Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến tranh Thế giới thứ I (1914 - 1918)
Các nước tham chiến tại châu Âu. Hình dáng tiểu bang Illinois nằm ở bên trái để có thể so sánh diện tích. Khối Trung tâm (Central Powers)  Khối Hiệp ước (Entente Powers)  Các nước trung lập
Lính Áo trên chiến trường
Quân Đức tiến công Bỉ năm 1914
Lính Nga tại Warszawa, nay là thủ đô Ba Lan năm 1914
Sĩ quan Đức đang chuẩn bị nạp đạn pháo 250 mm Minenwerfer
Tập tin:WWI-Adv.jpg
Quân Mỹ tham chiến ở miền Bắc nước Pháp trong năm 1918

Chiến tranh Thế giới thứ I (1914 - 1918) là cuộc chiến diễn ra từ ngày 28.7.1914 đến ngày 11.11.1918 giữa hai tập đoàn quân sự, hai phe đế quốc: Phe Liên minh và Phe Hiệp ước.

Nguyên nhân[sửa]

Từ giữa thế kỷ XIX, sau khi hoàn thành cách mạng tư sản và cách mạng công nghiệp, các cường quốc tư bản châu Âu và Mỹ tăng cường mở rộng ảnh hưởng, bành trướng, xâm lược thuộc địa. Các nước hoàn thành cách mạng tư sản trước được gọi là các nước tư bản đế quốc “già” (Hà Lan, Anh, Pháp, Mỹ,…). Nhờ ưu thế vượt trội về kinh tế, quân sự nên các nước này chiếm được nhiều thuộc địa. Đến đầu thế kỷ XX, Anh và Pháp trở thành hai cường quốc công nghiệp và chiếm được nhiều thuộc địa nhất.

Các nước làm cách mạng tư sản muộn hơn (Đức, Áo, Hung, …) được gọi là các nước tư bản đế quốc “trẻ”. Đến đầu thế kỷ XX, các nước này có bước phát triển nhanh chóng về kinh tế và quân sự nhờ phát huy được lợi thế riêng, học hỏi kinh nghiệm của các nước đi trước và ứng dụng thành công các thành tựu khoa học – kỹ thuật. Đến năm 1914, Đức vươn lên mạnh mẽ và trở thành một cường quốc công nghiệp.

Đức có tham vọng tăng cường ảnh hưởng ở châu Âu, bành trướng ra thế giới, thiết lập một đế chế thuộc địa rộng lớn. Nhưng, hầu hết thuộc địa lại nằm trong tay của Anh và Pháp. Đức muốn gây chiến tranh buộc Anh và Pháp chia lại thế giới. Anh và Pháp tìm cách bảo vệ hệ thống thuộc địa và duy trì ảnh hưởng của mình. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn tới mâu thuẫn, xung đột và chiến tranh giữa các nước tư bản đế quốc.

Bên cạnh mâu thuẫn mang tính hệ thống giữa hai nhóm tư bản đế quốc “già” và “trẻ” còn tồn tại các mâu thuẫn đối kháng chằng chéo giữa các nước tư bản đế quốc với nhau: Pháp - Đức; Đức - Nga; Anh - Pháp; Nga - Áo - Hung,…Sau chiến tranh Pháp - Phổ năm 1870, mâu thuẫn Đức - Pháp ngày càng căng thẳng. Pháp tăng cường quân đội ở biên giới để đối phó Đức. Đức ký Hiệp ước Tam hoàng năm 1873, thiết lập liên minh với Nga và Áo - Hung hòng loại bỏ Pháp giành quyền bá chủ ở châu Âu. Tuy nhiên, liên minh này sớm tan rã vì Nga mâu thuẫn lợi ích với Áo - Hung ở vùng Balkan. Trong gần ba thập niên cuối thế kỷ XIX, quan hệ giữa Đức và Nga trở nên căng thẳng, hai bên tìm cách trả đũa nhau bằng các biện pháp thương mại và thuế quan.

Để chống Pháp và ngăn cản sự bành trướng của Nga ở bán đảo Balkan và Trung Cận Đông, Đức, Áo - Hung đã thiết lập liên minh với nhau. Để đối phó với liên minh Đức - Áo - Hung, Pháp và Nga đã ký kết các hiệp ước liên minh với nhau. Đến năm 1907, trên thế giới hình thành hai phe đế quốc, hai khối quân sự đối địch nhau: phe Hiệp ước gồm Anh - Pháp - Nga và phe Liên minh (còn gọi là Khối Trung Âu) gồm Đức - Áo - Hung.

