Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến lược Quốc phòng

Chiến lược Quốc phòng là chiến lược phòng thủ quốc gia, bằng sức mạnh tổng hợp trong đó sức mạnh quân sự là đặc trưng, sức mạnh quân đội làm nòng cốt, kết hợp quân sự với chính trị, kinh tế, ngoại giao, văn hóa, khoa học... nhằm ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, đánh bại mọi hình thái chiến tranh xâm lược, giữ vững hòa bình, ổn định cho quốc gia.

Chiến lược Quốc phòng được các nước quan tâm xây dựng và thực hiện từ lâu nhưng đa số hình thành từ những năm đầu thế kỷ XXI. Từ điển quân sự Trung Quốc, khái niệm Chiến lược Quốc phòng là sự phát triển tổng hợp và ứng dụng lực lượng tổng thể đất nước, lập kế hoạch chỉ đạo toàn cục quốc phòng, dựa vào kế hoạch và sách lược toàn cục để đạt được mục đích an ninh quốc gia. Những mục tiêu của Chiến lược Quốc phòng là chống lại sự xâm lược từ bên ngoài, bảo đảm chắc chắn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia không bị xâm phạm. Chiến lược Quốc phòng gồm có hai bộ phận chính là chiến lược vận dụng lực lượng quốc phòng và chiến lược phát triển quốc phòng.

Chiến lược Quốc phòng đánh giá tình hình thế giới, khu vực, trong nước liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng; xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, lực lượng và lộ trình bước đi, các chính sách để thực hiện mục tiêu. Tuy thuộc vào địa vị của mỗi quốc gia và ý định của người đứng đầu hoặc cơ quan lãnh đạo tối cao trong việc phòng thủ đất nước (có quốc gia xác định là trong nước nhưng củng có quốc gia xác định cả bên ngoài biên giới, lãnh thổ).

Chiến lược Quốc phòng lấy chiến lược quân sự làm nòng cốt nhằm tạo ra sức mạnh quân sự, sức mạnh cửa quân đội (lực lượng vũ trang) phù hợp trong thời bình và phát triển, mở rộng đáp ứng trong thời chiến, trên cơ sở quy tụ đủ sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc của các cấp, các ngành của toàn bộ chế độ chính trị, kinh tế, xã hội. Mục tiêu hàng đầu của Chiến lược Quốc phòng là giữ vững hòa bình và sự ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển đất nước và mục tiêu rất quan trọng là sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn xâm lực và bạo loạn lật đõ của các thế lực phản động trong nước và quốc tế. Nội dung quan trọng của chiến lược là quản lý nhà nước về quốc phòng, thực hiện đầy đủ chủ quyền quốc gia trên toàn lãnh thổ quốc gia. Mỗi quốc gia phải căn cứ vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đất nước để có Chiến lược Quốc phòng phù hợp.

Thuật ngữ Chiến lược Quốc phòng lần đầu tiên được Đảng cộng sản Việt Nam sử dụng trong văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 7 (1991). Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 10 (2006) xác định: Khẩn trương chỉ đạo xây dựng, ban hành các chiến lược quốc gia: Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược an ninh và các chiến lược chuyên ngành khác”. Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 11 (2011) “Hoàn thiện các chiến lược về quốc phòng, an ninh và hệ thống cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới”.

Cụ thể hóa chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Bộ Chính trị (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 24 (2018) về Chiến lược Quốc phòng Việt Nam. Xác định Chiến lược Quốc phòng Việt Nam là chiến lược phòng thủ quốc gia, bảo vệ đất nước; giữ nước từ sớm, từ xa, từ khi nước chưa nguy, mang tính chất hòa bình, tự vệ, bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại; dựa trên nền tảng đường lối chính trị đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định. Trong đó, sức mạnh quốc phòng là then chốt, sức mạnh quân sự là đặc trưng, trực tiếp là sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, nòng cốt là Quân đội nhân dân.

Chiến lược Quốc phòng gắn bó hữu cơ với chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, trên cơ sở quán triệt quan điểm quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, kết hợp xây dựng kinh tế với an ninh quốc phòng, mở rộng quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia- dân tộc cả trong và ngoài lãnh thổ; bảo vệ nền hòa bình bền vững của đất nước; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; ngăn nguy cơ chiến tranh và xung đột vũ trang; đẩy mạnh hợp tác và đấu tranh quốc phòng phù hợp với luật pháp quốc tế; không để đất nước bị động bất ngờ về chiến lược; xử lý thắng lợi các tình huống quốc phòng, sẵn sàng đánh thắng mọi hình thái chiến tranh xâm lược; tham gia bảo vệ hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; giữ vững ổn định chính trị xã hội, đấu tranh làm thất bại âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, ngăn chặn có hiệu quả các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Chiến lược Quốc phòng có quan hệ đến vận mệnh đất nước, do các cơ quan lãnh đạo và quyền lực cao nhất của đất nước hoạch định, điều hành. Chiến lược Quốc phòng cùng với chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, chiến lược đối ngoại, chiến lược kinh tế, xã hội hợp thành hệ thống chiến lược quốc gia. Chiến lược Quốc phòng có vai trò chỉ đạo với các chiến lực ngành, chuyên ngành trong lĩnh vực quân sự quốc phòng (chỉ đạo chiến lược quân sự, chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, chiến lược bảo vệ tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược Thông tin, Cơ yếu, Nhà trường quân đội...), đồng thời là cơ sở, hàng lang pháp lý cho chiến lược ở các lĩnh vực khác vận dụng, phối hợp cùng thực hiện trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Trung tâm từ điển học Hà Nội - Đà Nẵng, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1998.
  2. Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự- Từ điển Bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
  3. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 28 về “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, ngày 25/10/2013.
  4. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 24 về “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”, ngày 16/4/2018.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 195.
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 111.
  7. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 235.
  8. Thiếu tướng, GS. Bùi Phan Kỳ, Bàn về chủ thể của chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, Tạp chí Quốc phòng toàn dân , Thứ bảy- 17/09/2011, 23:53 (GMT+7).
  9. Thiếu tướng, PGS Bùi Phan Kỳ (Chủ nhiệm khoa Mác Lê) và Thiếu tướng, TS Đặng Quang Minh- Nguyên Chủ nhiệm khoa Chiến lược, Học viện quốc phòng, “Bài giảng Hiểu biết chung về chiến lược” 2014.
  10. Đại tá Lê Văn Hưởng, “Một số vấn đề về chiến lược và quản lý chiến lược trong lĩnh vực quân sự quốc phòng”, Thông tin Nghiên cứu Chiến lược quốc phòng- Viện Chiến lược quốc phòng, số 19, tháng 01/2017, tr.38.
  11. Đại tá Lê Văn Hưởng, “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước đối với chiến lược trong lĩnh vực quân sự quốc phòng”. Tạp chí Chiến lược quốc phòng số 11, ( tháng 9 &10 năm 2019), tr.18.
  12. Đại tá Lê Văn Hưởng, “Giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong thực hiện Chiến lược bảo vệ tổ quốc thời kỳ mới”; Tạp chí Khoa học quân sự số 7 (07/2020) tr 27.
  13. Đại tá Lê Văn Hưởng, “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược trong lĩnh vực quân sự quốc phòng”, Tạp chí Chiến lược quốc phòng số 20, tháng 3 và 4/2021, tr44-48.