Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến tranh Thế giới thứ II (1939 - 1945)
Adolf Hitler tại buổi mít tinh đảng Quốc Xã ở Nürnbeg, tháng 8 năm 1933
Binh lính Wehrmacht của Đức phá vỡ đường biên giới vào Ba Lan, ngày 1 tháng 9 năm 1939
Các binh sĩ của Quân đội Ba Lan bảo vệ nước nhà, tháng 9 năm 1939
Tổ súng máy của Phần Lan nhằm vào các vị trí của Hồng quân Liên Xô trong Chiến tranh mùa đông, tháng 2 năm 1940
Lính Hồng Quân phản công trong trận Stalingrad, tháng 2 năm 1943
Thống chế Wilheim Keitel thay mặt nước Đức Quốc xã ký giấy chấp nhận đầu hàng Đồng Minh Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp ngày 9 tháng 5 năm 1945 tại Karlshorst, Berlin

Chiến tranh Thế giới thứ II (1939 - 1945) là cuộc chiến tranh có quy mô toàn cầu lớn nhất, hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại giữa một bên là Khối Trục phát xít (Đức, Italy Nhật Bản) với một bên là Khối Đồng minh (Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc,…) và các lực lượng dân chủ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới, bùng nổ ngày 1.9.1939 bằng sự kiện phát xít Đức tấn công Ba Lan, kết thúc ngày 15.8.1945 với việc Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, đánh dấu thất bại hoàn toàn của Khối Trục phát xít.

Con đường dẫn đến chiến tranh[sửa]

Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ trước hết do những mâu thuẫn về quyền lợi, lãnh thổ gay gắt giữa các nước tư bản chủ nghĩa (TBCN). Sự phân chia thế giới theo Hệ thống Versailles - Washington sau CTTG 1 chứa đựng những mâu thuẫn không thể dung hòa được giữa các nước tư bản, do vậy Chiến tranh Thế giới thứ II là sự nối tiếp CTTG 1 sau hơn hai thập niên gián đoạn. Thứ hai, cuộc Đại suy thoái kinh tế thế giới 1929-1933 làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản, tạo điều kiện cho các thế lực phát xít ở Đức, Italy và quân phiệt ở Nhật Bản lên cầm quyền. Các thế lực phát xít là thủ phạm gây ra Chiến tranh Thế giới thứ II. Thứ ba, chính sách thỏa hiệp, nhượng bộ phát xít của các nước phương Tây nhằm chĩa mũi nhọn chiến tranh về phía Liên Xô tạo điều kiện cho phe phát xít gây chiến. Do vậy, khác với CTTG 1, nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh Thế giới thứ II còn gắn với mâu thuẫn giữa CNTB với chủ nghĩa xã hội (CNXH) và âm mưu tiêu diệt Liên Xô.

Mâu thuẫn gay gắt, chằng chéo giữa ba lực lượng: khối Trục phát xít, khối Anh, Pháp, Mỹ và Liên Xô thể hiện qua các sự kiện lớn diễn ra trong nửa sau thập niên 1930 cho thấy nguy cơ chiến tranh thế giới ngày càng trở nên khó tránh khỏi.

Do không thể đạt được một thỏa thuận hợp tác chống phát xít với Anh và Pháp, ngày 23.08.1939, Liên Xô ký với Đức Hiệp ước không xâm lược Xô - Đức kèm theo một Nghị định thư bí mật phân chia phạm vi ảnh hưởng ở Đông Âu giữa Liên Xô và Đức. Đêm 30 rạng sáng ngày 1.9.1939, Chính phủ Đức gửi cho Ba Lan bản tối hậu thư về vấn đề Danzig và hành lang Ba Lan. Chính phủ Ba Lan bác bỏ những yêu sách của Đức. Ngay sau đó, phát xít Đức tấn công Ba Lan, Chiến tranh Thế giới thứ II bùng nổ.

