Chim én là loại chim họ Nhạn, tên khoa học là Hirundinidae, có kích thước cơ thể nhỏ bé, nặng khoảng 40-184g, mỏ ngắn, quai hàm khoẻ, miệng rộng, đuôi dài, có lông màu xanh đen bụng mầu trắng, đuôi chẻ sâu hình chữ V. chim én là loài có kỹ năng bay lượn điêu luyện với tốc độ bay cực đại đạt từ 113-185km/h. chim én chung thuỷ, lựa chọn bạn đời theo kiểu “một vợ một chồng”, thường di cư tránh rét vào mùa đông và trở lại nơi cũ vào mùa xuân.
Ở Việt Nam, chim én là loài phổ biến. Tại một số khu vực thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc, chim én và con người sống gần gũi, thân thiện với nhau; chim én thường chọn những ngôi nhà có người ở để làm tổ, đẻ trứng. Nơi trú ngụ lý tưởng của chúng là những bức tường và mái hiên gần với cửa chính. Do có thời gian sống và làm bạn lâu năm với con người chim én có một vị trí đặc biệt trong đời sống văn hoá của người Việt Nam nói chung và các tộc người thiểu số miền núi phía Bắc nói riêng.
Xuất phát từ các tập tính của loài, chim én trong thơ ca, văn học nghệ thuật và hội hoạ là biểu tượng của mùa xuân, tình yêu và lòng chung thuỷ. Hình ảnh chim én được sử dụng trong các bài thơ viết về mùa xuân; sự xuất hiện của nó như một tín hiệu thông báo mùa xuân đã về (Ngày xuân con én đưa thoi/Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mười/Cỏ non xanh tận chân trời/Cành lê trắng điểm một vài bông hoa – Truyện Kiều của Nguyễn Du hay Mùa xuân đến rồi – chim én/Bay về từ những núi xa/Buổi chiều trên sông dịu êm/ánh chim rợp cả biến thuyền – Chim én của Nguyễn Đình Thi). Hình ảnh chim én thường xuất hiện có đôi có cặp trong các bức hoạ về tình yêu, gợi tới một thứ tình cảm nam nữ trong sáng, cao đẹp và bền chặt.
Riêng với người Tày, Nùng sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chim én đươc nhắc đến trong các vần thơ tình (phong slư) viết bằng chữ Nôm Tày – Nùng, có nội dung thể hiện tình cảm tha thiết: Én hỡi! Én cánh vàng/Loan hỡi! Loan cánh đào/Én hỡi! Bay tới gác anh nhờ/Loan hỡi! Đậu xuống sàn anh bảo/Anh có người khác xứ nhớ thương/ Nhờ én mang thư xuân tới đó/Én hỡi! Hãy vỗ cánh bay đi/Bay tới vườn hoa trước nhà nàng/Đậu xuống vai người thương đợi cửa/Én hãy trao thư tới tay nàng…. Những con chim én còn khơi nguồn cảm hứng cho các trò chơi dân gian. Khi Tết đến xuân về, các chàng trai cô gái Tày, Nùng ở các bản làng lại rủ nhau chơi trò “đánh én”; họ truyền qua lại cho nhau quả cầu làm bằng lông gà. Đó được ví như hình ảnh của chim én bay qua bay lại giữa đôi trai gái, giống như chiếc thoi thêu dệt tình yêu, hạnh phúc lứa đôi.
Chim én trong tín ngưỡng dân gian của người Tày, Nùng còn có một đời sống tâm linh đặc sắc. Theo quan niệm, chim én là loài vật thiêng. Hình ảnh những con chim én luôn được thêu cẩn thận trên áo/mũ của các thầy Mo, thầy Then. Ngoài ra chúng còn xuất hiện ở những vật phẩm/không gian thiêng khác. Những con én cắt giấy màu được đặt trên bàn thờ/mâm cỗ cúng của các thầy Mo, thầy Then khi hành lễ hoặc treo cùng với các lễ vật đồ mã (cây hoa, cây tiền) dùng để dâng cúng thần thánh/tổ tiên. Người Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc quan niệm chim én là sứ giả kết nối giữa thế giới con người (dương gian) với thế giới của tổ tiên/thần thánh (âm giới); chim én đảm nhận nhiều vai trò; có lúc chúng nhận nhiệm vụ truyền tải thông điệp qua lại giữa hai thế giới và cũng có lúc lại là lực lượng trực tiếp dẫn lễ vật lên thế giới của tổ tiên/thần thánh. Trước đây, ở các làng bản người Tày, Nùng, vào dịp hội xuân, các cặp đôi đang yêu thường đến gặp thầy Mo, thầy Then để làm lễ, nhờ chim én bay về trời hỏi giúp chuyện tương lai...
Hình ảnh chim én cũng có thể bắt gặp ở những hoạt động đời sống khác. Vào dịp tết Nguyên Đán, người Tày, Nùng ở miền núi phía Bắc có phong tục làm bánh đuôi én (Bánh chưng gói lá dong, tua lá được cắt tỉa hình đuôi én) hay vào dịp tết rằm tháng 7 âm lịch họ sẽ gói bánh gai bằng lá chuối có một đầu cắt tỉa hình đuôi én rồi kết thành cặp treo trong nhà giống như có đàn én đang đậu hoặc nhiều gia đình khi dựng nhà đã khắc hình ảnh chim én lên cửa sổ...
Chim én là một biểu tượng văn hoá, nghệ thuật sống động, truyền tải thông điệp về mùa xuân, tình yêu đôi lứa, sự thuỷ chung, gắn bó. chim én đặc biệt có một vị trí quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của một số tộc người thiểu số sinh sống ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Nguyễn Thị Yên, Tín ngưỡng dân gian Tày, Nùng, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2009.
- Lê Mạnh Hùng, Giới thiệu một số loài chim Việt Nam, Nxb. Khoa học tự nhiên và công nghệ, Hà Nội, 2012.
- Bùi Việt Thắng, Nguyễn Đình Thi và những vần thơ xuân, bài viết in trên Báo Nhân Dân số ra thứ Ba ngày 5 tháng 2 năm 2013.
- Nguyễn Du, Truyện kiều, Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2015.