Chiến tranh Ayuthaya - Lan Na là cuộc chiến tranh giữa vương quốc Ayutthaya và vương quốc Lan Na (ở miền Bắc Thái Lan) nhằm tranh giành ưu thế trong các vương quốc của người Thái, diễn ra từ cuối thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XVI.
Vào cuối thế kỷ XIV, Ayutthaya (1351 - 1767) đã được xem là cường quốc hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á. Bành trướng mở rộng và chiến tranh với những nước láng giềng là những sự kiện nổi bật trong hai thế kỷ đầu tiên của triều đại Ayutthaya, trong đó có cuộc chiến liên miên với Lan Na.
Lan Na (Chiang Mai) là một quốc gia ra đời sớm và phát triển mạnh ở miền Bắc Thái Lan, từng có quan hệ liên minh với Sukhothay (1238 - 1438). Sự lớn mạnh và bành trướng của Ayuthaya về phía bắc khiến cho thế lực của Lan Na bị đe dọa. Hai vương quốc thường lôi kéo Sukhothay hoặc vịn cớ giúp Sukhothay để đem quân đánh nhau nhiều lần.
Trong suốt thế kỷ XV, vương quốc Ayutthaya thường xuyên tiến hành các cuộc chiến tranh chống lại vương quốc Lan Na ở phía bắc, đế chế Khmer ở phía đông và vương quốc Mã Lai ở phía nam. Vua Intharacha (1408 - 1424) của Ayutthaya xâm lược Lan Na vào năm 1411, chiếm được Chiang Rai nhưng không chiếm được Chiang Mai và Phayao. Năm 1424, vua Borommara Chathirat II lên ngôi Ayutthaya, tiếp tục các cuộc chiến với Khmer và Lan Na.
Năm 1441, Thao Lok lên ngôi vua Lan Na, niên hiệu Tilokaraj. Triều đình Lan Na xảy ra nhiều mâu thuẫn và xung đột tranh giành quyền lực. Hoàng tử Soi, một người em cùng cha khác mẹ của Tilokaraj, nổi dậy chống lại vị vua mới. Các đội quân trung thành với Tilokaraj đã truy đuổi Soi vào Mường Terng. Sau khi hoàng tử Soi qua đời, thống đốc Mường Terng đã bí mật viết thư cho vua Borommara Chathirat II thúc giục ông tấn công Lan Na. Nhân cơ hội đó, một đội quân Ayutthaya từ phía nam đã hành quân đến Chiang Mai.
Tilokaraj đã bổ nhiệm Muen Loknakorn làm tổng chỉ huy quân đội trong cuộc chiến với quân Ayutthaya. Quân Lan Na chiếm được vị trí đối diện với nơi đóng quân của Ayutthaya và cử một số lính xâm nhập vào trong doanh trại. Những người lính này đã cởi trói và cắt đuôi những con voi chiến Ayutthaya, khiến cho chúng điên cuồng chống phá. Trong tình thế hỗn loạn đó, quân Ayutthaya không thể kháng cự có tổ chức trước cuộc tấn công của Lan Na vào trại và buộc phải rút lui. Tilokaraj giành được các thành phố Phrae và Mường Nan. Borommara Chathirat II không chiếm được Chiang Mai vào năm 1442 và tiếp tục bị đẩy lui lần thứ hai vào năm 1448.
Năm 1448, Boromma Trailokkanat (1448 - 1488) kế vị Borommara Chathirat II làm vua Ayutthaya. Dưới triều đại Trailok, các cuộc chiến tranh với Chiang Mai cũng diễn ra với cường độ dày đặc và phạm vi rộng hơn. Năm 1451, Sawankhalok ly khai khỏi Ayutthaya và sáp nhập vào Lan Na, do đó xung đột giữa hai vương quốc lại bùng phát. Lực lượng quân đội Lan Na dưới sự chỉ huy của Muen Harn Nakorn bao vây Chaliang nhưng nhanh chóng bị quân đồn trú đẩy lùi. Ayutthaya sau đó chiếm được Chiang Mai vào năm 1452, nhưng lại buộc phải rút lui sau khi Lan Na nhận được sự trợ giúp từ vương quốc Lan Xang.