Diễn biến chiến tranh (1939-1945)[sửa]

Chiến tranh diễn ra trên nhiều mặt trận: mặt trận Tây Âu (mặt trận phía tây), mặt trận Xô- Đức (mặt trận phía đông), mặt trận Bắc Phi, mặt trận châu Á - Thái Bình Dương và một mặt trận rộng lớn là cuộc chiến đấu trong lòng địch của nhân dân các nước bị phát xít chiếm đóng, trải qua bốn giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất (tháng 9.1939 - tháng 6.1941)[sửa]

Với ưu thế áp đảo về quân sự, Khối phát xít giành quyền chủ động tấn công trên mặt trận Tây Âu, Bắc Phi, chiếm đóng các nước ở Tây và Trung Âu. Quân Đức áp dụng chiến thuật “chiến tranh chớp nhoáng”, xâm chiếm phần lớn châu Âu. Sau khi chiếm Warsaw, quân Đức chuyển hướng sang phía tây, xâm chiếm các nước Đan Mạch, Na Uy, Bỉ, Hà Lan, Lucxemboug và Pháp. Nước Anh đơn độc chống lại kế hoạch đổ bộ “Sư tử biển” của quân Đức từ tháng 7.1940, sau đó là chiến dịch “Tia điện không trung” của không quân Đức. Quân Anh chống trả quyết liệt và giành được ưu thế trong những trận hải chiến và không chiến. Đến giữa tháng 10.1940, quân Đức rút dần khỏi Anh.

Khối Trục phát xít ký kết Hiệp ước Tam cường giữa Đức-Italy-Nhật Bản ở Berlin ngày 27.9.1940. Mùa hè năm 1941, hầu như tất cả các nước châu Âu đều bị chiếm đóng hoặc lệ thuộc vào phát xít Đức và Italy, trừ ba nước Thụy Sĩ, Thụy Điển và Ireland. Nước Anh không bị chiếm đóng nhưng nằm trong sự phong tỏa của quân Đức.

Tại Đông Á, quân đội Nhật mở rộng chiến tranh xâm lược Trung Quốc (được bắt đầu từ tháng 7.1937) và Viễn Đông. Tháng 9.1940, quân đội Nhật tiến vào Bắc Kỳ, cầu nối cho kế hoạch chuẩn bị xâm lược Đông Nam Á. Tại mặt trận Bắc Phi, Liên quân Đức – Italy chiếm Ai Cập cuối năm 1940.

Giai đoạn thứ hai (tháng 6.1941 - tháng 11.1942)[sửa]

Chiến tranh lan rộng ra toàn thế giới với việc phát xít Đức tấn công Liên Xô ngày 22.6.1941, Nhật Bản tấn công Hạm đội Mỹ ở Trân Châu Cảng ngày 7.12.1941. Tại mặt trận Xô - Đức, tận dụng ưu thế về trang thiết bị kỹ thuật và yếu tố bất ngờ, quân Đức dùng chiến thuật “chiến tranh chớp nhoáng” dự định đánh bại Liên Xô trong vòng sáu đến tám tuần. Cuộc phản công của Hồng quân ở Moscow từ tháng 12.1941 làm phá sản chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” của Đức. Mùa hè năm 1942, quân Đức chuyển trọng tâm tấn công xuống phía nam nhằm đánh chiếm vùng dầu lửa chiến lược và vựa lúa mì lớn nhất của Liên Xô ở lưu vực sông Volga và Kavkaz. Cuộc chiến đấu quyết liệt diễn ra ở Stalingrat cho đến khi Hồng quân chuyển sang phản công quân Đức.

Cuộc tập kích bất ngờ của Nhật Bản ở Trân Châu Cảng ngày 7.12.1941) mở đầu cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Mỹ tuyên chiến với Nhật ngày 8.12.1941, Đức và Italy tuyên chiến với Mỹ ngày 11.12.1941. Chiến tranh lan rộng toàn thế giới. Ngày 1.1.1942, tại Washington (Mỹ), đại diện cho 26 nước, đứng đầu là Liên Xô, Mỹ, Anh đã ký vào bản Tuyên bố Liên Hợp Quốc, cam kết dốc toàn bộ sức mạnh quân sự, kinh tế của đất nước vào cuộc chiến tranh chống phát xít, hợp tác chặt chẽ với nhau và không ký kết hiệp định đình chiến hay hòa ước riêng rẽ với các nước thù địch. Khối Đồng minh chống phát xít chính thức thành lập.

