Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực
Bản đồ ý đồ chiến lược của kế hoạch Barbarossa
Sơ đồ phản công Stalingrad
Sa bàn diễn biến chiến dịch Biên Giới Thu Đông năm 1950

Chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực là một phương thức tiến hành chiến tranh quy mô các binh đoàn chủ lực tiến hành để thực hiện các nhiệm vụ chiến dịch, chiến lược quan trọng, tạo bước ngoặt hoặc cục diện mới trên chiến trường, từng giai đoạn hay cả quá trình chiến tranh.

Chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực tiêu biểu trên thế giới là cuộc chiến tranh Xô - Đức (1941 - 1945) trong Chiến tranh thế giới lần thứ II: giai đoạn I (từ tháng 6 - 9.1941), Đức triển khai kế hoạch Bacbarôxa 190 sư đoàn tiến công Liên Xô. Giai đoạn II: từ tháng 11.1942 đến cuối năm 1943, Liên Xô phản công chiến lược bằng các binh đoàn chủ lực kết hợp với chiến tranh địa phương giải phóng vùng Cuôcxcơ và Khaccôp (chiến dịch Cuôcxcơ)... Giai đoạn III: tháng 1.1944 - 5.1945, Liên Xô tiến công chiến lược toàn diện, bằng một loạt các chiến dịch quy mô lớn lần lượt giải phóng các vùng lãnh thổ của mình và các nước Đông Âu, chiếm toàn bộ Beclin buộc Đức phải kí hiệp ước đầu hàng vô điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, Chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực trong kháng chiến chống Pháp, ta mở chiến dịch Biên Giới Thu Đông năm 1950, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, làm phá sản kế hoạch Rơve, đưa kháng chiến chống Pháp sang một thời kì mới. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân (1953 - 1954) gồm nhiều chiến dịch trên một số hướng chiến lược, điển hình là chiến dịch Điện Biên Phủ (ngày 13.3 - 7.5.1954), giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, góp phần quyết định kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức linh hoạt, hiệu quả các hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ, phối hợp chặt chẽ hoạt động tác chiến của ba thứ quân, của các binh chủng, quân chủng, kết hợp chiến tranh nhân dân ở các địa phương với các binh đoàn chủ lực, tạo sức mạnh tổng hợp chiến thắng kẻ thù.

Khi quân Mỹ mở rộng chiến tranh ra ba nước Đông Dương, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương tập trung xây dựng và tổ chức các binh đoàn chủ lực cơ động ngay trên chiến trường, nhằm tăng cường khả năng đánh tiêu diệt lớn quân địch bằng lực lượng binh chủng hợp thành. Từ năm 1970 - 1971, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ đạo xây dựng một số đơn vị chủ lực lớn gồm một số sư đoàn bộ binh và đơn vị binh chủng (Binh đoàn 70, Đoàn 301). Tháng 10.1973, thành lập Quân đoàn 1 (Binh đoàn Quyết Thắng); tháng 4.1974, thành lập Quân đoàn 2 (Binh đoàn Hương Giang); tháng 7.1974, thành lập Quân đoàn 4 (Binh đoàn Cửu Long); tháng 2.1975, thành lập Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) tại Nam Bộ; tháng 3.1975, thành lập Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên). Việc thành lập Quân đoàn 1 ở hậu phương, nhất là việc tổ chức các quân đoàn 2, 3, 4 và Đoàn 232 ở nơi tiền tuyến không chỉ là sự hợp thành của các sư đoàn bộ binh và lữ đoàn, trung đoàn binh chủng cùng các đơn vị bảo đảm, phục vụ, mà là sự hình thành một tổ chức mới cao hơn. Với các quân đoàn binh chủng hợp thành được trang bị khá mạnh, sức đột kích lớn, sức cơ động cao, sức chiến đấu liên tục, cùng với việc phát triển bộ đội địa phương, dân quân du kích rộng khắp, ta đã mở các chiến dịch tiến công bằng lực lượng binh chủng hợp thành quy mô lớn trên các hướng chiến lược ở chiến trường miền Nam như Chiến dịch Tây Nguyên (ngày 03.4.1975), chiến dịch Trị Thiên - Huế (ngày 5 - 26.3.1975) và chiến dịch Đà Nẵng (ngày 26 - 29.3.1975) đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh (ngày 26 - 30.4.1975).

Chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực bao gồm các hoạt động tác chiến chiến lược và chiến dịch dưới hình thức hiệp đồng quân chủng, binh chủng và các binh đoàn chủ lực cơ động (trực thuộc bộ quốc phòng và các quân khu, quân chủng) để tiến hành tác chiến chiến lược trên chiến trường hay hướng chiến lược nhằm thực hiện những nhiệm vụ chiến dịch, chiến lược quan trọng, đánh tiêu diệt về chiến lược, tạo bước ngoặt hoặc cục diện trên từng chiến trường (hướng chiến trường), từng giai đoạn hay cả quá trình chiến tranh.

Phương thức tiến hành, tổ chức hoạt động tác chiến bằng hình thức hiệp đồng quân chủng, binh chủng và các binh đoàn chủ lực. Tổ chức các trận đánh lớn, các chiến dịch quy mô nhỏ, vừa là chủ yếu khi có điều kiện, thời cơ tổ chức tiến công, phản công chiến dịch, chiến lược và các trận then chốt quyết định dành thắng lợi. Kết hợp với chiến tranh nhân dân địa phương, thúc đẩy chiến tranh nhân dân địa phương phát triển.

Qua thực tiễn cuộc kháng chiến chông Mỹ cứu nước, có thể khẳng định các binh đoàn chủ lực giữ vai trò quyết định đánh bại lực lượng quân sự của địch. Sức mạnh của chiến tranh chính quy bằng các binh đoàn chủ lực luôn phải được kết hợp chặt chẽ với các hoạt động tác chiến của bộ đội địa phương và dân quân du kích với chiến tranh nhân dân địa phương, chiến tranh du kích, với phong trào toàn dân đánh giặc, phong trào đấu tranh cách mạng, đấu tranh chính trị và nổi dậy của quần chúng tạo điều kiện cho các binh đoàn chủ lực cơ động tiến công tiêu diệt lớn quân địch. Mặt khác, chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân địa phương có phát triển được hay không là tùy thuộc vào sự phối hợp của chiến tranh chính quy và sự phát triển của bộ đội chủ lực, trình độ tác chiến tập trung, tác chiến hiện đại của bộ đội chủ lực. Những kinh nghiệm này vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trước sự phát triển của vũ khí trang bị, cơ cấu tổ chức quân đội, nghệ thuật quân sự và nhiều yếu tố liên quan đến chiến tranh, Chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực vẫn giữ vị trí rất quan trọng trong chiến tranh tương lai. Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu phát triển Chiến tranh bằng các binh đoàn chủ lực phù hợp với với xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc tương lai.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004. Tr 534, 539.
  2. Bách khoa toàn thư quân sự Trung Quốc, Hà Nội, 1997, quyển 3, Tr 547.
  3. Bộ Quốc phòng, Cục Khoa học quân sự, Kỷ yếu Hội thảo khoa học nghệ thuật quân sự và nhân tố chính trị tinh thần trong tổng tiến công xuân 1975, những định hướng cơ bản nghiên cứu khoa học nghệ thuật và xã hội nhân văn quân sự những năm tớị, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005, tr 120.
  4. Bộ Quốc phòng, Chiến tranh nhân dân địa phương trong kháng chiến chống Mỹ ( 1954-1975). Kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1996, Tr 395.
  5. Bộ Tổng tham mưu, Tổng kết chiến tranh nhân dân địa phương, chuyên đề: Kết hợp đấu tranh hai chân, ba mũi giáp công trên ba vùng chiến lược tại chiến trường Quân khu 5 (1954-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, Tr 139.
  6. Thiếu tướng, PGS, TS Tô Ngọc Thanh, Chiến tranh nhân dân hiện đại và những vấn đề đặ trạ, Nghệ thuật quân sự Việt Nam, Số 1/ 2005, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2005.
  7. Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Chiến tranh nhân dân; Nghệ thuật Quân sự Việt Nam, Số 3/2003, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.