Mục từ này đã đạt chất lượng ở mức sản phẩm bước đầu của Đề án Biên soạn Bách khoa toàn thư Việt Nam giai đoạn 1
Chiến lược ứng phó với nỗi đau

Chiến lược ứng phó với nỗi đau là các chiến lược tinh thần hay hành động để đối phó với những nỗi đau.

Ngay từ khi còn nhỏ, hầu như ai cũng trải qua những cơn đau ngắn, tương đối nhẹ do vết cắt, côn trùng cắn, bỏng nhẹ, bầm tím, đau răng, đau dạ dày và các thủ thuật y tế và nha khoa thông thường. Ngoài những trải nghiệm đau đớn tương đối nhỏ này, một số cá nhân cũng đã bị đau cấp tính do chấn thương lớn, phẫu thuật và các thủ thuật y tế xâm lấn. Những người khác thậm chí có thể trải qua các nỗi đau dai dẳng. Chẳng hạn như đau lưng mãn tính, đau đầu hoặc đau thứ phát sau các bệnh mãn tính như viêm khớp. Bất cứ khi nào một người nào đó đối mặt với một tình huống đau đớn, thì cá nhân đó có những đòi hỏi hoặc yêu cầu được thiết lập để có những phản ứng nhất định.

Chiến lược ứng phó nhận thức[sửa]

Các chiến lược sử dụng suy nghĩ hoặc trí tưởng tượng để đối phó với nỗi đau thường được gọi là chiến lược đối phó nhận thức. Người ta có thể sử dụng cách mất tập trung liên quan đến việc suy nghĩ về những thứ khác để chuyển hướng sự chú ý khỏi cơn đau. Chẳng hạn như tưởng tượng ra một khung cảnh dễ chịu hoặc bên ngoài, tập trung vào một khía cạnh cụ thể của môi trường. Một chiến lược khác là diễn giải lại cảm giác đau. Đó là tưởng tượng ra cơn đau là một cái gì đó khác. Chẳng hạn như tê hoặc một cảm giác ấm áp. Những câu mà một người có thể tự nói với bản thân để mang lại sự an ủi hoặc động viên bản thân mình như: “Tôi biết tôi có thể giải quyết được việc này”. Bỏ qua nỗi đau là phủ nhận rằng nỗi đau đang tồn tại. Suy nghĩ mơ mộng, cầu nguyện hoặc hy vọng liên quan đến việc tự nói với bản thân rằng một ngày nào đó nỗi đau sẽ biến mất bởi đức tin, hành động của Chúa hoặc điều gì đó kỳ diệu.

Chiến lược đối phó hành vi[sửa]

Những điều mà một người thực sự có thể làm để đối phó với nỗi đau được gọi là chiến lược đối phó hành vi. Đó là việc cá nhân tăng cường hoạt động như: tích cực tham gia các hoạt động như đọc sách hoặc đi thăm bạn bè để luôn bận rộn và không tập trung vào cơn đau. Hoạt động nhịp độ liên quan đến việc nghỉ ngơi thường xuyên, có kế hoạch để tránh làm việc quá sức và làm tăng cơn đau. Cô lập bản thân để rút lui khỏi tiếp xúc xã hội để đối phó với nỗi đau. Nghỉ ngơi cũng là hình thức đối phó với nỗi đau như ngả lưng trên giường hoặc trên ghế dài. Thư giãn bao gồm việc cố gắng giảm kích thích sinh lý bằng cách giữ cho các cơ bình tĩnh và thư giãn. Thư giãn đôi khi cũng được coi là một chiến lược đối phó sinh lý. Bởi vì nó có thể bao gồm những lợi ích thể chất trực tiếp. Một số chiến lược đối phó có hiệu quả và tạo điều kiện điều chỉnh tốt nỗi đau, trong khi các chiến lược khác không hiệu quả và có thể thúc đẩy thêm đau đớn và khổ sở. Mặc dù về mặt trực giác, một số chiến lược nhất định có vẻ hiệu quả và những chiến lược khác có vẻ không hiệu quả, nhưng cần có các nghiên cứu thực nghiệm để tìm kiếm hiệu quả của chiến lược đối phó và điều chỉnh chúng. Điều này đặc biệt quan trọng, vì một số chiến lược có hiệu quả với tình huống này, nhưng không hiệu quả với tình huống khác, có hiệu quả với người này, nhưng không có hiệu quả với người khác.

Đau mãn tính[sửa]

Hầu hết mọi người có thể bắt đầu phát triển các chiến lược đối phó với cơn đau từ khi còn nhỏ và từ việc tiếp xúc với những trải nghiệm đau đớn tương đối nhỏ. Tuy nhiên, chiến lược đối phó này gần như lạc hậu, không phù hợp với các nhóm bệnh đau mãn tính như bệnh nhân bị đau lưng mãn tính hoặc đau thứ phát sau bệnh tật (ví dụ: viêm khớp và bệnh hồng cầu hình liềm).

Một trong những công cụ đầu tiên được thiết kế để đánh giá các chiến lược đối phó với cơn đau một cách có hệ thống là Bảng câu hỏi về các chiến lược đối phó (CSQ) do Rosensteil và Keefe phát triển. CSQ đo tần suất mà các cá nhân sử dụng các chiến lược đối phó hành vi và nhận thức khác nhau để đối phó với nỗi đau. Nghiên cứu sử dụng CSQ với bệnh nhân đau mãn tính đã phát hiện ra rằng các chiến lược đối phó với cơn đau có thể được đánh giá một cách đáng tin cậy và có thể dự đoán được mức độ đau, điều chỉnh chức năng tâm lý xã hội và năng lực. Những bệnh nhân đau mãn tính ở mức độ trầm trọng và không có khả năng kiểm soát giảm đau có mức độ trầm cảm và lo lắng cao hơn và suy giảm thể chất tổng thể.