Cả hai khối tiến hành chạy đua vũ trang. Từ năm 1902 đến năm 1911, Đức tăng ngân sách quốc phòng từ 874.5 nghìn mark lên 1.259 triệu mark. Đức thông qua Luật Hải quân, tăng cường chế tạo, phát triển các chiến hạm, tàu ngầm và vũ khí hiện đại hòng đè bẹp các địch thủ, nuôi hi vọng bá chủ thế giới. Mâu thuẫn giữa hai khối đế quốc ngày càng căng thẳng, các cuộc khủng hoảng, xung đột và chiến tranh cục bộ diễn ra ở nhiều nơi, như: khủng hoảng Morocco lần thứ Nhất (1905), lần thứ Hai (1911); khủng hoảng Balkan (1908); Chiến tranh Italy - Thổ Nhĩ Kỳ (1911 - 1912); Chiến tranh Balkan lần thứ Nhất (1912 - 1913), lần thứ Hai (từ tháng 6 đến tháng 10.1913). Cho đến năm 1914, mâu thuẫn, xung đột giữa hai khối đế quốc đẩy nhân loại bên bờ vực của cuộc chiến tranh toàn diện và mang tính toàn cầu.

Diễn biến[sửa]

Ngày 28.6.1914, đúng vào ngày đại bại của Serbia trước Thổ Nhĩ Kỳ, Áo – Hung tổ chức cuộc tập trận tại Sarajevo (Thủ đô của Bosnia - Herzegovina) nhằm thị uy sức mạnh và khiêu khích Serbia. Sau khi tham dự cuộc tập trận, trên đường trở về nhà, vợ chồng Thái tử kế vị của Áo - Hung, Franz Ferdinand bị một người Serbia ám sát chết. Áo - Hung gửi tối hậu thư yêu cầu Serbia đáp ứng các điều kiện điều tra vụ ám sát, trong đó có việc giao nộp hung thủ. Sau khi Serbia từ chối, Áo - Hung liền cắt đứt quan hệ ngoại giao với Serbia. Được sự ủng hộ của Đức, ngày 28.7.1914, Áo - Hung tấn công Serbia, Chiến tranh thế giới thứ Nhất (Chiến tranh Thế giới thứ I) bùng nổ. Trước hành động của Áo – Hung, Nga và Pháp tiến hành tổng động viên. Đức lần lượt tuyên chiến với Nga ngày 31.7.1914 và Pháp ngày 3.8.1914. Ngày 4.8.1914, Anh tuyên chiến với Đức. Ngày 6.8.1914, Áo - Hung tuyên chiến với Nga, chiến tranh lan rộng khắp châu Âu.

Từ cuối năm 1914 đến năm 1917, chiến tranh lan rộng khắp thế giới khi Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria đứng về phe Liên minh; Nhật Bản, Italy, Romania, Mỹ và hàng loạt quốc gia khác tham chiến đứng về phe Hiệp ước. Chiến tranh thế giới thứ Nhất diễn ra trong vòng 4 năm 4 tháng, chia thành hai giai đoạn chính: Từ năm 1914 đến năm 1916, phe Liên minh Đức – Áo – Hung chiếm ưu thế; Từ năm 1917 đến năm 1918, phe Hiệp ước đảo ngược thế trận và giành được ưu thế.

Giai đoạn 1[sửa]

Trong giai đoạn đầu, năm 1914, Đức tập trung phần lớn lực lượng gồm 1.5 triệu quân thực hiện kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh ở mặt trận phía tây hòng tiêu diệt Pháp. Ngày 1.8.1914, quân Đức đánh chiếm Luxembourg và tấn công Bỉ để mở đường tấn công Pháp. Ngày 20.8.1914, quân Đức chiếm được Thủ đô Brussels của Bỉ rồi tấn công ào ạt vào miền Bắc nước Pháp với lực lượng 70 sư đoàn. Quân Anh đến ứng cứu cho Pháp cũng bị quân Đức đánh bại, Thủ đô Paris bị uy hiếp, Chính phủ Pháp phải dời về Bordeaux.

Để giải cứu Pháp, cuối tháng 8.1914, Nga mở mặt trận ở phía đông đánh vào đông Phổ buộc Đức phải điều 25 sư đoàn từ mặt trận phía tây sang đối phó với Nga. Cùng thời gian này, quân Đức bị thất bại ở biển Bắc. Trong tháng 9.1914, quân Đức đụng độ với liên quân Anh - Pháp trong trận chiến lớn diễn ra ở phòng tuyến Sông Marne (từ Paris đến Verdun thuộc Pháp).

Ở mặt trận phía đông, cuối tháng 8 đầu tháng 9.1914 diễn ra trận chiến quyết liệt giữa quân Nga với Đức ở vùng Hồ Masuria (Phổ) và giữa quân Nga với Áo - Hung ở Lemberg. Ở vùng Hồ Masuria, lực lượng của Nga bị quân Đức đẩy lùi và chịu tổn thất nặng nề. Ở Lemberg, Áo – Hung bị thất bại, quân Nga chiếm được phần lớn Galicia và Bucovina. Tận dụng thời cơ, Serbia tấn công quân Áo và giải phóng được Thủ đô Beograd.

