Chiến lược là tổng thể các phương châm, chính sách, mưu lược được hoạch định để xác định mục tiêu, cách thức, các nhóm giải pháp lớn, huy động, sử dụng lực lượng và các nguồn lực khác nhằm tạo ra trạng thái phát triển mới của một tổ chức, địa phương, vùng, ngành, lĩnh vực (Chiến lược ngành, chuyên ngành), toàn xã hội (Chiến lược quốc gia), một khu vực, cộng đồng, khối (Chiến lược khu vực, khối như EU, ASEAN) hoặc toàn thế giới (Chiến lược toàn cầu) trong một thời kì nhất định.
Trên thế giới, thuật ngữ Chiến lược (có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là strategeia) là một thuật ngữ quân sự được dùng để chỉ nghệ thuật hay khoa học làm tướng, xuất hiện lần đầu tiên vào thế kỷ thứ V trước Công nguyên. Mặc dù đã được đề cập đến từ rất lâu nhưng chỉ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, Chiến lược mới được các học giả thừa nhận là một trong những yếu tố cơ bản nhất quyết định sự thành công của tổ chức, ngành, quốc gia hay liên minh quốc gia (Cộng đồng) trong lĩnh vực nghệ thuật quân sự, kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, khoa học…. Carl von Chiến lượcausewitz (1780 - 1831) nhà binh pháp thế kỷ XIX, nhà khoa học quân sự nổi tiếng người Đức đã diễn tả Chiến lược là lập kế hoạch chiến tranh và hoạch định các chiến dịch tác chiến. Sử gia Edward Mead Earle (1894-1954) mô tả Chiến lược là nghệ thuật kiểm soát và dùng nguồn lực của một quốc gia hoặc một liên minh các quốc gia nhằm mục đích đảm bảo và gia tăng hiệu quả cho quyền lợi thiết yếu của mình.
Ở Việt nam, từ khi Đảng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thuật ngữ Chiến lược được sử dụng trước hết để chỉ đạo các hoạt động cách mạng như: Chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ, xã hội chủ nghĩa và chỉ đạo kháng chiến. Theo từ điển tiếng Việt, (1998) Chiến lược được xác định ở 2 khía cạnh: Chiến lược quân sự là phương châm và biện pháp quân sự được vận dụng trong suốt cuộc chiến tranh nhằm thực hiện mục đích quân sự, chính trị và kinh tế nhất định; Chiến lược quân sự là phương châm và kế hoạch có tính chất toàn cục, xác định mục tiêu chủ yếu và sự sắp xếp lực lượng trong suốt cả một thời kỳ của cuộc đấu tranh xã hội - chính trị. vd: Chiến lược đánh lâu dài của (Việt Nam), Chiến lược chiến tranh cục bộ (của Mỹ);
Chiến lược là sự cụ thể hóa cương lĩnh, đường lối nhằm thực hiện thắng lợi cương lĩnh, đường lối, nghị quyết của Đảng trong một thời kỳ nhất định (vd: Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế xã hội đến năm 2000, Chiến lược bảo vệ tổ quốc và cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam). Chiến lược là cầu nối giữa đường lối (cương lĩnh thứ nhất) với chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện trên thực tiễn; Chiến lược là “cương lĩnh thứ hai” mang tính “định hình, định lượng”, là phương thức có hiệu quả để tổ chức thực hiện đường lối, là "chiếc cầu nối" để đưa đường lối vào cuộc sống. Một đường lối được đặt ra dù đúng đắn đến mấy, nhưng nếu không được tổ chức thực hiện bằng những Chiến lược sắc sảo thì cũng không thể đạt tới mục đích chính trị đã xác định. Đảng ta sử dụng một khái niệm kép: đường lối - Chiến lược bao quát cả quá trình lãnh đạo và tổ chức thực hiện.
Chiến lược lựa chọn các mục tiêu của từng giai đoạn lịch sử, bao gồm mục tiêu cơ bản, mục tiêu trung gian, mục tiêu trước mắt (ngắn hạn, trung hạn, dài hạn). Có thể xác định mục tiêu tổng quát cho cả một kỳ Chiến lược (mười hoặc hai năm hoặc lâu hơn) và mục tiêu cụ thể cho từng lộ trình, giai đoạn ( hàng năm, ba năm, năm năm…) và tìm các giải pháp Chiến lược khả thi để thực hiện mục tiêu như (giải pháp căn bản, giải pháp tình thế, giải pháp toàn cục, giải pháp từng phần, các chính sách liên quan).