Ở Mặt trận Thái Bình Dương, tính đến tháng 5.1942 quân Nhật đã chiếm được toàn bộ khu vực Đông Nam Á, các đảo ở Nam và Tây Thái Bình Dương. Nếu tính cả phần lãnh thổ đã chiếm của Trung Quốc, Nhật đã làm chủ vùng lãnh thổ rộng 7 triệu km2 với khoảng 500 triệu dân. Tuy nhiên, thất bại của hạm đội Nhật ở vùng biển Corail tháng 5-1942 và quần đảo Midway tháng 6.1942 đã làm cho Nhật mất dần ưu thế quân sự ban đầu.

Giai đoạn thứ ba (tháng 11.1942 - tháng 12.1943)[sửa]

Giai đoạn bước ngoặt của chiến tranh với việc phe Đồng minh chuyển sang phản công trên các mặt trận. Trên mặt trận Xô- Đức, chiến dịch phản công của Hồng quân Liên Xô ở Stalingrat (ngày 19.11.1942 đến ngày 2.2.1943) tạo ra bước ngoặt xoay chuyển cục diện chiến tranh: ưu thế đã chuyển sang Khối Đồng minh, Khối Trục phát xít chuyển từ tấn công sang phòng ngự.

Tại mặt trận Bắc Phi, thắng lợi của quân Anh ở En Alamen ngày 23.10.1942 tạo ra thế phản công của quân Đồng minh. Sự phối hợp của liên quân Anh – Mỹ và những đợt tấn công dồn dập trên chiến trường Bắc Phi đã buộc toàn bộ liên quân Đức- Italy phải đầu hàng vô điều kiện ngày 12.5.1943. Chiến sự ở Bắc Phi chấm dứt.

Tháng 7.1943, quân Đồng minh từ Bắc Phi đổ bộ đánh chiếm đảo Sisilia, bắt đầu cuộc tấn công Italy. Chính quyền phát xít nhanh chóng tan rã, Musolini bị tống giam. Hitler cho quân chiếm đóng miền Bắc và giải thoát cho Musolini, trong khi miền Nam thuộc Chính phủ Italy do Anh- Mỹ bảo trợ.

Tại mặt trận Thái Bình Dương, từ tháng 8.1942 quân đội Mỹ bắt đầu phản công quân Nhật ở đảo Guadanacan, giành được thắng lợi tháng 1.1943 và chuyển sang phản công trên toàn chiến trường, chiếm được các đảo ở Nam và Tây Thái Bình Dương.

Trước diễn biến mang tính bước ngoặt trên các mặt trận, Hội nghị Thượng đỉnh Xô - Mỹ - Anh được tổ chức tại Teheran (Iran) tháng 11.1943 với sự tham của các nguyên thủ Stalin (Liên Xô), Roosevelt (Mỹ) và Churchill (Anh).

Giai đoạn thứ tư (tháng 12.1943 - tháng 8.1945)[sửa]

Quân Đồng minh tổng phản công tiêu diệt Khối phát xít trên các mặt trận. Tại mặt trận Xô - Đức, từ ngày 24.12.1943, Liên Xô bắt đầu cuộc tổng tấn công đồng loạt từ Leningrat đến Crimea. Sau khi quét sạch quân Đức ra khỏi lãnh thổ Liên Xô, Hồng quân tiến vào giải phóng các nước Trung và Đông Âu.

Tại mặt trận phía tây, Mặt trận thứ hai được mở bằng cuộc đổ bộ của liên quân Mỹ - Anh và Đồng minh tại Normandy ngày 6.6.1944. Từ đây, quân Đồng minh chia làm hai hướng, tấn công vào Đức và Pháp, lần lượt giải phóng các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, Lucxembourg và Italy. Tháng 3.1945, quân Đồng minh vượt sông Rhine tràn vào nước Đức, gặp Hồng quân Liên Xô tại Torgau trên bờ sông Elbe ngày 26.4.1945.

