Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến tranh Xiêm - Đại Việt (1771 - 1772)
Đông Nam Á khoảng năm 1750.
Thanh gươm gãy của một võ tướng Xiêm, được tìm thấy ở Hà Tiên.

Chiến tranh Xiêm - Đại Việt (1771 - 1772) là cuộc chiến giữa vương triều Thonburi (Thái Lan) với Hà Tiên và chính quyền Đàng Trong của chúa Nguyễn nhằm tranh giành ảnh hưởng ở vùng hạ lưu Mekong và kiểm soát hoạt động thương mại quốc tế ở vùng vịnh Thái Lan.

Bối cảnh của cuộc chiến tranh Xiêm - Đại Việt là sự phát triển năng động của khung cảnh chính trị, thương mại, chiến tranh và quan hệ tộc người ở hạ lưu Mekong và vịnh Thái Lan. Thế kỷ XVII - XVIII là giai đoạn bùng nổ làn sóng di cư của người Hoa xuống Đông Nam Á. Đầu tiên là những người trung thành với nhà Minh, chạy xuống phương nam vì không chấp nhận nền thống trị của người Mãn. Vào năm 1679, 3000 quân trong số này đã cập bến Đàng Trong, được chúa Nguyễn đồng ý cho khai phá vùng hạ lưu Mekong. Nhiều nhóm người Hoa khác đã xác lập ở bán đảo Malay và các hải cảng thuộc vùng vịnh Thái Lan, trong đó có Mạc Cửu và sự ra đời của Hà Tiên. Hàng trăm nghìn người Hoa khác đi vào phía bắc Đông Nam Á lục địa: Myanmar, Thái Lan, Việt Nam để khai thác mỏ. Một trong số đó định cư ở mường Tak, thuộc vương quốc Thái Ayutthaya và trở thành thủ lĩnh địa phương. Con trai của ông là Trịnh Chiêu (sử Việt chép là Trịnh Quốc Anh) trở thành người đứng đầu mường Tak, với tước hiệu Phraya Tak.

Các cộng đồng người Hoa này đóng vai trò lớn trong sự phát triển kinh tế, xã hội ở Đông Nam Á, đồng thời thúc đẩy các chuyển biến chính trị và quân sự ở tầm mức khu vực. Một trong số đó chính là cuộc chiến tranh Xiêm - Đàng Trong (1771 - 1772).

Cuối thế kỷ XVIII, người Miến, Thái, Việt là ba thế lực có ảnh hưởng lớn nhất ở Đông Nam Á lục địa. Năm 1708, Mạc Cửu đặt Hà Tiên dưới sự bảo trợ của chúa Nguyễn. Sự kiện này thúc đẩy quá trình khai phá của Việt Nam ở hạ lưu Mekong, đồng thời gây ra các xung đột mới giữa Đàng Trong và Ayutthaya. Năm 1767, Miến Điện xâm lược và đốt cháy kinh thành Ayutthaya. Chỉ một số ít quý tộc Thái chạy thoát, bao gồm Phraya Tak. Ông về Chanthaburi bên bờ vịnh Thái Lan, tập hợp lực lượng, trong đó có việc dựa vào mạng lưới người Hoa để giành lại độc lập cho Xiêm. Sáu tháng sau, viên tướng gốc Hoa trở thành vua Taksin của vương triều mới Thonburi (1767 - 1782) với kinh đô cách Ayutthaya 70 km về phía hạ lưu.

Taksin là nhà quân sự tham vọng, nhanh chóng đẩy Xiêm vào các cuộc chiến mở rộng thế lực ở Lào, Cambodia và bán đảo Malay. Cuộc cạnh tranh giữa người Thái với Đàng Trong tiếp tục tái diễn ở cả Cambodia và Hà Tiên. Đô thị này có vị trí chiến lược, cửa ngõ của vùng Mekong, kiểm soát tuyến ra vào dọc theo vịnh Thái Lan. Xung đột giữa Hà Tiên với Thonburi còn là cuộc tranh chấp giữa các mạng lưới người Hoa có ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Chính vì thế, ngay sau khi lên ngôi, Taksin liên tục gây sức ép, mở các cuộc tấn công vào Hà Tiên. Sử nhà Nguyễn cho biết Hà Tiên gặp binh hỏa liên tục, quân lương hao tổn, lòng dân dao động. Trong khi đó, gia phả họ Mạc ở Hà Tiên (1818) cho biết Mạc Thiên Tứ (con Mạc Cửu) hai lần chủ động tấn công quân Xiêm. Lần thứ nhất dùng chiến thuyền mai phục Taksin, nhưng bị bão phá hủy hơn 40 chiếc. Lần thứ hai, Thiên Tứ cử cháu dẫn theo 5 vạn quân thủy bộ, chiến thuyền lớn nhỏ dong cờ nối nhau kéo dài hàng chục dặm tiến đánh Xiêm. Nhưng người Thái cố thủ, không giao chiến nên quân Đàng Trong buộc phải đóng quân ở vùng bờ biển phía đông. Trong vòng hai tháng, dịch bệnh và thời tiết khắc nhiệt đã làm chết gần 4 vạn quân và Thiên Tứ buộc phải đưa quân về.