Chiến lược phải căn cứ vào bối cảnh và thực trạng của tình hình trên cơ sở cương lĩnh, đường lối, chính sách của Đảng cầm quyền, pháp luật Nhà nước, yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của địa phương, ngành, lĩnh vực, quốc gia, khối, cộng đồng, khu vực hoặc thế giới trong từng giai đoạn; phải tính đến trạng thái thực tế của chủ thể, đối tượng, đối tác, lực lượng Chiến lược và các tiềm lực có thể huy động vào thực hiện mục tiêu Chiến lược. Trong nghệ thuật quân sự, thuật ngữ Chiến lược thường gắn với Chiến lược quân sự và thuật ngữ chiến dịch và chiến thuật. Chiến lược quân sự là một trong ba bộ phận và là bộ phận chủ đạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam có vai trò chỉ đạo chiến dịch và chiến thuật; trong lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng, thường đi với thuật ngữ đường lối và sách lược.
Theo cấp độ phạm vi có Chiến lược quốc tế, khu vực, liên minh quốc gia, quốc gia, ngành, chuyên ngành; ví dụ: Chiến lược phát triển kinh tế xã hội năm 2021-2030, Chiến lược bảo vệ tổ quốc- Chiến lược quân sự, Chiến lược phát triển ngành. Theo lĩnh vực hoạt động có Chiến lược kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng an ninh, đối ngoại, y tế, giáo dục… Theo loại hình có Chiến lược của tổ chức và Chiến lược hoạt động.
Chiến lược là sự cụ thể hóa đường lối chính sách của Đảng (Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, các ban Đảng), Nhà nước (Quốc hội, Chính phủ, bộ, ban, ngành Trung ương) hoặc các chủ thể có chức năng Chiến lược; các doanh nghiệp, tổ chức xã hội. Sự đúng đắn của Chiến lược chủ yếu phụ thuộc tài trí của chủ thể trên cơ sở nắm vững quy luật vận động, biến đổi của từng lĩnh vực hoạt động và của địa phương, ngành, lĩnh vực, quốc gia và sự phát triển xã hội, cộng đồng thế giới.
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Trung tâm Từ điển học Hà Nội- Đà Nẵng, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 1998.
- Bộ Quốc phòng, Trung tâm Từ điển Bách khoa quân sự, Từ Điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.
- Bộ Chính trị, Nghị quyết số 28 về “Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, 25/10/2013.
- Bộ Chính trị, Nghị quyết số 24 về “Chiến lược Quốc phòng Việt Nam”, 16/4/2018.
- Thiếu tướng, GS. Bùi Phan Kỳ, Bàn về chủ thể của chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự, Tạp chí QPTD , Thứ bảy- 17/09/2011, 23:53 (GMT+7).
- Thiếu tướng, PGS Bùi Phan Kỳ (Chủ nhiệm khoa Mác Lê) và Thiếu tướng, TS Đặng Quang Minh- Nguyên Chủ nhiệm khoa Chiến lược, Học Viện quốc phòng, “Bài giảng Hiểu biết chung về chiến lược” 2014.
- Đại tá Lê Văn Hưởng, “Một số vấn đề về chiến lược và quản lý chiến lược trong lĩnh vực Quân sự quốc phòng”, Thông tin Nghiên cứu Chiến lược quốc phòng- Viện Chiến lược quốc phòng, số 19, (tháng 01/2017), tr.38.
- Đại tá Lê Văn Hưởng, “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước đối với chiến lược trong lĩnh vực Quân sự quốc phòng”. Tạp chí Chiến lược quốc phòng số 11,( tháng 9 -10 năm 2019), tr.18
- Đại tá Lê Văn Hưởng, “Giữ vững, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong thực hiện Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới”; Tạp chí Khoa học quân sự số 7 (07/2020) tr 27.
- Đại tá Lê Văn Hưởng, “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược trong lĩnh vực Quân sự quốc phòng”, Tạp chí Chiến lược quốc phòng số 20, tháng 3 và 4/2021, tr44-48.