Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến tranh đường hào
Những người lính Đức thuộc Trung đoàn dự bị Hussar 11 chiến đấu từ một chiến hào, trên Mặt trận phía Tây, năm 1916.

Chiến tranh đường hào là cuộc chiến trên bộ diễn ra từ cuối năm 1914 đến năm 1918, ở mặt trận phía tây giữa phe Hiệp ước và phe Liên minh trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất, cg. Chiến Giao thông hào, Chiến tranh Chiến hào.

Cuối năm 1914, do kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh ở mặt trận phía tây không đạt được mục tiêu, quân Đức chuyển sang kế hoạch chiến tranh kéo dài nhằm tiêu hao dần sinh lực đối thủ. Đức và liên quân Anh – Pháp ở thế giằng co. Cả hai bên tiến hành xây dựng hệ thống công sự đường hào trên một chiến tuyến dài gần 800 km từ biển Bắc tới Thụy Sĩ.

Ban đầu, các đường hào đơn giản chỉ là những hố cá nhân, sau trở thành một mạng lưới đường hào có quy mô rộng lớn và được tổ chức chặt chẽ, gồm: hào tiền tuyến, hào yểm trợ và hào liên lạc. Hào tiền tuyến ở phía trước là nơi binh lính trực tiếp chiến đấu và bảo vệ lực lượng ở phía sau. Hào yểm trợ ở phía sau hào tiền tuyến. Hào liên lạc có chức năng kết nối giữa hào tiền tuyến và hào yểm trợ. Ở một số khu vực, còn có các đường hào khác để chứa vũ khí, lương thực. Các đường hào có độ sâu từ 3 đến 4 m, một số đường hào sâu 6 m, thậm chí 8 m.

Các đường hào đều có lỗ châu mai, hầm tránh đạn bằng thép, ụ bắn, hầm trú ẩn. Riêng hào tiền tuyến có hàng rào thép gai được thiết lập ở phía trước để ngăn cản đối phương tấn công và xâm nhập. Phía trước mỗi đường hào được bố trí các bao cát để chắn đạn và tạo thành bệ bắn.

Từ khi Đức và liên quân Anh - Pháp tiến hành Chiến tranh Đường hào (Chiến tranh đường hào), ngoài các loại vũ khí, thì xẻng và cuốc là công cụ không thể thiếu đối với binh lính của cả hai phe để đào, củng cố và sửa chữa đường hào. Việc đào hào diễn ra chủ yếu vào ban đêm để tránh đối phương phát hiện nã pháo hoặc cho máy bay ném bom. Trong suốt thời gian từ tháng 9.1914 đến tháng 11.1918, hai phe đã đàođược hàng nghìn km đường hào. Chỉ tính riêng đường hào do phe Hiệp ước xây dựng và bảo vệ đã lên tới 949 km: Anh 50 km, Bỉ 29 km, Pháp 870 km. Người ta ước tính, tổng khối lượng đất đào đường hào của cả phe Hiệp ước và Đức lên tới 150 triệu m3, gấp 2,5 lần khối lượng đất đá đào ở eo biển Trung Mỹ để nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Các đường hào được ví như kỳ quan nhân tạo thứ 9 của thế giới sau kênh đào Panama.

Trong Chiến tranh đường hào, cả hai phe đều sử dụng chủ yếu trọng pháo và bộ binh. Từ năm 1915, Anh sử dụng thêm kỵ binh, Đức sử dụng xe tăng, pháo tầm xa, hơi độc và súng phun lửa. Cả liên quân Anh - Pháp và Đức đều sử dụng mìn, khinh khí cầu, máy bay để do thám và đánh sập các đường hào của đối phương. Binh lính Anh và Pháp được trang bị mũ sắt thay cho mũ kê pi để bảo vệ hiệu quả hơn. Đức phát triển thêm đạn lõi thép có thể đâm xuyên qua các bao cát đặt trước đường hào.

Dưới các đường hào, binh lính cả hai phe phải đối mặt với nhiều khó khăn, khắc nghiệt: lạnh giá vào mùa đông, bùn lầy, thiếu nước uống và nước sinh hoạt. Ở Pháp, người ta gọi binh lính chiến đấu trong các đường hào là “Người lông” hay “Anh hùng đầy lông”. Trong cuộc Chiến tranh đường hào, quân đội hai phe đụng độ nhau trong nhiều trận chiến ác liệt diễn ra ở Somme, Verdun, Arras, Vimy, …

Chiến tranh đường hào là cuộc chiến đặc biệt và điển hình trên bộ ở mặt trận phía tây, gây ra nhiều khó khăn và tổn thất cho cả phe. Từ cuối năm 1917 đến năm 1918, những thắng lợi của phe Hiệp ước trong Chiến tranh đường hào là một trong những yếu tố quyết định tới sự thất bại và đầu hàng của quân Đức trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Robin Cross, Bách khoa toàn thư về chiến tranh – Bản chất thay đổi của chiến tranh từ thời tiền sử cho đến những cuộc xung đột vũ trang thời kỳ hiện đại (Thế Anh biên dịch), Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2011.
  2. Francis Marre, Dans les Tranchées du Front, Bloud et Gay – Éditeurs, Paris, 1915.
  3. M.Ch. Guyon, Nos poilus dans les Tranchées (Người lông của chúng ta trong các đường hào), Librairie Larousse, Paris, 1916.
  4. G. Taboulet, A. Imbert, Histoire de France: des origines à nos jours (Lịch sử nước Pháp từ nguồn gốc đến nay), Imprimerie d’Extrême - Orient, Hanoi, 1924.
  5. Raymond Poincaré, Les Tranchées 1915 (Những đường hào năm 1915) Librairie Plon – Éditeurs, Paris, 1931.