Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến tranh Pháp - Thanh (1883 - 1885)

Chiến tranh Pháp - Thanh (1883 - 1885) tên gọi của cuộc chiến tranh nổ ra ở Bắc Kỳ và một số tỉnh phía nam Trung Quốc giữa Pháp và Trung Quốc để phân chia quyền lực, ảnh hưởng chính trị trong khu vực và phân định biên giới Việt Nam – Trung Quốc cuối thế kỷ XIX.

Nguyên nhân chiến tranh là xung đột giữa hai bên trong việc khẳng định vai trò, tầm ảnh hưởng ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX. Trung Quốc là “thiên triều” trong quan hệ truyền thống với Việt Nam. Từ nửa sau thế kỷ XIX, Pháp xâm lược và liên tiếp ép nhà Nguyễn ký các hiệp ước công nhận vai trò, địa vị của Pháp tại đây. Các hiệp ước Nhâm Tuất (1862), Giáp Tuất (1874) biến Nam Kỳ thành thuộc địa, xác lập chế độ bảo hộ ở Trung Kỳ. Vua Tự Đức mất tháng 7.1883, nhà Nguyễn rối ren với việc thay đổi ngôi vị liên tục từ Dục Đức đến Hiệp Hòa trong vòng vài tháng, tạo điều kiện thuận lợi cho Pháp nổ súng tấn công Huế ngày 20.8. Ngày 25.8, vua Hiệp Hòa bị ép buộc phải ký hiệp ước Harmand, xác lập ảnh hưởng của Pháp trên toàn Việt Nam. Trung Quốc lo sợ mất hết ảnh hưởng ở Bắc Kỳ, sợ Pháp tấn công từ phía Nam lên nên đã đem quân vào Bắc Kỳ, phối hợp với quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc, gây ra cuộc chiến tranh không tuyên bố với Pháp. Trong quá trình đó, Lý Hồng Chương (Trung Quốc) và Arthur Tricou (sứ thần đặc mệnh Pháp tạm thời tại Bắc Kinh) đàm phán từ tháng 3 đến tháng 9.1883 để hạn chế xung đột, tìm cách thỏa hiệp một đường biên giới giữa Bắc Kỳ và Trung Quốc nhưng bất thành.

Giai đoạn đầu của chiến tranh diễn ra trên lãnh thổ Bắc Kỳ. Pháp giành được những thắng lợi quan trọng dù quân số ít hơn quân Thanh. Pháp chiếm Sơn Tây cuối năm 1883, Bắc Ninh tháng 3.1884, Kép, Hưng Hóa và Thái Nguyên tháng 4.1884. Lo sợ những thất bại liên tiếp, tháng 5.1884, Bắc Kinh trao quyền cho Lý Hồng Chương đàm phám với Đô đốc Pháp F.E. Fournier, thống nhất sẽ ký một bản Hiệp định với 5 điều khoản chính. 1) Pháp tôn trọng và hứa bảo vệ vùng biên giới của Trung Quốc với Bắc Kỳ trước mọi lực lượng xâm lược; 2) Pháp thừa nhận biên giới phía nam của Trung Quốc để đổi lại việc nhà Thanh rút quân khỏi Bắc Kỳ, và tôn trọng mọi hiệp định giữa Pháp và Việt Nam; 3) Pháp không đòi bồi thường chiến phí từ Trung Quốc đổi lại việc được tự do buôn bán ở vùng biên giới giáp với Bắc Kỳ, được đảm bảo quyền lợi bởi các hiệp ước về thương mại và thuế quan; 4) Pháp không sử dụng từ ngữ làm tổn thương địa vị, hình ảnh của Trung Quốc trong quan hệ với Việt Nam; 5) nhanh nhất có thể trong vòng 3 tháng, chính phủ hai bên sẽ ký kết những điều khoản chi tiết của hiệp ước. Trung Quốc không phải bồi thường chiến phí và giữ được địa vị, ảnh hưởng nhất định trong quan hệ với Việt Nam, Pháp có được quyền bảo hộ tại Bắc Kỳ.

Hai bên không thống nhất ngày quân Thanh rút khỏi Bắc Kỳ, dẫn đến xung đột tiếp tục xảy ra ở Bắc Lệ (Lạng Sơn) ngày 23.6.1884. Đại tá Dugenne tấn công quân Thanh nhưng thất bại. Chính phủ Pháp cho rằng nhà Thanh lật lọng và yêu cầu bồi thường chiến phí, tiếp tục mở rộng chiến tranh.