Tới mùa đông năm 1771, Taksin lấy cớ hoàng tử Ayutthaya đang ở Hà Tiên nên đem 2 vạn quân tấn công. Trước đó 2 tháng, Mạc Thiên Tứ đã yêu cầu quân Gia Định tăng viện, nhưng không được đáp ứng. Vì thế Hà Tiên bị bao vây. Người Thái đặt súng trên núi Tô Châu bắn vào thành làm cháy kho thuốc súng. Gia phả họ Mạc Hà Tiên mô tả tình thế lúc ấy khói pháo của giặc cuộn mù mịt, tất cả con cái thê thiếp của Thiên Tứ đều bị hại, còn dân chúng thì bị chết đuối hay dẫm đạp lên nhau mà chết nhiều không đếm xuể. Mạc Thiên Tứ liều chết chống trả nhưng thế cùng phải chạy về Châu Đốc. Khi quân cứu viện của Đàng Trong can thiệp, một phần đạo quân Thái đã bị tiêu diệt. Tình thế đó buộc Taksin phải để lại lực lượng ở Hà Tiên còn tự mình đem quân tiến đánh Nam Vang (Phnom Penh), có ý muốn tiến hành cuộc chiến lâu dài để kiểm soát hạ lưu Mekong.

Trước tình hình đó, chúa Nguyễn giúp Mạc Thiên Tứ tổ chức lại hệ thống quân sự với 5 vạn người. Quân Đàng Trong sau đó tiến sang Cambodia, đánh bại Taksin, buộc ông này phải chạy về Hà Tiên và gửi thư cầu hòa. Khi ý đồ này không được chấp nhận, Taksin giao Hà Tiên cho một quan chức người Hoa sau đó rút về Xiêm.

Mùa xuân năm 1773, với sự chấp thuận của Phú Xuân, Mạc Thiên Tứ cử người sang Xiêm giảng hòa. Taksin chấp thuận, thả vợ con Thiên Tứ và trao trả lại Hà Tiên, tuy nhiên thành lũy, nhà cửa ở trấn thành này đã bị quân Xiêm tàn phá gần hết.

Chiến tranh Xiêm - Đại Việt là sự kiện có ý nghĩa lớn trong tiến trình phát triển của vùng vịnh Thái Lan và hạ lưu Mekong về mặt kinh tế, chính trị và lãnh thổ. Đây là lần đầu tiên người Thái tổ chức một cuộc tấn công bài bản, có hệ thống vào Đàng Trong, sử dụng cả Hà Tiên và Phnom Penh làm căn cứ. Điều này cho thấy cạnh tranh địa chính trị ở khu vực đã bước sang một tầm mức mới mà nguyên nhân bắt nguồn từ sự gia tăng vai trò kinh tế của hạ lưu Mekong trong nhiều dự án nhà nước và đế chế.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trương Minh Đạt, Nghiên Cứu Hà Tiên, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2008.
  2. Vũ Thế Dinh, Hà Tiên Trấn Hiệp Trấn Mạc Thị Gia Phả, Viện Hán Nôm, A.1321, 1818.
  3. Đại Nam Thực Lục 大南寔錄. Tokyo: Institute of Cultural and Linguistic Studies, Keio University, 1961-1977.
  4. Chen, Jinghe. “Mac Thien Tu and Phraya Taksin: A Survey on Their Political Stand, Conflicts and Background” (Mạc Thiên Tứ và Phraya Taksin: Một khảo sát về thái độ chính trị, các cuộc xung đột và khung cảnh), In Proceedings of the Seventh International Association of Historians of Asia (IAHA) Conference, Vol. 2, 1535–75. Bangkok: Chulalongkorn University Press, 1979.
  5. Sellers, Nicholas. The Princes of Ha-Tien (1682-1867) (Các ông hoàng của Hà Tiên (1682-1867)). Belgium: Thanh-long, 1983.
  6. Breazeale, Kennon, ed. From Japan to Arabia: Ayutthaya’s Maritime Relations with Asia (Từ Nhật Bản tới Arabia: Các mối quan hệ hàng hải của Ayutthaya với châu Á), Bangkok: Toyota Thailand Foundation, 1999.
  7. Cooke, Nola., and Tana. Li, eds. Water Frontier: Commerce and the Chinese in the Lower Mekong Region, 1750-1880 (Đường biên nước: thương mại và người Hoa ở vùng hạ lưu Mekong, 1750-1880),Boulder: Rowman & Littlefield Publishers, 2004.