Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến tranh trăm năm
Phả hệ hoàng tộc Anh và Pháp trước chiến tranh
Trận Sluys, bản vẽ tay trong Biên niên sử Froissart, Bruge, khoảng 1470
Trận Sluys, bản vẽ tay trong Biên niên sử Froissart, Bruge, khoảng 1470
Hình minh họa trận Castillon

Chiến tranh trăm năm (1337 - 1453) là một loạt các cuộc xung đột từ năm 1337 đến năm 1453, giữa những người cai trị Vương quốc Anh và nhà Valois để giành quyền kiểm soát ngai vàng của Pháp.

Nguyên nhân[sửa]

Nguyên nhân trưc tiếp dẫn đến cuộc Chiến tranh trăm năm là do sự tranh chấp ngôi vua Pháp và sự tranh giành ảnh hưởng ở bá quốc Flandre. Vào ngày 1.2.1328, vua Charles IV của Pháp qua đời không để lại người thừa kế nam, tạo ra một cuộc khủng hoảng kế vị. Vua Anh là Edward III (1327-1373) lấy danh nghĩa là cháu trai của Charles IV, đã tranh chấp ngôi vua Pháp với Bá tước Dauphine là Valois, con trai của Philip IV. Hội đồng quyết định ủng hộ bá tước Valois, người đã trở thành vua với tên gọi Philip VI, lập ra triều đại Valois (1328-1589). Edward III phản đối quyết liệt, đe dọa sẽ bảo vệ quyền lợi của mình bằng mọi cách.

Các nhà sử học thường chia cuộc chiến thành ba giai đoạn được phân tách bằng các hiệp ước đình chiến.

Giai đoạn I: Cuộc chiến nhà Edward (1337–1360)[sửa]

Sau khi Philippe VI lên ngôi vua nước Pháp, người Anh vẫn kiểm soát xứ Gascogne, một vùng đất giàu có nhờ các sản vật quan trọng. Gascogne trở thành lãnh địa tranh chấp của cả hai phía Anh và Pháp.

Tháng 12. 1338, quân Pháp tấn công Gascogne, chiến tranh chính thức bắt đầu. Trong những trận giao tranh đầu tiên, quân đội Anh đã liên tiếp đánh bại quân đội Pháp tại trận Sluys (1340), trận Crécy (1346), trận Poitiers (1356). Trong trận Potiers, vua nước Pháp Jean II (con của Philippe VI) bị bắt sống, Jean II ký một hiệp định ngừng chiến với Edward III.

Nước Pháp thua trận và rơi vào tình trạng hỗn loạn. Năm 1358, một cuộc nổi dậy lớn của nông dân nổ ra. Edward III tấn công nước Pháp lần thứ ba với hy vọng chiếm lấy ngôi vua nước Pháp nhưng không thành công. Kết quả là Hiệp ước Brétigny được ký năm 1360. Quân Anh kết thúc giai đoạn này của cuộc chiến với việc giành được một nửa xứ Bretagne, Aquitaine (vào khoảng một phần tư lãnh thổ nước Pháp), Calais, Ponthieu và khoảng một nửa các thành bang phụ thuộc của Pháp, tạo ra một ưu thế rõ rệt giữa nước Anh thống nhất và nước Pháp chia rẽ.

Giai đoạn II: Cuộc chiến của Nhà Caroline (1369-1389)[sửa]

Sau khi lên ngôi, vua Pháp Charles V (1364-1380) nhanh chóng tìm cách giành lại những vùng đất đã mất. Năm 1369, chiến tranh lại bùng nổ với ưu thế nghiêng về phía Pháp. Tuy nhiên, với những khó khăn từ cả hai phía, Chiến tranh Anh - Pháp một lần nữa được tạm dừng với Hòa ước Leulingham năm 1389.

Trong giai đoạn hoà bình thứ hai của cuộc Chiến tranh trăm năm (1389-1415), nước Pháp lại rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị mới. Năm 1380, Charles V của Pháp qua đời. Các quý tộc trong nước chia thành hai phe tranh giành ngôi nhiếp chính nước Pháp và quyền bảo trợ cho con cái nhà vua: một phe do Công tước Jean sans Peur xứ Burgundy và là chú của vua cầm đầu (phe Bourguignons), một phe do Công tước Louis xứ Orléans và là em của vua cầm đầu (phe Armagnac).

