Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chi viện hoả lực

Chi viện hoả lực là dùng hoả lực của pháo binh, tên lửa, không quân, tàu hải quân, hoặc kết hợp các loại hỏa lực... đánh địch để chi viện cho bộ binh, xe tăng, hải quân đánh bộ và các lực lượng khác thực hiện các nhiệm vụ tác chiến.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-18) các bên tham chiến đã sử dụng gần 152 ngàn khẩu pháo Chi viện hoả lực cho bộ binh, xe tăng chiến đấu; đến chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939-45), trang bị kĩ thuật phát triển mạnh mẽ trong các lực lượng pháo binh, không quân, hải quân của các nước, mục tiêu, phạm vi phương pháp chi viện hỏa lực cũng có sự phát triển khi chi viện tiến công trong tung thâm đối phương, bằng cả pháo binh, không quân và hải quân. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai tới nay có sự phát triển mạnh mẽ của vũ khí công nghệ cao. Chi viện hoả lực được mở rộng về phạm vi, đa dạng về hình thức, mang tính tổng hợp cao và hiệu quả nâng lên rõ rệt.

Ở Việt Nam, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, chi viện hỏa lực được tiến hành phổ biến trong các trận đánh (chiến dịch). Đặc biệt, chi viện hỏa lực cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước để lại nhiều kinh nghiệm quý về chi viện hỏa lực trong tác chiến binh chủng hợp thành của quân đội ta.

Chi viện hoả lực là hoạt động tác chiến rất quan trọng trong tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng, quyết định trực tiếp tới thắng lợi của trận đánh (chiến dịch). Chi viện hoả lực thường được thực hiện trong tất cả các loại hình tác chiến: tiến công, phản công, phòng ngự, phòng thủ. Chi viện hoả lực có thể thực hiện trong cả quá trình trận đánh (chiến dịch) hoặc chỉ thực hiện trong một số nhiệm vụ, giai đoạn quan trọng của trận đánh (chiến dịch); chi viện hỏa lực có thể do pháo binh tiến hành độc lập hoặc kết hợp với các loại hỏa lực của không quân, tên lửa, tàu hải quân. Tùy theo cách đánh và khả năng hỏa lực của ta có thể có: chi viện trực tiếp và chi viện gián tiếp. Chi viện hoả lực trực tiếp là chi viện riêng cho một đơn vị, thường sử dụng pháo binh đi cùng và một bộ phận pháo binh cấp trên, trực thăng vũ trang chi viện hỏa lực theo yêu cầu của người chỉ huy đơn vị binh chủng hợp thành. Chi viện hoả lực gián tiếp là chi viện đánh các mục tiêu khác có liên quan, phối hợp, hiệp đồng với trận đánh (chiến dịch), thường sử dụng pháo binh cấp trên, không quân thực hiện hỏa lực theo mệnh lệnh của cấp trên.

Yêu cầu của Chi viện hoả lực: liên tục, kịp thời, có hiệu quả theo yêu cầu cách đánh của bộ binh, xe tăng, hải quân đánh bộ.

Trong tiến công, phản công Chi viện hoả lực thường được tiến hành tiếp sau hỏa lực chuẩn bị, nhằm chi viện trực tiếp cho bộ binh, xe tăng, hải quân đánh bộ xung phong đánh chiếm mục tiêu, phát triển tiến công, chi viện cho thọc sâu, chia cắt, bao vây, vu hồi, ngăn chặn địch, đánh địch phản kích (phản đột kích)- ứng cứu giải tỏa bằng đường bộ, đổ bộ đường không cho tới khi kết thúc trận đánh (chiến dịch). Quân đội một số nước trong tiến công, chia thành hai phân đoạn là chi viện hỏa lực xung phong và hộ tống hỏa lực tiến công

Trong phòng ngự, Chi viện hoả lực thường được tiến hành khi đánh địch tiến công ở khu vực tác chiến vòng ngoài; đánh địch xung phong trước tiền duyên, đánh địch đột nhập giữ vững các khu vực, mục tiêu phòng ngự, phòng thủ; đánh địch tạm dừng; đánh địch đổ bộ đường không, vu hồi, tiến công vượt điểm… Khi chi viện hỏa lực pháo binh trong phòng ngự bờ biển còn thêm nhiệm vụ (giai đoạn) hoả lực pháo binh chi viện đánh địch trên tuyến mép nước và hoả lực pháo binh chi viện đánh địch đổ bộ lên bờ.

Chi viện hoả lực không quân do không quân tiến hành độc lập hoặc hiệp đồng với hoả lực pháo binh và phải có kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng tham gia trận đánh (chiến dịch). Chi viện hoả lực không quân thường nhằm vào các mục tiêu quan trọng trong chiều sâu chiến thuật, chiến dịch và chiến lược của địch. Lực lượng trực thăng vũ trang thường chi viện trực tiếp cho bộ binh, xe tăng, hải quân đánh bộ tác chiến. Trong đổ bộ đường biển và đổ bộ đường không, chi viện hỏa lực không quân cho đổ bộ đường biển, đổ bộ đường không, tiến hành từ khi bộ đội đổ bộ đợt đầu tiên bắt đầu lên bờ (đảo) hoặc lực lượng đổ bộ đường không thực hành đổ bộ. Với Quân đội Mĩ còn có Chi viện hoả lực cho tác chiến cơ động đường không và đổ bộ đường không.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Tổng tham mưu, Nghệ thuật chiến dịch phản công, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2002.
  2. Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  3. Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2007.
  4. Binh chủng pháo binh, từ điển pháo binh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2010.
  5. Bộ tổng tham mưu, Nghệ thuật chiến dịch phòng ngự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010.
  6. Bộ Tổng tham mưu, Nghệ thuật chiến dịch tiến công, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 2017.
  7. Bộ Tổng tham mưu, tác chiến phòng thủ quân khu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Nxb Quân đội nhân dân, Hà nội, 2018.
  8. Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến pháo binh Quân đội nhân dân Việt nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018
  9. Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018