Chiến tranh giành quyền kế vị Tây Ban Nha (1701 - 1714) là cuộc chiến giành quyền lực giữa một loạt quốc gia ở châu Âu đầu thế kỷ XVIII xung quanh ngai vàng Tây Ban Nha.
Nguyên nhân chiến tranh là sự tranh giành quyền thừa kế ngai vàng của vua Charles II của Tây Ban Nha vốn không có con nối dõi. Ba người có khả năng kế thừa ngai vàng là công tước Philip xứ Anjou (cháu của vua Louis XIV-Pháp và Philip IV-Tây Ban Nha); hoàng tử Joseph Ferdinand xứ Bavaria (cháu cả của Philip IV); và Archduke Charles, con trai của Hoàng đế Đế chế La Mã Thần thánh, Leopold I (con rể của Philip IV). Anh và Hà Lan không muốn cháu của Louis XIV (Philip) nắm quyền ở Tây Ban Nha và giúp Pháp thêm hùng cường. Anh, Hà Lan và Pháp không muốn Tây Ban Nha và Áo sẽ tái sáp nhập dưới dòng họ Hapsburg.
Để tránh cuộc chiến tranh với Đại Liên minh (Grand Alliance), năm 1698 Louis XIV đã ký hiệp ước Partition với vua William III của Anh. Theo đó, Joseph sẽ kế vị ngai vàng Tây Ban Nha; Philip được chia vùng Naples và Sicily; Archduke được vùng Milan. Cái chết đột ngột của Joseph năm 1699 đã dẫn đến hiệp ước mới năm 1700 giữa Anh, Pháp, và Hà Lan. Pháp có được Naples, Sicily và Milan; phần còn lại của của vương quốc Tây Ban Nha thuộc về Charles. Leopold I phản đối hiệp ước này do muốn giành toàn quyền kế vị cho con rể. Các quý tộc Tây Ban Nha muốn Philip, cháu của Louis XIV lên cầm quyền nên thuyết phục Pháp tuân theo ý muốn của Charles II.
Nhưng việc Louis XIV vẫn để Philip trong danh sách thừa kế ngai vàng của Pháp (1700) và việc Pháp chiếm 20 pháo đài ở vùng đất thấp thuộc Tây Ban Nha (tháng 2.1701) dẫn đến việc Anh, Hà Lan, và Áo tái lập Đại Liên minh chống Pháp (1701). Đại Liên minh bao gồm Anh, Hà Lan, Áo, Đan Mạch, Phổ, Hanover, và nhiều quốc gia thuộc Đức với hai hạm đội hải quân lớn cùng khoảng 250.000 lính. Pháp được ủng hộ bởi Tây Ban Nha (dòng họ Bourbon), Bavaria, Savoy (tới năm 1703) và có 200.000 quân với hạm đội nhỏ bé. Cuộc chiến giành ảnh hưởng đầu tiên diễn ra ở đất Italy giữa Pháp và Áo. Cuộc chiến tranh chính thức giữa các nước khác bắt đầu năm 1702 và kéo dài đến năm 1714.
Trong giai đoạn đầu, Marlborough, Tổng chỉ huy quân đội Anh đã chiếm Bavaria (ngày 13.8.1704). Trận Blenheim đã xóa tan những huyền thoại về sức mạnh của lục quân Pháp, là cú đấm mạnh mẽ vào tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại châu Âu của phe thân Pháp ở Đức. Bồ Đào Nha và Savoy chuyển từ ủng hộ Pháp sang ủng hộ Đại Liên minh. Trận Ramillies diễn ra năm 1706: Pháp bị mất 13.000 người, phe Liên minh mất 4.000 người. Pháp bị đẩy ra khỏi vùng đất thấp thuộc Tây Ban Nha và mất đi vị thế có thể đe dọa các quốc gia Đức khác. Cuối tháng 9.1706, Savoy thắng Pháp tại Turin, buộc Pháp rút khỏi nam Italy. Louis XIV đề xuất hòa bình với Hà Lan nhưng không được Anh chấp thuận. Năm 1707, Anh có thêm những thắng lợi mới ở bắc Italy, nhưng mất tới 10.000 lính. Năm 1708, phe Liên minh giành thắng lợi ở Oudenarde, chiếm Lille, đẩy quân Pháp về phía biên giới Pháp – Italy.
