Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chi viện

Chi viện là hoạt động tác chiến giúp cho đơn vị thuộc quyền hoặc đơn vị bạn tăng thêm sức mạnh chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ tác chiến; dùng lực lượng và các phương tiện vật chất để tăng thêm sức mạnh cho tiền tuyến, đơn vị bạn hoặc cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ.

Chi viện, được hình thành rất sớm trong lịch sử nghệ thuật quân sự thế giới và ở Việt Nam, đặc biệt từ khi xuất hiện các loại hỏa lực của pháo binh, không quân và các lực lượng binh chủng hợp thành. Việc Chi viện cho nhau bằng xung lực và hỏa lực ngày càng được vận dụng rộng rãi ở các quy mô chiến đấu, chiến dịch và tác chiến chiến lược. Ở nước ta, chi viện xuất hiện từ cuộc khởi nghĩa của nhân dân Âu Lạc do Hai Bà Trưng lãnh đạo vào năm 40 chống lại nhà Đông Hán (Trung Quốc); cuộc khởi nghĩa được đông đảo nhân dân và các thủ lĩnh địa phương ủng hộ, chi viện sức người, sức của cho quân khởi nghĩa giành thắng lợi.

Chi viện bằng hoạt động tác chiến cho các đơn vị thuộc quyền hoặc chi viện cho đơn vị bạn gồm có chi viện bằng hoạt động tác của lực lượng (xung lực) và bằng chi viện hỏa lực, đây thường là các trận đánh của các phân đội, binh đội, binh đoàn và các binh, quân chủng chiến đấu, bảo đảm, kết hợp với lực lượng tại chỗ, có thể được tiến hành bằng các trận đánh của bộ đội binh chủng hợp thành, hỏa lực của pháo binh, tên lửa, phòng không - không quân và hải quân vào bên sườn, phía sau đội hình địch tiến công trên hướng chủ yếu hoặc hướng phối hợp; các mục tiêu quan trọng như: sở chỉ huy, trung tâm thông tin, trận địa pháo binh, quân đổ bộ đường không, tiến công vượt điểm, đổ bộ đường biển (nếu tác chiến ở ven biển, đảo). Chi viện có thể tiến hành ngay từ đầu hoặc trong quá trình tác chiến khi cấp dưới hoặc đơn vị bạn gặp khó khăn, trong một số trường hợp chi viện bằng hoạt động tác chiến còn để tăng nhịp độ tiến công, nhanh chóng giành thắng lợi. chi viện bằng hoạt động tác chiến do người chỉ huy các đơn vị chi viện trực tiếp chỉ huy và hiệp đồng chặt chẽ với đơn vị được chi viện và lực lượng tại chỗ theo kế hoạch thống nhất của cấp trên.

Chi viện bằng lực lượng và phương tiện để tăng thêm sức mạnh tác chiến cho tiền tuyến (khu vực tác chiến xa hậu phương), cho cấp dưới hoặc đơn vị bạn đang gặp khó khăn bị tổn thất lực lượng, phương tiện chiến đấu cần được bổ sung, thay thế. Chi viện bằng lực lượng, phương tiện có thể ở quy mô chiến lược như hậu phương chi viện sức người sức của cho tiền tuyến, trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Việt Nam đã có kinh nghiệm hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong trường hợp cấp dưới hoặc đơn vị bạn gặp khó khăn cấp trên có thể quyết định bổ sung lực lượng, phương tiện tăng cường cho cấp dưới, đơn vị bạn, để củng cố lực lượng tại chỗ tiếp tục chiến đấu. Khi chi viện lực lượng phương tiện dù ở quy mô nào đều do cấp chỉ huy chiến trường hoặc đơn vị được chi viện lực lượng, phương tiện trực tiếp chỉ huy và sử dụng.

Để nâng cao hiệu quả Chi viện cho tác chiến, người chỉ huy và cơ quan tham mưu các đơn vị cần phải có kế hoạch chỉ đạo, chỉ huy thống nhất, giao nhiệm vụ kịp thời, tổ chức hiệp đồng, bảo đảm chặt chẽ cho các đơn vị thuộc quyền hoàn thành nhiệm vụ. Người chỉ huy đơn vị Chi viện và được Chi viện, cần nắm chắc nhiệm vụ, khả năng chiến đấu của các đơn vị có liên quan, chủ động hiệp đồng chặt chẽ về mọi mặt, chỉ huy huy kiên quyết, mưu trí, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ các hoạt động tác chiến, phát huy sức mạnh tổng hợp hoàn thành nhiệm vụ được giao; chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, thế trận, đường cơ động, phương tiện vận chuyển ngay từ thời bình, kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi chuyển sang thời chiến, bảo đảm Chi viện kịp thời, liên tục theo yêu cầu nhiệm vụ ngoài tiền tuyến và trong quá trình tác chiến cụ thể của các đơn vị.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  2. Bộ Quốc phòng, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
  3. Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến Quân đội nhân dân Việt Nam, Hà Nội, 2018.
  4. Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến chiến dịch Quân đội nhân dân Việt Nam, Hà Nội, 2019.
  5. Học Viện Quốc phòng, Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Hà Nội, 2021.