Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến tranh Anh - Pháp ở Ấn Độ

Chiến tranh Anh - Pháp ở Ấn Độ (1756 - 1763) là một phần của cuộc chiến tranh Bảy năm giữa Anh và Pháp (ở Bắc Mỹ, châu Âu, Tây Phi và Ấn Độ), nhằm xác lập địa vị ảnh hưởng của hai nước thực dân tại phía nam Ấn Độ, cg. chiến tranh Carnatic lần thứ ba.

Bùng nổ do tham vọng cạnh tranh thuộc địa của Anh, Pháp ngày càng lớn và chính quyền bản địa của Ấn Độ suy yếu. Mâu thuẫn cao trào khi Dupleix được cử làm Toàn quyền các lãnh thổ Pháp ở Ấn Độ, tham vọng can thiệp vào công việc nội bộ của Ấn Độ, nhằm lật đổ ảnh hưởng của Anh tại đây. Chiến tranh Carnatic lần 1 (1746-1748) kết thúc với hiệp ước Aix-La Chapelle, quy định trả Madras cho Anh và Pháp lấy lại những lãnh thổ ở Bắc Mỹ. Chiến tranh lần 2 (1749 - 1754) kết thúc với hiệp ước Pondicherry, hai công ty Đông Ấn của Anh và Pháp tạm thời hòa hoãn, đồng ý không can thiệp vào những tranh chấp của chính quyền Ấn Độ bản địa. Anh có lợi thế hơn Pháp, trở thành người chống lưng của Mohammed Ali ở Nam Ấn sau hai lần chiến tranh.

Chiến tranh Carnatic lần 3 bùng nổ ở Nam Ấn và Bengal. Nguyên nhân là tan vỡ của quan hệ Anh - Pháp trên toàn cầu, bắt đầu với cuộc chiến tranh Bảy năm (1756 - 1763) sau khi Áo muốn lấy lại vùng đất Silesia. Pháp cử Bá tước Thomas Arthur de Lally làm Toàn quyền ở Ấn Độ để thúc đẩy chiến tranh.

Anh và Pháp không thực sự chuẩn bị kỹ càng cho chiến tranh ở Nam Ấn trong giai đoạn 1756 - 1758. Năm 1757, Clive (Anh) tiến hành chiến dịch tấn công ở Bengal, làm thay đổi cục diện cân bằng Anh-Pháp, biến Calcutta thành thương điếm phụ trợ cho Madras. Phần lớn quân Anh ở Madras được cử đến chiếm lại Calcutta đang rơi vào tay Nawab của Bengal. Hạm đội Pháp do Bá tước Lally chỉ huy không tận dụng được thời cơ, tấn công Madras muộn, vào giữa năm 1758. Quân Anh vừa kịp trở về từ Bengal, cân bằng quân số chống trả Pháp.

Năm 1758, Clive tấn công, chiếm vùng phía bắc Circats, vùng lãnh thổ giàu có dưới ảnh hưởng của Pháp từ năm 1753, cắt đứt nguồn thu nhập của Pondicherry. Pháp không có đủ tiền để trả lương cho binh lính, gặp nhiều khó khăn hơn Anh. Lally đã yêu cầu quân đội tấn công Madras để chiếm đất đai, của cải nhằm giải quyết khó khăn trực tiếp này. Hải quân Pháp do Đô đốc d’Ache chỉ huy đã bị đánh bại bởi quân Anh vào tháng 4.1758 nên từ chối tấn công Madras. Pháp mất cơ hội đánh hiệp đồng Anh ở Madras. Lally phải buộc Raja của Tanjore trả số tiền 7 triệu rupees đã nợ công ty Đông Ấn Pháp từ thời Dupleix nhưng cũng không giải quyết được khó khăn tài chính. Quân đội Pháp không tin tưởng chỉ huy và trở nên rối loạn.

Tháng 8.1758, hải quân Pháp thiệt hại nặng nề trước hạm đội Anh. Đô đốc d’Ache chán nản rời bỏ Ấn Độ, Lally buộc phải từ bỏ Tanjore. Ông quyết định tấn công những cứ điểm nhỏ của Anh ở duyên hải Coromandel: pháo đài St. David và Vizianagaram, khiến Anh chỉ còn Madras, Trichy và Chinleput ở Nam Ấn. Tháng 12.1758, nhân lúc hải quân Anh rời Madras, Lally đem quân tấn công pháo đài lần nữa nhưng bất thành. Pháp buộc phải rút lui khi hạm đội Anh quay lại tháng 2.1759.

