Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến trường B

Chiến trường B là chiến trường miền Nam Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Để thuận lợi cho việc lập kế hoạch, phối hợp chỉ đạo tác chiến và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, năm 1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định thống nhất quy ước các địa bàn trên bán đảo Đông Dương, dựa vào đặc điểm tình hình mỗi nước. Theo đó, tên quy ước của miền Bắc Việt Nam là “A”, miền Nam Việt Nam là “B”, Lào là “C”, Campuchia là “Đ” (sau đổi là “K”). Trong suốt những năm kháng chiến, tùy thuộc vào đặc điểm địa lý tự nhiên, kinh tế - xã hội mỗi vùng miền và yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh từng thời kỳ, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương Đảng Lao động Việt Nam tiếp tục phân chia mỗi chiến trường thành các mặt trận (tổ chức địa bàn quân sự) khác nhau. Chiến trường miền Nam Việt Nam (chiến trường B) thời gian đầu (1961) được phân chia thành B1 và B2.

B1 gồm đại bàn các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk. Tổ chức QS trên chiến trường B1 là Quân khu 5; cơ quan chỉ huy là Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên: Nguyễn Đôn. Các đơn vị chủ lực chính: Sư đoàn 3 (thành lập 9.1965), Sư đoàn 2 (thành lập 10.1965), Sư đoàn 711 (thành lập 11.1971).

B2 gồm địa bàn các tỉnh Nam Bộ và 5 tỉnh cực Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Đức, Tuyên Đức, Lâm Đồng). Tổ chức quân sự trên chiến trường B2 là: Quân khu 6 (cực Nam Trung Bộ), Quân khu 7 (Đông Nam Bộ), Quân khu 8 (Trung Nam Bộ), Quân khu 9 (Tây Nam Bộ) và Quân khu Sài Gòn - Gia Định; cơ quan chỉ huy chiến trường là Ban quân sự Miền (đến 10.1963 đổi thành Bộ chỉ huy Miền). Trưởng ban và Phó Trưởng ban đầu tiên: Phạm Thái Bường, Trần Văn Quang. Các đơn vị chủ lực chính: Đoàn pháo binh U80 (thành lập 10.1963), Sư đoàn 9 (thành lập 9.1965), Đoàn pháo binh 69 (thành lập 10.1965), Sư đoàn 5 (thành lập 11.1965), Sư đoàn 7 (thành lập 6.1966).

B3 (Mặt trận Tây Nguyên) thành lập 5.1964, gồm địa bàn ba tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc (tách ra từ B1) đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh; đồng thời chịu sự lãnh đạo của Khu ủy Khu 5 và quan hệ mật thiết với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Nhiệm vụ: xây dựng Tây Nguyên thành chiến trường đánh tiêu diệt lớn, có quân chủ lực mạnh làm nòng cốt thúc đẩy lực lượng vũ trang ba thứ quân, tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, thu hút giam chân chủ lực địch, tạo điều kiện cho đồng bằng và thành phố nổi dậy. Phối hợp với lực lượng vũ trang Trị - Thiên, Khu 5, Đông Nam Bộ tiến công địch trong thời điểm chiến lược. Tư lệnh, Chính ủy đầu tiên: Nguyễn Chánh, Đoàn Khuê. Các đơn vị chủ lực chính: Sư đoàn 1 (thành lập 12.1965), Sư đoàn 10 (thành lập 9.1972), Sư đoàn 320A (Bộ tăng cường năm 1972), Trung đoàn đặc công 198 (thành lập 8.1974).

B4 (Mặt trận Trị Thiên) thành lập tháng 4.1966, gồm địa bàn hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên (tách ra từ B1) với mục đích: đẩy mạnh chiến tranh nhân dân rộng khắp và đến trình độ cao, tạo nên một tình thế thuận lợi mới, buộc địch phải căng kéo lực lượng đối phó, phối hợp với các chiến trường các trong mọi tình huống, kể cả tình huống địch mở rộng chiến tranh sang Trung - Hạ Lào. Tổ chức quân sự trên chiến trường B4 là Quân khu Trị - Thiên. Tư lệnh kiêm Chính ủy đầu tiên: Lê Chưởng. Đơn vị chủ lực chính: Trung đoàn 6 (thành lập năm 1965), Trung đoàn 9 (Bộ tăng cường năm 1967), Sư đoàn 324 (Bộ tăng cường năm 1969).

B5 (Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị) thành lập tháng 6.1966, trực thuộc Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh; giao cho Quân khu 4 chỉ đạo trực tiếp với mục đích: buộc địch phải phân tán lực lượng lên rừng núi, thực hiện tiêu diệt chiến lược đối với quân cơ động của chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến trường toàn miền, trực tiếp là Trị Thiên đẩy mạnh đấu tranh; ngăn chặn âm mưu địch mở rộng chiến tranh trên bộ ra miền Bắc, đặc biệt là Nam Quân khu 4; đồng thời thử nghiệm những hình thức chiến thuật mới. Tư lệnh, Chính ủy đầu tiên: Vũ Nam Long, Nguyễn Xuân Hoàng. Đơn vị chủ lực chính: Sư đoàn 324 (giai đoạn 1966-1968), nhiều sư đoàn chủ lực miền Bắc thay nhau vào chiến đấu tại B5 (304, 320, 325, 308). Việc quy ước phân chia chiến trường miền Nam (chiến trường B) trong KCCM là một sáng tạo về nghệ thuật tổ chức quân sự của Đảng Lao động Việt Nam, qua đó vừa thực hiện chia cắt chiến lược địch; đồng thời giữ vững quyền chủ động của cách mạng, phát huy sức mạnh của từng địa bàn và sức mạnh tổng hợp chiến tranh nhân dân Việt Nam để giành thắng lợi.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Bộ Quốc phòng 1945-2000 (Biên niên sự kiện). Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003.
  2. 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 2004.
  3. Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb QĐND, Hà Nội, 2004.
  4. Lịch sử Nam Bộ kháng chiến, t2, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011.