và Morgan là một phần của nhóm thực nghiệm Tâm lý học tại Phòng khám bệnh Harvard. Sau đó, Morgan được đặt tên cho nghiên cứu Radcliffe - một danh hiệu cô giữ cho phần còn lại của sự nghiệp.

Đồng sáng tạo Trắc nghiệm tâm lý phóng chiếu (TAT)[sửa]

Phân tích của Morgan với Jung đã dẫn đến một loạt đánh giá, tầm nhìn về mối quan hệ có kinh nghiệm trong trạng thái bán thôi miên. Jung khuyến khích Morgan vẽ những hình tượng mà ông đã sử dụng nghiên cứu liên tục về tâm trí vô thức. Tầm nhìn cuối cùng của Morgan đã trở nên ít hứng thú về tâm lý với Jung, nhưng kinh nghiệm của cô ấy tạo tiền đề cho những gì cô và Murray cùng nhau phát triển Trắc nghiệm tâm lý vào những năm 1930 (Trắc nghiệm phóng chiếu) - Trắc nghiệm TAT (Thematic Apperception Test).

Năm 1934, Morgan đã hợp tác để phát triển Trắc nghiệm tâm lý với Murray - Trắc nghiệm tâm lý phóng chiếu (TAT) để khơi gợi sự tưởng tượng và nó vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay. TAT bao gồm một loạt các hình ảnh. Trắc nghiệm yêu cầu một người (nghiệm thể) tạo nên một câu chuyện về mỗi hình ảnh. Trong sự phát triển ban đầu của trắc nghiệm, nhiều bản vẽ của Morgan đã được đưa vào. Cô là tác giả đầu tiên cùng với Henry Murray trong ấn phẩm đầu tiên của trắc nghiệm vào cuối năm 1941. Trắc nghiệm này được gọi là “Trắc nghiệm đánh giá chủ đề Morgan - Murray”. Khi phiên bản của trắc nghiệm được xuất bản bởi Nhà xuất bản Đại học Harvard vào năm 1943, quyền tác giả được quy cho “Henry A. Murray, MD - Nhân viên của Phòng khám Tâm lý Harvard”. Khi nó được phát triển thêm, hình ảnh của Morgan đã được đưa ra ngoài cũng như đồng tác giả của trắc nghiệm.

TAT gồm một loạt các hình ảnh (Trắc nghiệm này ngày nay 31 hình ảnh). Mỗi bức tranh mô tả một cá nhân và vấn đề giữa người với người. Người thực hiện trắc nghiệm được yêu cầu tạo một câu chuyện kể ngắn đi cùng với mỗi bức tranh. Hình ảnh khác nhau có thể được sử dụng cho nam giới, phụ nữ và trẻ em. Ý tưởng đằng sau TAT là mỗi người sáng tác một câu chuyện đi kèm với mỗi bức tranh sẽ vô thức tiết lộ thông tin mà mình đã chia sẻ. Dựa trên thông tin này, nhà tâm lý học có thể xác định một số động lực của cá nhân.

Sức khỏe và cái chết[sửa]

Trong ba thập kỷ tiếp theo, Morgan vẫn tiếp tục làm việc tại Harvard, mặc dù Morgan đã bị ảnh hưởng bởi một số vấn đề sức khỏe. Huyết áp của cô rất cao và nguy hiểm. Morgan phải trải qua một hoạt động được gọi là cắt bỏ giao cảm triệt để, cắt đứt hệ thống thần kinh giao cảm của cơ thể từ tủy sống. Trong những năm sau đó, Morgan đã bị nghiện rượu. Giữa thập niên 1960, Murray trở nên say mê với một người phụ nữ trẻ hơn, mặc dù anh không phá vỡ mối quan hệ của mình với Morgan. Điều này làm cho Morgan khủng hoảng tâm lý nhiều hơn.

Sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ giao cảm triệt để vì huyết áp cao và nhiều năm uống quá nhiều, Morgan qua đời ở tuổi 69 tại Vịnh Denis, Saint John, Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ vào ngày 14 tháng 3 năm 1967. Murray tìm thấy xác cô gần bãi biển, bị chết đuối. Có nhiều tranh cãi về cái chết của cô liên quan đến mâu thuẫn với Murray và nghi ngờ rằng Morgan có thể đã chết vì tự tử.

Có thể nói, Morgan là một nghệ sĩ, nhà văn, nhưng cô đã dành một tình yêu lớn, một sự đam mê cho Tâm lý học. Morgan đã là một trong những người tạo nên một trắc nghiệm Tâm lý học nổi tiếng mà nó vẫn được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới hiện nay - Trắc nghiệm tâm lý phóng chiếu TAT.

Trắc nghiệm TAT đã được sử dụng trong nhiều nghiên cứu ở Việt Nam. Nó cũng trở thành cảm hứng cho đề tài của một số luận án Tiến sĩ Tâm lý học tại Việt Nam.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dũng (Chủ biên), Từ điển Tâm lý học, Nxb. Từ điển bách khoa, 2008, tr. 158 - 159.
  2. Douglas, C., Translate This Darkness: The Life of Christiana Morgan the Veiled Woman in Jung's Circle, Princeton, NJ: Princeton University Press, 1993.
  3. Kazdin A.E. (Editor in chief), Encyclopedia of Psychology: 8 volume set, APA Publishing, Oxford Univerty Press, Vol. 7, 2000, pp. 87 - 91.
  4. Strickland B. (Executive editor), The Gale Encyclopedia of Psychology, Gale Group, 2001, pp. 199.
  5. Freedheim D.K., Handbook of Psychology, Vol. 1, History of Psychology, John Wiley & Sons, 2003, pp. 124 - 125.
  6. W. Edward Craighead and Charles B. Nemeroff (Editors), The Concise Corsini Encyclopedia of Psychology and Behavioral Science, Published by John Wiley & Sons, Inc, Hoboken, New Jersey, Third edition, 2004, pp. 156 - 157.