Chiến khu Quang Trung là căn cứ địa chống Nhật và chuẩn bị khởi nghĩ vũ trang dành chính quyền của cách mạng Việt Nam, được xây dựng ở vùng rừng núi 3 tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, là nơi có vị trí chiến lược quan trọng và phong trào cách mạng sớm phát triển.
Tháng 2.1945, thực hiện chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, các tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình, Thanh Hóa tiến hành xây dựng Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh nhằm chuẩn bị lực lượng cho khởi nghĩa giành chính quyền. Đến giữa tháng 5.1945, theo chủ trương của Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ (tháng 4.1945), Chiến khu Hòa - Ninh - Thanh được đổi tên thành Chiến khu Quang Trung (vùng Quỳnh Lưu, tỉnh Ninh Bình được chọn làm trung tâm của chiến khu); đồng chí Văn Tiến Dũng, Ủy viên Ủy ban quân sự cách mạng Bắc Kì, trực tiếp chỉ đạo chiến khu (tháng 4-8.1945); các đồng chí Phan Lang (Bí thư Ban cán sự tỉnh Hòa Bình), Nguyễn Văn Mộc (Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Ninh Bình) và Lê Chủ (Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Thanh Hóa) trong Ban chỉ đạo chiến khu.
Địa giới hành chính: phía bắc giáp Phú Thọ, Sơn Tây, Hà Đông; phía nam giáp Nghệ An; phía đông giáp Hà Nam, Nam Định, Biển Đông; phía tây giáp Sơn La, Lào. Diện tích tự nhiên 16.700 km2, dân số trước Cách mạng tháng Tám 1.484.000 người, gồm các dân tộc: Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông… Tôn giáo: đạo Phật, đạo Thiên Chúa. Khí hậu nhiệt đới gió mùa. Địa hình đa dạng, rừng núi chiếm phần lớn diện tích tập trung ở phía tây, đồng bằng hẹp ở phía đông. Mạng lưới giao thông đa dạng với nhiều tuyến quan trọng như đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1, quốc lộ 15, quốc lộ 6. Sông ngòi chảy theo hướng tây bắc - đông nam, có độ dốc lớn, các sông lớn là sông Đà, sông Đáy, sông Mã. Địa hình thuận lợi để thành lập các khu căn cứ cho lực lượng vũ trang đứng chân tiến hành hoạt động xây dựng và tác chiến, tạo nên những bàn đạp quân sự vững chắc cho một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Về phía đông và đông bắc có thể tiến ra các tỉnh khác thuộc đồng bằng Bắc Bộ và Thủ đô Hà Nội; về phía bắc và tây bắc có thể tiến lên các tỉnh miền núi Việt Bắc, Tây Bắc; về phía nam có thể qua Nghệ An, Hà Tĩnh vào Trung và Nam Bộ; về phía tây có thể sang Lào.
Trong hơn 6 tháng, kể từ ngày thành lập cho đến trước ngày Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Chiến khu Quang Trung đã phát triển, mở rộng trên một địa bàn rộng lớn gồm một phần các phủ, huyện Nho Quan, Gia Khánh, Gia Viễn, (tỉnh Ninh Bình); các châu Lạc Sơn, Mai Đà (nay là các huyện Mai Châu và Đà Bắc), thị xã Hòa Bình, Kỳ Sơn, nam Lương Sơn (nay là các huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy) tỉnh Hòa Bình; các huyện Thạch Thành, Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Yên Định, Thọ Xuân, Nông Cống, Tĩnh Gia, một phần các huyện Triệu Sơn, Ngọc Lặc và thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa).
Để xây dựng Chiến khu Quang Trung vững mạnh, trên một địa bàn chiến lược rộng lớn, ban lãnh đạo chiến khu đã đồng thời triển khai xây dựng hàng loạt căn cứ vũ trang cách mạng ở những vùng có điều kiện thuận lợi về địa hình, địa thế, kinh tế - xã hội cho việc xây dựng và phát triển lực lượng, tiến hành chiến tranh du kích. Quá trình xây dựng các căn cứ vũ trang cách mạng đều đi từ vận động, tuyên truyền, gây dựng cơ sở chính trị quần chúng, tiến lên gây dựng cơ sở vũ trang quần chúng, tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng; kết hợp chặt chẽ xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng tại khu căn cứ và xây dựng lực lượng chính trị quần chúng, cơ sở vũ trang quần chúng tại các tại trấn, thị xã, chuẩn bị cả 2 mặt quân sự và chính trị cho khởi nghĩa vũ trang.
Chiến khu Quang Trung có các căn cứ vũ trang lớn như Quỳnh Lưu (tỉnh Ninh Bình), Tu Lý - Hiền Lương, Diềm, Mường Khói, Cao Phong - Thạch Yên (tỉnh Hòa Bình), Bái Sơn, Cổ Tế - Cẩm Bào, Hồ Cỗ - Yên Lộ, Đằng Xá - Đằng Trung, Đa Lộc, Hòa Chúng (tỉnh Thanh Hóa), trong đó Quỳnh Lưu là căn cứ trung tâm. Ngày 20.6.1945, trung đội du kích tập trung đầu tiên của Chiến khu Quang Trung được thành lập. Tháng 7 và tháng 8.1945, quân Nhật mở hai trận càn quét lớn vào căn cứ Quỳnh Lưu, nhưng bị du kích và nhân dân đánh thiệt hại nặng. Trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, các khu căn cứ địa, căn cứ vũ trang thuộc chiến khu trở thành bàn đạp, nơi xuất phát tiến công của các đơn vị vũ trang cách mạng, đánh chiếm các châu, phủ, huyện và tỉnh lị các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình. Các đơn vị vũ trang cách mạng của chiến khu đóng vai trò lực lượng nòng cốt xung kích (có nhiều trường hợp đóng vai trò chủ chốt) cùng quần chúng nhân dân ba tỉnh nhất tề đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân, góp phần vào thắng lợi chung của tổng khởi nghĩa trong cả nước. Sau Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, các đơn vị vũ trang cách mạng của chiến khu được củng cố về mọi mặt để đối phó với các hoạt động phá hoại của các thế lực phản động, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ ở các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được.
Chiến khu Quang Trung là một trong những chiến khu cách mạng lớn của cả nước, ra đời trong thời kỳ tiền khởi nghĩa. Sự hình thành, phát triển lớn mạnh của lực lượng vũ trang và phong trào quần chúng cách mạng ở ba tỉnh Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa đóng vai trò quan trọng trong khởi nghĩa và bảo vệ, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân pháp (1945-1954).
Tài liệu tham khảo[sửa]
- Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Những sự kiện lịch sử đảng, tập 1(1920-1945), Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976.
- Bộ Tư lệnh quân khu 3, Chiến khu Quang Trung, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990.
- Ban nghiên cứu lịch sử quân đội thuộc Tổng cục Chính trị - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam, tập I, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
- Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 02, Hà Nội, 2004.
- Bộ Quốc phòng - Trung tâm Từ điển bách khoa quân sự, Từ điển bách khoa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004.