Ổn định và thay đổi chiến lược đối phó[sửa]

Do tầm quan trọng của phong cách đối phó trong việc điều chỉnh cơn đau mãn tính, các nhà nghiên cứu đã cố gắng xác định xem liệu các chiến lược mà các cá nhân sử dụng để đối phó với cơn đau có xu hướng ổn định hay thay đổi theo thời gian. Hai cách tiếp cận đã được sử dụng để nghiên cứu vấn đề này.

Cách tiếp cận đầu tiên là so sánh các chiến lược đối phó được đánh giá trong quá trình đánh giá ban đầu với các chiến lược đối phó được đo lường khi theo dõi (ví dụ, 1 năm sau) mà không có sự can thiệp có hệ thống nào xảy ra giữa hai giai đoạn đánh giá. Kết quả cho thấy rằng nếu không có sự can thiệp, các chiến lược đối phó tương đối ổn định theo thời gian.

Cách tiếp cận thứ hai để kiểm tra những thay đổi trong chiến lược đối phó với cơn đau ở bệnh nhân đau mãn tính là các nghiên cứu can thiệp. Những nghiên cứu này đã cố gắng cải thiện khả năng đối phó với cơn đau bằng cách đào tạo các cá nhân về kỹ năng đối phó với cơn đau về mặt nhận thức và hành vi. Những nghiên cứu này đã chỉ ra rằng với sự can thiệp, kỹ năng đối phó với cơn đau có thể được cải thiện và những cải thiện trong kỹ năng đối phó với cơn đau chuyển thành những cải thiện về điều chỉnh tâm lý xã hội và chức năng. Ví dụ, trong một nghiên cứu, Keefe và đồng nghiệp đã huấn luyện một nhóm bệnh nhân bị đau đầu gối do thoái hóa đốt sống cổ bằng cách sử dụng thư giãn, hình ảnh, mất tập trung, tái cấu trúc nhận thức và hoạt động nhịp độ. Việc thay đổi các kỹ năng đối phó với cơn đau và các phương pháp tiếp cận nhận thức - hành vi dường như cung cấp một phương tiện hiệu quả để huấn luyện những người mắc các vấn đề đau mãn tính khác nhau sử dụng các chiến lược đối phó hiệu quả hơn.

Đau cấp tính[sửa]

Đau cấp tính có thể là kết quả của các sự kiện khác nhau, từ trải nghiệm nhỏ đến đau thứ phát sau phẫu thuật hoặc các thủ thuật xâm lấn. Khác với cơn đau mãn tính, khi một cá nhân đối mặt với cơn đau cấp tính, họ sẽ phản ứng một cách tự phát và sử dụng nhiều chiến lược khác nhau để đối phó. Bởi vì các tình huống đau cấp tính cũng thường gây căng thẳng và kích thích lo lắng, các chiến lược đối phó được sử dụng trong những tình huống này thường bao gồm các chiến lược để đối phó với cả nỗi đau và sự lo lắng. Có hai chiến lược truyền thống đối phó với tình huống đau cấp tính là đối phó tích cực hoặc tránh né. Những người đối phó tích cực được coi là những người tiếp cận với kích thích đau đớn (tức là phẫu thuật) bằng cách tìm kiếm thông tin, xử lý nó một cách hợp lý và sử dụng các chiến lược nhận thức để đối phó. Những người trốn tránh (hoặc những người luôn phủ nhận) là những người không muốn biết thông tin về phẫu thuật hoặc thủ thuật y tế của họ và thực sự trở nên lo lắng và cảm thấy đau đớn hơn khi được cung cấp thông tin.

Gần đây các nhà nghiên cứu đã cung cấp một chiến lược đối phó mới mang tính hệ thống hơn. Đó là Bản kiểm kê chiến lược đối phó nhận thức (CCSI) để sử dụng cho các quần thể đau sau phẫu thuật do Butler và các đồng nghiệp phát triển. Nghiên cứu về việc sử dụng CCSI đã phát hiện ra rằng bảng câu hỏi này là đáng tin cậy và hợp lệ và các chiến lược đối phó được bệnh nhân sau phẫu thuật sử dụng để đối phó với cơn đau có liên quan đến việc hồi phục.

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. Brown, G. K., & Nicassio, P. M., Development of a questionnaire for the assessment of active and passive coping strategies in chronic pain patients, Pain, 31, 1987, 53 - 64.
  2. Arntz, A., & de Jong, P., Anxiety, attention and pain, Behaviour Research and Therapy, 29, 1991, 41 - 50.
  3. Arnett, F. C., Edworthy, S. M., Bloch, D. A., McShane, D. J., Fries, J. F., Cooper, N. S. et al., The American Rheumatism Association 1987 revised criteria for the classification of heumatoid arthritis, Arthritis Rheumatism, 31, 1998, 315 - 324.
  4. Boothby, J. L., Thorn, B. E., Stroud, M. W., & Jensen, M. P., Coping with pain, In R. J. Gatchel & D. C. T. Turk (Eds.), Psychosocial factors in pain, New York: Guilford, 1999, pp. 343 - 359.
  5. Eccleston, C., & Crombez, G., Pain demands attention: A cognitive-affective model of the interruptive function of pain, Psychological Bulletin, 125, 1999, 356 - 366.
  6. Aldrich, S., Eccleston, C., & Crombez, G., Worrying about chronic pain: Vigilance to threat and misdirected problem solving, Behaviour Research and Therapy, 38, 2000, 457 - 470.