Ở châu Á, ngày 23.8.1914, Nhật Bản tuyên chiến với Đức và đánh chiếm một số thuộc địa của Đức ở Thái Bình Dương và bán đảo Sơn Đông (Trung Quốc) thuộc ảnh hưởng của Đức. Đến cuối năm 1914, kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh của Đức ở mặt trận phía tây bị thất bại. Hai phe Đức - Áo - Hung và Anh - Pháp - Nga chuyển sang cuộc Chiến tranh Đường hào, giành giật lãnh thổ, tiêu hao sinh lực của nhau.

Bước sang năm 1915, quân Đức chuyển hướng tấn công mạnh ở mặt trận phía đông với hy vọng đè bẹp Nga, ngăn chặn sự hỗ trợ của Nga cho Anh và Pháp. Mặt khác, Đức tham vọng khống chế vùng Balkan, mở đường tấn công sang Tiểu Á nhằm uy hiếp các thuộc địa giàu có của Anh. Đầu tháng 5.1914, quân Đức chọc thủng được phòng tuyến của Nga từ Gorlice đến Tamov. Đến cuối năm 1915, quân Đức bị Nga chặn lại ở phòng tuyến từ Vịnh Riga đến Sông Dniestr.

Ở mặt trận phía tây, trong năm 1915, liên quân Anh - Pháp đụng độ với quân Đức nhiều trận chiến lớn ở Champagne, Artois …. Hai bên bắt đầu tung ra chiến trường nhiều loại vũ khí mới hiện đại nhằm tạo bước ngoặt cho cuộc chiến. Đức sử dụng hơi độc, pháo tầm xa, tàu ngầm, máy bay. Anh – Pháp bắt đầu đưa xe tăng vào chiến trường. Trong năm 1915, Bulgaria gia nhập phe Liên minh, Italy gia nhập phe Hiệp ước. Hai bên vẫn ở thế giằng co.

Năm 1916 cuộc chiến trở nên ác liệt hơn khi cả hai phe đều tăng cường lực lượng, mở rộng quy mô các đợt tấn công. Ở mặt trận phía tây, Đức huy động 270 nghìn quân, 1.000 đại bác tấn công vào cứ điểm quân sự quan trọng bậc nhất của Pháp ở Verdun hòng thu hút và tiêu diệt quân chủ lực, buộc Pháp đầu hàng. Từ tháng 2 đến tháng 6.1916, quân Đức mở hai đợt tấn công quy mô lớn vào Verdun nhưng thất bại. Đầu tháng 7.1916, để kéo giãn lực lượng quân Đức khỏi Verdun, liên quân Anh – Pháp tấn công vào phòng tuyến Sông Somme của quân Đức ở miền Bắc nước Pháp. Verdun và sông Somme là hai trong số những trận đánh có tính khốc liệt và hủy diệt nhất trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Cho tới cuối năm 1916, hai bên đều chịu tổn thất nặng nề mà không bên nào giành được thắng lợi. Tổng số binh lính chết và bị thương của cả hai bên trong hai trận này lên tới gần 2 triệu người. Ở mặt trận phía đông, Nga và Italy chủ động tấn công quân Đức – Áo – Hung – Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm được Armenia, Galicia và Bucovina. Phe Hiệp ước ngày càng mạnh, trong khi phe Liên minh gặp nhiều bất lợi.

Giai đoạn 2[sửa]

Tháng 2.1917, Đức tuyên bố và tiến hành cuộc Chiến tranh tàu ngầm không hạn chế hòng tiêu diệt lực lượng hải quân, cô lập, cắt đứt nguồn tiếp tế trên biển của phe Hiệp ước, tạo bước ngoặt cho cuộc chiến. Cùng thời gian này, Cách mạng tháng Hai bùng bổ ở Nga. Ngày 6.4.1917, Mỹ chính thức tuyên chiến với Đức vì e ngại phe Hiệp ước có thể thất bại trước sức mạnh tàu ngầm của Đức và khả năng Nga sẽ rút khỏi cuộc chiến. Nếu điều đó xảy ra, Mỹ có thể sẽ mất 2 tỉ USD cho chính phủ các nước Hiệp ước vay trước đó để chống Đức. Năm 1917, hàng loạt các nước trung lập khác cũng tuyên chiến với Đức: Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, …

Từ năm 1917, phe Hiệp ước bắt đầu tiến hành phản công quân Đức. Cuộc chiến năm 1917 diễn ra khốc liệt cả trên bộ, trên không và trên biển, phe Hiệp ước giành được một số thắng lợi quan trọng ở Arras, Vimy. Ngày 25.10.1917 (ngày 7.11.1917 theo lịch Nga), Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga bùng nổ và giành được thắng lợi. Ngày 8.11.1917, Lenin thay mặt chính quyền mới ban hành Sắc lệnh Hòa bình kêu gọi các nước tham chiến đàm phán ký kết hòa ước. Ngày 3.3.1918, chính quyền cách mạng Nga ký với Đức Hòa ước Brest – Litovsk, rút khỏi cuộc chiến.

