Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ (1877 - 1878)
Đài tưởng niệm Plevna cạnh bức tường Kitai-gorod

Chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ (1877 - 1878) cuộc chiến tranh lần thứ tư giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa các cường quốc châu Âu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở phương Đông, một trong những sự kiện chính trị lớn ở châu Âu cuối thế kỷ XIX, cg. Chiến tranh 93.

Nguyên nhân sâu xa dẫn đến chiến tranh là do tham vọng của Nga muốn mở rộng ảnh hưởng chính trị ở Balkan khi đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng suy yếu. Lãnh thổ của đế quốc Thổ có ý nghĩa hết sức quan trọng về kinh tế và địa - chính trị chiến lược ở Cận Đông bao gồm eo biển Hắc Hải, Ai Cập, Syria, một phần Caucasus và toàn bộ bán đảo Balkan. Nga muốn đòi lại những quyền lợi đã bị mất trong hòa ước Pari ký kết ngày 18.3.1856 sau cuộc chiến tranh Crimean (1853 - 1856).

Vào năm 1875 và năm 1876, những người theo đạo Cơ đốc ở Herzegovina, sau đó là Bosnia và Bulgaria đã nổi dậy chống lại sự cai trị của các lãnh chúa Hồi giáo. Nước Nga đã tỏ rõ thiện cảm đối với cuộc đấu tranh của các dân tộc Slav ở đây. Tại Hội nghị các cường quốc họp ở Constantinople cuối năm 1876 đầu năm 1877, Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ những yêu cầu của Nga về trao quyền tự trị và thực hiện cải cách nhằm cải thiện vị thế của cộng đồng Cơ đốc giáo ở Balkan. Đây chính là duyên cớ trực tiếp dẫn đến cuộc chiến tranh. Ngày 24.4.1877, Nga Hoàng Alexander II tuyên chiến với Thổ Nhĩ Kỳ. Anh, Pháp và các nước châu Âu khác tuyên bố đứng trung lập.

Kế hoạch của Nga là tấn công nhanh chóng về phía nam từ Romania qua dãy núi Balkan, sau đó tiến về phía thủ đô Constantinople (Istanbul) của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, một lực lượng nhỏ hơn ở Caucasus sẽ tiến hành một cuộc tấn công nghi binh vào phía đông Anatolia.

Thái tử Charle đã đảm bảo cho Nga một lối đi qua lãnh thổ của Romania đến tận sông Danube ở biên giới phía nam. Sau đó quân đội Nga đã vượt sông Danube một cách thuận lợi. Ngày 19.7, dưới sự lãnh đạo của Thiếu tướng Iosif Gurko, quân đội Nga đã chiếm được đèo Shipka, chìa khóa để vượt qua dãy núi Balkan. Quân Nga chiếm được Ardahan và Bayezid ở phía đông. Tuy nhiên sau đó, tình hình đã thay đổi khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã được tổ chức lại. Những trận chiến đấu ác liệt đã diễn ra ở Plevne. Dù bị quân Nga tấn công ba lần, Plevne (Pleven) vẫn đứng vững do sự anh dũng bảo vệ của Thống chế Osman Pasha, một trong những vị tướng giỏi nhất của Thổ Nhĩ Kỳ. Do đó, Sa hoàng Nga đã phải yêu cầu sự tiếp viện. 20.000 quân Romania do Hoàng tử Carol đứng đầu đã quyết định tham gia cuộc chiến chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, đã tăng cường lực lượng cho quân Nga lên 84.000 chống lại 36.000 quân của Osman Pasha. Sau 5 tháng kháng cự, Plevne đã đầu hàng vào ngày 10.12.1877 do bị cắt đứt nguồn cung cấp lương thực, đạn dược.

Tháng 12.1877, Nga đã vượt qua các dãy núi Balkan, chiếm lấy Sophia. Tháng 1.1878, họ chiếm được Philippopolis (Plovdiv) và Adrianople (Edirne) rồi tiến gần đến Constantinople. Lúc này, một hạm đội của Anh ở Biển Marmara đã ngăn không cho Nga chiếm đóng thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ.

Chiến dịch Caucasus là một chiến dịch nhỏ hơn, nhằm chuyển hướng các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ về phía đông. Quân Nga đã gặp khó khăn bởi sự phòng thủ kiên cố của Kars, một pháo đài cách Armenia khoảng 50 km bên kia biên giới. Một số phản công dưới sự chỉ huy khéo léo của Muhtar Pasha cũng làm chậm bước tiến của Nga hoàng. Cuối cùng Kars cũng thất thủ vào ngày 18.11.1877, và quân đoàn Caucasus của Đại công tước Michael tiến hành bao vây Erzurum, quân Thổ Nhĩ Kỳ đã đầu hàng.

Ngày 3.3.1878, Hiệp ước hòa bình được ký kết tại San Stefano. Các điều khoản của Hiệp ước trao quyền lợi lãnh thổ cho người Nga, bao gồm cả miền nam Bessarabia và các pháo đài Batum và Kars; đồng thời xác nhận nền độc lập của Romania, Serbia và Montenegro và thành lập một công quốc Bulgaria tự trị phụ thuộc vào Thổ.

Sau chiến tranh, đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ gần như bị xóa sổ khỏi bản đồ châu Âu. Trong khi đó, vị thế và uy tín của Nga không ngừng được tăng cường ở Balkan. Điều này làm cho Anh, Áo không hài lòng, đe dọa sẽ tiến hành chiến tranh với Nga. Trong hoàn cảnh đó, Đức đứng ra triệu tập hội nghị ở Berlin năm 1878 với vai trò trung gian hòa giải, nhưng trên thực tế Đức đã đứng về phía Anh, Áo, bằng cách hạn chế quyền lợi của Nga ở Balkan.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Vũ Dương Ninh (chủ biên), Lịch sử quan hệ quốc tế, Tập một, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005.
  2. Nguyễn Quốc Hùng, Nguyễn Thị Thư, Nước Nga từ nguyên thủy đến cận đại, Nxb. chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2017.
  3. Peter Sluglett, M Hakan Yavuz, War and Diplomacy: The Russo-Turkish War of 1877-1878 and the Treaty of Berlin (Chiến tranh và ngoại giao: Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ 1877-1878 và Hiệp ước Berlin), Nxb. Đại học Utah, 2011.
  4. V.L.Stepanov, The Russo–Turkish War 1877–1878, Russian Studies in History (Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ 1877–1878, Nghiên cứu lịch sử Nga), Tập 57, số 3-4, tr.181-184, 2018.