Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến tranh nhân dân địa phương

Chiến tranh nhân dân địa phương là hình thức phát triển cao của chiến tranh du kích ở từng địa phương; một phương thức tiến hành chiến tranh của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thuật ngữ “Chiến tranh nhân dân địa phương” được Nghị quyết của Quân ủy Trung ương đưa ra tháng 10.1973. Đặc điểm cơ bản của Chiến tranh nhân dân địa phương ở Việt Nam là: tính quần chúng rộng rãi, tổ chức, động viên được toàn dân đánh giặc; tính toàn diện cao, nghệ thuật tiến hành phong phú, sáng tạo, hiệu quả lớn và phát triển đều khắp trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng nông thôn và đô thị). Chiến tranh nhân dân địa phương luôn là cơ sở của chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực và được chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực tạo điều kiện thuận lợi để giữ vững và phát triển.

Chiến tranh nhân dân địa phương ở miền Bắc được chia làm 2 thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất (từ tháng 7.1954 đến giữa năm 1965), khi Mỹ bí mật tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc; tại các địa phương công tác quân sự tập trung tham gia khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, xây dựng và bảo vệ hậu phương lớn, chi viện tiền tuyến lớn miền Nam. Thời kỳ thứ 2 (từ giữa năm 1965 đến ngày 30.4.1975), khi Mỹ công khai đẩy mạnh chiến tranh phá hoại chủ yếu bằng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc; tại các địa phương công tác quân sự chủ động, tích cực chống chiến tranh phá hoại bảo vệ hậu phương miền Bắc, tham gia khôi phục, phát triển kinh tế chi viện miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Ở miền Nam Chiến tranh nhân dân địa phương được chia làm 5 thời kì. Thời kỳ thứ nhất (tháng 7.1954 - 1960), khi đế quốc Mỹ cùng Chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành Luật 10.59, ra sức tìm diệt cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang kháng chiến. Chiến tranh nhân dân địa phương hình thành và phát triển trong phong trào quần chúng, cùng với đấu tranh chính trị, khởi nghĩa từng phần, đồng khởi, đánh bại chính sách “tố cộng” của địch. Thời kỳ thứ hai (1961 - 1965) khi quân Mỹ cùng Chính quyền Sài Gòn thi hành chiến lược “chiến tranh đặc biệt”. Chiến tranh nhân dân địa phương phát triển lên trình độ cao hơn, kết hợp chặt chẽ lực lượng quân sự và lực lượng chính trị tại chỗ, có sự phối hợp của chủ lực của quân khu, miền đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của địch. Thời kỳ thứ ba (từ giữa năm 1965 - 1968), khi đế quốc Mỹ cùng Chính quyền Sài Gòn thi hành chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Chiến tranh nhân dân địa phương cùng với đấu tranh chính trị đánh thắng Quân đội Mỹ, thực hành tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), đánh thắng chiến lược“chiến tranh cục bộ” của Mỹ. Thời kỳ thứ tư (1969 - 1973), Mỹ cùng Chính quyền Sài Gòn thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, rút dần quân Mỹ ra khỏi miền Nam, tập trung bình định nông thôn. Chiến tranh nhân dân địa phương đã kiên cường bám trụ, chiến đấu trong thế cài răng lược để phá thế phân vùng chia tuyến, hòng đánh nhanh, thắng nhanh của địch; để tạo lực, tạo thế mới, góp phần vào thắng lợi chung của cuộc tiến công chiến lược 1972. Thời kỳ thứ năm (ngày 28.1.1973 - 30.4.1975), Mỹ tiếp tục thi hành chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”. Chiến tranh nhân dân địa phương đã góp phần đánh bại âm mưu “tràn ngập lãnh thổ” của địch; tạo thế, tạo lực, tạo thời cơ mới, phối hợp với các binh đoàn chủ lực thực hành tổng tiến công và nổi dậy kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Lực lượng tiến hành bộ đội địa phương, bộ đội biên phòng, dân quân tự vệ, công an nhân dân và lực lượng chính trị cùng toàn thể nhân dân ở địa phương có thể được tăng cường bộ đội chủ lực, lấy lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt. Phương thức tiến hành, dựa trên cơ sở khu vực phòng thủ địa phương và kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị, binh vận, đấu tranh kinh tế, văn hóa, tư tưởng…, địch vận của nhân dân địa phương. Phối hợp, hiệp đồng tác chiến với các lực lượng địa phương khác và các lực lượng chủ lực kìm chân địch ở mọi nơi, làm cho địch bị động, phân tán để đối phó, tiêu hao lực lượng, bộc lộ những sơ hở, yếu kém, tạo thời cơ cho binh đoàn chủ lực tiến hành những đòn chiến dịch, chiến lược làm chuyển biến cục diện chiến tranh. Vận dụng tổng hợp các quy mô, hình thức tác chiến, lấy quy mô nhỏ là chủ yếu. Tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, tập trung thống nhất của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, phát huy vai trò tham mưu, tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng, lấy cơ quan quân sự làm nòng cốt.

Chiến tranh nhân dân địa phương luôn quán triệt tư tưởng chiến lược tiến công, vận dụng sáng tạo phương châm kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; thực hiện tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công; kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với tác chiến tập trung của các binh đoàn chủ lực, phát triển đều khắp trên cả ba vùng chiến lược (rừng núi, đồng bằng nông thôn và đô thị), đặc biệt là việc đưa chiến tranh vào các đô thị, làm đảo lộn ý đồ, thế trận, khiến hậu phương của địch thường xuyên mất ổn định. Nghệ thuật lãnh đạo và chỉ huy luôn tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương; phát huy vai trò của đảng bộ địa phương, thực hiện Đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám địch, đảng viên cầm súng, chi bộ ra trận…

Thực hiện, Chiến tranh nhân dân địa phương là quan điểm đường lối quân sự của Đảng Công sản Việt Nam, khẳng định quy luật giành thắng lợi của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Vì vậy, Chiến tranh nhân dân địa phương luôn đặt dưới sự lãnh đạo của đảng bộ địa phương do nhân dân địa phương tiến hành, lực lượng vũ trang địa phương làm nòng cốt, hoạt động chủ yếu ở địa phương, giữ vai trò quyết định trong việc đập tan bạo loạn khi chiến tranh xảy ra tại địa phương, cùng các lực lượng khác duy trì an ninh chính trị, bảo vệ đảng, chính quyền địa phương; tạo thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc tại địa phương và trong khu vực phòng thủ, góp phần đánh bại âm mưu thủ đoạn chiến tranh của địch.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Chiến tranh nhân dân địa phương trong kháng chiến chống Mỹ( 1954-1975). Kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996.
  2. Bộ Quốc phòng, Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, Tr 231.
  3. Bộ Quốc phòng, Trung tâm từ điển bách khoa quân sự, Từ điển thuật ngữ quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2006, Tr 145.
  4. Bộ Quốc phòng, Điều lệnh tác chiến quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018, Tr 10.