Bước sang năm 1918, Đức tập trung lực lượng tấn công ở mặt trận phía tây, hòng đè bẹp liên quân Anh – Pháp trước khi quân Mỹ đổ bộ vào châu Âu. Ngày 21.3.1918, quân Đức tấn công vào các cứ điểm giữa Somme và Oise hòng chia cắt quân Anh và Pháp. Tháng 5.1918, quân Đức tiến đến tận Marne, cách Thủ đô Paris 65 km.

Trong tháng 7 và tháng 8.1918, sau khi được Mỹ tiếp viện lực lượng, trang bị vũ khí và khí tài hiện đại, phe Hiệp ước tổ chức phản công, chọc thủng hai phòng tuyến của quân Đức ở Sông Marne và Sông Seine. Quân Đức bị thất bại thảm hại buộc phải rút quân khỏi các vùng đất chiếm đóng thuộc Pháp và Bỉ. Cùng thời gian này, phe Hiệp ước mở các đợt tấn công dồn dập khiến các đồng minh của Đức: Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Áo - Hung phải đầu hàng.

Thất bại quân sự trên chiến trường và những hệ quả của chiến tranh khiến mâu thuẫn trong xã hội Đức trở nên căng thẳng. Ngày 9.11.1918, binh lính, công nhân và quần chúng ở Đức đã nổi dậy lật đổ nền thống trị của dòng họ Hohenzollern. Hoàng đế Wilhelm II và Thái tử phải bỏ chạy sang Hà Lan, Đế chế Đức sụp đổ, Chính phủ Cộng hòa được thành lập. Ngày 11.11.1918, đại diện chính quyền mới của Đức ký với phe Hiệp ước Hiệp định đình chiến tại Compiègne (Pháp), Chiến tranh Thế giới thứ I kết thúc. Cuộc chiến tranh có quy mô thế giới đầu tiên trong lịch sử nhân loại, lôi kéo hầu hết các cường quốc châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ tham gia. Cuộc chiến tranh tổng lực, toàn diện: trên bộ, trên không, trên biển và dưới lòng đất. Một trong những cuộc chiến tranh tàn khốc nhất trong lịch sử nhân loại: 10 triệu người chết; 19 triệu người bị thương; 3,5 triệu người tàn phế. Nhiều thành phố, làng mạc, khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng giao thông bị phá hủy, kết nối giao thông, thương mại thế giới bị ảnh hưởng.

Kết cục[sửa]

Cuộc chiến tác động to lớn tới các nước trên thế giới trong và sau khi chiến tranh kết thúc. Ở Việt Nam, chính quyền thuộc địa Pháp tăng cường vơ vét tài nguyên, khoáng sản, bóc lột thuế khóa, bắt và đưa sang chiến trường châu Âu hơn 90 nghìn người Đông Dương (chủ yếu người Việt Nam). Trong thời gian chiến tranh, đầu tư kinh tế của tư bản Pháp ở Việt Nam giảm sút, tạo ra khoảng trống thị trường. Một số tư sản người Việt đã tận dụng thời gian này đầu tư, phát triển kinh tế: Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Hữu Thu, Nguyễn Sơn Hà,… Sau chiến tranh, để bù đắp thiệt hại do cuộc chiến gây ra, chính quyền Pháp tiến hành cuộc khai thác thuộc địa đại quy mô lần thứ hai ở Việt Nam, tăng cường hơn nữa vơ vét tài nguyên, bóc lột thuế khóa.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. J. M. Roberts, William J. Duiker, Jackson J. Spielvogel, Lịch sử thế giới (Lưu Văn Hy và nhóm Trí Tri biên dịch), Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 1993.
  2. Lê Trung Dũng (Chủ biên), Thế giới những sự kiện lịch sử thế kỷ XX (1901 - 1945), tái bản lần thứ hai, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2003.
  3. Phan Ngọc Liên (Chủ biên), Lịch sử thế giới cận đại, tập II, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2008.
  4. Robin Cross, Bách khoa toàn thư về chiến tranh – Bản chất thay đổi của chiến tranh từ thời tiền sử cho đến những cuộc xung đột vũ trang thời kỳ hiện đại (Thế Anh biên dịch), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2011.
  5. Norman Davies, Lịch sử châu Âu (Lê Thành dịch), Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2012.