Chiến tranh Tàu ngầm Đức - Anh là cuộc chiến trên biển giữa phe Hiệp ước và Đức trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất (1914 - 1918).
Cuộc chiến diễn ra trong hai giai đoạn chính với hai mức độ khác nhau: Chiến tranh Tàu ngầm hạn chế từ cuối năm 1914 đến đầu năm 1917 và Chiến tranh Tàu ngầm không hạn chế từ đầu năm 1917 đến cuối năm 1918.
Ngay từ đầu thế kỷ XX, Đức tăng cường chế tạo, phát triển các đội tàu ngầm và đào tạo sĩ quan chỉ huy tàu ngầm nhằm tăng tiềm lực và sức mạnh quân sự trong cuộc chạy đua giành giật thị trường, thuộc địa và gây ảnh hưởng trên thế giới. Vào tháng 7.1914, Đức sở hữu 33 tàu ngầm đang hoạt động trên biển, 3 tàu đang thử nghiệm, 16 tàu đang chế tạo, 123 sĩ quan có bằng chỉ huy tàu ngầm. Tàu ngầm của Đức gồm hai kiểu: tàu ngầm tấn công và tàu ngầm phòng thủ. Tàu ngầm tấn công gồm các phiên bản U17, U18, U19. Tàu ngầm phòng thủ gồm phiên bản từ U1 đến U16.
Trong giai đoạn đầu của Chiến tranh thế giới thứ Nhất, quân Đức sử dụng tàu ngầm với hy vọng chiếm ưu thế và giành thắng lợi cuối cùng trên biển. Ngày 9.8.1914, lần đầu tiên quân đội Anh sử dụng tàu chiến HMS Birmingham đâm thủng tàu ngầm (U - 15) của Đức. Ngày 3.9.1914, lần đầu tiên quân Đức sử dụng tàu ngầm (U - 21) tấn công tàu chiến HMS Pathfinder của liên quân Anh - Pháp trong vịnh Forth.
Tháng 4.1915, Đức bắt đầu điều tàu ngầm vào biển Địa Trung Hải nhằm khống chế eo biển Dardanelles và Gibraltar. Từ tháng 7.1915 đến tháng 4.1916, tàu ngầm Đức tấn công nhiều tàu thương mại, đánh chìm 3 triệu tấn hàng hóa của phe Hiệp ước, hàng nghìn dân thường thiệt mạng, gồm cả công dân Mỹ.
Để đối phó với tàu ngầm Đức, tháng 3.1916, phe Hiệp ước chia Địa Trung Hải thành 11 khu phòng thủ để kiểm soát tàu ngầm Đức. Các tàu chiến, tàu thương mại được trang bị các loại vũ khí chống tàu ngầm. Các hải cảng quan trọng đều được thiết lập hệ thống xích sắt lớn dưới biển để ngăn chặn sự xâm nhập của tàu ngầm Đức.
Ngày 1.2.1917, quân Đức bắt đầu tiến hành cuộc Chiến tranh Tàu ngầm không hạn chế. Đức tuyên bố phong tỏa toàn bộ vùng biển ngoài khơi Anh, Pháp, Italiy và Địa Trung Hải, hòng đè bẹp hải quân, cắt đứt nguồn cung hàng hóa của Anh và Pháp. Đây được coi là vùng biển cấm, các tàu ngầm của Đức được lệnh đánh đắm tất cả các tàu đi vào vùng biển phong tỏa, kể cả tàu của Mỹ và các nước trung lập. Trong vài tháng đầu năm 1917, tàu ngầm Đức phá hủy hàng trăm tàu của phe Hiệp ước và các nước trung lập, 4 triệu tấn hàng bị đánh chìm. Quan hệ Mỹ - Đức ngày càng căng thẳng.
Để đối phó với tàu ngầm Đức, Anh - Pháp nhanh chóng củng cố các đội tàu ngầm, ứng dụng thiết bị điện báo vô tuyến, thiết bị thủy thính dò tìm tàu ngầm, thành lập các hạm đội hộ tống, săn ngầm để tiêu diệt tàu ngầm Đức. Năm 1917, phe Hiệp ước còn thành lập Tổng nha Chiến tranh Tàu ngầm và Hội đồng Hải quân đồng minh chống Đức. Nhờ thế, số tàu chiến bị tàu ngầm Đức đánh đắm giảm từ 2,1% (từ tháng 9 đến tháng 11.1917) xuống còn 1,2% vào tháng 6.1918. Số tàu ngầm Đức bị hải quân Anh - Pháp phá hủy tăng lên gấp ba lần. Tính chung trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, phe Hiệp ước đã phá hủy 189 tàu ngầm của Đức (102 tàu trong giai đoạn 1914 – 1917 và 87 tàu trong năm 1918).
Chiến tranh Tàu ngầm gây ra nhiều tổn thất cho cả hai phe, làm gián đoạn, tê liệt kết nối giao thông và thương mại đường biển giữa các khu vực trên thế giới. Việc Đức phát động Chiến tranh Tàu ngầm không hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến Mỹ tuyên chiến với Đức, làm thay đổi tương quan lực lượng nghiêng về phe Hiệp ước, dẫn tới sự thất bại của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Robin Cross, Bách khoa toàn thư về chiến tranh – Bản chất thay đổi của chiến tranh từ thời tiền sử cho đến những cuộc xung đột vũ trang thời kỳ hiện đại (Thế Anh biên dịch), Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2011.
- J. Hutter, Les sous – marins, Librairie millitaire Berger – Levrault, Paris, 1917.
- G. Clerc Rampal, La marine francaise pendant la grande guerre (1914 - 1918), Librairie Larousse, Paris, 1919.
- École supérieure de guerre navale, La tactique des sous – marins Alliés avant et pendant la guerre, Paris, 1922.
- École supérieure de guerre navale, Les sous – marins Alliés en Basse – Adriatique (1917), Paris, 1922.
- G. Taboulet, A. Imbert, Histoire de France: des origines à nos jours, Imprimerie d’Extrême – Orient, Hanoi, 1924.
- École supérieure de guerre navale, Historique du Service central 1917 – 1918, Paris, 1925.