Giai đoạn tiếp theo, chiến tranh lan rộng sang Trung Quốc và vùng biển Đài Loan. Hạm đội Pháp do Đô đốc Courbet chỉ huy tấn công vào Phúc Châu ngày 23.8.1884, phá hủy toàn bộ hạm đội Phúc Kiến (vốn được Pháp xây dựng) đang neo đậu tại đó, giết chết hơn 500 lính. Pháp mở rộng chiếm đóng một loạt tỉnh ven biển phía đông Trung Quốc, chiếm thành phố cảng Cơ Long (Keelung – Đài Loan), phong tỏa hoạt động thương mại ở đây, ra yêu sách buộc nhà Thanh phải trả chiến phí là 80 triệu francs. Nhà Thanh thất vọng với sự kiện trên, cho rằng Pháp không có lý do để tấn công, phong tỏa biển, làm ảnh hưởng đến danh dự quốc gia của Trung Quốc và hoạt động của các cảng biển tự do. Đầu năm 1885, nhà Thanh điều thêm quân đến Long Châu (Quảng Tây), chiến tranh xảy ra chủ yếu ở vùng biên giới. Tại Bắc Kỳ, các hoạt động quân sự gặp nhiều khó khăn do thời tiết, Pháp thất bại trong việc chiếm đóng Lạng Sơn tháng 3.1885.

Gặp phải những bất lợi lớn về quân sự, chính trị và quan hệ quốc tế (Nga ủng hộ Pháp, đem quân tiến sát biên giới phía bắc Trung Quốc; Nhật Bản cạnh tranh tại bán đảo Triều Tiên), Bắc Kinh mong muốn tìm đến một hiệp ước hòa bình. Chính phủ Jules Ferry của Pháp sụp đổ, người dân không muốn tiếp tục chiến tranh. Cuộc đàm phán ở Paris đầu năm 1885 đạt được những kết quả thuận lợi, hai bên sẵn sàng ký hiệp ước chấm dứt chiến tranh. Ngày 6.4.1885, chiến tranh Pháp -Thanh ở biên giới Bắc Kỳ tạm dừng, quân Cờ Đen rút hết về Trung Quốc. Hiệp ước Thiên Tân (Tientsin) được ký kết ngày 9.6.1885 với 10 điều khoản, chấm dứt chiến tranh Pháp-Thanh. 1) Hòa bình được lập lại ở Bắc Kỳ, Pháp cam kết bảo vệ biên giới Trung Quốc và người Trung Quốc ở Bắc Kỳ; 2) Trung Quốc không can thiệp vào quan hệ Pháp – Bắc Kỳ; 3) Hội đồng sẽ nhóm họp về biên giới Trung Quốc – Bắc Kỳ; 4) Việc đi lại tự do, buôn bán dọc biên giới được thỏa thuận; 5) Các hiệp ước thương mại vùng biên giới sẽ được ký kết; 6) Thuế quan và hàng hóa cấm buôn bán sẽ được nêu cụ thể trong hiệp ước; 7) Pháp sẽ giúp nhà Thanh xây dựng đường sắt; 8) Hiệp ước sẽ được xem xét lại trong vòng 10 năm; 9) Pháp sẽ rút khỏi Đài Loan và Pescadores sau một tháng hiệp ước được ký kết; 10) Những hiệp ước trước đó mà không trái với hiệp ước này sẽ vẫn có hiệu lực. Hiệp ước Thiên Tân đã xóa bỏ mọi đặc quyền, ảnh hưởng của Trung Quốc tại Việt Nam. Nhà Thanh chính thức công nhận quyền bảo hộ của Pháp ở Bắc Kỳ. Hiệp ước thương mại được ký kết tháng 4/1886. Hiệp ước về phân định biên giới Bắc Kỳ tháng 6.1887 đã ảnh hưởng lớn đến việc phân định biên giới Việt Nam và Trung Quốc sau này.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. P. Olender, Sino-French Naval War 1884 - 1885 (Chiến tranh hải quân Pháp – Thanh 1884-1885), MMP Books, 2012.
  2. B. Becker, “France and the Gulf of Tonkin region: Shipping markets and political interventions in South China in the 1890s” (Pháp và vùng vịnh Bắc Bộ: thị trường tàu buôn và những can thiệp chính trị ở biển Đông trong thập niên 1890), Cross-currents: East Asian history and culture review, 4 (2015), pp. 13-51.