Chiến thuật là lí luận và thực tiễn về chuẩn bị và thực hành trận chiến đấu; bộ phận hợp thành của nghệ thuật quân sự. Lí luận chiến thuật nghiên cứu bản chất, quy luật và nội dung trận chiến đấu; đề ra nguyên tắc và hướng dẫn hành động về chuẩn bị và thực hành chiến đấu giành thắng lợi. Thực tiễn chiến thuật bao gồm mọi hoạt động của người chỉ huy, cơ quan và bộ đội về chuẩn bị và thực hành chiến đấu, hạ quyết tâm, lập kế hoạch, giao nhiệm vụ, tổ chức hiệp đồng, tổ chức bảo đảm, chỉ huy bộ đội..., thực hành trận chiến đấu.
Chiến thuật hình thành cùng với sự ra đời của lực lượng vũ trang và phát triển trên cơ sở đổi mới chất lượng bộ đội và trang bị kĩ thuật. Từ thế kỷ XI, X tcn đến đầu thế kỷ XX, sự phát triển của chiến thuật thực chất là phản ánh sự phát triển của lục quân và hải quân. Sau dó, chiến thuật lại xuất hiện cùng với sự xuất hiện của quân chủng không quân, quân chủng phòng không, các binh chủng và bộ đội chuyên môn.
Ở Việt Nam, Chiến thuật có tiền đề từ thời kì dựng nước giữ nước và được phát triển qua các giai đoạn, nhất là qua các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Nó phản ánh những đặc trưng của nghệ thuật quân sự Việt Nam qua các thời đại. Từ đầu, cùng với sự xuất hiện của quân bộ, quân thủy là sự ra đời của chiến thuật bộ binh và chiến thuật thủy binh, nghiên cứu các cách đánh trong tiến công: kì tập (tập kích...), mai phục (phục kích), công thành, đánh vận động... Trong phòng ngự: phòng ngự thành lũy (thành cổ Loa thời An Dương Vương, thành Đa Bang ở Sơn Tây, thành Nhà Hồ ở Thanh Hóa...). Trong phòng ngự phòng tuyến (tuyến phòng ngự trên sông Như Nguyệt thời Lí. Từ thế kỷ X hình thành chiến thuật thủy binh (trong các trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng thời Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Hưng Đạo...), đến thế kỷ XVIII các binh chủng mới được xây dựng như tượng binh, hỏa pháo,... và từng bước hình thành chiến thuật của binh chủng. Từ lâu Việt Nam đã hình thành chiến thuật của quân chủ lực (quân triều đình, nay gọi là bộ đội chủ lực), chiến thuật của quân địa phương và dân binh (chiến thuật du kích, nay là chiến thuật của chiến tranh nhân dân địa phương).
Qua thực tế chiến đấu trong các cuộc chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, có đường lối quân sự đúng đắn, sáng tạo, thừa kế truyền thống đấu tranh cách mạng và nền nghệ thuật quân sự phong phú của dân tộc, chiến thuật của Quân đội ta được hình thành và phát triển. Đối tượng chiến đấu của quân đội ta trong lịch sử chiến tranh là thực dân Pháp, đế quốc Mĩ... có tiềm lực quân sự mạnh, âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt. Chiến thuật của quân đội ta đã phát triển từ thấp lên cao; từ chiến thuật du kích lên chiến thuật chính quy, từ đánh nhỏ đến đánh vừa, đánh lớn, đánh hiệp đồng quân binh chủng. Chiến thuật của quân đội ta là Chiến thuật của chiến tranh nhân dân, trong quá trình hình thành và phát triển đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh giặc, do lực lượng vũ trang làm nòng cốt, kết hợp tác chiến của ba thứ quân với các yếu tố lực, thế, thời, mưu trên chiến trường, trong chiến đấu đã tạo được sức mạnh tổng hợp để chiến thắng địch.
Chiến thuật của ta là mưu trí sáng tạo, luôn phát huy được cách đánh sở trường, bí mật, bất ngờ, lập thế, tạo lực, tạo thời cơ, chủ động tiến công địch, khéo léo sử dụng mọi vũ khí trang bị, tận dụng mọi đặc điểm, điều kiện địa hình, lấy tiêu diệt địch là chính, đánh ngày, đánh đêm, đánh xen kẽ, bám thắt lưng địch mà đánh. Chiến thuật của ta luôn quán triệt tư tưởng cách mạng tiến công. Lực lượng là cơ sở vật chất và là một trong những yếu tố cơ bản để tạo thành sức mạnh trong chiến đấu. Chiến thuật của ta đã tập trung được lực lượng tạo thành sức mạnh ưu thế vào thời cơ, thời điểm quyết định. Các yêu tố cấu thành sức mạnh của ta không chỉ đơn thuần là lực lượng mà còn là chất lượng bộ đội, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cán bộ chiến sĩ: mưu kế, thế trận, giành quyền chủ động, biết đánh, quyết đánh và quyết thắng quân địch.
Trong kháng chiến chống Pháp, Chiến thuật đã nghiên cứu và hoàn thiện cách đánh; trong tiến công: phục kích, tập kích, đánh vận động, vây lấn, tiến công trận địa, đánh địch trong công sự vững chắc (cứ điểm, cụm cứ điểm), đánh giao thông, kho tàng, hậu cần. Trong phòng ngự: phòng ngự trận địa, phòng ngự khu vực. Chiến thuật binh chủng và bộ đội chuyên môn cũng từng bước được hình thành. Trong kháng chiến chống Mĩ, Chiến thuật có bước phát triền mới, hoàn thiện chiến thuật binh chủng hợp thành, ra đời chiến thuật không quân, chiến thuật hải quân và chiến thuật phòng không.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Bộ Quốc phòng Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội 2004.
- Bộ Quốc phòng Từ điển Thuật ngữ Quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2007.
- Bộ Quốc phòng Điều lệnh tác chiến Quân đội nhân dân Việt nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2018.
- Bộ Quốc phòng Điều lệnh tác chiến chiến dịch Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019.