Hội nghị Thượng đỉnh Tam cường được tổ chức ở Yalta (Liên Xô) từ ngày 4 đến ngày 12.2.1945. Ngày 1.4.1945, Hồng quân Liên Xô bắt đầu trận công phá Berlin. Ngày 2.5, Hồng quân chiếm toàn bộ thủ đô Béclin, quân Đức đầu hàng vô điều kiện. Tổng tư lệnh quân đội Đức, thống chế Keitel ký kết văn bản đầu hàng vô điều kiện ngày 9.5.1945. Tại mặt trận châu Á - Thái Bình Dương, quân Nhật bị đánh bại ở các đảo Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Từ mùa thu năm 1944, không quân Mỹ tiến hành dội bom xuống 70 thành phố ở Nhật.

Từ ngày 17.7 đến ngày 2.8.1945, nguyên thủ của ba cường quốc Xô- Anh- Mỹ tham dự Hội nghị Potsdam (Đức) thỏa thuận về việc giải quyết vấn đề Đức, Nhật và những vấn đề khác trên cơ sở những thỏa thuận của Hội nghị Yalta. Ngày 26.7.1945, Anh, Mỹ và Trung Quốc gửi Tuyên cáo Posdam, yêu cầu Nhật đầu hàng vô điều kiện. Nhật bác bỏ Tuyên cáo Posdam. Ngày 6.8, Mỹ thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hirosima làm 14 vạn người dân thiệt mạng. Ngày 8.8, Liên Xô tuyên chiến với Nhật và một ngày sau đó tấn công đạo quân Quan Đông của Nhật. Ngày 9.8, Mỹ thả quả bom nguyên tử thứ hai xuống thành phố Nagadaki, giết hại 7 vạn người. Ngày 10.8, Chính phủ Nhật chấp nhận Tuyên cáo Posdam, ngày 15.8, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc. Nhật Bản chính thức ký văn bản đầu hàng trên chiến hạm Missouri của Mỹ ở vịnh Tokyo ngày 2.9.1945.

Kết cục của chiến tranh[sửa]

Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc với thất bại hoàn toàn của phe Trục phát xít, thắng lợi thuộc về Khối Đồng minh, các lực lượng dân chủ, hòa bình trên thế giới. Liên Xô là lực lượng chủ lực đóng vai trò quyết định trong việc tiêu diệt phát xít Đức ở châu Âu. Các nước Mỹ, Anh là những thành viên chủ chốt có đóng góp quan trọng vào thắng lợi của Khối Đồng minh.

Chiến tranh Thế giới thứ II là cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử nhân loại. Những tổn thất do chiến tranh gây ra vượt qua bất cứ một cuộc chiến tranh nào trong lịch sử: 76 quốc gia bị lôi cuốn vào vòng chiến, trên 60 triệu người chết (trong số đó có khoảng 12 triệu người chết trong các trại tập trung của phát xít Đức), khoảng 90 triệu người bị tàn phế, thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 4000 tỉ USD (tính theo giá đương thời). Nền văn minh vật chất và tinh thần của nhân loại bị tàn phá nặng nề.

Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống phát xít có ý nghĩa lịch sử trọng đại, tạo nên chuyển biến căn bản của tình hình thế giới. Hàng loạt nước XHCN ra đời ở Đông Âu và châu Á dẫn đến sự hình thành hệ thống XHCN do Liên Xô đứng đầu, phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh mẽ dẫn tới sự sụp đổ hệ thống thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Chiến tranh Thế giới thứ II làm thay đổi tương quan lực lượng giữa các nước tư bản. Mỹ vươn lên nhanh chóng về thế và lực, trở thành siêu cường đứng đầu trong thế giới tư bản. Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử thế giới.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bách khoa toàn thư Britanica, Chiến tranh thế giới thứ Hai, https://www.britannica.com/event/World-War-II
  2. Bách khoa toàn thư Thế giới mới, Chiến tranh thế giới thứ Hai, https://www.newworldencyclopedia.org/entry/World_War_II
  3. Cơ quan Lưu trữ và Quản lý hồ sơ Mỹ, Chiến tranh thế giới thứ Hai, https://www.archives.gov/research/military/ww2
  4. Vũ Dương Ninh (chủ biên), Lịch sử quan hệ quốc tế (1918-1945), Nxb. Đại học sư phạm, Hà Nội, 2013.