Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến tranh Anh - Hà Lan
Bức tranh Quân Hà Lan tấn công ở Medway trong cuộc Chiến tranh Anh-Hà Lan lần thứ hai do Pieter Cornelisz van Soest vẽ khoảng 1667. Chiếc tàu Anh bị bắt, Royal Charles là chiếc ở trung tâm, bên phải.

Chiến tranh Anh- Hà Lan là các cuộc chiến tranh thương mại giữa hai quốc gia tư bản đầu tiên trên thế giới trong thế kỷ XVII để tranh giành ảnh hưởng và địa vị toàn cầu, tạo điều kiện cho Anh trở thành cường quốc hàng đầu thế giới trong thế kỷ XVIII. Chiến tranh giữa hai nước đã nổ ra ba lần: 1652-1654, 1665-1667, và 1672-1674.

Nguyên nhân chiến tranh là mâu thuẫn giữa hai nước trong cạnh tranh thương mại ở châu Âu và châu Á. Trước năm 1650, Hà Lan giành được ưu thế tuyệt đối về hải quân, thương mại (hạm đội tàu, số thương nhân, hệ thống cảng). Sau Nội chiến Anh (1649-1653), Cromwell thiết lập chế độ Bảo hộ công, thực hiện chính sách chống lại Hà Lan với Đạo luật hộ tống (Convoy Act) năm 1650, Đạo luật hàng hải thứ nhất (Navigation Act / Scobele’s Act) năm 1651.

Anh tuyên bố chiến tranh ngày 10.7.1652. Robert Blake chỉ huy Hạm đội Anh phong tỏa, bắn phá một loạt cảng biển của Hà Lan. Hải quân Anh đã giao chiến với Hà Lan 8 trận: Goodwin Sands, Plymouth, Kentish Knock, Dungenes, Portland, Leghorn, Gabbard Bank, Scheveningen. Trong trận mở màn, Hà Lan giành thắng lợi, bắt và tiêu diệt 5 tàu Anh. Trận Kentish Knock (28.9.1652), 68 tàu Anh giành thắng lợi trước 72 tàu Hà Lan. Trận Dungeness (30.11), Hà Lan đánh bại Anh và giải vây cho 300 thuyền buôn đang bị bao vây. Ngày 18.2.1653, 76 tàu Hà Lan thất bại trong tấn công nước Anh. Anh kiểm soát hoàn toàn eo biển Channel, giành thế chủ động trên chiến trường. Ngày 23.6.1653, 100 tàu chiến Anh tấn công, bắt giữ 19 thuyền chiến Hà Lan. Trận cuối cùng ngày 31.7.1653, 14 tàu Hà Lan bị phá hủy, đô đốc Maarten Tromp Harpertszoon và 1.500 thủy thủ bị giết chết. Hà Lan buộc phải ký hòa ước Westminster tháng 4.1654 để chấm dứt chiến tranh. Hà Lan chấp nhận Đạo luật Hàng hải, trả chiến phí, đền bù cho thiệt hại của thương mại Anh tại Đông Ấn, phục tùng việc treo cờ Anh tại eo biển Channel. Anh tịch thu được nhiều tàu chiến để phát triển hạm đội hoàng gia.

Chiến tranh lần 2 (1665-1667) tiếp tục do Anh khơi mào. Charles II chú trọng phát triển hải quân, bành trướng ảnh hưởng và bảo hộ thương mại: ban bố Đạo luật về đặc quyền biển của Anh (1660) và Đạo luật hàng hải lần 2 (1662), ngăn cấm nhập khẩu hàng hóa từ Hà Lan và Đức vào Anh dưới mọi hình thức. Charles II muốn đưa cháu trai là William III Orange lên làm Quốc trưởng Hà Lan. Quân đội hai nước đã đụng độ ở bờ biển Vàng (Tây Phi) năm 1663-1664, Anh chiếm thuộc địa New Amsterdam và thành lập New York năm 1664. Hà Lan tuyên chiến vào tháng 1.1665. Anh được hậu thuẫn từ Thụy Điển (liên minh ngày 1.3.1665) và Bồ Đào Nha (Charles II kết hôn với trưởng công chúa Catherine of Braganza năm 1661 và được tặng Bombay (Ấn Độ) và Tangiers (eo Gibraltar)). Pháp ủng hộ Hà Lan với hiệp ước ngày 27.4.1672.