Năm 1457, mâu thuẫn giữa Lan Na và Ayutthaya tiếp tục gia tăng. Vào năm 1459, Lan Na đã chiếm được Sawankhalok, trong khi đó, Sawankhalok đã sáp nhập lại vào Ayutthaya. Một năm sau, Ayutthaya tái chiếm Phrae trong khi Lan Na xung đột với các tiểu quốc của người Shan. Ngay sau đó, Lan Na tấn công Sawangkaburi không thành công. Một đội quân Ayutthaya dưới quyền của Hoàng tử Indraracha đã đụng độ với Lan Na ở Chiang Mai. Sau nhiều cuộc xung đột, cả hai bên đều bị thương vong nặng nề, không bên nào chiếm được thế. Quan hệ hòa hảo tương đối giữa hai vương quốc đã được thiết lập sau khi vua Trailokkanat xuất gia làm tu sĩ Phật giáo với sự trợ giúp của các cao tăng Lan Na.
Năm 1474, Ayutthaya tấn công và chiếm thành phố Chienjuen. Sau đó, Lan Na chiếm lại thành phố và chấm dứt xung đột. Mặc dù giành được lãnh thổ, nhưng vương quốc Lan Na đã bị suy yếu do các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ và thương vong trong các cuộc xung đột liên miên với Ayutthaya.
Các cuộc giao tranh giữa Ayutthaya và Lan Na còn tiếp tục từ năm 1494 đến năm 1530. Trong thời kỳ này, Lan Na liên tục tấn công các nước láng giềng ở phía nam của họ trong khi Ayutthaya tiến hành các cuộc xâm lược ngược lại để trả thù Lan Na. Dưới triều vua Boromma Raja IV (1529 - 1534), hiệp ước hòa bình giữa Ayutthaya với Lan Na đã được ký kết, tạm chấm dứt cuộc chiến tranh dai dẳng giữa hai vương quốc.
Vào giữa những năm 1500, Miến Điện trở thành một mối đe dọa lớn hơn đối với Ayutthaya. Chiến tranh Miến Điện - Ayutthaya diễn ra vào các năm 1547 - 1549 bất phân thắng bại cũng khiến cho Ayutthaya bị tổn thất. Năm 1551, Bayinnaung trở thành vua Miến Điện và từ năm 1563, Bayinnaung tiến hành chinh phục cả Lan Na và Ayutthaya. Nhìn chung, từ giữa thế kỷ XVI, vương quốc Lan Na suy yếu dần và trở thành một phần lãnh thổ của Lan Xang, đồng thời cũng là nguyên nhân và là nơi chấp giữa Ayuthaya và Miến Điện.
Cuộc chiến tranh Ayuthaya - Lan Na kéo dài liên tục hơn một thế kỷ, đặt biệt là trong giai đoạn 1441 - 1474, nhằm tranh giành ưu thế giữa hai vương quốc trong bối cảnh phức tạp của các mối quan hệ khu vực, đã dẫn tới sự suy tàn của vương quốc Lan Na và mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử các vương quốc của người Thái với sự thống nhất, lớn mạnh của Ayutthaya.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- D.G.E. Hall, Lịch sử Đông Nam Á, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997
- Phạm Nguyên Long, Nguyễn Tương Lai (Đồng chủ biên), Lịch sử Thái Lan, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.
- Lương Ninh (chủ biên), Đỗ Thanh Bình, Trần Thị Vinh, Đông Nam Á - Lịch sử từ nguyên thủy đến ngày nay, Nxb.Chính trị Quốc gia Sự thật, 2018.
- Nicholas Tarling, The Cambridge history of Southeast Asia (Lịch sử Đông Nam Á), Volume One From Early time to C.1800, Cambridge University Press, 2008.