Vị thế của Pháp suy yếu dần bởi các quyết định sai lầm ở Decan. Lally buộc Bussy rời Hyderabad, tạo điều kiện cho Anh đưa quân từ Bengal đến bắc Sarkars, chiếm Rajamundry và Masulipatam, và ký hiệp ước với Nizam Salabat Jang năm 1759. Ảnh hưởng của Pháp tại Decan mất hoàn toàn.

Chiến thắng quyết định của người Anh tại Wandiwash (Vandavasi) thuộc Tamil Nadu ngày 22.1.1760. Tướng Eyre Coote (Anh) đánh tan quân đội Pháp của Bá tước de Lally, bắt Hầu tước de Bussy làm tù binh. Coote tiếp tục tấn công và tiêu diệt dần quân Pháp trong 3 tháng tiếp theo, chiếm hầu hết các cứ điểm tại Carnatic ngoại trừ Jinje và Pondicherry. Tháng 5.1760, quân Anh bao vây Pondicherry.

Quân Anh cũng gặp khó về tài chính khi London không gửi tiền sang Madras trong vòng 4 năm. Madras quyết định tăng thuế ở Calcutta, bán lãnh thổ đã xâm lược được cho Raja của Tanjore, vay tiền của thương nhân và các ngân hàng ở Ấn Độ. Pháp cố gắng liên minh với Nawab Haidar Ali của Mysore nhưng không đưa ra được quyết định cuối cùng về việc tấn công quân Anh và liên minh tan vỡ.

Ngày 16.1.1761, Pháp để mất Pondicherry vào tay người Anh sau 8 tháng phòng thủ và pháo đài bị tàn phá nghiêm trọng. Cùng với việc mất Gingee (Jinje), Mahe trên duyên hải Malabar, vai trò và địa vị của Pháp tại Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp nhất. Bá tước Lally bị bắt làm tù binh ở London hai năm, sau đó bị Pháp tiếp tục giam cầm ở Bastitle hai năm và xử tử năm 1766.

Hiệp ước Paris năm 1763 chấm dứt chiến tranh, quy định trả lại cho Pháp Pondicherry và Chandannagar. Thực chất Pháp chỉ được buôn bán ở đó và kết thúc hoàn toàn các hoạt động năm 1769. Pháp tiếp nối Bồ Đào Nha, Hà Lan trở thành kẻ thất bại trong cạnh tranh với Anh ở Ấn Độ. Anh trở thành cường quốc châu Âu tối cao, duy nhất có thể xác lập ảnh hưởng ở Ấn Độ.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Anh trước Pháp. Hải quân Anh hùng mạnh hơn so với hải quân Pháp cả về hạm đội, vũ khí và lãnh đạo (Anh có Eyre Coote, Stringer Lawrence, Robert Clive; Pháp chỉ có duy nhất Dupleix). Công ty Đông Ấn Anh có nhiều địa điểm chiến lược quan trọng như Calcutta, Bombay, Madras; công ty Pháp chỉ có Pondicherry. Pháp tập trung xâm lược thuộc địa, ít chú trọng thương mại, có ít vốn đầu tư cho chiến tranh; Anh sử dụng hệ thống thương mại rộng lớn để cung cấp tiền cho cuộc chiến. Công ty Đông Ấn Anh có thể chủ động quyết định nhanh chóng các hoạt động chiến sự, công ty của Pháp luôn phải chờ chỉ thị từ chính quyền nên chậm trễ trong hành động.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. J.R. Dull, The French Navy and the Seven Years’ War (Hải quân Pháp và cuộc chiến tranh bảy năm), Lincoln, 2005.
  2. D. Syrett, Shipping and Military Power in the Seven Years’ War: The Sails of Victory (Tàu buôn và sức mạnh quân sự trong chiến tranh bảy năm: những cánh buồm của chiến thắng), Exeter, 2008.
  3. G.J. Bryant, “British Logistics and the Conduct of the Carnatic Wars (1746 - 1783)” (Việc vận chuyển của người Anh và sự thực hành trong các cuộc chiến tranh Carnatic 1746 - 1783), War in History, 11 (3), 2014, pp. 278 - 306.