Đầu năm 1709, Pháp tuyên bố từ bỏ quyền kế vị của Philip và chấp nhận mọi chi phí kinh tế, xã hội và quân sự trong chiến tranh với Đại Liên minh. Anh không muốn đứt mạch thắng lợi nên yêu cầu Hà Lan không được phép ký hiệp ước riêng rẽ với Pháp. Trận chiến Malphaquet nổ ra (11.9.1709): Liên minh mất 16.000 lính, Pháp mất 18.000 lính. Cả hai bên đều tuyên bố thắng trận nhưng Pháp đã phải rút quân khỏi mặt trận. Cuối năm 1709, chính phủ Anh đã không còn quá ủng hộ chiến tranh và Marlborough bị giáng chức. Năm 1710, Anh và phe Liên minh liên tiếp thất bại ở Douai, Bethune, St. Venant và Aire. Cái chết của Leopold (Áo) năm 1711 cùng với sự suy yếu của Philip V dẫn đến nhu cầu chấm dứt chiến tranh từ cả hai phía.
Năm 1712, Anh và Pháp tiến hành hội nghị hòa bình sau khi đình chiến và một loạt hòa ước được ký kết giữa các bên. Hiệp ước Utrecht ngày 11.4.1713 được ký giữa Pháp với hầu hết các nước phe liên minh. Tây Ban Nha và Áo không ký vào hiệp ước Utretch, vẫn tiếp tục chiến tranh.
Hiệp ước Anh-Pháp quy định: Pháp công nhận người kế vị xứ Hanover, phá hủy pháo đài ở Dunkirk, nhường vịnh Hudson, Newfoundland và St. Kitts cho Anh, được phép sản xuất cá khô ở Newfoundland, giảm thuế đối với hàng hóa Anh xuống mức như năm 1684. Thuế của Anh cho hàng Pháp cũng tương tự các quốc gia khác, ngai vàng của Pháp và Tây Ban Nha không bao giờ được thống nhất.
Hiệp ước Hà Lan - Pháp quy định: Hà Lan có được vùng lãnh thổ quan trọng, tiêu biểu là Ghent; Pháp vẫn chiếm Furnes, Lille, Ypres, Aire, Menin, Bethune, Tournai, St Venant, Mons, Charleroi, và Namur; không nhận được Liege, Huy và Bonn.
Hiệp ước Pháp - Savoy quy định: Pháp trả lại Nice và Savoy; Amadeus giành được ngai vàng ở Sicily, sẽ kế thừa ngai vàng Tây Ban Nha nếu Philip chết.
Hiệp ước Pháp - Bồ Đào Nha: Pháp mất vùng lãnh thổ ở Brazil và thuộc địa Guiana. Hiệp ước Phổ - Pháp: Phổ nhận được vùng đất Gelderland của Tây Ban Nha.
Hiệp ước Anh - Tây Ban Nha (ngày 13.7.1713): Anh chiếm eo Gibraltar và Menorca, Asiento; Philip đồng ý rằng Sicily sẽ thuộc Savoy; còn hiệp ước thương mại sẽ được bàn bạc sau. Hiệp ước Rastatt giữa Áo và Pháp (ngày 7.3.1714): Áo chiếm lãnh thổ Tây Ban Nha tại Italy gồm Naples, Milan, Sardinia và phía nam vùng đất thấp; dòng họ Habsburg (Áo) đã có được lãnh thổ lớn nhất từ trước đến lúc đó. Pháp từ bỏ việc xâm lược ở mạn phải sông Rhine, vẫn giữ Alsace và Strasbourg. Hiệp ước Baden giữa Pháp và Đế chế La Mã thần thánh (ngày 7.9.1714) đã chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến tranh kế vị Tây Ban Nha.
Một loạt hiệp ước đã tạo ra sự cân bằng lực lượng ở châu Âu cũng như quyền của các dân tộc trong mọi cuộc đàm phán về các vấn đề liên quan đến toàn châu Âu. Chiến tranh kế vị Tây Ban Nha đã phá vỡ đế quốc Tây Ban Nha thành nhiều quốc gia nhỏ hơn, thể hiện rõ ràng sức mạnh của các quốc gia tư bản là Anh, Hà Lan.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Paul W. Mapp, “The Pacific Ocean and the war of the Spanish Succession” (Thái Bình Dương trong cuộc chiến tranh kế vị Tây Ban Nha), in: The Elusive West and the Contest for Empire, 1713-1763 (Phương Tây hỗn loạn và cuộc đấu tranh cho đế chế, 1713-1763), University of North Carolina Press, 2011, pp. 122-144.
- Samia Al-Shayban, Performances of Peace: Utrecht 1713 (Nền hòa bình được thực thi: hiệp ước Utrecht 1713), Brill Press, 2015.
- Matthias Pohlig, Michael Schaich (eds.), The war of the Spanish Succession: New Perspectives (Cuộc chiến tranh kế vị Tây Ban Nha: những góc nhìn mới), Oxford University Press, 2018.