Chiến tranh Nga - Nhật Bản (1904 - 1905) cuộc chiến tranh đế quốc nhằm mở rộng và tranh giành ảnh hưởng ở Mãn Châu và Triều Tiên giữa Nhật Bản và Nga, đưa Nhật Bản lên địa vị cường quốc.
Chiến tranh Nhật - Nga bùng nổ xuất phát từ tham vọng và xung đột lợi ích của Nga và Nhật Bản ở Đông Á. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong xu hướng chung của các nước đế quốc, cả Nga và Nhật Bản đều ráo riết mở rộng thị trường và xâm lược thuộc địa. Cả hai đều có tham vọng mở rộng ảnh hưởng ở Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, một thị trường rộng lớn, nhiều tiềm năng, dẫn đến xung đột về lợi ích giữa hai nước. Sau chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895), Nhật Bản loại bỏ ảnh hưởng của Trung Quốc ở Triều Tiên và giành quyền kiểm soát bán đảo Liêu Đông ở Mãn Châu. Tuy nhiên, Nga cùng với Pháp, Đức đã gây áp lực buộc Nhật Bản phải trả lại Liêu Đông. Căng thẳng gia tăng khi Nga thành lập Ngân hàng Nga-Triều Tiên, yêu cầu Trung Quốc cho Nga thuê bán đảo Liêu Đông 25 năm và lấy cớ đàn áp phong trào Nghĩa Hòa đoàn để đưa quân vào Mãn Châu. Hơn nữa, năm 1897, việc Nga bắt đầu xây dựng đường sắt ở Trung Quốc, cơ sở để triển khai các chính sách kinh tế, quân sự ở đây đã khiến Nhật Bản lo lắng. Năm 1902, Nhật Bản ký hiệp ước với Anh nhằm đảm bảo sự can thiệp của Anh nếu bất kỳ quốc gia nào tham gia với Nga trong cuộc chiến chống Nhật Bản. Căng thẳng Nhật Bản – Nga leo thang. Để giải quyết căng thẳng, Nhật Bản và Nga đã chủ trương đàm phán, theo đó Nhật Bản đồng ý xác nhận quyền lợi của Nga tại Mãn Châu, đổi lại, Nga công nhận ảnh hưởng Của Nhật Bản ở Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Nga không đồng ý làm cho đàm phán rơi vào bế tắc.
Trong lúc các cuộc đàm phán bị trì hoãn, đêm ngày 8, rạng sáng ngày 9. 2.1904, hải quân Nhật Bản tấn công bất ngờ hạm đội Nga tại cảng Lữ Thuận ở Mãn Châu và Inchon ở Triều Tiên. Chiến tranh chính thức bùng nổ. Trong tháng 2.1904, Nhật Bản tiếp tục phong tỏa cảng Lữ Thuận, khống chế vùng biển và đổ bộ lên bán đảo Liêu Đông và những khu vực ảnh hưởng của Nga tại Viễn Đông.
Cuối tháng 4.1904, trận chiến lớn trên bộ đầu tiên đã diễn ra trên sông Áp Lục - ranh giới giữa Triều Tiên và Mãn Châu, Nhật Bản giành ưu thế, Nga phải rút lui về cảng Lữ Thuận. Một vài ngày sau, Nhật Bản đã tấn công lên bán đảo Liêu Đông, phía bắc của cảng Lữ Thuận, sau đó tiến sát các tuyến phòng thủ vòng ngoài của cảng Lữ Thuận mặc dù có thương vong nặng nề. Từ cuối tháng 7.1904, quân Nhật Bản bao vây cảng Lữ Thuận buộc quân đồn trú của Nga chấp nhận đầu hàng ngày 2.1.1905.
Thất bại trong phòng thủ ở Lữ Thuận, quân Nga quyết định chuyển sang chủ động tấn công Nhật Bản trên bộ tại Mukden - trung tâm của Mãn Châu. Trận chiến tại đây đã diễn ra dai dẳng từ ngày 19.2 đến ngày 10.3.1905, làm cả hai bên tổn thất nặng nề. Mặc dù có quân số đông hơn, nhưng cuối cùng Nga vẫn phải rút lui và Nhật Bản chiếm được Mukden. Cùng lúc này, Hạm đội Baltic của Nga được cử đến cứu viện cũng đang di chuyển và tiến về phía cảng Vladivostok. Hải quân Nhật Bản đã và hạm đội Baltic của Nga đã đụng độ ở Tsushima từ ngày 27 đến ngày 29.5.1905. Các tàu Nhật Bản vượt trội về tốc độ và vũ khí trang bị nên giành ưu thế trong trận chiến kéo dài hai ngày, đánh chìm 2/3 hạm đội Nga, bắt 6 tàu. Hạm đội của Nga chỉ còn 4 tàu đến được Vladivostok và 6 tàu trú ẩn tại các cảng trung lập. Đây là một thất bại kịch tính và quyết định, dập tắt hoàn toàn hy vọng giành lại quyền làm chủ trên biển của Nga.
Mặc dù thắng lợi, nhưng lực lượng Nhật Bản đã kiệt quệ, thiếu đạn dược và nền kinh tế trong nước rơi vào khó khăn. Nga cũng bị chi phối bởi tình trạng bất ổn trong nước. Do vậy, cả Nga và Nhật Bản đều muốn dừng cuộc chiến để thương lượng. Và Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đã làm trung gian cho các cuộc đàm phán, bắt đầu vào tháng 8.1905 ở Hoa Kỳ. Theo đó, Hiệp ước Portsmouth được ký vào tháng 9.1905, Nga phải công nhận ảnh hưởng của Nhật Bản tại Triều Tiên, nhượng lại cảng Lữ Thuận, Đại Liên và vùng lãnh thổ liền kề cho Nhật Bản, cùng với quyền kiểm soát Đường sắt Nam Mãn Châu, còn đảo Sakhalin được chia cho cả hai.
Cuộc chiến đã gây ra hậu quả to lớn đối với cả Nhật Bản và Nga, đẩy cả hai quốc gia vào tình trạng bất ổn về kinh tế, xã hội. Ở Nhật Bản, dư luận cho rằng việc ký hiệp ước hòa bình đã đánh lừa họ về thành quả chiến thắng, dẫn đến bạo loạn bùng nổ và chính quyền phải thực hiện thiết quân luật. Ở Nga, thất bại cho thấy sự yếu kém của chế độ chuyên chế Nga hoàng, tạo nên sự bất mãn và thúc đẩy tinh thần đấu tranh của tất cả các giai cấp, tầng lớp, tạo thời cơ để Đảng Công nhân xã hội dân chủ Nga lãnh đạo, tổ chức quần chúng nổi dậy trong cuộc Cách mạng năm 1905. Tuy nhiên, thất bại cũng thúc đẩy cải cách quân sự của Nga. Quan hệ quốc tế cũng chịu tác động sâu sắc khi một quốc gia châu Á chiến thắng một cường quốc châu Âu, cán cân quyền lực ở Đông Á thay đổi, Nhật Bản được nâng lên địa vị cường quốc.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Vũ Dương Ninh (chủ biên), Lịch sử quan hệ quốc tế, Tập một, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2005.
- J.N.Westwood, Russia Against Japan, 1904-1905 - A New Look at the Russo-Japanese War (Nga chống Nhật, 1904-1905 - Một cái nhìn mới về Chiến tranh Nhật - Nga), Nxb. Sunny, 1986.
- John Chapman, Chiharu Inaba, Rethinking the Russo-Japanese War, 1904-5 (Suy nghĩ lại về Chiến tranh Nhật-Nga, 1904-5), Nxb. Brill, 2007.