Có ba trận chiến tiêu biểu trong chiến tranh lần hai. Anh giành thắng lợi trận Lowestoft – Norfolk (3.6.1665): 103 tàu chiến Hà Lan do Jacob van Wassenaer Obdam chỉ huy đụng độ 109 tàu Anh do công tước York, William Penn, hoàng thân Rupert và bá tước vùng Sanwich chỉ huy. Đầu năm 1666, Pháp và Đan Mạch tham chiến chống Anh. Ngày 1.6.1666, 80 tàu Anh tấn công tàu Hà Lan ở vùng biển giữa Dunkirk và Downs: Anh mất 17 tàu, 5.000 lính, Hà Lan mất 8 tàu và 2.000 lính. Ngày 25.7.1666, trong trận North Foreland, Anh bắn phá Hà Lan và phong tỏa một số cảng biển. Ngày 17.6.1667, Hà Lan tấn công vào Medway (sông Thames), đốt cháy 3 tàu lớn của Anh, đốt phá bến cảng Sheerness, Chatham. Hai nước thống nhất chấm dứt chiến tranh vì kiệt quệ tài chính, nhân lực và trước sức ép của Pháp tại vùng đất thấp thuộc Tây Ban Nha (Bỉ). Hiệp ước Breda được ký ngày 31.7.1667: Anh chấp nhận nới lỏng các điều khoản của Đạo luật hàng hải để đổi lại việc chiếm đóng Cape Coast (Ghana). Hà Lan được phép chở hàng Đức đến bán ở Anh, phá vỡ thế bảo hộ thương mại của Anh. Mọi lãnh thổ bị chiếm đóng trước ngày 20.5.1667 được giữ nguyên hiện trạng: Anh sở hữu New York, New Jersey, Delaware, Pennsylvania ở châu Mỹ. Hà Lan có được Surinam và Pulo Run ở châu Á. Hai nước ký riêng rẽ hiệp ước thân thiện và thương mại sau đó. Hiệp ước Breda tạo ra sự phân tách quyền lực ở châu Âu. Anh, Hà Lan, và Thụy Điển đã bắt tay nhau trong Liên minh tay ba năm 1668 để chống lại sự vươn lên của Pháp.

Chiến tranh lần 3 (1672-1674) thể hiện sự cạnh tranh ở cả lĩnh vực thương mại và chính trị. Charles II thực hiện chính sách hai mặt: vừa liên minh với Hà Lan, vừa ký với Pháp hiệp ước năm 1670 nhằm khôi phục Công giáo và đảm bảo quyền lực dòng họ Stuart.

Ngày 23.3.1672, Anh bất ngờ tấn công hạm đội Hà Lan. Ngày 29.3, Anh chính thức tuyên bố chiến tranh. Hải quân Hà Lan do William III Orange chỉ huy không thể ngăn được cuộc tấn công của liên quân Anh – Pháp, chấp nhận để Pháp chiếm vùng phía nam Hà Lan. Ngày 20.6.1672, Pháp tiến đến Muyden, cửa ngõ vào Amsterdam. Hà Lan chấp nhận thiệt hại để phá hủy các đập nước buộc Pháp rút quân. Mùa hè 1672, Áo, Tây Ban Nha, Brandenburg – Phổ tham gia liên minh chống Pháp. William III Orange trở thành Quốc trưởng Hà Lan và tiếp tục chiến tranh. Hà Lan đã đem quân tấn công vào sông Thames, bắn phá tàu Anh ở vùng biển Caribbean, Virginia, New York và chiếm đảo St. Eustatius. Trước những khó khăn về tài chính và việc khó giành được thắng lợi hoàn toàn, hai bên đã thống nhất chấm dứt chiến tranh.

Hiệp ước bí mật Westminster được ký ngày 19.2.1674. Charles II nhận được 6 triệu guilders tiền bồi thường chiến phí và New York hoàn toàn thuộc về Anh. Anh tiếp tục nới lỏng Đạo luật hàng hải, cam kết không tấn công tàu trung lập Hà Lan sử dụng trong buôn bán.

Sau ba lần chiến tranh nửa sau thế kỷ XVII, Anh dần dần vươn lên về cả hải quân và thương mại và đến giữa thế kỷ XVIII thì vượt lên hoàn toàn trước Hà Lan để trở thành cường quốc thương mại hàng đầu thế giới.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. David Ormord, The Rise of commercial empires England and the Netherland in the age of mercantilism, 1650-1770 (Sự phát triển của đế quốc thương mại Anh và Hà Lan trong kỷ nguyên thương mại, 1650-1770), Cambridge, Cambridge University Press, 2003.
  2. Pepijn Brandon, Masters of war: state, capital, and military enterprise in the Dutch cycle of accumulation (1600-1795) (Bậc thầy của chiến tranh: nhà nước, tư bản và các tổ chức quân sự trong quá trình tích lũy của Hà Lan (1600 – 1795)), Universoty of Amsterdam, 2013.
  3. David Ormord, Gijs Rommelse, War, Trade and the State: Anglo-Dutch conflict, 1652-89 (Chiến tranh, thương mại và nhà nước: Xung đột Anh – Hà Lan, 1652-89), Boydell & Brewer, Boydell Press, 2020.