Nước Anh lúc này cũng có nhiều kẻ thù. Ireland, Wales và Scotland đều chống lại họ. Họ cũng phải đối mặt với các cuộc đấu đá trong nội bộ triều đình và nạn cướp phá từ ngoại bang nên không thể tiếp tục các chiến dịch ở lục địa. Một người cháu nội khác của Edward III là Henry IV ở ngôi vua từ 1399–1413, và rồi con ông là Henry V nối ngôi. Henry V chính là người đã tiếp tục cuộc chiến Anh - Pháp vào năm 1415.

Giai đoạn III: Cuộc chiến của Nhà Lancaster và sự suy tàn dần của Anh sau khi xuất hiện của nữ anh hùng Jeanne d'Arc (1415-1453)[sửa]

Năm 1414, phe Armagnac đưa ra lời đề nghị với Henry V về việc khôi phục lại các biên giới trong hiệp ước Brétigny (năm 1360) để đổi lại sự giúp đỡ của ông. Henry V từ chối và đòi lại các lãnh thổ từ tận thời Henry II hơn 200 năm về trước cộng thêm những món tiền lớn. Không đàm phán được, cuối cùng hai bên đã gây chiến với nhau.

Năm 1415, Henry V dẫn đầu một đội quân đổ bộ và đánh chiếm Harfleurvùng Normandy. Được sự hỗ trợ của phe Bourguignons, quân đội Anh đã nhanh chóng làm chủ miền bắc Pháp, kể cả thủ đô Paris vào năm 1419. Một bộ phận quý tộc phong kiến Pháp chạy xuống miền nam, không công nhận vua Anh làm vua nước Pháp, đã đưa Hoàng thái tử Dauphin Charles lên làm vua Pháp, hiệu là Charles VII. Quân đội Anh quyết định tiến xuống miền nam nước Pháp để bắt Charles VII và hoàn thành cuộc chinh phục nước Pháp.

Năm 1428, quân đội Anh phối hợp với quân đội phe Bourguignons bao vây thành thị Orléan, thành trì cuối cùng của quân Pháp ở miền Bắc. Trong trận chiến này đã xuất hiện nữ anh hùng Jeanne d'Arcgiúp Pháp đánh bật quân Anh khỏi Orleans. Tiếp đó, một đội quân Pháp đánh bại quân Anh ở Patay, mở đường cho thái tử Pháp tới nhà thờ Reims làm lễ “gia miện” (đội mũ vua), chính thức lên ngôi, hiệu Charles VII (1429-1461).

Thế tiến công của quân Pháp suy giảm sau sự kiện Jeanne bị người Burgundy bắt giữ và đem bán cho người Anh rồi bị hỏa thiêu (năm 1431). Tuy nhiên vào năm 1435, phái Bourguignons trao trả Paris cho vua Pháp do quá bận rộn với cuộc chiến ở những vùng Đất thấp (nay là Hà Lan). Một loạt những chiến dịch sau đó đã giúp người Pháp liên tiếp lấy lại từng thành phố một, tiến dần đến việc giải phóng hoàn toàn nước Pháp khỏi tay người Anh.

Năm 1453, tướng John Talbot, nhà lãnh đạo quân sự cuối cùng của Anh cố gắng lấy lại Gascogne nhưng bị Jean Bureau cùng những khẩu thần công nghiền nát trong trận Castillon. Đó được xem như trận chiến cuối cùng của cuộc Chiến tranh trăm năm. Người Anh không còn đủ sức đòi ngôi vua Pháp. Lãnh địa cuối cùng mà họ còn giữ được trên đất Pháp là Calais.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. . Đặng Đức An (Chủ biên), Lại Bích Ngọc, Đại cương Lịch sử thế giới Trung đại, Tập 1, Phương Tây, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009.
  2. Brinton Crane, Christopher John B, Wolff Robert Lee, Civilization in the West (Văn minh phương Tây), Prentice-Hall, Inc, Englewood Cliffs, New Jersy, USA, 1964.
  3. Angelica V.Ariston, Estela E.Banashihan, Monina Olavides-Correa Virgilio C.Galvez, Olivia M.Habana, Joseph Jay V.Hernando, World History for Filipino student (Giáo trình Lịch sử thế giới dành cho sinh viên Philippines), Anvil Publishing, Inc., Philippines, 2011.
  4. Kay Slocum (Vĩnh Khoa dịch), Văn minh Trung Cổ, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2012.
  5. https://www.britannica.com/event/Hundred-Years-War/Significance-of-the-Hundred-Years-Wartruy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.
  6. https://courses.lumenlearning.com/suny-hccc-worldhistory/chapter/the-hundred-years-war/ truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2020.